HỘI THẢO THỰC TIỄN GIẢNG DẠY MÔN NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀ KINH TẾ CHÍNH TRỊ MÁC - LÊNIN

     Bằng trí tuệ thiên tài và bản lĩnh cách mạng kiên cường, C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã sáng lập ra hệ tư tưởng khoa học và cách mạng – tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin.

Tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa những giá trị tư tưởng nhân loại, khái quát những thành tựu của khoa học và tổng kết thực tiễn của thời đại. Nội dung tư tưởng được hợp thành bởi ba bộ phận: Triết học Mác – Lênin, kinh tế chính trị Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Nó bao gồm một nội dung rộng lớn với các khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật của sự vận động và phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; những quy luật kinh tế xã hội của quá trình ra đời, phát triển và suy tàn cũng như bản chất của chủ nghĩa tư bản; những quy luật của cách mạng xã hội, sự dự báo bước chuyển biến lịch sử từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Với nội dung ấy, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành công cụ lý luận sắc bén giúp loài người tìm được con đường giải phóng bản thân mình và vươn tới những giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả.

     Tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời, tồn tại và phát triển không tách rời sự phát triển của văn hóa và nền văn minh nhân loại. Việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin là nhằm được tiếp cận với những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, qua đó xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, hình thành niềm tin, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, phát triển tri thức có tính trí tuệ cao. Đó chính là nhu cầu văn hóa khách quan của con người.

     Trước thực tiễn đổi mới của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, quán triệt đường lối về đổi mới công tác tư tưởng, lý luận của Đảng và chủ trương cải cách công tác giảng dạy, học tập bậc đại học và cao đẳng nói chung, Bộ Giaó dục và Đào tạo đã ban hành chương trình mới, đó là gộp ba môn: Triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học thành môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ năm 2009 – 2010, môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin chính thức được đưa vào giảng dạy cho sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng, trong đó có trường đại học Tây Bắc. Cùng với đó, trong xu thế đổi mới đào tạo, trường Đại học Tây Bắc đã chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ. Sau 5 năm thực hiện chương trình giảng dạy những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin cho thấy, sự đổi mới đó đã góp phần khắc phục những chỗ trùng lặp trong nội dung của ba môn học đã nêu trên, kết cấu của chương trình môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin khá ngắn gọn nhưng về chi tiết thì hầu như không gọn hơn so với chương trình cũ, bởi tất cả các nguyên lý, khái niệm, phạm trù, quy luật trong ba môn học cũ đều được đề cập đến nhưng thời lượng thì được rút ngắn một cách tuyệt đối. Điều này đã gây khó khăn cho việc truyền đạt nội dung khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, việc tiếp thu tri thức và hình thành thế giới quan khoa học, cách mạng ở sinh viên. Việc bỏ bớt một số nội dung trong chương trình môn học dẫn đến việc không thấy hết được tình khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng thời chương trình môn học được giảng cho tất cả các sinh viên tại các hệ cao đẳng và đại học trong trường thuộc khối không chuyên ngành chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng ở đó lại có sự khác biệt giữa sinh viên khoa học xã hội và sinh viên khoa học tự nhiên…

     Thực tế giảng dạy môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời gian qua ở trường Đại học Tây Bắc cho thấy đã và đang đặt ra những vấn đề đòi hỏi cần phải được nhận thức một cách đúng đắn và sát thực để từ đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn học.

     Buổi hội thảo ngày 05 tháng 04 năm 2014 là buổi sinh hoạt mang tính chuyên môn, trao đổi học thuật để qua đó tất cả các giảng viên đã và đang tham gia giảng dạy môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về những ưu điểm và hạn chế trong quá trình giảng dạy một cách chi tiết và cụ thể từ nhiều phương diện khác nhau, qua đó rút ra được những kinh nghiệm thiết thực và bổ ích nhằm không ngừng nâng cao chất lượng môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin ở trường Đại học Tây Bắc.