MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC CÁC MÔN CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC CHO SINH VIÊN KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

 

                                                                                           TS. Lê Thị Vân Anh

Nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng là một yêu cầu vừa cấp bách và lâu dài đối với sinh viên khoa Lý luận chính trị. Để góp phần nâng cao chất lượng dạy học các môn chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học ở Đại học Tây Bắc cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

1. Bám sát đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát, vận dụng của chủ nghĩa xã hội khoa học

Chủ nghĩa Mác-Lênin gồm có 3 bộ phận hợp thành: triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Mỗi bộ phận là một khoa học tương đối độc lập, có đối tượng nghiên cứu riêng, có hệ thống phạm trù, quy luật riêng. Triết học Mác-Lênin và kinh tế chính trị Mác-Lênin là cơ sở lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa xã hội khoa học là những quy luật và tính quy luật chính trị-xã hội của quá trình phát sinh, hình thành và phát triển của hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa; những nguyên tắc cơ bản, những điều kiện, con đường, hình thức và phương pháp đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân để thực hiện quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Vậy nên, giảng viên cần nhận thức và làm rõ tính sáng tạo và biện chứng, tính cách mạng và khoa học ngay trong đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa xã hội khoa học bởi đó chính là giá trị và sức sống của khoa học này.

2. Thiết kế bài giảng phù hợp với đối tượng

Năm 2004 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành giáo trình quốc gia và đề cương bài giảng môn chủ nghĩa xã hội khoa học, tái bản có sửa chữa, bổ sung lần vào năm 2005, 2006. So với giáo trình cũ trước đây, giáo trình mới hiện nay có nhiều ưu điểm cả về kết cấu chương trình cũng như nội dung kiến thức, bảo đảm tính khoa học, tính thống nhất trong khung chương trình đào tạo. Tuy nhiên, thực tiễn giảng dạy những năm qua cho thấy rằng, dù đã tái bản lần thứ hai nhưng giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là khối lượng kiến thức quá nhiều, nặng về lý luận, lý thuyết. Một số chương, mục kết cấu chưa rõ ràng, nội dung còn dàn trải, trùng lặp. Phần lớn nội dung của giáo trình mang tính áp đặt, đem lại cho người học sự thừa nhận một cách xuôi chiều, tính thực tiễn và tính phê phán còn ít. Kết cấu nội dung chương trình vẫn còn nhiều vấn đề thuộc loại “khó giảng”, “khó học”, chưa thực sự thuyết phục người học cả về lý luận và thực tiễn. Do vậy, để dạy tốt đòi hỏi giảng viên phải nghiên cứu giáo trình, tài liệu tham khảo kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của bản thân đểthiết kế bài giảng phù hợp với đối tượng sinh viên trường Đại học Tây Bắc.

3. Nghiên cứu và sử dụng hợp lí kinh điển

Nghiên cứu và sử dụng hợp lý kinh điển là một việc cần thiết, là yếu cầu bắt buộc đối với giảng viên các môn lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và môn chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng, nhất là đối với các giảng viên đang giảng dạy bộ môn này ở các lớp chuyên ngành.

Kinh điển là quan điểm “gốc” của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là những tác phẩm (bài nói, bài viết, thư,…) của C.Mác, Ph. Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã được in chính thức thành những tác phẩm riêng hoặc xuất bản theo bộ (Tuyển tập, Toàn tập). Nghiên cứu kinh điển giúp cho người giảng hiểu đúng thực chất, chính xác các quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là cơ sở lý luận tin cậy nhất trong quá trình nghiên cứu, biên soạn bài giảng. Sử dụng hợp lí kinh điển sẽ nâng cao chất lượng bài giảng, đem lại sự hấp dẫn và niềm tin cho người học. Khó có thể giảng được sâu sắc về lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa, về sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học nếu người giảng không đọc, không nghiên cứu các tác phẩm: “Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tường đến khoa học” (Ph.Ăngghen), “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác”( V.I.Lênin). Khó có thể trình bày đúng về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân nếu như người giảng không nghiên cứu “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”(C.Mác và Ph.Ăngghen). Để hiểu đúng những vấn đề lý luận đang còn có nhiều ý kiến khác nhau như về sự phân kỳ hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa, người giảng cần đọc “Phê phán Cương lĩnh Gôta” (C.Mác), “Nhà nước và cách mạng” (V.I.Lênin) …

Sử dụng hợp lý kinh điển trước hết là hiểu đúng kinh điển và trích dẫn đúng chỗ, phù hợp với vấn đề. Khi cần nhấn mạnh một vấn đề, một nội dung nào đó thì cần thiết phải sử dụng kinh điển. Những câu trích kinh điển có chiều sâu sẽ giúp cho người học hiểu rõ, nắm vững hơn nội dung bài giảng.

4. Cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của sinh viên

Hiện nay, dù đã chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ nhưng phương pháp giảng dạy các môn lý luận Mác-Lênin nói chung và môn chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng ở Đại học Tây Bắc chủ yếu vẫn là thuyết trình, độc thoại trên lớp. Đây là phương pháp truyền thống, đã trở nên quen thuộc đối với hầu hết các giảng viên vì những ưu điểm của nó. Tuy nhiên, để khắc phục hạn chế của phương pháp này đòi hỏi giảng viên phải kết hợp với các phương pháp khác nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thực của sinh viên. Trong đó, nên kết hợp phương pháp thuyết trình với nêu vấn đề, vấn đáp và đối thoại. Sự kết hợp này cùng một lúc phát huy được những ưu điểm và khắc phục được những hạn chế của từng phương pháp, hạn chế tính thụ động, ỷ lại trong việc tiếp thu kiến thức của sinh viên, buộc người học phải tập trung vào bài giảng, phải suy nghĩ, đóng góp ý kiến xây dựng bài học. Sự kết hợp này đòi hỏi cả thầy và trò phải nỗ lực cao, phải đầu tư nhiều thời gian và công sức cho bài học. Ngoài ra, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên tự học (hướng dẫn cách ghi chép, đọc tài liệu, chuẩn bị nội dung Seminar…).

5. Chú ý liên hệ với thực tiễn trong nước và quốc tế, với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong từng bài giảng, giảng viên cần chú ý liên hệ với thực tiễn trong nước và quốc tế, với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Có thực tiễn minh họa bài giảng sẽ hay hơn và sinh động hơn, người học sẽ tiếp thu nhanh và dễ hiểu bài. Tuy nhiên, không phải tất cả các nội dung trong bài giảng đều có ví dụ thực tế, mà phải tuỳ thuộc vào từng vấn đề cụ thể. Với những nội dung quan trọng, cần thiết phải làm rõ hay muốn tăng thêm tính thuyết phục cho người học dễ hiểu thì giảng viên phải chú ý liên hệ thực tiễn. Các sự kiện thực tế đưa vào bài giảng phải có thực, có ý nghĩa, mang tính điển hình, tính thời sự và phải có sự phân tích, lý giải ở những mức độ nhất định để bảo đảm sự thống nhất, sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn.

Trên đây là một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy học các môn chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung. Để thực hiện tốt các giải pháp trên, tôi xin kiến nghị một số vấn đề như sau:                 

Một là, giảng viên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình hơn nữa trong quá trình dạy học. Bởi vì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: một tấm gương sống có giá trị hơn gấp trăm lần bài diễn văn tuyên truyền. Chính từ tấm gương của thầy cô các em sẽ ấp ủ để mai này tiếp tục ươm mầm cho thế hệ tương lai.

Hai là, tích cực trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Ba là, vận dụng hợp lý các phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo các phương tiện dạy học góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Bốn là, quan tâm nhiều hơn đến sinh viên, tạo điều kiện cho các em có cơ hội rèn luyện, thử sức, tham gia nhiều sân chơi có ích cho rèn luyện nghiệp vụ. Đó cũng là một tiêu chí phục vụ quá trình đổi mới giáo dục hiện nay.