ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN QUAN ĐIỂM DUY VẬT VỀ LỊCH SỬ

 

Người viết: Đào Thị Thúy Loan

Phân kỳ lịch sử triết học cho phép có thể hiểu biết lịch sử triết học không chỉ như là một quá trình biến đổi, phát triển liên tục, mà còn là quá trình bao gồm những sự đứt đoạn làm thành các giai đoạn riêng, trong đó mỗi giai đoạn được đặc trưng bằng một chất lượng phát triển mới mà các giai đoạn khác không thể thay thế. Sự phân chia chính xác các giai đoạn của lịch sử triết học sẽ góp phần quan trọng để hiểu biết đúng đắn nội dung và ý nghĩa lịch sử của mỗi giai đoạn, cũng như toàn bộ lịch sử triết học đối với thực tiễn và nhận thức của loài người. Tuy nhiên, lịch sử triết học là một quá trình nhiều mặt. Ngay trong mỗi giai đoạn riêng của nó cũng có thể bao gồm nhiều học thuyết, quan điểm khác nhau và mỗi học thuyết, quan điểm đó đều có lịch sử của nó. Do vây, cần phải áp dụng một cách toàn diện, cụ thể quan điểm phân kỳ trong nghiên cứu, có nghĩa là phải chỉ ra một cách chính xác, rõ ràng đặc điểm của các giai đoạn hợp thành lịch sử của từng quan điểm, học thuyết triết học riêng biệt đó.

Lịch sử triết học Mác – Lênin là một giai đoạn của lịch sử triết học nhân loại nói chung. Nó cũng là một quá trình nhiều mặt. Vì vậy, có thể phân kỳ toàn bộ quá trình hình thành, phát triển triết học Mác – Lênin như chúng ta đã được thấy trong các giáo trình lịch sử triết học Mác – Lênin, cũng có thể phân theo các nội dung cơ bản như: lịch sử của phép biện chứng duy vật, lịch sử về quan niệm duy vật về lịch sử, thậm chí lịch sử của từng phạm trù, nguyên lý, quan điểm riêng biệt của nó. Bài viết này nhằm chỉ ra đặc điểm của các giai đoạn hình thành, phát triển quan niệm duy vật về lịch sử dựa trên việc áp dụng quan điểm phân kỳ nói trên.

Có thể nói, cho đến nay chưa có tác phẩm nào thể hiện rõ việc nghiên cứu một cách độc lập lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử.Thông thường, lịch sử của quan niệm này được trình bày đồng thời với lịch sử triết học Mác – Lênin nói chung. Do đó, sự phân chia các giai đoạn trong lịch sử của quan niệm này thường được đồng nhất với các giai đoạn lịch sử triết học Mác – Lênin về cả nội dung lẫn hình thức. Hơn nữa, đặc điểm của mỗi giai đoạn trong sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa duy vật lịch sử đã không thật sự làm nổi bật trong tương quan với toàn bộ lịch sử triết học Mác. Để khắc phục điều đó, phải áp dụng cụ thể quan điểm phân kỳ trong nghiên cứu độc lập lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử, phải căn cứ vào những mối liên hệ bên trong và sự phát triển logic của nó, tức là quá trình hình thành, phát triển nội dung khoa học của nó. Đó là quá trình đã được tách ra một cách tương đối các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội đương thời và lịch sử của chủ nghĩa Mác, cũng như triết học Mác nói chung; chỉ còn là tiến trình hình thành, phát triển của các tư tưởng, khái niệm, phạm trù, quy luật, nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử và hệ thống của chúng. Theo cách tiếp cận đó, lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử được phân chia thành 3 giai đoạn chính: 1. Thời kỳ hình thành những tư tưởng khoa học về lịch sử; 2. Sự ra đời của quan niệm duy vật về lịch sử; 3. Quá trình phát triển của quan niệm duy vật về lịch sử. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ nêu ra những đặc điểm chính của mỗi giai đoạn nói trên.

Giai đoạn thứ nhất: Thời kỳ hình thành những tư tưởng khoa học về  lịch sử khoảng từ năm 1842 đến năm 1845. Đây là giai đoạn đánh dấu bước chuyển của Mác từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa, thể hiện qua tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen” và “ Lời nói đầu” của tác phẩm này. Năm 1845 đánh dấu bằng việc Mác và Ănghen đã chuẩn bị xong các tiền đề tư tưởng để xây dựng một cách có hệ thống quan niệm duy vật về lịch sử. Điều này thể hiện rõ ở sự ra đời “Luận cương Phoiơbắc” – tác phẩm được Ănghen coi là nơi chứa đựng “mầm mống thiên tài của một thế giới quan mới”. Trong giai đoạn này còn có tác phẩm tiêu biểu khác thể hiện quá trình hình thành những tư tưởng khoa học về lịch sử như “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”, “Gia đình thần thánh”.

Nói chung, mốc thời gian được xác định ở trên không có gì khác so với những cách phân chia thông thường trong sách giáo khoa về lịch sử triết học Mác – Lênin. Nhưng cách phân chia đó khi được áp dụng đối với lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử tôi nhận thấy nét đặc trưng của giai đoạn này chính là sự hình thành những tư tưởng khoa học về lịch sử. Trong giai đoạn này, quan điểm duy vật về lịch sử chưa xuất hiện dưới hình thức các phạm trù, khái niệm, quy luật về lịch sử và hệ thống của chúng. Đây mới chỉ là sự đề xuất, phác họa những điểm cơ bản, quan  trọng nào đó thuộc nội dung các phạm trù, khái niệm, quy luật và cả tính hệ thống của chúng, thể hiện ở nhiều luận điểm khác nhau về con người, xã hội, kết cấu xã hội, lao động sản xuất, mối quan hệ giữa xã hội và tự nhiên, quá trình phát triển xã hội…Tuy nhiên, những luận điểm đó mang tính khoa học, vì chúng đã quán triệt quan điểm duy vật biện chứng trong việc nhận thức các hiện tượng, quá trình lịch sử, do đó chúng phản ánh khá chính xác những mặt, những mối liên hệ nhất định của đời sống xã hội. Tính tư tưởng của các luận điểm đó thể hiện ở chỗ, chúng chứa đựng khuynh hướng, khả năng tất yếu chuyển thành các khái niệm, phạm trù, quy luật, nguyên lý về lịch sử và hệ thống của chúng; ở chỗ chúng đóng vai trò tiền đề, cương lĩnh cho việc xây dựng học thuyết khoa học về lịch sử. Thiếu sự chuẩn bị những tư tưởng đó thì không thể có các khái niệm, phạm trù, quy luật triết học về lịch sử, cũng như toàn bộ hệ thống quan điểm duy vật về lịch sử.

Giai đoạn thứ hai: Sự ra đời của quan niệm duy vật về lịch sử. Mốc thời gian của nó được xác định là vào khoảng từ năm 1845 đến 1848. Những tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn này là “Hệ tư tưởng Đức” (chủ yếu là chương 1), “Bức thư Mác gửi V.Annencốp, ngày 28 tháng Chạp năm 1846”, “Sự khốn cùng của triết học”, “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”.

Trong “Hệ tư tưởng Đức”, lần đầu tiên Mác và Ănghen đã trình bày nội dung cơ bản hầu hết các khái niệm, phạm trù, quy luật và nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử một cách có hệ thống. Điều đó cho thấy quan niệm duy vật về lịch sử đã ra đời. Luận điểm của Ănghen trong “Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất” cuốn “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” đã xác nhận điều đó. Nhưng trong tác phẩm này vẫn còn những khái niệm, quy luật, quan điểm chưa được trình bày thật rõ ràng, đày đủ về nội dung cũng như hình thức thể hiện chúng. Trong “Bức thư gửi V.Annencốp, Mác đã trình bày rõ ràng, chính diện hơn khái niệm hình thái kinh tế - xã hội và trình bày sâu sắc hơn quan điểm của ông về xu thế chung, tất yếu của lịch sử. Với tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học” Mác đã vạch ra đặc trưng cơ bản nhất của phương thức sản xuất là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, được biểu hiện ở công cụ lao động và dùng từ “quan hệ sản xuất” thay cho “hình thức giao tiếp” để chỉ quan hệ sản xuất. Đặc biệt, trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” Mác và Ănghen đã trình bày sâu sắc, toàn diện nội dung học thuyết khoa học về giai cấp để luận chứng cho tính tất yếu của cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản; tính tất yếu khách quan của cách mạng vô sản. Có thể coi “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” là tác phẩm đánh dấu sự hoàn thành quá trình ra đời của chủ nghĩa duy vật  lịch sử, vì trong đó, quan niệm duy vật về lịch sử đã được kết tinh lại trong học thuyết về giai cấp, về đấu tranh giai cấp và thực sự trở thành cơ sở lý luận, phương pháp luận khoa học cho việc đề xuất những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, xác lập những nguyên tắc cơ bản cho việc nghiên cứu kinh tế, chính trị học sau này. Hơn nữa, nó còn chứng tỏ rằng, quan niệm duy vật về lịch sử đã có thể áp dụng vào việc tổ chức thực hiện cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, trước hết là thành lập Đảng cộng sản, đội tiên phong chiến đấu của nó.

Giai đoạn thứ ba: Thời gian từ năm 1848 đến năm 1924 là giai đoạn phát triển của quan niệm duy vật về lịch sử. Quá trình này được thể hiện ở một loạt các tác phẩm tiêu biểu của Mác, Ănghen và Lênin. Từ khoảng 1850 cho đến cuối đời, Mác đã giành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu kinh tế chính trị học. Sự ra đời của “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị” đặc biệt là bộ “Tư bản” đã chứng minh chi tính khoa học của quan niệm duy vật về lịch sử, nhất là của học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội. Lênin cho rằng với tác phẩm “Tư bản”, quan điểm duy vật về lịch sử đã từ một giả thuyết “trở thành một lý luận được kiểm nghiệm một cách khoa học”. Thành công của Mác trong việc nghiên cứu kinh tế chính trị học đã làm cơ sở cho việc rút ra những kết luận khoa học về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và khả năng thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội. Ănghen và Lênin đã đem quan niệm duy vật về lịch sử và những kết quả nghiên cứu kinh tế chính trị học của Mác vào việc xây dựng, phát triển hoàn chỉnh hơn nội dung của chủ nghĩa xã hội khoa học. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sự ra đời của chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở nước Nga, xét về mặt lý luận, trước hết là thắng lợi của chủ nghĩa duy vật lịch sử, của một học thuyết triết học khoa học về lịch sử - “thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”.

Trong khi vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử vào kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học và việc tổ chức cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nó cả về nội dung những phạm trù, quy luật, quan điểm nhất định cũng như tính hệ thống của nó. Đó là sự trình bày một cách cô đọng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội trong “Lời tựa” của “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị”, là việc trình bày quan điểm của thời kỳ quá độ giữa các hình thái kinh tế xã hội trong “Phê phán cương lĩnh Gôtha”. Trong “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” bằng những tài liệu nghiên cứu về thời tiền sử của loài người, Ănghen đã chứng minh cho sự tồn tại của giai đoạn đầu tiên – hình thái xã hội ban đầu của xã hội loài người. Lênin đã bổ sung và làm sáng tỏ hơn mặt nhận thức luận của khái niệm hình thái kinh tế - xã hội với tư cách là quá trình lịch sử tự nhiên, nội dung học thuyết về nhà nước và cách mạng…và những nội dung khác của chủ nghĩa duy vật lịch sử trong một loạt tác phẩm của ông, tiêu biểu như: “Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao”, “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác”, “Nhà nước và cạch mạng”…

Như vậy, có thể thấy những đặc trưng nổi bật của quá trình phát triển của quan niệm duy vật về lịch sử chính là ở chỗ, nó được vận dụng và vận dụng thành công trong các khoa học lý luận khác của chủ nghĩa Mác – kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học và trong thực tiễn cách mạng của giai cấp công nhân. Không những thế, sự phát triển của chủ nghĩa duy vật lịch sử còn biểu hiện ở sự tự hoàn thiện của nó bằng việc bổ sung và làm phong phú hơn các nội dung khác nhau của nó. Những sự bổ sung và làm giàu thêm ấy cho thấy rằng, ngay cả khi quan niệm duy vật về lịch sử đã được vận dụng và vận dụng thành công cả trong nhận thức lẫn trong thực tiễn nó vẫn chưa phải là một học thuyết đã hoàn chỉnh, khi mà chính quá trình thực tiễn và nhận thức làm cơ sở, tiền đề cho nó luôn vận động và phát triển không ngừng.

Hơn bao giờ hết, nắm vững một cách có hệ thống triết học Mác và chủ nghĩa Mác, xây dựng một lối tư duy lý luận có hệ thống đang trở thành một đòi hỏi cấp bách trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Muốn đáp ứng đòi hỏi ấy, chúng ta không được phép hiểu một cách đại khái toàn bộ hệ thống lý luận Mác – Lênin, mà phải nghiên cứu để nắm vững, hiểu biết sâu sắc từng học thuyết, từng quan điểm riêng biệt của nó trong mối liên hệ mật thiết với nhau cả về mặt lịch sử cũng như nội dung khoa học của nó. Chính vì thế, việc nghiên cứu độc lập lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử là một trong những nhiệm vụ cần phải được thực hiện. Để góp phần hiểu biết chính xác, sâu sắc lịch sử đó, cần phải áp dụng một cách cụ thể quan điểm phân kỳ để xác định được những đặc điểm của các giai đoạn trong lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử, nhất là những đặc trưng cơ bản của nó.