NGUỒN GỐC LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NHÂN VĂN CỦA TẾT NGUYÊN ĐÁN (TẾT ÂM LỊCH) TẠI VIỆT NAM

 

 

Th.S Đào Văn Trưởng

 

Nhân dịp chào mừng Tết cổ truyền Đinh Dậu (2017) sắp tới của dân tộc, chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán (hay Tết âm lịch) tại Việt Nam. 

Nguồn gốc Tết Nguyên Đán Việt Nam.

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.

Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc.

Mặt khác, nước Việt Nam từ lâu đã hình thành một nền văn minh nông nghiệp, gắn liền với cây lúa. Do đó, gạo được coi là thứ quý giá nhất, là “hạt ngọc của trời”. Vì lẽ đó mà hằng năm, gạo được chọn làm nguyên liệu để làm bánh dùng trong việc thờ cúng tổ tiên hằng năm. Việc bánh chưng, bánh giầy ra đời từ thời Hùng Vương và trở thành món ăn truyền thống vào dịp Tết Nguyên Đán cũng là một minh chứng cho thấy văn hóa Tết của người Việt đã sớm được hình thành.

 

 

Tục nấu bánh chưng có từ lâu đời

 Ý nghĩa nhân văn Tết Nguyên Đán.

Về mặt chữ, tên gọi Tết Nguyên Đán được bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong tiếng Hán, chữ “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu, “Đán” là buổi sáng sớm, tức là buổi sáng khởi đầu của năm mới. Còn “Tết” lại được đọc chệch đi theo âm chữ Hán “tiết”, vì theo lịch Trung Hoa xưa chia một năm thành 24 tiết, và Nguyên Đán là tiết đầu tiên trong năm. Về sau, do sự phát triển của ngôn ngữ, từ “tiết” được Việt hóa thành “Tết”, và được gọi là Tết Nguyên Đán như bây giờ.

Tuy nhiên, xét về ngữ nghĩa, Tết Nguyên Đán Việt Nam không phải là Tết Nguyên Đán của Trung Quốc. Viện ngôn ngữ học Hà Nội đã chứng minh rằng: Tết Nguyên Đán Việt Nam được tính theo chu kì quay của mặt trăng (tức âm lịch), trong khi “Nguyên Đán tiết” của Trung Quốc lại được tính theo mặt trời (tức dương lịch). Vì vậy, thực chất ngày Tết của người Việt sẽ gần giống với Xuân Tiết của người Trung Hoa hơn.

Tết Nguyên Đán còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: Tết ta (tức là Tết của người Việt) hay Tết âm lịch (do Tết Việt được tính theo lịch âm). Một số nơi còn gọi là Tết Cả, do Tết Nguyên Đán là Tết đầu tiên trong năm, để phân biệt với các Tết khác như: Tết Khai Hàng, Tết Nguyên Tiêu, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu…

 

Hình ảnh xin chữ ngày tết, nét đẹp trong văn hóa Việt Nam

Ngày Tết đối với người dân Việt mang một ý nghĩa thiêng liêng, làm mới lại mọi việc. Đối với mỗi người dân Việt, Tết Nguyên Đán mang nhiều ý nghĩa niềm tin, biểu trưng cho ngày đoàn tụ, ngày làm mới, ngày tạ ơn và ngày của hi vọng.

Tết Nguyên Đán biểu hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh

Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết - do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông - có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính.

Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm "Ơn trời mưa nắng phải thì", người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời... người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.

 Tết Nguyên Đán là ngày đoàn viên của mọi gia đình    

Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,... được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. "Về quê ăn Tết", đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.       

 

Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò, bệnh nhân với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri...        

Tết Nguyên Đán là ngày “làm mới”    

Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Nếu năm cũ khá may mắn, thì sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.       

Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc.

Tết Nguyên Đán là ngày tạ ơn     

Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, lãnh đạo cũng cảm ơn nhân viên qua những buổi tiệc chiêu đãi hoặc quà thưởng để ăn Tết... 

          Trong không khí cả nước đang hân hoan chào đón Tết Đinh Dậu (2017), xin được gửi đến toàn thể các Thầy, Cô giáo, các bạn sinh viên cùng gia đình lời Chúc mừng năm mới, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong công việc và cuộc sống. Năm mới thắng lợi mới!