SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRONG DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ Bài đã đăng trên tạp chí Giáo dục và xã hội số tháng 9/2016

 

            ThS. Nguyễn Thị Hương

 

Tóm tắt: Môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường Trung học cơ sở (THCS) thực hiện nhiệm vụ quan trọng là giáo dục cho học sinh (HS) các chuẩn mực của xã hội đối với người công dân ở mức độ phù hợp với lứa tuổi; trên cơ sở đó góp phần hình thành những nhân cách của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thời đại. Có nhiều phương pháp dạy học để thực hiện nhiệm vụ đó, trong đó, phương pháp giải quyết vấn đề là một phương pháp rất cần thiết. Sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề một cách hợp lý sẽ không chỉ giúp cho bài học trở nên gần gũi, sinh động, dễ hiểu đối với HS mà còn tạo điều kiện phát triển các năng lực then chốt như tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, khả năng giao tiếp, năng lực hợp tác, khả năng ra quyết định, chủ động giải quyết một cách đúng đắn các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

Môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường Trung học cơ sở (THCS) nhằm giáo dục cho học sinh (HS) các chuẩn mực của xã hội đối với người công dân ở mức độ phù hợp với lứa tuổi; trên cơ sở đó góp phần hình thành những nhân cách của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thời đại. Quá trình dạy học môn GDCD là quá trình khai thác tiềm năng và phát triển tâm lực cho HS, phát triển tính tích cực nhận thức và năng lực tự hoàn thiện của HS. Trong quá trình đó giáo viên (GV) có thể sử dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, trong đó, phương pháp giải quyết vấn đề là một phương pháp rất cần thiết. Con người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên – lứa tuổi có những biến đổi mạnh cả về thể chất và tâm lý, luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, với những vấn đề, những tình huống đa dạng của cuộc sống. Phương pháp giải quyết vấn đề giúp HS phát triển tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết tích cực, hiệu quả đối với những khó khăn, thách thức của cuộc sống thực tiễn để có một cuộc sống có chất lượng, an toàn và lành mạnh.

1. Phương pháp giải quyết vấn đề

1.1. Bản chất: Giải quyết vấn đề là xem xét, phân tích những tình huống cụ thể thường gặp phải có trong đời sống hàng ngày và xác định cách giải quyết, xử lý vấn đề, tình huống đó một cách có hiệu quả.

1.2. Quy trình thực hiện

- Bước 1: Xác định, nhận dạng vấn đề: phân tích vấn đề, nhận biết vấn đề, trình bày vấn đề

- Bước 2: Tìm các phương án giải quyết: liệt kê các cách giải quyết có thể

- Bước 3: Quyết định phương án giải quyết vấn đề

+ Phân tích, đánh giá kết quả mỗi cách giải quyết (tích cực, hạn chế, cảm xúc, giá trị)

            + So sánh kết quả các cách giải quyết

            + Lựa chọn cách giải quyết tối ưu nhất

            + Thực hiện theo cách giải quyết đã lựa chọn

            + Rút kinh nghiệm cho việc giải quyết những vấn đề, tình huống khác.

1.3. Một số lưu ý khi sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề:

Các vấn đề, tình huống đưa ra để HS xử lý, giải quyết cần thỏa mãn các yêu cầu sau:

- Phù hợp với chủ đề, bài học GDCD.

- Phù hợp với trình độ nhận thức của HS.

- Vấn đề/ tình huống phải gần gũi với cuộc sống thực của HS.

- Vấn đề/ tình huống có thể diễn giải bằng kênh chữ hoặc kênh hình, hoặc kết hợp cả kênh chữ và kênh hình.

- Vấn đề/ tình huống cần phải có độ dài vừa phải.

- Vấn đề/ tình huống phải chứa đựng những mâu thuẫn cần giải quyết, gợi ra cho HS nhiều hướng suy nghĩ, nhiều cách giải quyết vấn đề.

Khi tổ chức cho HS giải quyết, xử lý vấn đề/ tình huống giáo viên cần chú ý:

- Các nhóm HS có thể giải quyết cùng một vấn đề/ tình huống hoặc các vấn đề/ tình huống khác nhau tùy theo mục đích của hoạt động.

- HS cần xác định rõ vấn đề trước khi đi vào giải quyết vấn đề.

- Cần sử dụng PP động não để HS liệt kê các cách giải quyết có thể có.

- Cách giải quyết tối ưu đối với mỗi HS có thể giống hoặc khác nhau.

Cùng với hệ thống tri thức lý luận về đạo đức, pháp luật có trong sách giáo khoa, tình huống có vấn đề nếu được sử dụng hiệu quả sẽ giúp hình thành ở HS niềm tin đạo đức và rèn luyện hành vi ứng xử phù hợp với các chuẩn mực của xã hội một cách tự giác. Đó cũng chính là mục tiêu của quá trình dạy môn GDCD ở trường THCS.

Bên cạnh rất nhiều ưu điểm thì phương pháp giải quyết vấn đề có một nhược điểm đó là mất nhiều thời gian vì vậy khi sử dụng phương pháp này GV cần phối hợp nhuần nhuyễn với các phương pháp khác để phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm đảm bảo tiến độ giờ dạy.

2. Tùy theo mỗi bài giảng, GV có thể linh động khai thác và sử dụng tình huống có vấn đề vào những thời điểm khác nhau trong tiến trình dạy học.

2.1. Sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề để mở đầu bài học

Mở đầu bài học là khâu đầu tiên của quá trình dạy học, là điểm khởi đầu cho quá trình truyền thụ và lĩnh hội tri thức bài học mới của GV và HS. Đây là bước quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lĩnh hội kiến thức của HS trong một giờ học, góp phần làm nên sự thành công của người GV. Hoạt động này giúp tạo cho HS tâm thế, định hướng tư duy, xác định yêu cầu đối với người học.

GV có thể sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề để thực hiện hoạt động này. GV lựa chọn tình huống có nội dung phù hợp với chủ đề bài học để thay cho lời mở bài. Từ nội dung tình huống, GV làm rõ chủ đề bài học bằng những câu hỏi có tính định hướng, chuẩn bị tâm thế tiếp nhận bài học mới cho HS.

Ví dụ khi dạy tiết 3 bài 3 “Tự trọng” GDCD lớp 7, GV có thể sử dụng tình huống sau để mở đầu bài học: Bạn An là một HS giỏi lớp 7. Trong mọi giờ kiểm tra An làm bài rất nhanh và đạt điểm cao. Nhưng trong giờ kiểm tra môn Địa hôm đó, An không làm được bài vì tối hôm trước mẹ An bị ốm An phải chăm sóc mẹ. Vậy mà trong giờ kiểm tra, An dứt khoát không mở sách vở, cũng không chép bài của bạn. Sau khi nộp bài An tự nhủ rằng giờ kiểm tra sau mình sẽ gỡ điểm. Từ tình huống này, GV có thể đặt ra một số câu hỏi gợi mở như sau để dẫn vào bài:

Theo em bạn An làm như thế có phải là tự kiêu, sĩ diện không?

Nếu em là bạn An, em sẽ làm gì trong trường hợp đó?

Bạn An có đáng để mọi người học tập không? Vì sao? An có đức tính gì?

Hay khi dạy tiết 10 bài 8 “Sống chan hòa với mọi người” GDCD lớp 6, GV có thể đưa ra tình huống sau: Có hai anh em, người em thì rất thân thiện, cởi mở, luôn gần gũi quan tâm đến mọi người xung quanh, còn người anh thì sống lạnh lùng, xa lánh mọi người chỉ biết bản thân mình, không quan tâm đến bất cứ ai, không giao tiếp với mọi người. Trong một lần xóm của hai anh em ở xảy ra một vụ hoả hoạn. Cả làng ai cũng tham gia giúp đỡ người em, còn người anh chẳng ai thèm để ý đến. Chỉ có người em là quan tâm đến người anh của mình, người anh thấy vậy trong lòng buồn lắm, hỏi người em: “Vì sao mọi người không ai giúp đỡ anh nhỉ?” Nếu là người em trong tình huống này thì em sẽ trả lời như thế nào?

Sau khi HS đưa ra các phương án của mình, GV nhận xét, bổ sung: Người anh trong câu chuyện này đã không sống chan hòa với mọi người, không vui vẻ, hòa hợp với mọi người xung quanh nên không được mọi người yêu mến giúp đỡ khi cần. Con người cần phải sống chan hòa với mọi người xung quanh mình. Vậy sống chan hòa với mọi người là gì? Sống chan hòa với mọi người có ý nghĩa như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu bài học hôm nay.

2.2. Sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề để minh họa nội dung tri thức bài học

Đây là hình thức thường được GV sử dụng, đặc biệt là khi giảng dạy các khái niệm, phạm trù có tính khái quát cao. Cùng với quá trình phân tích, lý giải tri thức bài học, GV có thể vận dụng những tình huống có vấn đề để làm rõ thêm nội dung tri thức của bài.

Khi dạy tiết 1 bài 1 “Tôn trọng lẽ phải” GDCD lớp 8, sau khi đưa ra khái niệm “Tôn trọng lẽ phải là công nhận, ủng hộ, tuân theo và bảo vệ những điều đúng đắn; biết điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo hướng tích cực; không chấp nhận và không làm những việc sai trái” để giúp HS hiểu rõ hơn khái niệm này GV có thể đặt các em vào tình huống sau:

            Mủi và Ý đi chơi với nhau. Tình cờ Mủi nhặt được chiếc ví trong đó có rất nhiều tiền. Mủi nói sẽ đưa cho Ý một nửa số tiền nhặt được nhưng Ý phải giữ kín chuyện này. Yêu cầu HS trả lời câu hỏi “Nếu em là Ý trong trường hợp này, em sẽ làm gì?”

Sau khi suy nghĩ, phân tích kĩ vấn đề HS sẽ đưa ra cách giải quyết đó là Khuyên Mủi trả lại ví cho người đánh mất. GV khẳng định việc làm đó là biết điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo hướng tích cực; không chấp nhận và không làm những việc sai trái hay chính là tôn trọng lẽ phải.

Hay khi dạy tiết 3 bài 3 “Tôn trọng người khác” GDCD lớp 8, sau khi phân tích khái niệm “Tôn trọng người khác là sự đánh giá đúng mức, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người khác, thể hiện lối sống có văn hóa của mỗi người.” GV có thể đưa ra tình huống có vấn đề như sau:

Vì thấy Long nhà nghèo, ngoài giờ học còn phải đi bán báo kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nên bố mẹ Nga đã không cho Nga chơi với Long. Mặc dù Nga rất quý mến Long nhưng để làm không phật ý cha mẹ Nga đã không chơi với Long. GVyêu cầu HS thảo luận nhóm đôi để trả lời câu hỏi “Nga có phải là người tôn trọng người khác (tôn trọng cha mẹ) không? Vì sao?”

HS sẽ có em cho rằng Nga là người đã tôn trọng người khác (cha mẹ Nga) vì em đã làm theo lời dạy của cha mẹ. Nhưng cũng có em nói rằng Nga làm như vậy chưa đúng vì Nga đã không giải thích cho cha mẹ hiểu rằng Long vì hoàn cảnh gia đình kho khăn nên mới phải đi bán báo kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Sau khi HS đã trình bày cách giải quyết vấn đề của mình thì GV bổ sung, giải thích trong trường hợp này Nga cần lắng nghe ý kiến của cha mẹ nhưng cũng cần giải thích cho cha mẹ hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình Long để cha mẹ Nga nhận ra Long là một cậu bé chăm ngoan, hiếu thảo đáng để làm gương cho con mình học tập và đó có thể là một người bạn tốt của con. Qua giải quyết tình huống này các em nhận ra một điều đó là tôn trọng người khác không có nghĩa là đồng tình, ủng hộ, lắng nghe mà không có sự phê phán, đấu tranh.

Hoặc khi dạy tiết 28 bài 16 “Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm” sau khi GV đề cập đến quy định của pháp luật “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai được xâm phạm đến thân thể của người khác. Việc bắt giữ người phải theo đúng quy định của pháp luật. Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Điều đó có nghĩa là mọi người phải tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác. Mọi việc làm xâm hại đến tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác đều bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc”. Để HS có thể hiểu sâu hơn nội dung đơn vị kiến thức này, GV có thể đưa ra tình huống sau: “Sơn và Thủy là học sinh lớp 6B ngồi cạnh nhau. Một hôm, Sơn bị mất chiếc bút máy rất đẹp vừa mua. Tìm mãi không thấy, Sơn đổ tội cho Thuỷ lấy cắp. Thuỷ và Sơn to tiếng, tức quá Thuỷ đã xông vào đánh Sơn chảy cả máu mũi”. GV chia lớp thành 4 nhóm yêu cầu HS thảo luận: Nhóm 1: Nhận xét cách ứng xử của hai bạn? Nhóm 2: Nếu là một trong hai bạn, em sẽ xử sự như thế nào? Nhóm 3: Nếu là bạn cùng lớp của Sơn và Thuỷ thì em sẽ làm gì? Nhóm 4: Hậu quả mà hai bạn phải gánh chịu là gì?

Sau khi thảo luận, HS trình bày các cách giải quyết vấn đề khác nhau, GV nhận xét, bổ sung và khẳng định: Sơn sai. Vì chưa có chứng cứ đã khẳng định Thủy ăn trộm. Như vậy Sơn đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của Thủy. Thủy sai. Vì không khéo léo giải quyết mà đánh Sơn chảy máu mũi. Thủy đã xâm hại bất hợp pháp đến thân thể Sơn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của Sơn. Nếu là một trong hai bạn em cần bình tĩnh báo lại sự việc với giáo viên chủ nhiệm để giải quyết. Nếu là bạn cùng lớp của Sơn và Thủy em cần can ngăn 2 bạn hoặc đi báo với giáo viên chủ nhiệm. Hậu quả mà hai bạn phải gánh chịu là2 bạn sẽ bị chịu hình thức kỷ luật do Hội đồng kỷ luật của nhà trường đưa ra.

2.3. Sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề để củng cố nội dung bài học

Đây là hoạt động quan trọng tiếp sau hoạt động phát triển chủ đề. Sau khi kết thúc đơn vị kiến thức cuối cùng của bài học, GV đưa ra một tình huống có vấn đề có nội dung phù hợp với nội dung bài học, đặc biệt là những kiến thức trọng tâm của bài học. Lúc đó, tình huống sẽ trở thành một nhân tố hỗ trợ cho GV tổ chức hoạt động củng cố. GV có thể yêu cầu HS vận dụng những tri thức vừa mới được học để giải quyết vấn đề hoặc đề nghị HS rút ra những bài học cho bản thân trong quá trình giải quyết vấn đề liên hệ với trách nhiệm bản thân.

   Ví dụ: Khi dạy bài 13 “Phòng chống tệ nạn XH” GDCD lớp 8, để giúp HS biết lựa chọn cách giải quyết phù hợp trong những tình huống bị rủ rê, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn XH, GV có thể tổ chức cho HS thảo luận nhóm để xử lý các tình huống sau:

            Tình huống 1: Hoàng chót dùng tiền mẹ cho đóng học phí để chơi điện tử. Trong khi em đang lo lắng không biết làm thế nào thì bà hàng nước ở gần nhà đưa Hoàng một gói nhỏ, nhờ mang đến giao cho một người khác và hứa sẽ cho Hoàng nhiều tiền.

            Theo em, Hoàng có những sự lựa chọn nào trong tình huống đó? Nếu em là Hoàng, em sẽ chọn cách nào? Vì sao?

            Tình huống 2: Trên đường đi học về Hằng thường bị một người đàn ông lạ mặt bám theo. Ông ta làm quen với Hằng, rủ Hằng đi chơi với ông ta và hứa sẽ cho Hằng nhiều tiền, nhiều món quà mà Hằng thích. Theo em Hằng có thể có những cách giải quyết nào? Cách giải quyết nào là phù hợp hơn cả? Vì sao?

            GV yêu cầu HS nêu lên những cách giải quyết vấn đề. GV phân tích các ưu, nhược điểm của các giải pháp và lựa chọn giải pháp tốt nhất.

Tóm lại, sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề thông qua việc GV nêu lên một vấn đề có những mâu thuẫn của các hiện tượng đạo đức hay pháp luật, GV giúp HS thảo luận, tranh luận, phân tích bản chất của vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra giải pháp, biện pháp giải quyết mâu thuẫn của vấn đề đặt ra sẽ giúp cho HS tiếp thu bài học một cách tích cực, chủ động và hứng thú hơn. Phương pháp giải quyết vấn đề nếu được sử dụng một cách hợp lý sẽ không chỉ tạo điều kiện phát triển các năng lực then chốt như tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, khả năng giao tiếp, năng lực hợp tác, khả năng ra quyết định, giúp cho bài học trở nên gần gũi, sinh động, dễ hiểu đối với HS mà còn giúp cho các em giải quyết các tình huống trong cuộc sống thực sau này một cách chủ động, tự tin và đúng đắn.

Tài liệu tham khảo

1. Hà Nhật Thăng (tổng chủ biên) (2016), Giáo dục công dân lớp 6, NXB Giáo dục.

2. Hà Nhật Thăng (tổng chủ biên) (2016), Giáo dục công dân lớp 7, NXB Giáo dục.

3. Hà Nhật Thăng (tổng chủ biên) (2016), Giáo dục công dân lớp 8, NXB Giáo dục.

 

4. Lưu Thu Thủy-Lê Thị Lý-Nguyễn Thị Thanh Mai (2008), Phương pháp dạy học Giáo dục công dân ở trung học cơ sở, NXB Đại học Sư phạm.