MỘT SỐ KỸ NĂNG CẦN THIẾT KHI ĐỨNG LỚP

 

                                                                                                           Giáp Thị Dịu

                                                                                      Bộ môn lý luận và phương pháp giảng dạy

Như chúng ta đã thấy có thể có những trường hợp phải thuyết trình, báo cáo chuyên đề, chia sẻ kiến thức hoặc kinh nghiệm ở một chuyên ngành nào đó, thuyết giả (người nói trước cộng đồng) không cần thiết phải là một nhà mô phạm. Nhưng nếu phải đứng lớp để truyền thụ kiến thức cho một tập thể mang tính chất lớp học, khoá học, thì tất nhiên người phụ trách đã đứng ở cương vị một người thầy. Mà một người thầy, có thể nói rằng mình không biết gì hoặc không cần đến sư phạm hay không? Cho nên, nói đến người thầy, điều tất yếu là phải nói đến sư phạm, cũng tức là nói đến những quy tắc, những phạm trù trong nghề thầy (dậy học) vậy. Nói khác hơn, đó chính là những kỹ thuật chuyên môn giúp người thầy đứng lớp đạt hiệu quả cao. Chính vì thế, người thầy khi đứng lớp, nên tự vấn chính mình: mình sẽ phải làm gì và phải làm ra sao? Qua thực tiễn giảng dạy của bản thân, tôi nhận thấy người thầy khi lên lớp cần thực hiện 3 bước cơ bản sau: chuẩn bị; đứng lớp; rút kinh nghiệm.

1.       Chuẩn bị

Trước hết, người thầy phải ý thức được rằng, mình được giao và thực hiện nhiệm vụ quan trọng là người truyền tải kiến thức cho người học vậy phải làm sao để thực hiện nhiệm vụ đó với một kết quả cao nhất thì trước hết người thầy phải biết mài giũa, trau dồi khí cụ cho thật sắc bén.

1.1. Trau dồi kiến thức: Trong quá trình lên lớp người thầy cần tự tin vào khả năng và kiến thức của bản thân, nhưng biển học mênh mông vô tận, không ai có thể cho là mình đã học đủ, biết đủ. Chính vì thế, việc trau dồi kiến thức phải là công việc hàng ngày, thường xuyên, cần phải có khả năng và luôn cố gắng làm cho mình càng có khả năng hơn nữa. Nói cách khác, “… mỗi người chúng ta vừa đồng thời là đích điểm, vừa là khởi điểm của việc huấn luyện, chúng ta càng tự huấn luyện tốt thì càng có khả năng để huấn luyện người khác tốt.

1.2. Trang bị tư liệu: Việc trau dồi kiến thức là việc trường kỳ, nhưng khi trực tiếp thực hiện giảng cho một lớp học cụ thể với một bài học cụ thể, thì việc phải làm ngay là đọc, tập trung suy nghĩ từng ý (chính + phụ) trong bài, truy nguyên những điển tích, những trích dẫn, những tiềm ẩn… để hiểu thật thấu đáo. Tiếp theo là tìm đọc những tài liệu, tư liệu tương đồng có trong những sách vở (cũng cần lưu ý là khi tham khảo để tìm kiếm tư liệu, chỉ nên sử dụng những sách vở, tài liệu, báo chí … đã được Bộ giáo dục lựa chọn)

 1.3. Soạn bài: Dù tự tin đến đâu, cũng không ai mà lên lớp lại không soạn bài - soạn giáo án (giáo án chính là kế hoạch lên lớp của giáo viên cho một bài dạy (tiết giảng)… Đó cũng chính là sự tự trọng - kể cả sự tôn trọng học sinh nữa - điều này rất cần thiết của một giáo viên khi đứng lớp.

Để soạn giảng một bài có chất lượng giáo viên cần lập dàn ý, lược ra giấy xem trong bài đó có bao nhiêu ý, sẽ trình bày theo thứ tự nào, ý nào có thể lướt nhanh, ý nào cần đào sâu, ý nào cần minh họa bằng dẫn chứng cụ thể, ý nào cần liên hệ thực tiễn…. Phần lớn những người lần đầu tiên đứng trước một tập thể, đều có chung những lo âu nhất định. Tuy nhiên, với bước chuẩn bị kỹ càng như nêu trên, cũng đã một phần không nhỏ giúp người giáo viên tự tin hơn, đứng lớp chững chạc hơn, và chắc chắn kết quả khả quan hơn.

2. Đứng lớp

 2.1. Tìm hiểu lớp học: Như trên đã nói, một giáo viên phụ trách giảng dạy cho một lớp học mà học sinh đa dạng về trình độ nhận thức, đa dạng về tâm sinh lý nên khi tìm hiểu đối tượng sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn thế giáo viên phải biết được hoàn cảnh địa dư, ngôn ngữ, phong tục, tập quán … của từng vùng, miền, từng địa phương nơi mình phụ trách lớp học (đây chính là tính cách ‘hội nhập văn hoá’ - đặc trưng của công tác truyền thụ, truyền thông). Cũng cần phải biết được tỷ lệ giới tính (nam nhiều hơn hay nữ nhiều hơn), trình độ tiếp thu (nông thôn khác thành thị, miền xuôi khác vùng cao …). Câu nói “anh hãy cho những cái mà họ cần, đừng cho những cái mà anh thích” và “cách cho quý hơn của cho”, rất đúng và rất cần cho giáo viên trong trường hợp này.

      2.2. Tư thế và tác phong: Những điều cần thiết cho một giáo viên khi đứng trên bục giảng:

       - Dáng vẻ bề ngoài: “Nhìn trang phục biết tư cách”, một giáo viên - tức là một người thầy - không nên ăn mặc luộm thuộm, lôi thôi, hoặc loè loẹt, kiểu cách quá. Học sinh ở lần gặp đầu tiên, thấy giáo viên ăn mặc chỉnh tề, dáng dấp đĩnh đạc, tự nhiên thấy nẩy sinh trong lòng một cảm tình đặc biệt. Đó cũng là một cách thuyết phục của giáo viên đối với người học, lớp học vậy.

      - Cử chỉ đi đứng: Chuyện đi đứng của giáo viên trên lớp có vai trò quan trọng không kém nội dung bài giảng. Tư thế và vị trí của thầy cô khi đứng lớp có tác động rất lớn đến học sinh. Khi lên lớp giáo viên cần có cử chỉ hoà nhã, đi đứng khoan thai, không hấp tấp vội vàng, cũng không e dè khúm núm, lại càng không nên có thái độ huyênh hoang, hách dịch. Trong giảng dạy nhiều khi đây là chìa khóa giúp thầy cô giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến bài học một cách đơn giản và hiệu quả.    

      - Thái độ ứng xử: Một người tự trau dồi cho mình kiến thức rộng, có phương pháp sư phạm cao, được kể là một giáo viên giỏi, nhưng chưa đủ, mà còn phải là một giáo viên có đức độ, biết khiêm nhu tự hạ, niềm nở thân mật. Khi đứng lớp, cần giữ tư thế đứng nhiều hơn là ngồi, nếu có thể, nên đi tới gần bàn học sinh để tạo sự hòa đồng.

    - Thảo luận, biện giải, giải đáp thắc mắc: Trong tiết học, giáo viên có thể sử dụng nhiều phương cách truyền đạt. Tuy nhiên, vẫn rất cần có một khoảng thời gian dành cho thảo luận, đóng góp ý kiến, nêu thắc mắc… Đây chính là dịp để giáo viên hiểu thêm về lớp học (biết người), rút kinh nghịêm cho bản thân (biết mình). Nếu gặp những vấn đề nan giải, những thắc mắc quá đà, nên từ tốn khẳng định vị thế của mình và khất lại vấn đề để trình xin ở buổi học sau. Tốt nhất, khi bước vào phần thảo luận, nên giới hạn những ý kiến, thắc mắc, biện giải trong phạm vi bài học. Thái độ ôn tồn hoà nhã, sẵn sàng tiếp thu những ý kiến (dù là phản kháng, đối lập), không gằn gọc gắt gỏng.

Ngoài ra, lớp học có bảng phấn, giáo viên nên ghi rõ chủ đề và các tiểu đề trong dàn bài, nên ghi những ý chính, những điểm nhấn, những chứng liệu cần thiết, để học sinh dễ theo dõi và ghi chép. Tuyệt đối không nên ngồi ‘bắt vít’ vào ghế, điều này dễ khiến học sinh có cảm tưởng giáo viên không thuộc bài, chỉ biết ngồi đọc và … đọc. Tuy nhiên, khi đứng và đi tới đi lui, ngoài việc cầm phấn hoặc cầm micro (nếu có), giảng viên không nên cầm tài liệu trên tay và đọc một vài câu, sau đó lại hỏi học viên “Có đúng không ? Có phải không ? …”. Dàn ý hoặc tài liệu giảng dậy nên để trên bàn, lâu lâu ngó qua để khỏi bị lan man “lạc đề”. Cũng không nên dùng lối nói bỏ lửng một hai từ, để học viên thêm vào điều này sẽ dẫn đến học sinh hiểu sai. Kiểu này chỉ dành cho học sinh mẫu giáo, tiểu học.           

Khi thấy lớp học có vẻ ‘buồn ngủ’ hoặc trao đổi chuyện riêng, bàn tán tâm sự …), tuyệt đối không nên nổi nóng (thậm chí còn đuổi khéo học viên ra khỏi lớp), vì đó là hành động ‘phản sư phạm’. Hãy tự ‘nhìn lại mình’ xem tại sao lại như thế ? Phải chăng tại mình nói ‘hay’ quá? Từ đó, cần chuyển hướng ngay cách truyền đạt: một câu hỏi đột ngột, một câu chuyện dí dỏm hài hước, thậm chí có thể cho ‘hát giữa giờ’ một bài hát ngắn … đó là cách ‘chữa lửa’ rất có tác dụng

       - Ngôn ngữ diễn giảng: Giọng nói tất nhiên là do bẩm sinh, không phải ai cũng giống ai. Tuy nhiên, trong cách nói năng phát biểu, vẫn có thể tập luyện được. Nếu ta không có được một giọng nói hùng hồn đanh thép khi lý luận, một giọng nói truyền cảm khi truyền đạt kiến thức hoặc quảng diễn văn thơ thì ít nhất ta cũng phải tập cho được cách nói năng từ tốn, lịch thiệp, hoạt bát, với một giọng nói ôn tồn thong thả, sao cho người nghe dễ nghe, dễ vào.

Ngôn ngữ giảng thuyết có thể bao gồm nhiều hình thái:

Thứ nhất: ngôn ngữ nói chuyện (còn gọi là ngôn ngữ đàm thoại). Giáo viên giảng thuyết mà như nói chuyện thân mật với học sinh, khiến học sinh tưởng như đang được nghe tâm sự của một người bạn và có cảm tưởng chính bản thân họ cũng đang đóng một vai trò nào đó trong câu chuyện ấy. Nhất là khi giáo viên chuyển sang đối thoại, thì học sinh càng hăng say, mạnh dạn đóng góp ý kiến, trao đổi kiến thức.   Phương cách này mang tính hoà đồng, tạo được bầu khí thân mật trong lớp, kích thích khả năng phát biểu, tính mạnh dạn nơi học sinh. Tuy nhiên, đây là hình thái diễn giảng như nói chuyện chứ không phải kể chuyện bất tận cho đến hết giờ rất dễ bị sa đà không tìm được lối ra.

Thứ hai: ngôn ngữ cử điệu: Đó là thứ ngôn ngữ không lời, có thể nói thứ ngôn ngữ cử điệu cũng rất phong phú. Nếu giáo viên biết sử dụng điệu bộ, cử chỉ (từ ánh mắt, khoé môi, nét mặt, đến chân tay, thân mình) để diễn giảng cùng với ngôn ngữ nói, chắc chắn bài giảng sẽ đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, phải quan niệm rằng cử điệu chỉ là phương cách hỗ trợ tích cực cho lời nói, chúng ta chỉ dùng những cử điệu thích ứng với lời nói, phù hợp với tâm trạng khi giảng thuyết; tuyệt đối không nên miễn cưỡng, vì nếu như thế sẽ trở thành một thứ “kịch sĩ vụng về, kệch cỡm”. Đừng để học sinh cho rằng những cử chỉ, dáng điệu của giáo viên chỉ là kiểu cách giả tạo, vô duyên.           

          Thứ ba: ngôn ngữ tổng hợp: Khi giảng thuyết, người giáo viên phải cố gắng rèn luyện cho được khả năng ngôn ngữ tổng hợp (ngôn ngữ nói + ngôn ngữ đàm thoại + ngôn ngữ cử điệu), để từ đó vận dụng vào nghệ thuật giảng thuyết của mình, bằng cách sử dụng ngôn ngữ diễn cảm: Người giáo viên khi nói trước học sinh không phải và không thể là báo cáo thành tích, phát động phong trào, mà phải là người truyền thông tất cả những xác tín về những kiến thức của mình trong cả quá trình học hỏi, thu thập, cảm thụ, chiêm niệm được về kiến thức.

Vì giảng thuyết là sử dụng ngôn ngữ nói nên cũng cần phải chú ý đến giọng nói, từ âm giai đến âm điệu, từ âm tiết đến âm độ (cường độ âm thanh): khi thì hùng hồn đanh thép, lúc thì uyển chuyển mạch lạc, có khi thì thiết tha truyền cảm, đôi lúc lại dí dỏm vui tươi, khoan thai hóm hỉnh… Rồi khi thì mạnh (nhất là nơi những điểm nhấn), lúc thì nhẹ, khi bổng khi trầm, từng âm sắc chuyển theo mạch văn, cảm xúc sẽ có giá trị thuyết phục cao.

Nếu nói người giáo viên giữ một vai trò đặc biệt quan trọng khi đứng lớp diễn giảng, cũng tức là nói người giáo viên phải vừa “diễn”, vừa “giảng” (Diễn: biểu lộ bằng tất cả lời nói, cử chỉ, dáng điệu của mình qua vai trò giáo viên; Giảng: giải thích thật rõ ràng, cụ thể, sâu sắc, sinh động về vấn đề mà mình muốn trao cho học sinh). Cho nên, từng lời nói, từng điệu bộ, cử chỉ đều toát lên một phong thái hấp dẫn. Đó chính là một thứ ngôn ngữ diễn cảm không thể thiếu trong nghệ thuật giảng thuyết.

3         Rút kinh nghiệm

Sau những tiết học hoặc sau một khoá học, nên có phần rút kinh nghiệm. Có thể rút kinh nghiệm bằng cách:

1.1.Tự rút kinh nghiệm

            Mỗi giảng viên nên có một cuốn nhật ký, trong đó ghi chép tất cả những gì có liên quan đến quá trình đứng lớp của mình. Sau những giờ đứng lớp của bản thân, sau những giờ dự một lớp học của bạn bè, thậm chí cả sau những giờ ngồi lớp với tư cách một học sinh..., sẽ ghi lại tất cả những nhận xét của mình về giờ học tập đó. Đây chính là dịp “nhìn lại mình”, rút ra những bài học kinh nghiệm để nâng cao tay nghề, nên phải hết sức khách quan, tránh những thiên kiến, mặc cảm (tự tôn, tự ti).

    2.2. Rút kinh nghiệm qua học sinh

            Sau mỗi tiết học, có thể dành ít phút trực tiếp phỏng vấn chớp nhoáng học sinh về những nhận xét của họ trong giờ học (nếu không đủ giờ, nên trao đổi với học sinh trong 5 – 10 phút giải lao). Đặc biệt sau mỗi khoá học, vào buổi tổng kết nên dành hẳn một vài tiết để học sinh nêu những nhận định về những giáo viên đứng lớp. Đây là phần hết sức tế nhị, vì ngoài xã hội cũng đề ra đường lối “trò đánh giá thầy” đã gây thật nhiều tranh cãi. Giáo viên phải hết sức khéo léo, đồng thời cũng phải có tinh thần cầu thị, hết sức mềm mỏng, khiêm nhu tự hạ đón nhận những ý kiến xây dựng. Đừng để giờ góp ý trở thành giờ đấu đá hạ bệ nhau, cũng không biến thành giờ tâng bốc nịnh hót nhau, giảng viên phải đo lường được “tinh thần và thái độ” của học sinh trong những giờ mình đứng lớp, trước khi tổ chức rút kinh nghiệm.

        2.3. Rút kinh nghiệm qua bạn bè: Cuối khoá nên có những buổi họp để rút kinh nghiệm, nhằm làm tốt hơn cho những bài học, khoá học sau.

Theo tôi, trên đây là một số kỹ năng cơ bản cần có của một giáo viên khi đứng lớp. Việc nắm và thực hiện được các kỹ năng trên chắc chắn bài giảng sẽ có tính thuyết phục và đạt hiệu quả cao.