Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – Vai trò của nó đối với việc phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Sơn La hiện nay

 

Th.s Đỗ Huyền Trang

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có vai trò to lớn đối với việc tạo cơ sở bền vững để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của từng quốc gia, từng địa phương, từng lĩnh vực. Đối với Sơn La cũng vậy, là một tỉnh miền núi nhưng có nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực chính trị, kinh tế- xã hội của đất nước, việc  phát triển mạnh về kinh tế- xã hội là yêu cầu bức thiết. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, yếu tố phát triển nguồn nhân lực có vai trò cực kỳ quan trọng đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Training and development of human resources with a large role for creating a sustainable basis for implementing the strategy of socio-economic development of each country and each locality, each field. For Son La, too, is a mountainous province has many important positions in the fields of politics, economic and social of the country, the development of social and economic strength of the urgent demands. To accomplish that task, elements of human resource development has extremely important role especially high-quality human resources.

Từ khoá: Nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Key words: Human resources, development of high quality human resources

1.     Nguồn nhân lực chất lượng cao

Khái niệm “nguồn nhân lực” được hiểu như khái niệm “nguồn lực con người". Nó được sử dụng như một khái niệm công cụ để điều hành, thực thi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực (NNL) bao gồm bộ phận dân số trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động và những người ngoài độ tuổi lao động có tham gia lao động - hay còn được gọi là nguồn lao động. Bộ phận của nguồn lao động gồm toàn bộ những người từ độ tuổi lao động trở lên có khả năng và nhu cầu lao động được gọi là lực lượng lao động.

Nguồn nhân lực là tổng thể số lượng và chất lượng con người với các tiêu chí về thể lực, trí lực và tâm lực tạo nên năng lực mà bản thân con người và xã hội đã, đang và sẽ huy động vào quá trình sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Ở Việt Nam cụm từ nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) mới được đề cập từ khi nước ta gia nhập tổ chức thương mại  thế giới (WTO) và chính thức được nhắc đến trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cộng sản Việt Nam, đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần  thứ XI Đảng ta lại khẳng định « phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là NNLCLC là một trong những yếu tố quyết định phát triển nhanh, bền vững đất nước » - (9, tr 41)

Từ đây có thể nhận thấy nhận thức của Đảng ta về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng đầy đủ, coi phát triển NNLCLC chính là khâu đột phá để đưa Việt Nam sớm thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển và vươn lên trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau của nhiều nhà nghiên cứu về NNLCLC, tuy nhiên từ các quan điểm đó có thể rút ra các đặc trưng cốt lõi của NNLCLC như sau :

Một là: Về vai trò và tầm quan trọng: NNLCLC là lực lượng lao động ưu tú nhất, thực hiện vai trò dẫn đường đối với NNL trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Hai là: Về số lượng: NNLCLC chỉ là một bộ phận trong tổng số nhân lực quốc gia

Ba là: Về chất lượng: NNLCLCđược đánh giá thông qua các yếu tố cơ bản sau : Phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo, có khả năng thích ứng và sáng tạo trong công việc:

Về trí lực, trí lực của NNLCLC được biểu hiện chủ yếu ở các khía cạnh như:

Trình độ học vấn: Những người  có trình độ cao đẳng, đại  học trở lên. Khi  NNL có trình độ, có sự  hiểu  biết  thì  lúc đó họ mới nhận  thức  và  cải  tạo  tự  nhiên -  xã hội đạt kết quả  cao, mới  có khả năng áp dụng được những tiến bộ khoa học - công nghệ vào trong quá trình lao động sản xuất để đem lại năng xuất, chất lượng và hiệu quả.

Năng lực sáng tạo: NNLCLC là lực lượng lao động có khả năng sáng tạo trong  công việc. Bởi vì, lực lượng lao động này phải là những người lao động có trí tuệ phát triển, có nhân cách, có một số phẩm chất nổi bật mà ít người có, giàu tính sáng tạo, tư duy độc đáo, nhạy bén, dịu dàng khôn khéo, có sự hiểu biết sâu rộng về chuyên môn, có kinh nghiệm trong công việc, có tay nghề cao, có khả năng dự báo và giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về thể lực, thể lực của NNLCLC hay còn gọi là sức khỏe và được thể hiện  ở  tình  trạng  sức  khỏe  của  người  lao động NNLCLC  có  sức khỏe tốt được thể hiện ở: sự nhanh nhẹn, tháo vát, bền bỉ, dẻo dai để đáp ứng được yêu cầu của công việc và khả năng chịu đựng sức ép trong công việc mà họ phải vượt qua.

Về  phẩm  chất đạo đức: NNLCLC phải là lực lượng lao động có đạo đức nghề nghiệp được thể hiện như: yêu nghề, say mê với công việc, có tính kỷ luật và có  trách  nhiệm  với  công  việc  mà  mình đảm  nhiệm, sẵn sàng vượt qua khó khăn về giới để khẳng định bản thân, vươn lên vì mục tiêu bình đẳng và phát triển. Cao hơn cả đạo đức nghề nghiệp còn thể  hiện ở sự mong muốn đóng góp tài  năng, trí  tuệ, công sức của mình vào sự nghiệp phát triển  chung của đất nước, xóa bỏ rào cản tâm lý tự ty, mặc cảm, định kiến bất bình đẳng về giới của bản thân và xã hội. Đây được xem là tiêu chí mang tính chất nền tảng trong quá trình  xây dựng những tiêu chí để xác định đúng về NNLCLC.

2. Vai trò của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với việc phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Sơn La hiện nay.

2.1 Thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Sơn La hiện nay

 Một vài đặc điểm về tỉnh Sơn La

 Sơn La là tỉnh miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam. Tỉnh Sơn La có 11 huyện và 1 Thành phố. Phía Bắc giáp hai tỉnh: Yên Bái, Lai Châu. Phía Đông giáp hai tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ. Phía Tây giáp tỉnh: Điện Biên. Phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước CHDCND Lào. Sơn La có 250km đường biên giới với nước CHDCND Lào. Thành phố Sơn La cách thủ đô Hà Nội  320 km về phía tây bắc. Diện tích tự nhiên 14.055 km2, chiếm 4,27% diện tích cả nước.

Dân số ở Sơn La tính đến năm 2012 là khoảng 1.134.300 người. Mật độ dân số 80 người/km2..Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 54%, dân tộc Kinh 18%, dân tộc Mông 12%, dân tộc Mường 8,4%, dân tộc Dao 2,5%, còn lại là các dân tộc: Khơ Mú, Xinh Mun; Kháng, La Ha, Lào, Tày và Hoa.

Địa hình của tỉnh Sơn La chia thành những vùng đất có đặc trưng sinh thái khác nhau. Sơn La có hai cao nguyên: Mộc Châu và Nà Sản.

 Nằm ở vị trí đầu nguồn của hai con sông lớn: sông Đà và sông Mã, Sơn La không chỉ là địa bàn phòng hộ xung yếu cho vùng đồng bằng Bắc Bộ mà nó còn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế.

Thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo báo cáo tại: Hội Khoa học kinh tế tổ chức hội thảo vào sáng ngày 11/9/2015 tại Sở KH&CN. Tổng kết thành tựu kinh tế xã hội của tỉnh Sơn La qua 30 năm (1985-2015). Số liệu được khai thác, tính toán từ nguồn của ngành thống kê, nguồn chuyên ngành và nguồn internet.

 Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực từ 1985-2015

         Tỷ trọng nguồn nhân lực trong dân số đã tăng từ 58% lê 65%. Lao động và việc làm đã tăng từ 35 vạn lên 73 vạn, gấp 2,1 lần. (Khu vực nông nghiệp tăng từ 32 vạn lên 62 vạn, gấp 1,9 lần. Khu vực công nghiệp -Xây dựng tăng từ 1 vạn lên  lên 3,5 vạn, gấp 3,5 lần. Khu vực Dịch vụ tăng từ 1,5 vạn lên hơn 7 vạn, gấp 4,6 lần). Cơ cấu lao động nông nghiệp giảm từ 93% xuống 85%, lao động phi nông nghiệp tăng từ 7% lên 15%. Lao động khu vực đô thị cũng tăng tương ứng từ khoảng 5-6 % lên 13%, khu vực nông thôn giảm từ  khoảng 94-95% xuống 87%.

          Cơ cấu lao động thuộc các thành phần kinh tế đã thay đổi căn bản. Khu vực ngoài nhà nước đã lo giải quyết việc làm cho 92% số lao động. Nhà nước chỉ phải lo giải quyết 8%.

   Trình độ nguồn nhân lực được nâng lên.

          -Tỷ lệ lao động biết chữ được nâng lên từ 50% lên 75%. Tỷ lệ lao động có trình độ PTTH được nâng lên từ 6,5% lên 11%.

          - Tỷ lệ lao động qua đào tạo (có trình độ nghề nghiệp không bằng cấp và có bằng cấp chứng chỉ): Được nâng lên từ 4-5% lên 36%. Trong đó, tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ được nâng lên từ 1-2% lên 13%.( sơ cấp 40%, trung cấp 30%, cao đẳng 10%, đại học và trên đại học 20%.

           Đội ngũ trí thức phát triển nhanh.

          -Đội ngũ trí thức toàn tỉnh (tính từ trình độ cao đẳng chuyên nghiệp trở lên) tăng từ 2,5 ngàn lên 3 vạn, chiếm 2,4% dân số. Tốc độ tăng của đội ngũ trí thức gấp 4,1 lần tốc độ tăng dân số và 1,3 lần tốc độ tăng lao động. Tính theo 1000 dân, số trí thức năm 1990 là 3,7 người, năm 2000 tăng lên 8,1 người, năm 2010 tăng lên 23,3 người, 2015 là 25,6 người.

          -Trình độ đào tạo được năng lên: Tỷ lệ đại học/cao đẳng đã có sự thay đổi lớn: Từ 54/46  lên 66/34. Trí thức trình độ cao( trên đại học) tăng từ 20 người lên hơn 1.000, trong đó  800 thạc sỹ, gần 40 tiến sỹ.  Trình độ lý luận cũng được nâng lên, toàn tỉnh có 837 trí thức có trình độ cao cấp và cử nhân lý luận. Trên 60% trí thức Sơn La là đảng viên.(Về số lượng trí thức nói chung và số trí thức trình độ cao, Sơn La đứng thứ nhất trong các tỉnh Tây Bắc, đứng thứ ba trong vùng  du và miền núi phía Bắc, chỉ sau Thái Nguyên và Phú thọ)

          -Trí thức Sơn La phần lớn ở  độ tuổi trẻ: dưới 45 tuổi chiếm 85%, trên 45 tuổi chiếm 15%. Cơ cấu theo giới tính của trí thức Sơn La được cải thiện đáng kể, tỷ lệ nữ/nam từ 40/60 xuống 48/52.Trí thức là người dân tộc thiểu số tăng lên nhanh chóng, từ 15% lên gần 50%.

          - Cán bộ, chuyên viên các cơ quan ban ngành tỉnh, huyện đã gần như được phổ cập đại học, tăng từ từ 30-40% lên 70-80%. Trong khu vực sự nghiệp cán bộ - viên chức Đại học và trên Đại học tăng từ  20-30% lên 60-70%. Cấp xã từ chỗ chỉ là cán bộ sơ cấp, nay đã có 90% đội ngũ cán bộ - công chức đạt trình độ từ Trung cấp trở lên.

   Đội ngũ doanh nhân phát triển khá, doanh nhân (Chánh phó chủ tịch HĐQT, Chánh giám đốc Công ty)  tăng từ khoảng 200 lên 2000 (tăng gấp 10 lần).

          Hệ thống đào tạo chuyên nghiệp trong tỉnh phát triển, gồm 01 trường đại học, 3 trường cao đẳng và các trung tâm giáo dục thường xuyên với quy mô đào tạo gần 01 vạn sinh viên /năm. Hệ thống dậy nghề trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng phát triển cả cấp tỉnh, cấp huyện, thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia, với quy mô, năng lực đào tạo 01 vạn lượt người/năm. Với hệ thống như vậy, giai đoạn từ 2006 đến 2012 Sơn La đào tạo được khoảng 85.978 người, góp phần nâng tỷ lệ đào tạo từ 15%  năm 2006 lên 25% năm 2012 trong đó:

+ Đào tạo nghề là 56.710 người (các cơ sở trên địa bàn đào tạo được 48.204 người các  cơ sở đào tạo ngoài tỉnh đào tạo được 8.506 người)

+ Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trên đại học 29.268 người

Số lượng nhân lực có trình độ cao được đào tạo của tỉnh không ngừng được nâng cao, năm 2001 toàn tỉnh có 298 sinh viên trúng tuyển vào các trường đại học cao đẳng, đạt 3 sinh viên/ 1 vạn dân, cao đẳng là 402 sinh viên, đạt 4 sinh viên/ 1 vạn dân. Đến năm 2010 tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể với 12 sinh viên đại học / 1 vạn dân, 18 sinh viên cao đẳng/ 1 vạn dân. Năm 2010 cả tỉnh có 12301 sinh viên hệ cao đẳng và đại học đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học trong cả nước.

        Như vậy qua nghiên cứu thực trạng sự phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Sơn La chúng ta nhận thấy, mặc dù công tác đào tạo theo chủ trương xã hội hoá của Sơn La trong những năm qua tuy có nhiều tiến bộ, song chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, lao động mới chỉ tập trung vào đào tạo đại trà, ngắn hạn chưa đủ điều kiện để đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, phần lớn mới chỉ ở các trình độ trung cấp, nghề thường xuyên, nếu có trình độ Đại học  chủ yếu lại là tại chức, các cơ sở dạy nghề nhìn chung quy mô còn nhỏ, năng lực không cao, sự phân bố cũng chưa thật sự đồng đều, phần lớn tập trung tại thành phố Sơn La.

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận sự thay đổi và tiến bộ vượt bậc của nguồn nhân lực ở tỉnh, nó đã đóng góp vai trò to lớn trong phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh, đặc biệt trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao.

2.2 Vai trò của phát triển NNLCLC ở Sơn La hiện nay

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “ Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, khoa học, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng, đảm bảo cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững (6, tr30).

Các nguồn lực khác là hữu hạn, có thể bị khai thác cạn kiệt, chỉ có nguồn nhân lực có tiềm năng vô hạn, biểu hiện ở chỗ trí tuệ con người không chỉ tự sản sinh mà còn đổi mới không ngừng. Qua thực tiễn phát triển nhiều nước trên thế giới đã cho thấy thành tựu phát triển kinh tế- xã hội phụ thuộc chủ yếu vào năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Nhận thức đúng vai trò quyết định của nguồn nhân lực và đầu tư cho chiến lược con người, đặt lên hàng đầu vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi giáo dục đào tạo, là chìa khoá, là quốc sách hàng đầu đã đem lại thành công cho các nước, đặc biệt là các nước công nghiệp  mới.

Là một bộ phận quan trọng của nguồn lực con người, NNLCLC có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Vai trò của nó ngày càng được nâng cao khi nó có những đóng góp tích cực tới sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là với nước đang trong giai đoạn thoát khỏi nước kém phát triển như Việt Nam hiện nay.

Ngày nay, phát triển NNLCLC càng có ý nghĩa  quyết định đối  với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Cùng với NNL, NNLCLC đã, đang và sẽ có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, ổn định xã hội. Sự nghiệp đổi mới, phát triển bền vững của đất nước chỉ có thể thành công khi chúng ta huy động được tất cả các nguồn lực, trong đó có NNLCLC đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Họ đang hàng ngày, hàng giờ nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống khẳng định mình không thể  thiếu  trong  mỗi  giai đoạn  phát  triển  khác  nhau  của  cách mạng Việt Nam.

Sự phát triển được coi là đúng đắn khi đánh giá được vai trò của NNLCLC và khẳng định  mối  quan  hệ  hữu cơ  giữa phát  triển NNLCLC  với  phát  triển, giữa  tăng  trưởng  kinh  tế  và  phát  triển  xã  hội, đồng  thời nhấn  mạnh vai trò chủ thể của việc phát triển NNLCLC trong hoạch định, thực hiện và đánh giá các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển NNLCLC là một trong những yếu tố không thể thiếu cho việc tham gia thành công vào quá trình CNH- HĐH, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Sơn La.

Từ những vấn đề thực trạng đặt ra chúng ta đều nhận thấy, Sơn La hiện nay vấn đề quan tâm hàng đầu là phát triển nguồn nhân lực, trong đó lực lượng đi đầu là thành phần nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng này có đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội. Phát triển NNLCLC sẽ trực tiếp làm tăng chất lượng NNL của Sơn La và  khu vực Tây Bắc.

Đây là lực lượng đi đầu trong các lĩnh vực, tiếp thu lĩnh hội các tri thức mới để từ đây góp phần chuyển giao công nghệ và truyền đạt phong cách cũng như cách thức làm việc cho lực lượng lao động tại tỉnh nhà. NNLCLC là một bộ phận của NNL Khi NNLCLC được đào tạo và trang bị tốt họ sẽ là lực lượng chủ động tham gia tích cực vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 Quốc gia được coi là phát triển khi quốc gia đó tận dụng được tối đa sự đóng góp của tất cả các nguồn lực.

 

Danh mục tài liệu tham khảo

 

1.Ban Chấp hành Trung ương (2014): Báo cáo Tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.

2.Cao đẳng sư phạm Sơn La và Đại học Thương mại (2012): “Đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Sơn La và vùng Tây bắc trong tiến trình hội nhập”, Hội Thảo khoa học quốc gia, NXB Thống kê, 2012.

3. Nguyễn Hữu Dũng (2002), "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế", Tạp chí Lý luận chính trị, (8), tr.25-30.

4. Đảng Cộng Sản Việt Nam (1993), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành TW khóa VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Đảng Cộng Sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Đảng Cộng Sản Việt Nam (1996), Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành TW khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9. Đảng Cộng Sản Việt Nam  (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

10.  Giải quyết những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực ở Sơn La. Theo nhandan.org.vn-2012

11. Nguyễn Thị Giáng Hương, (2013), Luận án Tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia - Hà Nội

12. Nguyễn Thị Giáng Hương (2013),  "Phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao ở nước ta và những vấn đề đặt ra", Tạp chí Cộng sản, (số 74), tr.51-54

13. Trương Mỹ Hoa (1995), “Vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và tham gia quản lý đất nước và định hướng đến năm 2000”, Tạp chí Cộng sản, 10- 1995, tr.14-15

14. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đại học quốc gia Hà Nội, Nữ trí thức Việt Nam đối với  sự  nghiệp CNH, HĐH  đất  nước, Hội  thảo khoa học.

15. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

16. Hoàng Thị Thảo (2013), Luận văn thạc sỹ Triết học, Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

17. Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La (2011) Quyết định về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện phát triển kinh tế xã hội và dự đoán ngân sách nhà nước năm 2011.