CƠ CHẾ VẬN HÀNH CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY

 

                                                                       Ths. Cao Thị Hạnh

                                                             Bộ môn ĐLCM của ĐCSV và TTHCM

Đại hội VI của Đảng (1986) thừa nhận những hạn chế, bất cập trong cơ chế vận hành của hệ thống chính trị; Đại hội VI xác định: trong đổi mới hệ thống chính trị thì vấn đề hệ trọng và khó khăn nhất là đổi mới mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Đảng lãnh đạo theo cơ chế nào để thể hiện đúng chức năng lãnh đạo của mình, khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay những công việc của Nhà nước. Tuy nhiên, khắc phục một thói quen, thậm chí một tập quán lãnh đạo Nhà nước theo lối chỉ huy toàn diện và trực tiếp trong thời kỳ lịch sử dài là điều không dễ dàng. Thay thế phương thức lãnh đạo cũ là cần thiết, nhưng lãnh đạo theo phương thức mới thế nào là vấn đề không đơn giản. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, xuất phát từ thực tiễn đổi mới kinh tế, tư duy mới của Đảng ta về cơ chế vận hành của hệ thống chính trị được hình thành.

Hệ thống chính trị nước ta vận hành theo cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”[1]; trong đó, Đảng vừa là một bộ phận của hệ thống chính trị, vừa là “hạt nhân” lãnh đạo hệ thống ấy, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có chức năng thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; hoạt động theo phương thức hiệp thương dân chủ, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện phản biện, giám sát xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân là người làm chủ xã hội, làm chủ thông qua Nhà nước và các cơ quan đại diện, đồng thời làm chủ trực tiếp thông qua cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”[2]; làm chủ thông qua hình thức tự quản.

Như vậy, so với thời kỳ trước đổi mới nhận thức mới về cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta có sự thay đổi căn bản và sâu sắc.

Một là, phân định ngày càng rõ hơn chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước. Đại hội VII của Đảng (1991) đã xác định vấn đề mấu chốt hiện nay là phân định rõ chức năng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (1991) và các Đại hội VIII, IX, X, XI, Đảng ta khẳng định: Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của Đảng viên… Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị.

          Đảng ta ngày càng nhận thức rõ, lãnh đạo có nghĩa là hướng dẫn, dẫn dắt người khác làm theo bằng nhiều phương thức - bằng uy tín, vận động, thuyết phục, làm gương… nhằm đạt đến những mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, phân biệt chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước, trong điều kiện một Đảng cầm quyền chỉ là tương đối. Lãnh đạo và quản lý có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Trong lãnh đạo cũng có yếu tố của quản lý (chỉ đạo tổ chức thực hiện), và trong quản lý của Nhà nước cũng có yếu tố lãnh đạo (đề ra chủ trương, chính sách mang tính pháp lý). Lãnh đạo và quản lý đều là sự tác động vào khách thể nhằm thực hiện những mục tiêu nhất định.

Hai là, vị trí và vai trò, chức năng của Nhà nước trong hệ thống chính trị ngày càng được xác định rõ ràng hơn. Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, nhận thức của Đảng về Nhà nước pháp quyền còn rất mới mẻ, các vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền là quá trình nghiên cứu ở phía trước, nhưng tinh thần pháp luật, vị trí và vai trò của pháp luật thì đã được ý thức. Thuật ngữ “xây dựng Nhà nước pháp quyền” lần đầu tiên được đề cập tại Hội nghị Trung ương 2 khoá VII (1991) thay thế cho thuật ngữ “Nhà nước chuyên chính vô sản” đánh dấu bước đột phá trong quá trình đổi mới tư duy về hệ thống chính trị. Đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1994) và các Đại hội VIII, IX, X, XI, Đảng xác định tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của dân, do dân, vì dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật.

Lần đầu tiên trong suốt mấy thập kỷ lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước, đến Đại hội VIII (1996), Đảng ta mới chính thức xác định Nhà nước ta là trụ cột của hệ thống chính trị.Vớiquan điểm mới này, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ chủ yếu nhất, khó khăn phức tạp và lâu dài nhất trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị là đổi mới và hoàn thiện Nhà nước. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân là nhiệm vụ trung tâm của quá trình đổi mới hệ thống chính trị.

Nhà nước ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò là cơ quan quyền lực công của xã hội. Tính độc lập trong vai trò quản lý của Nhà nước đối với xã hội ngày càng thể hiện rõ hơn. Đặc biệt là đối với chính quyền địa phương và chính quyền cơ sở. Nhà nước ngày càng tập trung hơn vào việc xây dựng môi trường chính trị - pháp lý ổn định và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp thông qua các hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật và chính sách; ngược lại nhân dân ngay càng có điều kiện tham gia thực chất và có hiệu quả vào công việc Nhà nước, tham gia quản lý Nhà nước.

Ba là, nhận thức mới vai trò các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam

Khi chưa giành được chính quyền, Mặt trận là liên minh chính trị của công nông với các lực lượng dân tộc tiến bộ, trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, vận động, đoàn kết nhân dân đấu tranh chống đế quốc và phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Khi giành được chính quyền, Mặt trận cùng với Đảng và Nhà nước là công cụ thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

          Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò làm chiếc cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh ý chí nguyện vọng của nhân dân với Đảng và Nhà nước; thay mặt các tầng lớp nhân dân kiến nghị với Đảng và Nhà nước về những vấn đề cần thiết bổ sung vào đường lối, chính sách. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn thực hiện giám sát, tư vấn, phản biện xã hội đối với các cơ quan và cán bộ của Nhà nước và hệ thống chính trị, tham gia xây dựng, giám sát, góp ý kiến vào các dự án luật thuộc các lĩnh vực kinh tế, dân sự, hình sự và tổ chức bộ máy Nhà nước. Việc thực hiện chức năng này nhằm tạo ra cơ chế giám sát quyền lực trong xã hội, đảm bảo thực hiện yêu cầu dân chủ hóa.

          Điểm đổi mới quan trọng, nổi bật trong mối quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội là: Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc có vị trí ngang nhau trong hệ thống chính trị và có nguyên tắc cùng phối hợp hành động.

Như vậy, sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, mối quan hệ giữa các thành tố của hệ thống chính trị nước ta được xác định rõ hơn, giải quyết tốt các mối quan hệ cơ bản này sẽ góp phần làm cho hệ thống chính trị nước ta vận hành có hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[3].

Tài liệu tham khảo:

1 - Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.109.

2 - Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991 - 2011), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.127.

3 - Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 70.