MỘT SỐ KỸ NĂNG KHI THIẾT KẾ GIÁO ÁN

 

ThS. Nguyễn Thị Hương

Khoa Lý luận Chính trị

Giáo án là kế hoạch dạy học cho một bài học cụ thể, thể hiện mối quan hệ tương tác giữa GV với HS, giữa HS với HS nhằm đạt được những mục tiêu của bài học. Nhiều nhà giáo dục nổi tiếng đã chứng minh thực tế là 60% chất lượng giờ dạy tốt là tùy thuộc vào khâu chuẩn bị soạn giáo án còn lại 40% là tùy thuộc vào năng lực sư phạm và kinh nghiệm của người thầy. Vì vậy là giáo viên muốn giảng dạy tốt và chất lượng thì phải nghiêm túc trong việc biên soạn giáo án. Theo tôi, đây là một kỹ năng quan trọng của giáo viên, là kỹ thuật trí tuệ đòi hỏi giáo viên phải có tư duy khoa học, khả năng ước lượng để lựa chọn kiến thức chuẩn xác, đủ về khối lượng để giáo án không bị cháy. Để HS có thể nắm được kiến thức, GV cần lựa chọn PPDH phù hợp với nội dung và đối tượng, phát huy được tính chủ động sáng tạo, của người học. Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn sinh viên ngành sư phạm trường ĐH Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tại trường phổ thông tôi thấy các em còn nhiều lúng túng trong khâu thiết kế bài giảng hoặc các em chưa ý thức cao vai trò của việc soạn giáo án trước khi lên lớp dẫn đến bài soạn còn cẩu thả, sơ sài... Vì vậy thông qua bài viết này tôi muốn trao đổi với các bạn sinh viên sư phạm vai trò của giáo án và một số kỹ năng khi thiết kế bài giảng nhằm nâng cao chất lượng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên sư phạm trường ĐH Tây Bắc.
        Khi soạn giáo án, GV cần có những kỹ năng nhất định như: kỹ năng xác định mục tiêu, kỹ năng lựa chọn nội dung bài học, kỹ năng lựa chọn PPDH…
* Khi xác định mục tiêu, GV cần khẳng định được những kỹ năng người học cần đạt được sau bài học. Những kỹ năng đó cần phải phù hợp với trình độ của đối tượng học và phải được biểu đạt bằng những từ chỉ hành động cụ thể, ví dụ: trình bày, phân tích, giải thích, mô tả,…
 * Dẫn nhập để tạo tâm thế tích cực cho người học là một phần việc quan trọng. GV có thể giới thiệu một hình ảnh, kể câu chuyện, nêu một vấn đề cần giải quyết… Không nên lúc nào cũng rập khuôn bằng một câu chuyển giảng, nếu người học không cảm thấy hứng thú, giờ học sẽ không hiệu quả. Khi thể hiện phần dẫn nhập trong giáo án, GV chỉ cần nêu tên hoạt động, không cần thiết phải thể hiện chi tiết câu chuyện, vấn đề mình dự định sẽ nói. (Tuy nhiên đối với giáo sinh kiến thực tập các em nên thể hiện chi tiết câu chuyện, vấn đề mình cần nói để chủ động hơn, logic hơn, không bị lúng túng trên bục giảng)
* Lựa chọn nội dung bài học, GV cần tránh nhầm lẫn với nội dung chương trình. Chúng ta chỉ nên đưa vào giáo án những nội dung cần thiết, phù hợp đối tượng học, không nhất thiết phải lo lắng khi loại bỏ một số nội dung chương trình ra khỏi giáo án. Chỉ cung cấp những gì người học cần chứ không phải những gì chúng ta có. (Ngay cả trong phân phối chương trình cũng rất linh hoạt, cho phép GV lựa chọn nội dung giảng dạy phù hợp với đặc điểm vùng miền)
* Thiết kế hoạt động dạy học là một công việc cần sự đầu tư kỹ lưỡng của GV. Đây là phần trọng tâm, thể hiện toàn bộ kịch bản của giờ dạy. Những phương pháp nào cần phải vận dụng, những tình huống học tập nào cần đưa vào bài… Để thiết kế hoạt động dạy – học cho 1 giờ học thường gồm 5 bước:
+ Bước 1: Phân tích nội dung học tập
+ Bước 2: Phân tích kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm hiện có của người học
+ Bước 3: Xây dựng tình huống học tập
+ Bước 4: Thiết kế hoạt động của người học
+ Bước 5: Thiết kế hoạt động tổ chức và hướng dẫn
Khi thể hiện trong giáo án, người GV cần nêu rõ cách thức triển khai hoạt động cụ thể của giáo viên và học sinh, đồng thời nêu rõ mục tiêu của các hoạt động đó, tránh việc chỉ nêu tên phương pháp (Giáo án mới được áp dụng yêu cầu ghi rõ hoạt động dạy học chứ không phải là nêu tên PP như mẫu cũ trước kia).

Trong quá trình thực hiện các hoạt động dạy học, GV cần sử dụng nhiều PP khác nhau để tránh gây nhàm chán cho người học, đồng thời phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm của từng PPDH. Và dù sử dụng PPDH nào thì cũng không nên kéo dài quá 20 phút với mỗi PP.
* Lựa chọn phương tiện dạy học, GV cần xem xét đến các yếu tố cơ bản sau:
+ Mục đích sư phạm cụ thể
+ Đặc điểm môn học
+ Mục tiêu học tập chung
+ Đặc điểm đối tượng
+ Bảo đảm thực hiện các nguyên tắc dạy học và điều kiện cơ sở vật chất thực tế của nhà trường.
Thiết kế giáo án là một công việc thường xuyên của GV trước khi lên lớp. Một khi giáo án được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu thì sẽ giúp cho GV có được sự tự tin, từ đó quyết định rất lớn đến sự thành công của GV trong giờ giảng.

         Trên đây là một số kỹ năng khi thiết kế giáo án mà bản thân tôi đã học hỏi và sử dụng trong quá trình làm việc. Mỗi GV để có những bài giảng hay, những giờ học thực sự cuốn hút học trò cần không ngừng nỗ lực học hỏi các thế hệ đồng nghiệp về tất cả các kỹ năng như nghiên cứu tài liệu, thuyết trình, sử dụng phương tiện dạy học, xử lý tình huống sư phạm, thiết kế giáo án và trình bày bảng…. Hy vọng những chia sẻ của tôi trong bài viết này sẽ giúp các bạn sinh viên sư phạm có thêm những kinh nghiệm bổ ích để tự tin hơn khi đứng lớp và thành công trong sự nghiệp trồng người.