MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC KINH DOANH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRONG DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN

 

PGS.TS Trần Thị Mai Phương

Th.s Nguyễn Thị Linh Huyền

Đặt vấn đề: Đất nước ta đang trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự quản lý, điều hành của nhà nước. Không thể phủ nhận những lợi ích mà nền kinh tế thị trường đem lại cho đất nước ta trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, việc chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường đã dẫn đến những biến đổi trong đời sống xã hội. Hiện tượng vi phạm đạo đức trong kinh doanh xuất hiện ngày một nhiều với những mức độ khác nhau. Việc nghiên cứu lí luận đạo đức kinh doanh và giáo dục đạo đức kinh doanh cho các chủ thể trong nền kinh tế thị trường là vấn đề cấp thiết được nhiều nhà khoa học trên thế giới và trong nước quan tâm. Đã có nhiều công trình khoa học đề cập đến vấn đề đạo đức kinh doanh như vai trò và chuẩn mực của đạo đức kinh doanh, thực trạng đạo đức kinh doanh và các giải pháp nhằm xây dựng đạo đức kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Một trong những giải pháp quan trọng là thực hiện giáo dục đạo đức kinh doanh không chỉ cho các doang nghiệp, doanh nhân mà cần hướng tới giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS các trường THPT - lực lượng lao động kế cận của đất nước. Chính vì vậy, việc tìm ra cách thức giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS nhằm phát huy hiệu quả trong dạy học môn GDCD là cần thiết. Giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS có thể thực hiện thông qua nhiều con đường khác nhau, nhưng dạy học là con đường cơ bản và phù hợp nhất.

1. Sự cần thiết của giáo dục đạo đức kinh doanh đối với học sinh trung học phổ thông

           Học sinh THPT là lực lượng lao động quan trọng chuẩn bị tham gia vào nền sản xuất xã hội cần được bồi dưỡng nhiều khía cạnh đạo đức trong đó có đạo đức kinh doanh thông qua các môn học khác nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là môn Giáo dục công dân. Ở cấp THPT, GDCD là môn học hướng tới mục tiêu góp phần giáo dục toàn diện nhân cách học sinh trong đó có nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức và pháp luật... đào tạo các em trở thành những người lao động mới, có phẩm chất tốt đẹp của người công dân Việt Nam. Trong tương lai, dù hoạt động ở ngành nghề nào, với trình độ như thế nào, các em đều cần phải tuân theo những giá trị, chuẩn mực đạo đức của xã hội, trong đó có đạo đức kinh doanh. Việc giáo dục đạo đức kinh doanh cho học sinh cần được lồng ghép trong nội dung dạy học Giáo dục công dân trong đó GV định hướng cho các em những chuẩn mực cơ bản của đạo đức kinh doanh như tính trung thực, tôn trọng con người, kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội, sự khiêm tốn và lòng dũng cảm, tôn trọng bí mật thương mại…Sự tuân thủ đạo đức kinh doanh không chỉ làm gia tăng lợi nhuận cho mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo quyền con người, bình đẳng giới…v.v.

         Thực tế dạy học môn Giáo dục công dân ở trường THPT nước ta hiện nay  cho thấy vấn đề giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS chưa thực sự được coi trọng thể hiện trên nhiều khía cạnh: 1) Chương trình môn học chưa có nội dung đề cập đến vấn đề giáo dục đạo đức kinh doanh. 2) Mặc dù trong chương trình GDCD hiện hành với các mảng kiến thức về giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân về kinh tế... chứa đựng rất nhiều nội dung có thể lồng ghép giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS nhưng phần lớn giáo viên bộ môn chưa nhận thức được tầm quan trọng và từ đó chưa quan tâm đến việc thiết kế lồng ghép nội dung giáo dục này trong quá trình dạy học. 3) Một số giáo viên đã bước đầu thực hiện lồng ghép giáo dục đạo đức kinh doanh trong bài giảng GDCD song vẫn còn rất nhiều lúng túng trong việc lựa chọn nội dung cũng như phương pháp tích hợp sao cho hiệu quả. Giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS là đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nước ta hiện nay. Con đường giáo dục có hiệu quả là dạy học tốt môn GDCD trong đó có việc chủ động lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức kinh doanh. Nếu tổ chức việc dạy học này, bao quát cả việc lựa chọn những đơn vị kiến thức có liên quan để lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức kinh doanh cũng như sử dụng những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp kết hợp với đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá thì chất lượng dạy học môn GDCD sẽ được nâng cao đồng thời mục tiêu giáo dục đạo đức kinh doanh, hình thành nhân cách công dân cho HS THPT trong nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam sẽ được đáp ứng.

         

.

2. Đặc điểm môn GDCD có nhiều ưu thế trong giáo dục đạo đức kinh doanh cho học sinh trung học phổ thông      

           Việc giáo dục đạo đức kinh doanh phải gắn liền với việc giáo dục đạo đức, lối sống truyền thống của dân tộc. Đặc biệt cần chú trọng việc dạy và học trong các môn khoa học xã hội nói chung và môn GDCD nói riêng để từng bước hình thành cho các em ý thức tự giác, chuẩn bị cho một bản lĩnh chính trị đúng đắn, lòng trung thành với lý tưởng XHCN, có ý thức công dân trước pháp luật  và có trách nhiệm xã hội.

         Trong số các môn học và hoạt động giáo dục đang được giảng dạy ở trường THPT, GDCD được coi là môn học giữ vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục đạo đức cho HS. Chỉ thị số 30/1998/CT-BGD & ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20 tháng 5 năm 1998 đã chỉ rõ: Môn GDCD ở trường THPT có vị trí hàng đầu trong việc định hướng phát triển nhân cách của HSthông qua việc cung cấp hệ thống tri thức cơ bản về giá trị đạo đức - nhân văn, đường lối chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và pháp luật, kế thừa các truyền thống đạo đức, bản sắc dân tộc Việt Nam; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp thu những giá trị tốt đẹp của nhân loại và thời đại.

Chương trình môn GDCD THPT hiện nay được chính thức đưa vào giảng dạy từ năm học 2006-2007 theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 5 tháng 5 năm 2006. Theo đó, nội dung môn GDCD ở trường THPT được xây dựng dựa trên các môn khoa học cơ bản như: Triết học, Đạo đức học, Luật học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học và các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, chương trình còn tích hợp nhiều nội dung giáo dục xã hội cần thiết cho các công dân trẻ tuổi như: giáo dục quyền con người, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục môi trường, giáo dục giới tính - sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục an toàn giao thông,.... Xuất phát từ vị trí, mục tiêu môn học, nội dung chương trình môn GDCD ở THPT được cấu trúc thành năm phần, bao gồm: (1) Công dân với việc hình thành thế giới quan, PP luận khoa học; (2) Công dân với đạo đức; (3) Công dân với kinh tế; (4) Công dân với các vấn đề chính trị - xã hội và (5)Công dân với pháp luật. Những nội dung này chứa đựng các giá trị đạo đức cơ bản như sống yêu thương ( tôn trọng và quan tâm đến người khác, nhân ái, khoan dung, yêu thương gia đình, yêu quê hương, yêu Tổ quốc, yêu đồng loại, yêu thiên nhiên...); sống tự chủ (trung thực, tự trọng, chăm chỉ vượt khó, tự hoàn thiện,...) và sống trách nhiệm (sống có trách nhiệm với bản thân, sống có trách nhiệm với gia đình, quê hương và Tổ quốc, tôn trọng và chấp hành pháp luật,...). Một con người sẽ không thể hoàn thiện nhân cách hay trở thành một người công dân tốt nếu thiếu hụt những giá trị nói trên.

Đặc biệt, trong nội dung chương trình Giáo dục công dân THPT có 3 phần chứa đựng nhiều nội dung có thể kết hợp giáo dục đạo đức kinh doanh, đó là: phần Công dân với đạo đức, Công dân với kinh tế và công dân với pháp luật.

 Phần Công dân với đạo đức có vai trò giáo dục, nuôi dưỡng và phát triển ở HS những giá trị đạo đức nhân văn cần thiết, giúp các em từng bước hoàn thiện nhân cách và trở thành con người có ích cho bản thân, gia đình, và xã hội.Hiểu biết sâu sắc các chuẩn mực, giá trị đạo đức sẽ soi sáng cho niềm tin đạo đức, khơi dậy và nuôi dưỡng trong HS tình cảm đạo đức mãnh liệt giúp cho các em có nghị lực để biến ý thức đạo đức trở thành những hành vi và thói quen đạo đức lành mạnh. Các giá trị, chuẩn mực đạo đức được giảng dạy trong môn GDCD ở trường THPT hiện nay có tính thực tiễn sâu sắc, gắn liền với thực tiễn sinh động của cuộc sống.

Phần Công dân với kinh tế là phần chứa đựng những nội dung kiến thức về kinh tế chính trị, cung cấp và trang bị những kiến thức cơ bản cho HS về sự hình thành, phát triển kinh tế hàng hóa, các khái niệm, quy luật kinh tế cơ bản trong nền kinh tế hàng hóa như: hàng hóa, tiền tệ, thị trường, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu..., chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN, quá trình CNH, HĐH đất nước. Đây là những nội dung cung cấp những kiến thức cơ bản góp phần hình thành kiến thức, kỹ năng và đạo đức kinh doanh cho HS THPT.

Phần Công dân với pháp luật cung cấp những hiểu biết cơ bản về bản chất, vai trò và nội dung của pháp luật trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội như: thực hiện pháp luật, quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, công dân với các quyền tự do cơ bản, pháp luật với sự phát triển bền vững của đất nước, pháp luật với hòa bình và sự phát triển của nhân loại...Những nội dung này giúp HS có thể chủ động, tự giác điều chỉnh hành vi cá nhân và đánh giá được hành vi của người khác theo quyền và nghĩa vụ của công dân trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đây cũng là phần có chứa đựng một số nội dung có thể tích hợp giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS như: bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, bình đẳng trong kinh doanh, quyền tự do kinh doanh của công dân và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Đối với môn GDCD, “mục tiêu dạy người” luôn được xác định là quan trọng nhất”. Vì thế, môn GDCD luôn ở vị trí hàng đầu trong việc định hướng phát triển nhân cách của HS. Mỗi HS là một chủ thể của phát triển nhân cách, phát triển xã hội. Do đó, thông qua mỗi bài dạy, tiết học người GV GDCD phải tích cực giáo dục, bồi dưỡng để giúp cho mỗi HS hình thành được cho mình lẽ sống, lí tưởng và niềm tin lành mạnh. Giáo dục để các em trở thành những công dân có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Trở thành những con người phát triển cao về trí tuệ, trong sáng về đạo đức và có đời sống tinh thần phong phú. Thông qua các bài học GDCD, người GV bộ môn phải giúp các em trở thành những con người sống có nghĩa tình, có tinh thần tập thể, có ý thức tổ chức kỉ luật, có lòng nhân ái khoan dung, biết yêu quê hương đất nước, yêu CNXH, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên CNXH, luôn  có ý thức trách nhiệm trước tương lai của bản thân và tiền đồ của đất nước, dân tộc... Để thực hiện nhiệm vụ này, người GV GDCD phải biến những tri thức, khô khan, trừu tượng, khó hiểu của môn học thành tình cảm, lẽ sống, lí tưởng, niềm tin ở HS, thôi thúc các em hành động theo lẽ phải và không ngừng nỗ lực phấn đấu để tự hoàn thiện bản thân, vươn tới chân – thiện –mĩ.

Đây cũng là một trong những điểm đặc thù và cũng là thế mạnh tạo nên ưu thế của môn GDCD trong việc giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS THPT` ở trường phổ thông so với các môn học khác.

3. Nhân tố ảnh hưởng đến việc giáo dục đạo đức kinh doanh trong dạy học môn GDCD ở trường THPT

Việc giáo dục đạo đức kinh doanh trong dạy học môn GDCD ở trường THPT được tiến hành hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó bao gồm các yếu tố chủ quan và khách quan. Yếu tố chủ quan thuộc về GV và HS, yếu tố khách quan là những điều kiện bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện.

Thứ nhất là về phía GV.

 Nhận thức của GV về sự cần thiết phải kết hợp giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS trong quá trình dạy học GDCD là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức dạy học, quyết định việc lựa chọn nội dung tích hợp, lựa chọn phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học...

 Sự hiểu biết sâu rộng về tri thức môn học, các vấn đề liên quan đến cuộc sống và nghề nghiệp của GV được coi là nền tảng của việc tổ chức thực hiện . Từ những cơ sở nền tảng đó, GV sẽ thiết kế và xây dựng các chủ đề tích hợp GDĐ ĐKD phù hợp với nội dung bài học và thời lượng chương trình nhằm  hấp dẫn, lôi cuốn và kích thích sự nỗ lực học tập của HS. Việc GV biết lựa chọn nội dung tích hợp và sử dụng các PPDH và các kỹ thuật dạy học tích sẽ đáp ứng những yêu cầu sư phạm đặt ra, đảm bảo tính khoa học, có tác dụng to lớn trong việc tạo dựng thành công trong học tập cho người họclàm cho người học hứng thú, phát huy tính tích cực, chủ động của người học, đồng thời hướng tới phát triển các năng lực của HS.

Thứ hai là về phía HS

      HS THPT còn được gọi là tuôi thanh niên, thể hiện tính chất phức tạp nhiều mặt của các em về tâm lý và sinh lí. Chính vì vậy, các nhà tâm lý học Mác xít cho rằng: khi nghiên cứu tuổi thanh niên cần phải kết hợp quan điểm của tâm lý học xã hội và phải tính đến quy luật bên trong của sự phát triển lứa tuổi. Ở lứa tuổi này các hứng thú và khuynh hướng học tập của HS đã trở nên xác định và được thể hiện rõ ràng hơn.Các em thường bắt đầu có hứng thú ổn định đặc trưng đối với một khoa học,một lĩnh vực tri thức hay một hoạt động nào đó,kích thích nguyện vọng muốn mở rộng và đào sâu các tri thức trong lĩnh vực tương ứng. HS THPT được sinh ra trong một môi trường xã hội có nhiều thuận lợi,nhưng ở các em cũng có những ưu điểm và nhược điểm mà trong công tác giáo dục cần lưu ý: Ở một số HS tình cảm cách mạng và ý chí phấn đấu còn yếu, trình độ giác ngộ về xã hội còn thấp.

Trong điều kiện hiện nay, nhiều  HS chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chính là học tập,  chưa trải qua thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu... cho nên, ở họ còn thiếu vốn sống, sự trải nghiệm cuộc đời như: bồng bột, chủ quan, dễ hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, tiếp thu thông tin ít chọn lọc, hướng tới các giá trị mới hiện đại nhưng chóng quên quá khứ, truyền thống..  Nhìn chung đây là thời kì đặc biệt quan trọng đối với cuộc đời con người, là thời kì lứa tuổi phát triển một cách hài hòa, cân đối là thời kì có sự biến đổi lớn về chất trong toàn bộ nhân cách để các em bước vào cuộc sống tự lập. Do đó GV phải nhận thức đầy đủ vị trí của lứa tuổi này để có nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục thích hợp nhằm đem lại hiệu quả tối ưu trong hoạt động sư phạm. 

          Bên cạnh các yếu tố chủ quan, yếu tố khách quan cũng có sự ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của việc GD ĐĐKD trong dạy học môn GDCD cho HS THPT. Các yếu tố khách quan bao gồm:

Một là, không gian dạy học

Không gian lớp học rộng rãi, thoáng mát, yên tĩnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc GV sử dụng các PPDH và KTDH tích cực nhằm giao tiếp, di chuyển hoạt động của các nhóm học tập. Không gian lớp học còn được xem xét ở góc độ tâm lý nghĩa là một lớp học có không khí tích cực, cởi mở, tin cậy và sẵn sàng hợp tác, một không gian đầy ắp tri thức và vốn sống của cả người dạy lẫn người học sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nhận thức, mỗi thành viên trong lớp sẽ hào hứng và xác định được vị trí, trách nhiệm của bản thân mình.

Hai là, các phương tiện, vật chất hiện đại cũng góp phần nâng cao hiệu quả GD ĐĐKD

Ngoài không gian rộng rãi, các phương tiện vật chất phục vụ cho dạy học nói chung cần đầy đủ để quá trình thực hiện GD ĐĐKD đạt hiệu quả.  Điều đó giúp HS có một môi trường tương tác thuận lợi trong hoạt động giáo dục. Để GD ĐĐKD phát huy hiệu quả, khi sử dụng các PPDH và KTDH cần phải có hệ thống máy chiếu, máy tính để trình chiếu, hình ảnh, phim tư liệu… Tài liệu môn học cùng với nguồn tài liệu tham khảo cũng là một yếu tố không thể thiếu để làm lên thành công của GD ĐĐKD.

Ba là, nội dung chủ đề tích hợp GD ĐĐKD  trong môn học GDCD.

Nếu GV lựa chọn chủ đề tích hợp nặng về lý thuyết, trừu tượng, có tính chất khiên cưỡng không phù hợp với đối tượng khiến HS có tâm lý ngại nghiên cứu. Nội dung chủ đề GD ĐĐKD có ý nghĩa thực tiễn, gắn với cuộc sống sẽ khiên người học tiếp thu một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, điều này tác động đến việc chủ động tìm tòi, nghiên cứu của HS. Thái độ của người học đối với môn học cũng dần được thay đổi. Từ đó HS sẽ hứng thú và tích cực hơn trong quá trình học tập.

4. Một số vấn đề đặt ra đối với việctích hợp giáo dục đạo đức kinh doanh trong dạy học môn GDCD ở các trường THPT hiện nay

Qua điều tra thực trạng GDĐĐKD trong môn GDCD ở trường THPT hiện nay cho thấy một số kết quả đạt được và hạn chế sau đây:

Những kết quả đạt được: Đa số GV và HS đều nhận thức đúng đắn về vai trò, sự cần thiết của nội dung tích hợp GDĐĐKD  trong môn GDCD ở THPT đối với quá trình rèn luyện, phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống của HS. Nhiều GV đã tích cực đổi mới PPDH như: chú trọng liên hệ thực tiễn, kết hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật DH tích cực, chú trọng sử dụng các phương tiện DH hiện đại và áp dụng CNTT vào quá trình DH. Đa số GV đã thực hiện đầy đủ các bước trong QTDH; tích cực đổi mới hình thức, PP /KTDH; tích cực tìm tòi, sưu tầm, thiết kế các PTDH; đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá KQHT của HS;... Qua đó, giúp cho HS đạt được một số kết quả tích cực, được thể hiện qua nhận thức và hành động của các em. Việc chuyển hướng từ truyền thụ kiến thức sang rèn luyện kỹ năng bước đầu được coi trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời đối với việc đổi mới nội dung; PP, HTTC DH; cách thức kiểm tra, đánh giá KQHT của HS.

Hạn chế cần khắc phục: Bên cạnh những thành tựu đạt được, thì kết quả điều tra thực trạng cũng cho thấy nhiều hạn chế còn tồn tại trong GDĐĐKD ở THPT như: kiến thức lồng ghép trong môn GDCD mới chỉ thuần túy là sự kết hợp mà chưa phải là sự tích hợp kiến thức của các môn khoa học,  nhiều nội dung cần gắn bó nhiều hơn với đời sống thực tiễn, gắn liền với các hiện tượng đạo đức, lối sống, pháp luật để giúp HS có cơ sở, liên hệ, vận dụng vào bài học, qua đó từng bước hình thành thói quen và hành vi xử sự tích cực trong cuộc sống, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật của người công dân ngày nay. Đa số GV chưa xác định được nội dung và địa chỉ tích hợp GDĐĐKD cũng như các NL đặc thù cần hình thành, phát triển cho HS trong DH môn GDCD ở THPT, điều này dẫn đến những lúng túng trong quá trình lựa chọn hình thức, PP/KTDH và kiểm tra, đánh giá KQHTcủa HS;.... để nâng cao hiệu quả GDĐĐKD cho HS THPT. Nhiều HS chưa tìm thấy niềm vui, hứng thú và ý nghĩa trong các bài học GDCD. Tâm lý học đối phó cho qua vẫn còn phổ biến ở một bộ phận không nhỏ HS THPT.

            Nguyên nhân của thực trạng

Theo chúng tôi, việc GDĐĐKD nói riêng và GDĐĐ nói chung trong môn GDCD ở trường THPT hiện nay có thực trạng như trên là do những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, là do chương trình, SGK môn GDCD hiện hành chưa khắc phục được tính hàn lâm, nặng giáo dục chính trị, nhẹ giáo dục đạo đức và kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, coi nhẹ thực hành. Mục tiêu chương trình, nội dung SGK hiện hành còn thiên về dạy chữ, chư chú trọng đến việc dạy người, chưa chú trọng rèn luyện cho HS các phẩm chất và năng lực cần thiết của người công dân trong xã hội mới. Nhiều bài học kiến thúc khô khan, chưa gắn với đời sống tuổi trẻ. Nhiều nội dung là những vấn đề khó, chư sát với đối tượng HS THPT nên tạo ra áp lực cho cả người dạy và người học. Nói chung, nội dung GDCD hiện hành chưa cập nhật được những thay đổi của đất nước và thời đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh quốc tế hóa cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, chưa đáp ứng được việc đào tạo những công dân toàn cầu.

Thứ hai, việc đổi mới PPDH, KTĐG chưa thực sự chuyển biến, nhiều khi còn dừng ở hình thức. Nhiều GV đã trăn trở và tích cực đổi mới PP, nhưng do chương trình “quá tải”, nội dung kiến thức còn trừu tượng, khô khan, thiết bị, tài liệu, đồ dùng phục vụ dạy học còn thiếu nên GV chủ yếu vẫn dạy chay. PP chủ yếu được sử dụng phổ biến vẫn là PPDH truyền thống, ít gắn với thực tiễn cuộc sống, nặng về giáo dục tri thức mà chưa chú trọng giáo dục hành vi, đạo đức, kỹ năng sống. Khả năng sử dụng CNTT trong DH của nhiều GV còn hạn chế. Bên cạnh một số GV có ý thức đổi mới PPDH và sử dụng vào phương tiện DH tích cưc, nhiều GV còn thiếu phông kiến thức sâu rộng, chưa cập nhật những thông tin mang tính thời sự vào trong bài giảng nên mới dừng ở việc truyền thụ kiến thức trên lớp, lệ thuộc SGK, tài liệu hướng dẫn giảng dạy, thiếu sáng tạo trong tổ chức các hoạt động DH. Các phương tiện DH như: tranh ảnh, sơ đồ, bảng biểu, đồ dùng trực quan,...chưa được sử dụng nhiều. KTĐG kết quả còn nặng về hình thức, phương pháp và hình thức KTĐG chậm được đổi mới, phổ biến vẫn là kiểm tra kiến thức,chưa chú trọng KTĐG năng lực của HS qua việc giải quyết những vấn đề, tình huống cụ thể trong những bối cảnh nhất định, do đó chưa phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS. QTDH vẫn chủ yếu nhắm đến NL nhận thức (biết, hiểu) mà chưa chú trọng hình thành, phát triển cho HS NL thực hiện.

Thứ ba, việc thiếu vắng những tài liệu, công trình nghiên cứu về tích hợp GDĐĐKD trong môn GDCD ở THPT hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên. Khoảng trống trong lí luận DH bộ môn về chủ đề này đã dẫn đến những lúng túng nhất định trong quá trình triển khai DH môn GDCD (trong đó có GDĐĐKD) ở THPT hiện nay. Do thiếu cơ sở lí luận, nhiều GV bộ môn chưa thực sự hiểu đúng về sự cần thiết của GDĐĐKD, chưa hiểu rõ các nội dung và phương pháp để GDĐĐKD cho HS nên hiệu quả và chất lượng DH môn GDCD chưa cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tế.

         Thực trạng GDĐĐKD cho HS trong môn GDCD ở THPT hiện nay được nêu ra ở trên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cả về lí luận và thực tiễn đối với việc tích hợp GDĐĐKD, trong đó có nhiều vấn đề cấp thiết mà lí luận DH bộ môn cần phải tham gia giải quyết. Cụ thể là những vấn đề sau đây:

          -Tiếp tục phát triển những kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế của quá trình đổi mới PPDH, tổ chức dạy học, KT, ĐG theo yêu cầu của Bộ GDĐT trong dạy học GDCD.

        - Cần phải xây dựng được khung lí luận về tích hợp GDĐĐKD trong môn GDCD ở trường THPT hiện nay. Khung lí luận này sẽ trang bị cho GV bộ môn cơ sở lí luận cũng như định hướng cho họ trong việc xác định, lựa chọn, sử dụng các biện pháp tích hợp GDĐĐKD trong môn GDCD ở trường THPT.

- Để nâng cao hiệu quả GDĐĐKD trong môn GDCD ở trường THPT hiện nay  GV bộ môn cần phải nắm vững và áp dụng các nguyên tắc GDĐĐKD trong môn GDCD ở trường THPT. Cần phải đổi mới nội dung cũng như đổi mới việc xác định nội dung GDĐĐKD trong môn GDCD ở trường THPT. Bên cạnh đó, việc đổi mới  tổ chức DH trên lớp, từ quy trình DH, HTTC DH, PPDH, cách sử dụng PTDH,...  trong môn GDCD ở trường THPT là quan trọng. Đổi mới việc đánh giá KQHT trong quá trình GDĐĐKD nói riêng và trong môn GDCD  nói chung ở trường THPT là yếu tố cần thiết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 10,11,12, NXB Giáo dục.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Sách giáo viên Giáo dục công dân lớp 10,11,12, NXB Giáo dục.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015),Tài liệu tập huấn dạy học tích hợp ở trường THCS, THPT, NXB Đại học Sư phạm.

4. Vũ Đình Bảy (Chủ biên) (2016), Thiết kế bài dạy học môn GDCD ở trường phổ thông, NXB Đại học Huế.

5. Nguyễn Văn Cư - Nguyễn Duy Nhiên (đồng chủ biên), (2009), Dạy và học môn GDCD ở trường THPT - Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.