ĐẢNG BỘ SƠN LA LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2010 – 2015

 

Th.s: Nguyễn Hải Minh

Tóm tắt: Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu sớm đưa Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Bắc. Trong giai đoạn 2010 - 2015, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Sơn La, cùng với truyền thống đoàn kết, sáng tạo và sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Sơn La đã đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là điều kiện, tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La tiếp tục ra sức phấn đấu xây dựng và phát triển quê hương Sơn La ngày một văn minh, giàu đẹp.   

Từ khóa: Đảng bộ, Sơn La, kinh tế, xã hội

1. Đặt vấn đề

Là một tỉnh miền núi phía Bắc, Sơn La có vị trí địa chiến lược quan trọng trong bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Đây là cửa ngõ quan trọng của vùng Tây Bắc Việt Nam, Sơn La có 250 km đường biên giới quốc gia, tiếp giáp với các tỉnh Bắc Lào (CHDCND Lào), là địa bàn cư trú của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Do đó, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Sơn La được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm sâu sắc. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Đảng bộ Sơn La cùng với truyền thống đoàn kết, tinh thần lao động, sáng tạo của nhân dân các dân tộc nơi đây, Sơn La đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa thật sự tương xứng với vị trí, tiềm năng của tỉnh. Vì vậy, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ Sơn La đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong mỗi giai đoạn từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung về mặt chủ trương, đường lối là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

2. Nội dung

2.1 Những chủ trương của Đảng bộ Sơn La

Sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước được đưa ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986); thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt của đời sống từ kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội đến an ninh quốc phòng, đời sống vật chất của nhân dân ngày một được cải thiện, hệ thống cơ sở vật chất kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, trình độ dân trí của nhân dân được nâng cao, sự nghiệp giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đầu tư phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững; diện mạo bức tranh nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, thế và lực của tỉnh không ngừng được nâng lên. Đó là những cơ sở, tiền đề quan trọng cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La vững bước tiến vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2010 – 2015) với những thời cơ và vận hội mới.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XII (nhiệm kỳ 2005 – 2010), căn cứ vào bối cảnh quốc tế, trong nước và tình hình thực tế của địa phương, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã tiến hành nghiên cứu, thảo luận và đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2010 – 2015 là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững manh, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; mở rộng và tăng cường đối ngoại; phấn đấu sớm đưa Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc” [6, tr.48-49].

Trong lĩnh vực kinh tế, với chủ trương “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm”, Đảng bộ Sơn La đã tích cực đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, gắn với giải quyết tốt vấn đề tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) khu vực dân tộc miền núi; bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực tăng tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ chủ trương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa cơ cấu giống cây trồng, con vật nuôi; tích cực ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác; tập trung vào những cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của vùng như trồng ngô, lúa, sắn, chè, cà phê, mía...chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà...mạnh dạn đưa các giống cây trồng, con vật nuôi mới vào sản xuất. Trong sản xuất công nghiệp, Đảng bộ chủ trương đẩy mạnh phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm với hàm lượng khoa học cao trên cơ sở bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phát triển các ngành, các sản phẩm công nghiệp có lợi thế của địa phương như: khai thác thủy điện, khoáng sản, tài nguyên nước; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, sản phẩm cây công nghiệp...Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, với 3 vùng kinh tế quan trọng gồm: vùng kinh tế dọc Quốc lộ 6, vùng kinh tế dọc sông Đà, vùng cao và vùng biên giới với mục tiêu hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ - nông, lâm nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhằm cụ thể hóa những chủ trương trên, Đảng bộ đã đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu cho giai đoạn 2010-2015 như: “Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm đạt từ 14-15%; GDP bình quân đầu người đạt 1.200 USD (khoảng 23-24 triệu đồng); chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực với ngành công nghiệp xây dựng đạt 37-38%; dịch vụ 36-37%; nông lâm nghiệp 24-25%; thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 11.000 tỷ đồng; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15 triệu USD...”. [6, tr.49].

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhiệm vụ phát triển văn hóa – xã hội; an ninh, quốc phòng cũng được Đảng bộ hết sức quan tâm. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ chủ trương tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và  nguồn nhân lực; ưu tiên đầu tư phát triển ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng tái định cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển và nâng cao hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ hướng vào phục vụ sản xuất và nhu cầu của nhân dân; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong nếp sống, nếp nghĩ của một bộ phận quần chúng nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ quốc gia vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an ninh biên giới, an ninh nội địa; phòng chống có hiệu quả âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch; thực hiện các chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tội phạm hình sự nguy hiểm, đẩy manh phong trào “toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm”. Đảng bộ đặt ra một số mục tiêu phấn đấu cụ thể như: “Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 80%; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được trong 4 mùa; 100 đơn vị cấp xã, tổ bản, cơ quan, trường học cơ bản đạt và đạt tiêu chuẩn 4 không về ma túy, trong đó có 90% đạt tiêu chuẩn không có ma túy; phấn đấu có trên 55 xã đạt các tiêu chí nông thôn mới...” [6, tr.49].

2.2. Những kết quả đạt được và hạn chế

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIII với những mục tiêu hết sức tổng quát và cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 -2015; trong hoàn cảnh quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng tồn tại không ít khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực, quyết tâm cố gắng của nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh, Sơn La đã đạt được những kết quả nổi bật và tương đối toàn diện về kinh tế - xã hội.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song nền kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế ngày một chuyển dịch theo hướng tích cực, một số chỉ tiêu cụ thể đã đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra; cụ thể là tổng sản phẩm GDP năm 2015 ước đạt 22.126 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2010, bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 10,39%; nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 38% thì đến năm 2015 còn 22% (trung bình mỗi năm giảm 3,2%). Năm 2015 thu ngân sách ước đạt 3.300 tỷ đồng, gấp 3,5 lần năm 2010; GDP bình quân đầu người đạt 1.257 USD (khoảng 26.4 triệu đồng) vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ từ 32,88% (năm 2010) lên 46,25% (năm 2015); giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp từ 37,84% (năm 2010) xuống 31,14% (năm 2015); công nghiệp xây dựng giảm từ 29,28% (năm 2010) xuống 22,61% (năm 2015). [7, tr.17-18].

Sản xuất nông, lâm nghiệp được coi là thế mạnh của tỉnh, được Đảng bộ hết sức quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Nhờ đó, sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển khá và đạt được những kết quả tích cực như: Năm 2015, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 10.875 tỷ đồng, tăng 30,1% so với năm 2010, bình quân tăng 5,4%/năm; giá trị thu nhập trên 01 ha đất canh tác ước đạt 34 triệu đồng; việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất được tăng cường giúp nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường; cơ cấu cây trồng con vật nuôi ngày một đa dạng hóa và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Tỉnh đã hình thành được một số mô hình sản xuất hiệu quả như: chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu với 17.500 con, sản lượng sữa tươi đạt trên 65.000 tấn, doanh thu đạt 2.200 tỷ đồng; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mộc Châu sản xuất các loại rau, hoa quả sạch, chất lượng cao đạt doanh thu 1 tỷ đồng/1ha đất canh tác; mô hình sản xuất mộc nhĩ và nấm xuất khẩu từ nõi ngô; nuôi cấy thành công sản phẩm Đông trùng hạ thảo; mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hòa tan  bằng công nghệ Israel tại 03 xã của 02 huyện và thành phố Sơn La, gắn với thương hiệu cà phê Arabica hữu cơ; mô hình nuôi cá tầm lòng hồ sông Đà... [7, tr.19].

Công nghiệp tiếp tục có bước phát triển trên cơ sở khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh như khai thác vật liệu xây dựng, thủy điện, khai thác chế biến khoáng sản, nông lâm sản...nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm liên tục tăng, năm 2015 đạt 5.764 tỷ đồng, tăng 68,4% so với năm 2010, bình quân tăng 10,9% năm; đã hình thành được một số cụm công nghiệp tập trung như thành phố Sơn La, huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Phù Yên...Ngành thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển mạnh mẽ về cả quy mô và chất lượng; năm 2015, giá trị sản xuất của ngành ước đạt 16.280 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2010, bình quân tăng 21,5%/năm; kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 đạt 43,3 triệu USD/năm; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 51.546 tỷ đồng; du lịch đang trở thành ngành tiềm năng của tỉnh với các khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là khu du lịch quốc gia Mộc Châu tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hứa hẹn sẽ là bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.[7, tr.19-20].        

Xây dựng nông thôn mới, được Đảng bộ xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được Đảng bộ đầu tư quan tâm xây dựng theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh đã đầu tư hơn 40 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, trường học, trạm y tế, mạng lưới các chợ...Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt 10-14 tiêu chí, 78 xã đạt 5-9 tiêu chí, 99 xã đạt dưới 5 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã hoàn thành công tác di dân tái định cư phục vụ nhu cầu xây dựng công trình Thủy điện Sơn La an toàn, đúng tiến độ với 12.584 hộ dân góp phần quan trọng vào việc hoàn thành công trình Thủy điện Sơn La trước thời hạn 3 năm so với kế hoạch đề ra [7, tr.19].. Hệ thống 03 vùng kinh tế cơ bản được định hình với những thế mạnh và lợi thế riêng; vùng kinh tế động lực dọc Quốc lộ 6 tiếp tục phát huy vai trò đầu tầu kinh tế của tỉnh với lợi thế về các ngành dịch vụ, du lịch, các cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu chế biến nông sản, hàng hóa, rau quả tập trung; vùng kinh tế dọc sông Đà với thế mạnh dịch vụ vận tải đường sông, công nghiệp điện, khai khoáng, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng cá tầm và các loại cá đặc sản đang mở ra triển vọng mới; vùng cao biên giới với thế mạnh về khai thác, bảo vệ tài nguyên rừng với phát triển các cây trồng, con vật nuôi đặc sản của địa phương.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng được Đảng bộ Sơn La hết sức coi trọng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong ngành giáo dục đào tạo, Sơn La đã làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, không ngừng nâng cao trình độ dân trí; bước đầu thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện ở các cấp học, bậc học, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở và giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ học sinh  đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt trên 90%, nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ khoa học công nghệ có nhiều đổi mới, sáng tạo và gặt hái được nhiều thành công; trong đó có việc triển khai thực hiện thành công đề án hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản hai công trình khoa học có ý nghĩa vô cùng quan trọng là “Địa chí Sơn La” và “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trong quá trình hội nhập”. Sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; Đảng bộ đã chỉ đạo ngành y tế hoàn thành tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế...góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là những gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Đảng bộ đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong toàn tỉnh tích cực giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ các hủ tục, lạc hậu cản trở sự phát triển như nạn tảo hôn, cướp vợ, bắt vợ, rượu chè, cờ bạc...Tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng , pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh như tuyên truyền về biển đảo và tình hình đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hộiNhờ đó, trình độ dân trí và năng lực nhận thức của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ngày một được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiên và từng bước nâng cao.

Công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo và tăng cường góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quân sự quốc phòng địa phương tiếp tục được tăng cường. Đảng bộ đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự xã tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện Luật nghĩa vụ Quân sự, Luật Dân quân tự vệ; khám tuyển nghĩa vụ quân sự đạt kết quả tốt.Ban Chỉ huy quân sự xã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tới các tầng lớp nhân dân đề cao cảnh giác, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm về công tác Quốc phòng trong tình hình mới. Cấp uỷ, chính quyền địa phương không ngừng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt công tác quân sự địa phương, chính sách hậu phương quân đội, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu khi có chiến sự xảy ra. Thực hiện có hiệu quả chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm, kiểm soát, giải quyết tốt các vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội; chủ động phát hiện giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ. Quan hệ hợp tác toàn diện giữa Sơn La với các tỉnh Bắc Lào không ngừng được tăng cường và mở rộng; đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh tạo môi trường an toàn, thuận lợi cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào vùng biên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Sơn La còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục:

Một là, nền kinh tế còn tương đối nghèo nàn và phát triển khá chậm so với các địa phương khác trong cả nước.

Mặc dù, nền kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng so với giai đoạn trước đó; song về cơ bản, Sơn La vẫn là tỉnh nghèo và chậm phát triển so với cả nước; tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước, nguồn lao động chưa được phát huy và khai thác có hiệu quả.. Giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp nhỏ lẻ, phân tán theo phương pháp truyền thống và phụ thuộc vào thiên nhiên.Trong quá trình sản xuất chưa hình thành được các chuỗi sản xuất, vùng chuyên canh quy mô lớn. Chưa kết hợp giữa sản xuất, chế biến với tiêu thụ sản phẩm. Quy mô hết sức nhỏ lẻ. Việc đa dạng hóa cơ cấu giống cây trồng con vật nuôi, ứng dụng các thành tựu KHKT mới vào sản xuất còn hết sức chậm. Ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán gây khó khăn cho việc cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, năng suất và chất lượng nông sản thấp, khả năng cạnh tranh trên thị trường kém. Chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của kinh tế nghề và làng nghề, công nghệ sản xuất chậm đổi mới; tình trạng ô nhiễm ở một số làng nghề ngày càng bức xúc, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của nhân dân.

   Hai là, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ và hiện đại.

Thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, Đảng bộ Sơn La đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy tối đa các nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, các công trình văn hóa – xã hội…đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, làm cho bộ mặt khu vực nông thôn miền núi có sự thay da đổi thịt rõ rệt. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng; đặc biệt là hệ thống giao thông thiếu tính đồng bộ và hiện đại là lực cản rất lớn cho sự phát triển. Nhiều công trình xây dựng thiếu tính đồng bộ, chắp vá do không có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng; không thường xuyên nâng cấp, sửa chữa, cải tạo và mở rộng các công trình hiện có; hệ thống giao thông nghèo nàn, lạc hậu với đường bộ và đường thủy, trong đó chủ đạo là đường bộ, không có các tuyến đường cao tốc, đường vành đai, đường hàng không. Do đó, năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa bị hạn chế, dẫn đến lãng phí về thời gian, chi phí, nhân lực, hiệu quả kinh tế thấp ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trở thành lực cản không nhỏ cho sự phát triển của địa phương.

Ba là, chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, đặc biêt là nguồn lao động có tay nghề cao,

Hiện tại, lực lượng lao động chủ yếu tại địa phương vẫn là lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo lối sản xuất truyền thống, tự cấp tự túc và phụ thuộc vào tự nhiên; lực lượng lao động không qua đào tạo, thiếu những kiến thức, kỹ năng cơ bản chiếm tỷ lệ lớn. Mặt khác là tỉnh miền núi, còn gặp nhiều khó khăn, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiếu số. Do đó, việc tiếp cận, ứng dung và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hết sức hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa  nông nghiệp nông thôn.

Bốn là, những hạn chế trong các vấn đề xã hội

Mặc dù,đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã từng bước được cải thiện và nâng cao, song nhìn chung còn thấp, gặp nhiều khó khăn, khoảng cách, chênh lệch giàu nghèo ngày một lớn. Hiện tại, Sơn La là những địa phương có trình độ phát triển và trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo vẫn ở mức cao so với các địa phương khác trong cả nước; hệ thống giáo dục đào tạo, hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đồng thời, đây cũng là địa bàn cư trú và sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, bên cạnh những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp còn bảo lưu nhiều hủ tục lạc hậu như nạn tảo hôn, cướp vợ, sinh con một bề “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” việc cưới, việc tang còn rườm rà, tốn kém; trong nếp sống, nếp nghĩ còn tồn tại tư tưởng trông chờ, ỷ nại, chậm đổi mới; trình độ nhận thức và năng lực tư duy của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế cùng với tình trạng nghèo đói dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, nghiện hút...Đây là những thách thức không nhỏ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La.

Năm là, những tồn tại, hạn chế trong hệ thống chính trị cơ sở

Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp uỷ đảng, chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị ở một số cơ sở còn còn hạn chế. Biểu hiện ở tư tưởng chủ quan, duy ý chí, rập khuôn máy móc, cục bộ địa phương, mất đoàn kết nội bộ; năng lực, trình độ của một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, một bộ phận ngại khó, né tránh, thiếu tinh thần trách nhiệm; đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nội dung và phương pháp hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chậm được đổi mới, chưa thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Do đó, chưa phát huy được vai trò chỉ đạo, tập hợp quần chúng nhân dân trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Đảng bộ các cấp vào cuộc sống.

2.3. Một số bài học kinh nghiệm

Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được và nêu ra những hạn chế, tồn tại trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015 của Đảng bộ Sơn La, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm vận dụng vào  thực tiễn nhằm tham mưu giúp lãnh đạo các cấp Ủy Đảng, chính quyền tỉnh Sơn La tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện phương hướng, nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Sơn La ngày một văn minh, giàu mạnh trong tương lai.

Một là, trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội phải thường xuyên căn cứ vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở sở đó vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế của địa phương, tránh tình trạng chủ quan, duy ý chí, vận dụng một cách máy móc.

Hai là, phải thường xuyên quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân miền núi; đặc biệt là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì kinh tế nông, lâm nghiệp và người dân ở khu vực nông thôn miền núi là những nhân tố trực tiếp nhất quyết định đến sự thành bại trong những chủ trương của tỉnh.

Ba là, phải không ngừng đầu tư vào việc xây dựng, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh, giữa Sơn La với các tỉnh lân cận và các tỉnh Bắc Lào. Vì cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn sẽ là yếu tố quyết định đến quá trình hội nhập và phát triển của tỉnh. 

Bốn là, phải thường xuyên quan tâm đến giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như đói nghèo, lạc hậu, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, môi trường, an ninh quốc phòng...Đặc biệt là Sơn La, một tỉnh miền núi, biên giới còn gặp nhiều khó khăn, giải quyết tốt những vấn đề này sẽ góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển, hướng tới nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đặc biệt là ở những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Năm là, không ngừng chăm lo, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Kết luận

Như vậy, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Sơn La, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, cùng sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh; trong giai đoạn 2010-2015, Sơn La đã đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và từng bước nâng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, diện mạo nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, về cơ bản Sơn La vẫn là tỉnh nghèo, có trình độ dân trí, trình độ phát triển tương đối thấp so với các địa phương khác trong cả nước; hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông nghèo nàn, lạc hậu; tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch...chưa được phát huy và khai thác có hiệu quả. Đó là những vấn đề cấp bách đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La cần nhanh chóng giải quyết kịp thời, triệt để nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương Sơn La ngày một phát triển hơn nữa trong tương lai.

TÀI LIỆU  THAM KHẢO

[1] Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; công tác xóa đói, giảm nghèo; kết quả hợp tác và phát triển giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào trong 5 năm (2011-2-15)

[2] Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; phương hướng, nhiệm vụ 2011.

[3] Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ 2012.

[4] Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; phương hướng, nhiệm vụ 2015.

[5] Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; phương hướng, nhiệm vụ 2016.

 [6] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2010 – 2015)

 

 [7] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020)