CUỘC CHIẾN 1979 HỒI ỨC VÀ NHỮNG BÀI HỌC

 

Th.s: Nguyễn Hải Minh

1. Đặt vấn đề

Chiến tranh đã qua đi 40 năm nhưng những hồi ức về nó vẫn còn giữ trong tâm trí nhiều người trực tiếp tham gia cũng như hồi ức của nhiều thế hệ người Việt Nam. Cuộc chiến đã đi vào dĩ vãng nhưng nhiều bài học vẫn còn nguyên giá trị cho cả hai bên. 

Cuối cùng là gì? Không phải sau đợt kỷ niệm này, chúng ta tự cho mình là nhất, không sợ bất cứ một kẻ thù nào nữa. Mặc dù nhiều nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến 1979 đã hết vai trò lịch sử. Trung Quốc đã trở thành siêu cường so với chính họ cách đây 40 năm. Còn chúng ta? Chúng ta cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ so với 40 năm trước đây. nhưng để trở thành một cường quốc đang là một bài toán lớn mà chúng ta chưa thực có lời giải đúng đắn nhất.

2. Nội dung

2.1. Những hồi ức chiến tranh biên giới 1979

Rạng sáng 17/2/1979, Bắc Kinh bất ngờ ồ ạt xua quân xâm lược biên giới mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và kéo dài suốt 10 năm sau đó.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Số quân Trung Quốc tham chiến lúc này được cho nhiều hơn các đạo quân xâm lược trước đó. (Thời điểm cao nhất, quân Mỹ huy động trên chiến trường Việt Nam gần 550.000 quân, Pháp 250.000 quân...).

Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh đại quân khu Quảng Châu được cử làm tổng tư lệnh cuộc chiến tranh, trực tiếp chỉ huy hướng xâm lược Cao Bằng - Lạng Sơn. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh đại quân khu Côn Minh chỉ huy hướng Lào Cai.

Chiến thắng mùa xuân 1975 theo đánh giá của nhiều nhà sử học thế giới là kết quả Trung Quốc không mong muốn, khi Bắc Kinh và Washington đạt được một số thỏa thuận sau chuyến thăm của Tổng thống Nixon năm 1972.

Tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát dân thường. Đứng đằng sau là Trung Quốc tài trợ khí tài, cố vấn quân sự. Khi quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, bảo vệ nhân dân Campuchia, Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.

Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy tuyên bố: "Phải dạy cho Việt Nam một bài học" và che mắt thế giới rằng "đây là cuộc chiến tranh phản kích tự vệ".Cuộc động binh quy mô lớn của Trung Quốc khiến nhân dân Việt Nam và cả thế giới bất ngờ.

Theo Niên giám châu Á 1980, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam ở biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, gồm bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân tự vệ. Bước vào cuộc chiến không cân sức, quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã tổ chức các đợt phòng ngự, đẩy lùi từng đợt tiến công của quân Trung Quốc.

Ở Lạng Sơn, sau 10 ngày chiến đấu, Trung Quốc tung thêm quân vào thị xã Lạng Sơn, dùng chiến thuật biển người nhằm xâm chiếm mục tiêu quan trọng. Lực lượng vũ trang địa phương đã đánh bật hàng chục đợt tiến công của giặc. Các trận đánh diễn ra ác liệt ở cầu Khánh Khê, Tam Lung, Đồng Đăng.

Quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm tại Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh. Hai sư đoàn Trung Quốc theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu). Lực lượng vũ trang Việt Nam đã chiến đấu, chặn đứng quân thù ở đây 20 ngày.

Cùng lúc đó, một cuộc chuyển quân thần tốc của 3 quân đoàn chủ lực Việt Nam trở về bảo vệ biên giới diễn ra bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không. Liên Xô lập cầu hàng không tương trợ cho Việt Nam, đưa quân từ mặt trận Campuchia ra thẳng miền Bắc tham chiến.

Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, quyết định tổng động viên. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh Tổng động viên. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc. 50 triệu người Việt Nam sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến.

Lệnh tổng động viên được ban bố sáng 5/3, thì chiều cùng ngày phía Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học". Thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho Trung Quốc rút quân.

Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Trước khi rút, chúng còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội.

Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. 400.000 gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản.

Phía Trung Quốc bị diệt 62.500 tên, 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy…

Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã nhận lấy bài học quân sự đắt giá.

2.2. Những bài học

Chiến tranh biên giới đã lùi xa 40 năm nhưng những hậu quả của nó để lại vẫn còn đó mà chũng ta mãi không thể quên được.

Thế giới hiện đại đang chứng kiến rất nhiều cuộc chiến mới với bản chất cũ nhưng hình thức hoàn toàn khác: Dùng kinh tế thay súng đạn; dùng quyền lực “mềm” thay cho cách can thiệp “cứng”; phương thức tác động “đa phương” thay cho đơn phương… Tình hình này, buộc chúng ta cần rút ra bài học để tồn tại bên cạnh một nước lớn luôn có tư tưởng bành trướng.

Trước tiên, với chiến tranh biên giới năm 1979, Việt Nam có phần bất ngờ, vì hiếm người nghĩ hai nước láng giềng “anh em” cùng hệ tư tưởng cùng chí hướng đi theo con đường CNXH, “núi liền núi sông liền sông” lại mang quân can thiệp chỉ vì lý do “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Thực tế, Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng từ rất lâu cho cuộc chiến tranh xâm lược này. Vì vậy, Việt Nam không thể chỉ có “cạnh tranh” hoặc chỉ “hợp tác” với Trung Quốc.

Bài học này đã được rút ra, đó là hợp tác và cạnh tranh song hành nhau. Trong bạn có thù, trong thù có bạn. Hợp tác và cạnh tranh song trùng được chứng minh là đúng đắn nhất trong giai đoạn hiện nay. Ví dụ: Mỹ không còn “thoáng” với đồng minh của họ; Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông bất chấp dư luận quốc tế…

Sau chiến tranh biên giới năm 1979 là cuộc chiến trên đảo Gạc Ma (1988) và rất nhiều cuộc chiến phi súng đạn khác…

Vì sao Trung Quốc “ưa thích” chọn hướng về phía Nam? Rõ ràng Đông Nam Á và hướng ra Biển Đông trong gần 100 năm nay là xu thế, vì nơi đây có nhiều lợi ích kinh tế, trở thành vùng có vị trí chiến lược quan trọng với các siêu cường.

Mặc dù, các nhà viết sử chiến tranh thời Cổ, Trung đại hiếm khi nhắc đến sự ủng hộ của một bên thứ ba nào đó, nhưng trong thời kỳ hiện đại, tiếng nói ủng hộ hòa bình tiến bộ từ khắp nơi trên thế giới là rất quan trọng.

3. Kết luận

Chiến tranh biên giới năm 1979, thắng lợi của Việt Nam có một phần từ sự ủng hộ của Liên Xô và các nước XHCN anh em. Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa rõ rệt hơn, âm mưu tinh vi hơn, vì vậy cần thiết phải có những người bạn tin cậy, được xây dựng trên nguyên tắc lợi ích hài hòa.

Bảo vệ đất nước, bằng nhiều cách, nhưng cách mà Việt Nam nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới 1979 như những ngày vừa qua, làm cho nó trở nên xứng với tầm vóc lịch sử và tâm thế dân tộc!

Với đỏi hỏi phải có chính sách ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo, chúng ta nhớ lại câu nói của Bác Hồ với cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi lên đường thăm Pháp sáng ngày 31/5/1946: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.