Quan điểm của Hồ Chí Minh về nền giáo dục dân chủ hướng đến mục tiêu đào tạo những con người phát triển toàn diện, có năng lực tổ chức và làm chủ chế độ dân chủ mới

Mục đích trọng tâm và xuyên suốt tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh là nhằm nâng cao dân trí để xây dựng một xã hội dân chủ vì con người, cho con người. Nâng cao dân trí là một nhiệm vụ quan trọng của nhà nước dân chủ. Bởi lẽ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong bài “Chống nạn thất học” đăng trên báo cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”.

 

Trong một chế độ dân chủ, mục đích của giáo dục chính là đào tạo nên những con người có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới. Trong bài báo “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng”, Hồ Chí Minh đã nhắc: “Chúng ta là những người lao động làm chủ nước nhà”. Chính vì là người lao động làm chủ nước nhà, nên “muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ”, và Người đã chỉ ra điều kiện: “Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới- trước hết là tổ chức nền sản xuất mới...”. Với mục tiêu của việc học tập như vậy, Người yêu cầu người dạy và người học phải có thái độ đúng đắn, nghiêm túc và chí tiến thủ trong học tập, với tinh thần “học không biết chán, dạy không biết mỏi” để có làm chủ bản thân “chúng ta làm chủ cuộc sống mới do chúng ta xây dựng lên. Chúng ta làm chủ tương lai của mình và con cháu mình”. Mục tiêu của nền giáo dục dân chủ mới Việt Nam được Hồ Chí Minh nêu rõ là: Đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, những lớp người có đủ đức, tài, vừa hồng, vừa chuyên, để có thể đảm nhận tốt vai trò của người công dân trong quá trình tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để đạt được mục tiêu đó, Hồ Chí Minh khẳng định mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ phải được giáo dục một cách toàn diện: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Do vậy, học để có đủ năng lực làm chủ không những là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của mỗi người công dân trong chế độ dân chủ mới.

Hồ Chí Minh khi đề cập đến mục đích của nền giáo dục dân chủ mới đã nhiều lần khẳng đinh đó là nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực vốn có của con người. Trong “Thư gửi học sinh” tháng 9/1945, Bác đã khẳng định: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Những con người được phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của bản thân đó sẽ trở thành những con người toàn diện, con người mới, khác hoàn toàn với nền giáo dục mà chủ nghĩa thực dân đã thực thi ở Việt Nam trước đây.

Nền giáo dục dân chủ mới mà Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng là nền giáo dục nhằm đào tạo nên những con người “hoàn toàn” để “làm người”, để “phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân”, phục vụ “Tổ quốc và nhân loại”. Theo quan điểm của các nhà kinh điển Mác- Lênin, mục đích của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa là giáo dục- đào tạo con người phát triển toàn diện. Lênin đã chỉ rõ: “Người ta sẽ chuyển sang việc huấn luyện, giáo dục và đào tạo những con người phát triển về mọi mặt, được chuẩn bị về mọi mặt và biết làm việc. Đó là cái đích của chủ nghĩa cộng sản đi tới, nhưng phải trải qua một giai đoạn lâu dài”. Mác - Ăngghen cũng đã chỉ ra mô hình về con người phát triển toàn diện của xã hội tương lai: là con người phát triển về cả trí tuệ, đạo đức, sức khỏe, lao động và thẩm mỹ; hài hòa về thể chất và tâm hồn, hài hòa giữa cuộc sống cá nhân và xã hội, giữa cái chung và cái riêng. Phát triển toàn diện nhân cách là phát triển hết khả năng, đặc tính vốn có của từng cá nhân; chứ không phải là làm cho tất cả mọi người đều hoàn toàn giống nhau, đều làm giỏi tất cả mọi việc như nhau. Kế thừa truyền thống giáo dục của dân tộc, tiếp thu tinh hoa tư tưởng giáo dục của nhân loại, đặc biệt là quan điểm của Chủ nghĩa Mác- Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm khẳng định vị trí, vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước nói chung và đối với mỗi người nói riêng.

Nền giáo dục dân chủ mới là nền giáo dục tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí, phát triển tài năng của mọi người để phụng sự đoàn thể và góp phần vào cuộc tiến hóa chung của nhân loại. Từ thực trạng nền văn hóa, giáo dục dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, Người vạch trần chính sách “ngu dân” để dễ bề cai trị của chúng. Dùng ngòi bút với lời lẽ sắc bén để vạch trần bản chất của cái gọi là “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong chế độ cũ, những người đến trường học, được “đào tạo nên những tay sai làm tôi tớ cho bọn thực dân”; những người không đến trường lớp thì bị bọn thực dân đầu độc bằng các thói hư, tật xấu như rượu chè, cờ bạc, thuốc phiện và các tệ nạn xã hội. Chính vì thế, phải “ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ”. Không chỉ lên án, phê phán, vạch trần bản chất nền giáo dục của chủ nghĩa thực dân, mà còn thông qua đó, Hồ Chí Minh muốn xây dựng một nền giáo dục mới và xây dựng một xã hội mới. Với Hồ Chí Minh, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa. Để xây dựng chế độ dân chủ mới ở Việt Nam, Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến chiến lược trồng người mà biện pháp quan trọng nhất là giáo dục. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, cũng như quan niệm của Người về vai trò của giáo dục không bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động, thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tri thức, lý tưởng, đạo đức sức khoẻ, thẩm mỹ... Khi nhìn nhận vai trò của giáo dục đối với sự hình thành nhân cách của con người, Người khẳng định:

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện, 

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền; 

Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,

Phần nhiều do giáo dục mà nên.”

Hồ Chí Minh luôn coi giáo dục có vai trò quan trọng không chỉ đối với việc giáo dục tri thức, học vấn mà còn góp phần hình thành nên nhân cách, phẩm chất đạo đức của mỗi con người. Người nói về mục đích hướng tới của giáo dục: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”.

Nền giáo dục Người chủ trương xây dựng là nền giáo dục nhằm xóa bỏ những quan niệm coi khinh lao động chân tay, chuộng bằng cấp, ham vinh hoa phú quý, coi “muôn nghề đều là thấp kém, chỉ nghề đọc sách là cao”. Nền giáo dục mới là nền giáo dục “phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Anh (2013) (chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vận dụng vào đào tạo đại học hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Phan Ngọc Liên- Nguyên An (2003): Hồ Chí Minh với giáo dục- đào tạo, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội.

3. Võ Văn Lộc (2011): Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Mác, Ăngghen, Lênin, Xtalin (1976): Bàn về giáo dục, Nxb Sự thật, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Tập 3, 4, 5, 7, 9, 10, 12, 13, 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.