Quan điểm của Hồ Chí Minh về nền giáo dục dân chủ hướng đến mục tiêu đào tạo những con người phát triển toàn diện, có năng lực tổ chức và làm chủ chế độ dân chủ mới

Mục đích trọng tâm và xuyên suốt tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh là nhằm nâng cao dân trí để xây dựng một xã hội dân chủ vì con người, cho con người. Nâng cao dân trí là một nhiệm vụ quan trọng của nhà nước dân chủ. Bởi lẽ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong bài “Chống nạn thất học” đăng trên báo cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”.

Xem thêm: Quan điểm của Hồ Chí Minh về nền giáo dục dân chủ hướng đến mục tiêu đào tạo những con người phát...

Những điểm mới cơ bản trong chương trình môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông sau năm 2020

Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Hội nghị trung ương VIII khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020; Nghị quyết số 44/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 29 –NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Giáo dục phổ thông nước ta đã và đang có những bước chuyển mình quan trọng, chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang chương trình giáo dục tiếp cận năng lực người học: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ học sinh làm được những gì qua việc học. Đổi mới giáo dục ở phổ thông đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá và bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên.

Xem thêm: Những điểm mới cơ bản trong chương trình môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông sau...

Đẩy mạnh NCKH cho sinh viên Trường Đại học Tây Bắc

Nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên thường là những nghiên cứu nhỏ nhưng gần gũi và rất thực tế với cuộc sống và trải nghiệm của giới sinh viên. Việc tham gia thực hiện các đề tài NCKH ở bậc Đại học sẽ giúp các bạn sinh viên tích lũy thêm nhiều kiến thức từ nhiều lĩnh vực ngoài chuyên môn và hoàn thiện các kỹ năng cần thiết để thành công trong xã hội.

Xem thêm: Đẩy mạnh NCKH cho sinh viên Trường Đại học Tây Bắc

CUỘC CHIẾN 1979 HỒI ỨC VÀ NHỮNG BÀI HỌC

 

Th.s: Nguyễn Hải Minh

1. Đặt vấn đề

Chiến tranh đã qua đi 40 năm nhưng những hồi ức về nó vẫn còn giữ trong tâm trí nhiều người trực tiếp tham gia cũng như hồi ức của nhiều thế hệ người Việt Nam. Cuộc chiến đã đi vào dĩ vãng nhưng nhiều bài học vẫn còn nguyên giá trị cho cả hai bên. 

Cuối cùng là gì? Không phải sau đợt kỷ niệm này, chúng ta tự cho mình là nhất, không sợ bất cứ một kẻ thù nào nữa. Mặc dù nhiều nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến 1979 đã hết vai trò lịch sử. Trung Quốc đã trở thành siêu cường so với chính họ cách đây 40 năm. Còn chúng ta? Chúng ta cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ so với 40 năm trước đây. nhưng để trở thành một cường quốc đang là một bài toán lớn mà chúng ta chưa thực có lời giải đúng đắn nhất.

2. Nội dung

2.1. Những hồi ức chiến tranh biên giới 1979

Rạng sáng 17/2/1979, Bắc Kinh bất ngờ ồ ạt xua quân xâm lược biên giới mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và kéo dài suốt 10 năm sau đó.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Số quân Trung Quốc tham chiến lúc này được cho nhiều hơn các đạo quân xâm lược trước đó. (Thời điểm cao nhất, quân Mỹ huy động trên chiến trường Việt Nam gần 550.000 quân, Pháp 250.000 quân...).

Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh đại quân khu Quảng Châu được cử làm tổng tư lệnh cuộc chiến tranh, trực tiếp chỉ huy hướng xâm lược Cao Bằng - Lạng Sơn. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh đại quân khu Côn Minh chỉ huy hướng Lào Cai.

Chiến thắng mùa xuân 1975 theo đánh giá của nhiều nhà sử học thế giới là kết quả Trung Quốc không mong muốn, khi Bắc Kinh và Washington đạt được một số thỏa thuận sau chuyến thăm của Tổng thống Nixon năm 1972.

Tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát dân thường. Đứng đằng sau là Trung Quốc tài trợ khí tài, cố vấn quân sự. Khi quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, bảo vệ nhân dân Campuchia, Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.

Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy tuyên bố: "Phải dạy cho Việt Nam một bài học" và che mắt thế giới rằng "đây là cuộc chiến tranh phản kích tự vệ".Cuộc động binh quy mô lớn của Trung Quốc khiến nhân dân Việt Nam và cả thế giới bất ngờ.

Theo Niên giám châu Á 1980, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam ở biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, gồm bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân tự vệ. Bước vào cuộc chiến không cân sức, quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã tổ chức các đợt phòng ngự, đẩy lùi từng đợt tiến công của quân Trung Quốc.

Ở Lạng Sơn, sau 10 ngày chiến đấu, Trung Quốc tung thêm quân vào thị xã Lạng Sơn, dùng chiến thuật biển người nhằm xâm chiếm mục tiêu quan trọng. Lực lượng vũ trang địa phương đã đánh bật hàng chục đợt tiến công của giặc. Các trận đánh diễn ra ác liệt ở cầu Khánh Khê, Tam Lung, Đồng Đăng.

Quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm tại Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh. Hai sư đoàn Trung Quốc theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu). Lực lượng vũ trang Việt Nam đã chiến đấu, chặn đứng quân thù ở đây 20 ngày.

Cùng lúc đó, một cuộc chuyển quân thần tốc của 3 quân đoàn chủ lực Việt Nam trở về bảo vệ biên giới diễn ra bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không. Liên Xô lập cầu hàng không tương trợ cho Việt Nam, đưa quân từ mặt trận Campuchia ra thẳng miền Bắc tham chiến.

Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, quyết định tổng động viên. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh Tổng động viên. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc. 50 triệu người Việt Nam sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến.

Lệnh tổng động viên được ban bố sáng 5/3, thì chiều cùng ngày phía Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học". Thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho Trung Quốc rút quân.

Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Trước khi rút, chúng còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội.

Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. 400.000 gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản.

Phía Trung Quốc bị diệt 62.500 tên, 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy…

Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã nhận lấy bài học quân sự đắt giá.

2.2. Những bài học

Chiến tranh biên giới đã lùi xa 40 năm nhưng những hậu quả của nó để lại vẫn còn đó mà chũng ta mãi không thể quên được.

Thế giới hiện đại đang chứng kiến rất nhiều cuộc chiến mới với bản chất cũ nhưng hình thức hoàn toàn khác: Dùng kinh tế thay súng đạn; dùng quyền lực “mềm” thay cho cách can thiệp “cứng”; phương thức tác động “đa phương” thay cho đơn phương… Tình hình này, buộc chúng ta cần rút ra bài học để tồn tại bên cạnh một nước lớn luôn có tư tưởng bành trướng.

Trước tiên, với chiến tranh biên giới năm 1979, Việt Nam có phần bất ngờ, vì hiếm người nghĩ hai nước láng giềng “anh em” cùng hệ tư tưởng cùng chí hướng đi theo con đường CNXH, “núi liền núi sông liền sông” lại mang quân can thiệp chỉ vì lý do “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Thực tế, Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng từ rất lâu cho cuộc chiến tranh xâm lược này. Vì vậy, Việt Nam không thể chỉ có “cạnh tranh” hoặc chỉ “hợp tác” với Trung Quốc.

Bài học này đã được rút ra, đó là hợp tác và cạnh tranh song hành nhau. Trong bạn có thù, trong thù có bạn. Hợp tác và cạnh tranh song trùng được chứng minh là đúng đắn nhất trong giai đoạn hiện nay. Ví dụ: Mỹ không còn “thoáng” với đồng minh của họ; Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông bất chấp dư luận quốc tế…

Sau chiến tranh biên giới năm 1979 là cuộc chiến trên đảo Gạc Ma (1988) và rất nhiều cuộc chiến phi súng đạn khác…

Vì sao Trung Quốc “ưa thích” chọn hướng về phía Nam? Rõ ràng Đông Nam Á và hướng ra Biển Đông trong gần 100 năm nay là xu thế, vì nơi đây có nhiều lợi ích kinh tế, trở thành vùng có vị trí chiến lược quan trọng với các siêu cường.

Mặc dù, các nhà viết sử chiến tranh thời Cổ, Trung đại hiếm khi nhắc đến sự ủng hộ của một bên thứ ba nào đó, nhưng trong thời kỳ hiện đại, tiếng nói ủng hộ hòa bình tiến bộ từ khắp nơi trên thế giới là rất quan trọng.

3. Kết luận

Chiến tranh biên giới năm 1979, thắng lợi của Việt Nam có một phần từ sự ủng hộ của Liên Xô và các nước XHCN anh em. Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa rõ rệt hơn, âm mưu tinh vi hơn, vì vậy cần thiết phải có những người bạn tin cậy, được xây dựng trên nguyên tắc lợi ích hài hòa.

Bảo vệ đất nước, bằng nhiều cách, nhưng cách mà Việt Nam nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới 1979 như những ngày vừa qua, làm cho nó trở nên xứng với tầm vóc lịch sử và tâm thế dân tộc!

Với đỏi hỏi phải có chính sách ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo, chúng ta nhớ lại câu nói của Bác Hồ với cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi lên đường thăm Pháp sáng ngày 31/5/1946: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

 

 

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC TẾ CHUYÊN MÔN CỦA KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI CÁC TỈNH ĐÔNG BẮC BỘ

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC TẾ CHUYÊN MÔN CỦA KHOA

LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI CÁC TỈNH ĐÔNG BẮC BỘ

ThS. Nguyễn Thị Hương

Thực hiện kế hoạch năm học đã được nhà trường phê duyệt từ ngày 8 đến ngày 5 tháng 1 năm 2019 Khoa Lý luận Chính trị đã tiến hành công tác thực tế chuyên môn tại 5 tỉnh phía Đông Bắc Bộ là Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Vượt qua một hành trình dài 400 km Đoàn chúng tôi đến với Thái Nguyên. Không chỉ được biết đến với đặc sản là loại chè đặc biệt thơm ngon, vùng đất Thái Nguyên còn nổi danh với hồ núi Cốc thơ mộng và những đồi chè Tân Cương xanh bạt ngàn. Đồi chè Tân Cương thuộc xã Tân Cương, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10 km về phía tây nam. Đồi chè này nằm trong vựa chè rộng 1.300 ha. Đoàn chúng tôi đến đây vào buổi sáng được tận mắt chứng kiến những hoạt động bình dị của người nông dân trồng chè. Người hái búp, người tưới cây nhộn nhịp một vùng. Không khí buổi sáng trong lành, mát mẻ. Nắng nhẹ buông trên những đồi chè hình bát úp chạy tít tắp đến chân trời. Từng góc, rộn lên tiếng cười nói của những cô gái hái chè. Từng đôi tay cứ thoăn thoắt thu về những búp chè mập mạp, xanh non. Mặc dù đã từng được tham quan những đồi chè bát ngát ở Mộc Châu nhưng khi đến với Tân Cương chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ, xanh mướt một màu của những nương chè khi phóng tầm mắt ra đường chân trời. Những búp chè căng tràn sương sớm, mơn mởn như đang vươn lên, tắm mình trong nắng. Màu vàng nhẹ của nắng mai như hòa quyện vào màu xanh mát của nương chè tạo nên một bức tranh tuyệt bích. Phải chăng chè đã hấp thụ tất cả linh khí của đất trời để tạo nên thức uống có hương thơm tự nhiên, vị chát nhẹ, màu nước vàng xanh, có vị ngọt lắng sâu trong vị giác làm mê mẩn bất cứ ai ngay lần đầu thưởng thức.

Rời những đồi chè bạt ngàn, Đoàn đến với hồ Núi Cốc. Hồ trải rộng mênh mông, có cảnh quan non nước hữu tình, và gắn với chuyện tình đẹp đã đi vào ca khúc “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Đây là một hồ nhân tạo thuộc huyện Đại Từ, cách thành phố khoảng 15 km, giáp với dãy núi Tam Đảo. Hồ Núi Cốc sở hữu một vẻ đẹp hữu tình và nên thơ, với một hồ nước rộng 25 km2 với 89 hòn đảo lớn nhỏ, rải rác giữa lòng hồ. Tới đây chúng tôi được hít hà bầu không khí trong lành, đi thuyền khám phá những hòn đảo nhấp nhô, ngắm nhìn cây cỏ in bóng xuống mặt hồ tĩnh lặng, xa xa là những dãy núi trùng điệp... Trong ánh nắng nhẹ cuối đông, mặt hồ tính lặng như gương, soi bóng những hòn đảo. Thả hồn theo mặt nước phẳng lặng của hồ,  chúng tôi như được giải tỏa mọi ưu phiền của cuộc sống.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đi dọc theo quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn), cách thành phố Thái Nguyên 45km, chúng tôi đến với huyện Võ Nhai nơi có hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, một trong những danh thắng đẹp nổi tiếng nơi này. Phượng Hoàng là một hang động rộng và có vẻ đẹp kỳ lạ. Từ cửa hang có thể bao quát hết quang cảnh cả vùng đất rộng lớn. Hai vòm cửa hang rộng và cao hàng chục mét. Bước vào trong hang, ánh sáng từ hai cửa rọi vào làm khung cảnh càng thêm lung linh, huyền ảo. Không chỉ có vẻ đẹp hùng vĩ, phong cảnh hữu tình, hang Phượng Hoàng còn là một di tích lịch sử của căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai năm xưa với trận địa mìn, súng kíp, bẫy, giáo mác cùng chiến thuật đánh du kích vào ngày 27-11-1944, đội cứu quốc quân gồm 75 người và 373 hộ dân đã gây thiệt hại nặng cho một tiểu đoàn giặc Pháp với nhiều binh khí yểm trợ.

 

Với những giảng viên dạy Chính trị đặc biệt là những đồng chí dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ai cũng mong muốn đến vớidi tích quốc gia đặc biệt ATK - Định Hóa. Nơi đây còn là Phủ Chủ tịch đầu tiên, là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 - 1954. Bác đi nhiều nơi, gặp nhiều người nhưng ở và làm việc thời gian ổn định và lâu dài thì chỉ có trên căn cứ địa ATK. Địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây gồm có lán họp Bộ Chính trị, trạm gác, hầm trú, hào thoát xuống chân đồi, nhà lán của Bác và của anh em bảo vệ, giúp việc. Nhà lán rất đơn sơ, không có vách, cây rừng làm cột chống, kèo đà đều bằng tre, mái lợp bằng lá cọ, rộng khoảng 12m2, bàn làm việc và vài cái ghế gỗ mộc mạc... Thế nhưng tại nơi đây, Bác soạn thảo và ký nhiều văn bản quan trọng, cùng Bộ Chính trị đưa ra những quyết định đại sự như mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đem lại chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Nhà trưng bày ATK có đầy đủ các hiện vật, sách và phim ảnh là tư liệu làm sống lại một thời hào hùng trong kháng chiến cứu nước. Dấu tích vẫn còn đó, nhà lán, đường hầm, cây bưởi và bờ dâm bụt Bác trồng… Đến đây chúng tôi được thấy các bằng chứng sống động tái hiện truyền thống đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, được trang bị thêm sự hiểu biết về con người và vùng đất gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam.

 

Đến với Thái Nguyên là về với Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc, về nơi cội nguồn của loài người với Mái đá Ngườm Thần Sa, với núi Đuổm hoang sơ kỳ vĩ và một trong những địa chỉ Đoàn thực tế không thể bỏ qua chính là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - nơi lưu giữ bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc Việt. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có 5 phòng trưng bày với hệ thống tài liệu và hiện vật phong phú, đa đạng đã tái hiện một cách chân thực cảnh quan cư trú và đời sống văn hoá của 54 dân tộc anh em, từ cực bắc Hà Giang đến vùng đất mũi Cà Mau với những hình ảnh gần gũi như: Các phiên chợ vùng cao, cảnh săn bắt voi rừng, hình ảnh chọc lỗ bỏ hạt của người dân tộc phía bắc, lễ hội cồng chiêng của người Ê đê, Ba Na ở Tây nguyên; sông nước của đồng bào Nam bộ; các nghề thủ công truyền thống, các hình thức sinh hoạt văn hóa trong trang phục, âm nhạc, ẩm thực, lễ hội trong sản xuất lao động….

 

Điểm nhấn đặc biệt của Bảo tàng là hệ thống trưng bày ngoài trời mô tả 6 vùng văn hóa: Vùng Núi cao phía Bắc, Thung lũng, Trung du - Bắc Bộ, Miền Trung - Ven biển, Trường Sơn - Tây Nguyên, và Đồng Bằng Nam Bộ sẽ mang lại những trải nghiệm hết sức thú vị cho du khách. Mỗi vùng văn hoá đều có không gian tổ chức lễ hội, có cấu trúc cảnh quan mang tính đặc trưng vùng miền và một ngôi nhà cụ thể, mang tính nguyên gốc làm điểm nhấn giới thiệu các giá trị văn hoá Việt Nam tới du khách. Tại đây, chúng tôi cũng dễ dàng tận mắt nhìn thấy nhiều dụng cụ vốn rất quen thuộc từ xưa của dân tộc như cái cối xay lúa đan bằng nan tre, cái cày bằng cây thô sơ, những mái nhà lợp tranh, vách đất…

 

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt tại Thái Nguyên như “mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Đoàn đến tham quan Bảo tàng không chỉ được chiêm ngưỡng một bức tranh toàn cảnh, tìm hiểu về cội nguồn, truyền thống, văn hóa các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước mà còn được trải nghiệm các hoạt động để khám phá những kiến thức về văn hóa dân tộc, hiểu thêm những câu chuyện về những hiện vật đang trưng bày trong Bảo tàng.

 

Tạm biệt Thái Nguyên, tiếp tục cuộc hành trình Đoàn thực tế chúng tôi đến với Bắc Kạn nơi có Hồ Ba Bể một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể, khu du lịch quốc gia. Hồ được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri, đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dày hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị nổi bật về địa chất địa mạo và giá trị to lớn về đa dạng sinh học. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam. Đến với hồ Ba Bể chúng tôi được ngắm cảnh non nước mây trời tuyệt đẹp, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ của hồ Ba Bể.

Chùa Thạch Long (Rồng đá) thuộc xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Nơi đây được mệnh danh là “chùa thiêng trong hang đá”. Ngôi chùa chứa trong mình nhiều sự tích, huyền sử đẹp. Chùa được hình thành từ thế kỷ thứ 18. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chùa Thạch Long còn được bộ đội ta sử dụng làm kho cất vũ khí trong vòng 30 năm (từ năm 1950 đến 1980). Thời gian này, quân dân huyện Chợ Mới đã tích cực bảo vệ vững chắc cơ quan, kho, trạm, xưởng quân khí trên địa bàn. Trong thời gian, từ ngày 20 đến 23/3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đi kiểm tra công tác sửa chữa đường số 3, đoạn Thái Nguyên đi Cao Bằng. Trong chuyến đi này, Người đã đến thăm và nghỉ tại Trạm quân khí trong hang Cao kỳ. Tại đây, Bác đã căn dặn anh em bộ đội: “Kho ở gần trục đường chính, vì vậy phải luôn đề cao cảnh giác, bảo vệ kho cho thật tốt”. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng đối với nhân dân các dân tộc huyện Chợ Mới, là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất Bác Hồ đến thăm kho quân khí của huyện.

Tiếp tục chuyến đi chúng tôi đến với di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc, là một cái tên không còn xa lạ, là nơi nổi tiếng gắn liền với các câu chuyện về Bác Hồ. Không chỉ là quần thể di tích cách mạng nổi tiếng, nơi đây sở hữu một vẻ đẹp như chốn “bồng lai tiên cảnh”.

Tới huyện Hà Quảng, đặt lên mộ anh Kim Đồng một nhành hoa rồi chúng tôi tới khu di tích cách mạng núi Kác Mác, suối Lê Nin, hang Cốc Bó và cột mốc 108. Pắc Bó là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa để lãnh đạo cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài. Bác đã sống và làm việc trong hang Cốc Bó và đặt tên dòng suối trước cửa hang là “suối Lênin” và ngọn núi có hang này là “núi Các Mác”. Nơi đây còn các chứng tích ghi lại sự hiện diện của Bác ngày ấy: là vườn trúc Bác đã trồng, là cây ổi Bác thường hái lá đun nước uống, là chiếc bàn đá Bác ngồi làm việc... Trong nhà trưng bày bổ sung của khu di tích Pác Bó còn có: chiếc máy chữ cũ Bác vẫn dùng dánh máy tài liệu, chiếc làn mây sờn rách, bộ quần áo bạc màu, các đồ dùng sinh hoạt của Bác trong thời gian hoạt động ở Pác Bó… Phía trên cao, núi Các Mác 2 ngọn sừng sững như bức thành đồng, xanh thẳm cây rừng, hiên ngang cùng năm tháng. Địa thế nơi này vừa kín đáo mà vẫn thông thoáng, người bên trong dễ dàng quan sát bên ngoài trong khi ở ngoài rất khó nhận biết bên trong. Với vị trí như thế, nơi đây không những có giá trị lịch sử mà còn là một chốn sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp. Pác Bó ngày hôm nay vẫn bình yên, trong trẻo. Dù cuộc sống có đổi thay nhưng mảnh đất này vẫn giữ gìn phần nào trái tim của tổ quốc.

“Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang”

 

Tìm về nơi đây, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gợi về nhiều giá trị để rồi trong ký ức họ sống mãi những vần thơ lạc quan cách mạng của Người. Cuộc đời người giảng dạy đường lối cách mạng cần nhiều hơn những chuyến đi như thế.

“Nàng về nuôi cái cùng con để anh đi trảy nước non Cao Bằng” những câu hát mộc mạc, giản dị ghi sâu vào lòng người về vẻ đẹp hùng vĩ của nước non Cao Bằng. 

Nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng - vùng đất nức danh với đặc sản hạt dẻ thơm ngon, thác Bản Giốc được biết đến như một điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Thác Bản Giốc chia làm hai phần. Phần chính nằm giữa biên giới Việt – Trung, được phân chia ranh giới bởi dòng sông Quây Sơn chảy phía dưới; và phần còn lại nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam. Phần thác chính rộng khoảng 100 mét, cao 70 mét và sâu 60 mét, nhìn từ xa thác đổ xuống trắng xóa nguyên sơ, như dải lụa trắng vắt ngang núi rừng, tạo nên một nét quyến rũ đến bất ngờ của thác nước lớn thứ tư trên thế giới và là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á.

Đoàn chúng tôi còn được tham quan ngôi chùa tuyệt đẹp đầu tiên trên mảnh đất biên cương: chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc vừa được khánh thành vào cuối năm 2014, mang kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam. Trong quần thể di tích còn có đền thờ anh hùng Nùng Trí Cao, nhân vật có tài thao lược quân sự và ngoại giao đã lập công lớn trong việc gìn giữ bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Sự hiện diện của Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc và sự bình yên, hữu nghị tại khu vực biên giới mà còn là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

Xứ Lạng, nơi địa đầu Tổ quốc từ hàng trăm năm trước đã được biết đến là một vùng biên cương sầm uất với những địa danh như Đồng Đăng, phố Kỳ Lừa... Bước vào thời kỳ hội nhập, Xứ Lạng luôn khẳng định vị thế chiến lược của mình trong sự phát triển của vùng Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Vị thế ấy càng được nâng lên khi Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Cách thành phố Lạng Sơn khoảng 28km, Cửa khẩu Tân Thanh vẻ nhộn nhịp không thua kém bất cứ một cửa khẩu nào. Tuy chỉ là Cửa khẩu phụ nhưng Tân Thanh vẫn được người coi là Cửa khẩu lớn của Lạng Sơn. Nổi bật tại Tân Thanh, chính là các khu chợ. Những ngôi chợ được xây cất khang trang tạo nên vẻ sầm uất cho một góc vùng biên. Do mang tính chất trao đổi hàng giữa 2 bên của vùng biên, chợ Tân Thanh có cả hàng Việt Nam lẫn hàng Trung Quốc. Mặt hàng rất phong phú và đa dạng, chiếm đa số trong các chợ có lẽ là quần áo, đồ chơi và hàng điện tử của Trung Quốc.... Và khách hàng lui tới khu chợ Tân Thanh, không chỉ gồm du khách mà còn là các tiểu thương của 2 bên qua lại mua bán. Đặc biệt, tại cửa khẩu này có khối lượng hàng hoá lưu thông bằng thủ tục tiểu ngạch rất lớn. 

“ Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”.

Phố Kỳ Lừa là địa danh đã đi vào trong thơ ca từ rất lâu rồi. Từ xưa đến nay, chợ kỳ Lừa đã rất nổi tiếng chính vì vậy mà khi đến Lạng Sơn chúng tôi không thể không đến Chợ đêm Kỳ Lừa để tham quan chiêm ngưỡng, không quên mua những món đồ làm quà kỉ niệm.

Chùa Tam Thanh nằm trong động núi đá (nên còn được gọi tên khác là Động Tam Thanh) thuộc địa phận phường Tam Thanh Thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Theo sử sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì chùa Tam Thanh có từ thời nhà Lê, thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, Châu Thoát Lãng. Tam Thanh là quần thể 3 động Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh nằm trong Chùa Tam Thanh. Ðộng Tam Thanh nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh. Hang động Tam Thanh ở lưng chừng núi. Cửa hang nhìn về hướng đông cao chừng 8m có lối lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh nắng. Vách động bên phải có khắc bài thơ của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn. Di tích chùa Tam Thanh là một điểm tham quan thu hút du khách thập phương bằng vẻ đẹp tự nhiên kỳ thú với hang động đẹp, có nhiều nhũ đá và hình thù độc đáo. Ngoài sự nổi tiếng về giá trị danh thắng, chùa Tam Thanh còn nổi tiếng bởi những giá trị văn hoá nghệ thuật ẩn chứa trong di tích. Đó là hệ thống các văn bia khá phong phú mang giá trị về mặt sử liệu và văn học nghệ thuật.

Chếch về phía tây bắc núi Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Trên đỉnh núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu có tảng đá tự nhiên giống hình người phụ nữ bồng con nhìn về phương xa. Từ xưa, tảng đá hình người đã được gắn với truyện cổ tích nàng Tô Thị bồng con chung thủy đứng chờ chồng đi đánh trận Phương Bắc. Chờ mãi không được, nàng cùng con đã hóa đá. Vì thế nên người đời cũng gọi tảng đá là nàng Tô Thị.

 

 

 

Đến Lạng Sơn, Đoàn chúng tôi còn được tìm hiểu về dấu tích thành nhà Mạc. Thành nhà Mạc thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, là di tích lịch sử kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam suốt từ cuối thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 17. Thành là căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ Ải Bắc xuống phía Nam do Mạc Kính Cung xây dựng nhằm chống lại Lê - Trịnh. Tạm biệt Lạng Sơn chúng tôi hướng đến Quảng Ninh một tỉnh không chỉ nổi tiếng với những địa điểm du lịch mà còn rất giàu tài nguyên khoáng sản.

Trên con đường tới thành phố Hạ Long mặc dù trời đã xế chiều chúng tôi vẫn dành thời gian tới dâng hương tại "Ngôi chùa trên núi có Chính Điện lớn nhất Đông Dương". Toạ lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, chùa còn có tên gọi là Bảo Quang tự, tên dân gian thường gọi là Ba Vàng. Chùa nằm ở độ cao 340m trên một vị trí rất đẹp ở phía tây thành phố Uông Bí, phía trước là Bạch Đằng giang uốn lượn, xa xa là thành phố cảng Hải Phòng, hút tầm mắt là biển Đồ Sơn với muôn trùng sóng vỗ. Bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là những dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ phục xuống. Ngôi chùa không chỉ đẹp, bề thế mà còn mang lại cho chúng tôi cảm giác rất tĩnh tâm sau chặng đường di chuyển khá xa bởi ở đây cực kì sạch sẽ và không hề có cảnh buôn bán chèo kéo của các tiểu thương đối với khách hành hương như một số đền, chùa khác.

 

Từ khi lập kế hoạch đến khi gần đến Quảng Ninh chúng tôi rất háo hức nhưng cũng băn khoăn vì vấn đề thời tiết mưa phùn và không khí lạnh có thể khiến chúng tôi không thể đến Vịnh Hạ Long một trong bảy kì quan thiên nhiên thế giới. Nhưng thật may mắn cho chúng tôi là khi đến đây thì thời tiết lại trở nên ấm áp, nắng nhẹ. Vịnh Hạ Long hiện ra trước mắt chúng tôi như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khoẻ khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động. Đi giữa Hạ Long với muôn ngàn đảo đá, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá nơi đây. Đảo thì giống hình ai đó đang hướng về đất liền - hòn Đầu Người; đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước - Hòn Rồng; đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá - hòn Lã Vọng; và kia hai cánh buồm nâu lực lưỡng đang rẽ sóng nước ra khơi - hòn Cánh Buồm; rồi hai con gà đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước - hòn Trống Mái; đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất - hòn Lư Hương... Tất cả đều rất thực, thực đến kinh ngạc. Những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo thời gian và góc nhìn. Tới đây ta mới nhận ra tất cả chúng không phải là những hòn đảo vô tri tĩnh lặng mà như có hồn và đều sống động. Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung... Đó thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian. Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là “kỳ quan đất dựng giữa trời cao”.

 

Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn - nơi có thương cảng cổ sầm uất vào thế kỷ thứ 12; có núi Bài Thơ lịch sử; cách đó không xa dòng sông Bạch Đằng - là chứng tích của hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của các thế hệ ông cha chống giặc ngoại xâm. Không chỉ có vậy, Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người với nền Văn hoá Hạ Long huy hoàng thời Hậu kỳ đồ đá mới tại những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng...

 

Đến với Quảng Ninh chúng tôi có cơ hội ghé thăm địa danh du lịch tâm linh nổi tiếng, đó là: Đền Cửa Ông – một ngôi Đền đẹp nhất Việt Nam hiện nay tại TP. Cẩm Phả- Quảng Ninh.

Đến với Quảng Ninh chúng tôi có cơ hội ghé thăm địa danh du lịch tâm linh nổi tiếng, đó là: Đền Cửa Ông – một ngôi Đền đẹp nhất Việt Nam hiện nay tại TP. Cẩm Phả- Quảng Ninh.

 Đền Cửa Ông nằm ở phía Đông Bắc thị xã Cẩm Phả, toạ lạc trên quả đồi không cao lắm, ngay bờ vịnh Bái Tử Long. Nơi đây tạo nên sự giao hoà giữa núi non, rừng, biển, một cảnh đẹp tuyệt vời của vùng Đông Bắc Tổ quốc.           

 

 

 

Tiếp theo Đoàn đến với khu kinh tế Vân Đồn. Là vùng đất phên dậu phía Đông Bắc của Tổ quốc, Vân Đồn luôn là một trong những huyện đảo nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho Khu kinh tế (KKT) ven biển Vân Đồn phát triển nhanh chóng, bền vững. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2012-2017, tỉnh Quảng Ninh đã huy động và thu hút trên 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển Vân Đồn. Quảng Ninh cũng dành sự quan tâm, tập trung phát triển hạ tầng thiết yếu cho Vân Đồn. Hiện tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cho KKT Vân Đồn, ưu tiên tập trung vốn cho những công trình có khả năng hoàn thành đưa vào khai thác ngay để phát huy tác dụng. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, huyện Vân Đồn cũng nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Qua đó đã củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.

Nằm sát bên bờ Vịnh Bái Tử Long, cách trung tâm thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn) khoảng 11km, gần khu du lịch Bãi Dài nổi tiếng hoang sơ và thơ mộng, khu di tích chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc lâm Giác tâm đã và đang trở thành điểm hẹn văn hoá tâm linh đối với du khách thập phương. Chùa Cái Bầu được xây dựng trên nền chùa Phúc Linh (có từ thời nhà Trần cách đây 700 năm). Đến với khu di tích này, chúng tôi được chiêm ngưỡng một cảnh quan vô cùng đặc sắc, với ngôi chùa lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển, đây có lẽ là một ngôi chùa có vị trí đẹp nhất trong hệ thống chùa của Việt Nam. Thiền viện Trúc lâm Giác tâm chính là một trong hai thiền viện Phật giáo ở Quảng Ninh.

 Đến đây chúng tôi có cơ hội trải nghiệm giao tiếp với nhiều du khách nước ngoài và học hỏi được rất nhiều từ những người bán hàng niềm nở, nói tiếng Anh, tiếng Trung vô cùng lưu loát. Đi chợ đêm Hạ Long một lần, đến lúc chia xa Hạ Long, chúng tôi khó có thể quên những sắc màu của thành phố biển xinh đẹp ấy!

 

Cuối ngày chúng tôi trở về trung tâm thành phố đi chợ đêm Hạ Long. Nằm trong quần thể khu du lịch Hoàng Gia- Bãi Cháy, chợ đêm Hạ Long là một địa điểm thú vị khi đến với thành phố biển xinh đẹp này. Chợ đêm Hạ Long gồm hơn một trăm gian hàng, bày bán nhiều nhất là đồ lưu niệm, thủ công mĩ nghệ, nữ trang, và không thiếu từ áo tắm, ba lô, mũ nan, đến những chiếc túi xách ngọc trai long lanh. Đồ lưu niệm mà chúng tôi lựa chọn là những món quà mang hương vị biển. Những móc chìa khóa xinh xắn, những chuỗi dây chuyền làm từ vỏ ốc biển, những con tàu tuyệt đẹp, những chiếc áo phông in hình biển Hạ Long, Tuần Châu.

Hoạt động thực tế ở các tỉnh Đông Bắc Bộ giúp chúng tôi tìm hiểu được các điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Đây thực sự là một vùng kinh tế lớn của đất nước, chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, có truyền thống cách mạng vẻ vang góp phần to lớn vào thắng lợi của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đông Bắc Bộ với những tiềm năng về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua tìm hiểu thực tế tại vùng đất Đông Bắc Bộ, các giảng viên khoa Lý luận Chính trị có dịp làm giàu hiểu biết của mình, trau dồi kỹ năng và phương pháp tiếp cận thực tiễn, để từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy, gắn kiến thức lý luận của bài giảng với thực tiễn địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới.