Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên - Chuyên đề “Phòng chống tội phạm mua bán người” Hoạt động chào mừng 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và 04 năm kết nghĩa giữa hai chi đòan GVCB khoa LLCT và chi đòan pc45

 

                                                                    Th.S Nguyễn Thanh Thủy

                                                          Bộ môn NNL của CN Mác - Lênin

Những năm gần đây, tội phạm buôn bán người ngày càng gia tăng với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và đời sống của người dân. Thống kê cho thấy, đối tượng mà bọn buôn bán người hướng tới đa số là phụ nữ và trẻ em gái dưới 30 tuổi. Tội phạm buôn bán người xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần, danh dự, nhân phẩm  của đối tượng chúng tác động.

Nhằm nâng cao ý thức về phòng chống tội phạm buôn bán người của sinh viên  khoa Giáo dục chính trị, Sáng ngày 13/05/2017. Được sự nhất trí của chi bộ Khoa Lý luận chính trị  - trường Đại học Tây Bắc  và Chi bộ Phòng PC45 – Công An Tỉnh Sơn La, Chi đoàn giáo viên - cán bộ khoa Lý luận chính trị kết hợp cùng chi đoàn phòng Cảnh sát hình sự  PC 45 đã tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho sinh viên với chuyên đề Phòng chống tội phạm mua bán người . Buổi chuyên đề nằm trong chuỗi hoạt động thường niên kết nghĩa giữa chi đoàn giáo viên – cán bộ khoa Lý luận chính trị và chi đoàn Phòng PC 45 Công An Tỉnh.

 

Đến dự chuyên đề về phía PC 45 Công An Tỉnh có Trung tá, Phó trưởng phòng PC 45 Phạm Đức Hội. Về phía trường Đại học Tây Bắc có đồng chí Dương Văn Mạnh – Phó trưởng phòng công tác chính trị và quản lí người học, đồng chí Lại Trang Huyền – Chủ tịch công đoàn khoa Lý luận chính trị cùng toàn thể đoàn viên chi đoàn PC45, chi đoàn giáo viên – cán bộ khoa Lý luận chính trị và sinh viên các khóa.

 

Trung tá Phạm Đức Hội thực hiện báo cáo chuyên đề về tình hình tội phạm buôn bán người hiện nay. Báo cáo cho thấy, hiện nay tình trạng buôn bán người diễn biến hết sức phức tạp, đối tượng buôn bán người là tất cả mọi người, không chỉ riêng phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác với loại hình tội phạm này.

Phần thảo luận diễn ra hết sức sôi nổi dưới sự điều khiển của Đại úy Phạm Văn Cường – đội phó đội trọng án. Với kinh nghiệm chuyên phá những vụ án có tính chất nghiêm trọng, tiếp xúc với nhiều đối tượng tội phạm của các vụ án buôn bán người, thấu hiểu tâm lí, thủ đoạn của các đối tượng, đại úy Phạm Văn Cường đã có những giải đáp hết sức thuyết phục và có ý nghĩa với các em sinh viên. Qua đó, các thầy cô và các em sinh viên đã bước đầu nắm được những thủ đoạn mà bọn buôn bán người thực hiện, một số cách thức tự vệ…

Buổi chuyên đề khép lại đã đem lại những hiểu biết hết sức ý nghĩa cho các em sinh viên khoa Lý luận chính trị, giúp các em tự bảo vệ mình và tuyên truyền cho những người xung quanh để phòng chống tội phạm buôn bán người. Những chuyên đề sẽ là hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật thiết thực và sinh động cho sinh viên.

 

 

Ý THỨC ĐẠO ĐỨC VÀ QUAN NIỆM NHÂN SINH CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG THỜI KỲ BẮC THUỘC

 

                                                                          TS .Lê Thị Hương

                                                          Bộ môn NNL của CN Mác - Lênin

Trong thời kỳ Bắc thuộc, do cơ cấu kinh tế xã hội thay đổi, do sự đấu tranh và tác động qua lại của tư duy truyền thống và tư tưởng ngoại lai, một trình độ tư duy lý luận về ý thức đạo đức và quan niệm nhân sinh của người Việt đã hình thành. Sự hình thành đó là một quá trình liên tục có sự phủ định và có sự thay thế. Nội dung ý thức đạo đức và quan niệm nhân sinh của người Việt thời kỳ Bắc thuộc được thể hiện ở một số nội dung sau:

Về tôn kính và biết ơn cha mẹ tổ tiên. Trước hết là đối với cha mẹ. Người đương thời thấy có trách nhiệm phải chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu, cúng bái, thờ phụng cha mẹ khi qua đời. Sau nữa là đối với ông bà, tổ tiên, họ thấy phải noi gương cha mẹ, thờ phụng những người đã khuất và giữ gìn tập tục của họ. Các di chỉ khảo cổ học cho thấy, trong các ngôi mộ cổ thường có các công cụ sản xuất như đục, nạo, dũa, dao, rìu, dao găm, giáo mác, khay, ấm, đèn… Sở dĩ có hiện tượng này là do con người quan niệm linh hồn con người không chết, vẫn sinh hoạt như lúc sống, nếu đối đãi tử tế thì được phù hộ nhưng một phần là do lòng thương tiếc và biết ơn những người quá cố đã sinh ra mình. Sự thương tiếc và biết ơn đó được thể hiện bằng cách tạo ra cho linh hồn họ những điều kiện sống như ở trần gian.

Về tôn kính và nghe theo các thủ lĩnh. Thủ lĩnh bảo thì phải nghe, khi thủ lĩnh nổi lên thì phải theo, không nề hà khó khăn, gian khổ, nguy hiểm. Với họ, tộc trưởng, thủ lĩnh tiêu biểu cho lẽ phải, quyền lợi, niềm tin của cả cộng đồng, trong đó có cá nhân mỗi người. Ý thức đó không những không mất đi theo thời gian mà còn được củng cố và tăng cường bởi các việc làm chính nghĩa của các tộc trưởng và các thủ lĩnh. Hiện tượng Bà Trưng, Bà Triệu là một hiện tượng tiêu biểu.

Về coi trọng vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Những sự kiện lịch sử để lại nói lên vai trò quan trọng của người phụ nữ và lòng tôn kính của người dân đối với họ. Điều này cho thấy tàn dư của mẫu hệ xưa không vì sự thống trị của phong kiến Hán mà mất đi ngay và tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo không vì sự có mặt của người Hán mà nhanh chóng phát huy tác dụng.

Qua trên cho thấy, ý thức và quan niệm về đạo đức nhân sinh rất chất phác, đơn giản như cuộc sống của con người lúc bấy giờ nhưng ở đó chứa đựng bao ý nghĩa. Nó cho thấy sự gắn bó tự nguyện giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các thế hệ với nhau…, đó là mối quan hệ tình nghĩa chân thật, đậm chất nhân bản mộc mạc, đáng kính, một trình độ văn minh và nếp sống có văn hóa, một kiểu làm người lành mạnh.

Ý thức đạo đức và quan niệm nhân sinh truyền thống của người Việt là hai hệ thống tư tưởng mới dần dần hình thành và ngày càng rõ nét. Đó là hai hệ thống nhân sinh quan của Nho giáo và Phật giáo.

Hệ thống nhân sinh quan Nho giáo nêu lên một loạt các nguyên tắc sống của con người, lấy đó làm chuẩn mực để đánh giá và yêu cầu của con người để bình phẩm xã hội và yêu cầu đối với xã hội như chú trọng việc của người đang sống, không quan tâm đến người chết, tôn trọng trật tự xã hội đã hình thành, có lòng thương xót đối với những người hoạn nạn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ các nguyên tắc trên chủ yếu mới lưu hành trong một số người Việt có Hán học.

Hệ thống nhân sinh quan Phật giáo nêu các điều chủ yếu là xa lìa dục vọng, không làm hại người và vật, cần phải bố thí, thực hiện nhẫn nhục. Những điều trên được truyền bá rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, dù là Nho giáo hay Phật giáo, lúc bấy giờ cũng chưa thể lấn át được đạo lý truyền thống, nhưng chúng vẫn ngày một phát triển. Ưu thế pháp lý thuộc về Nho giáo bởi nó là công cụ thống trị của kẻ thống trị. Ưu thế gần gũi thuộc về Phật giáo vì nêu ra những điều thuộc về tâm lý, nguyện vọng của nhân dân. Hai quan niệm nhân sinh Nho giáo và Phật giáo ngày càng chi phối tâm hồn và lối sống của người Việt, nhưng có điều không thể chi phối lẽ sống của người Việt. Chúng chỉ là hai dòng tư tưởng tồn tại song song với dòng tư tưởng truyền thống.

Qua trên cho thấy, dưới sự đô hộ của phương Bắc, tư tưởng Việt nam có sự ảnh hưởng sâu sắc của các luồng tư tưởng ngoại lai. Tuy nhiên, người Việt Nam không kế thừa một cách nguyên xi các luồng tư tưởng đó mà kế thừa có chọn lọc để hình thành nét riêng của tư tưởng Việt Nam. Nó tạo nên dấu ấn riêng về một giai đoạn lịch sử  – giai đoạn dựng nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ giữ nước.

 

 

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN GIÁO

 

                                                                        Th.s Nguyễn Thị Thùy Linh

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, đó là sự vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Những lời di huấn, các bài viết, những cử chỉ, hành động cũng như phong cách ứng xử của Người đối với các tôn giáo nói chung và đối với tín đồ, giáo sỹ, nhà tu hành của đạo Công giáo nói riêng là những bài học quý báu cho chúng ta hôm nay. Tư tưởng đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc và tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng là nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương giáo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương giáo, đoàn kết các tôn giáo với nhau nằm trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Người. Đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, giai cấp, tôn giáo,…Đoàn kết là một chiến lược lâu dài chứ không phải là một thủ đoạn chính trị nhất thời. Đoàn kết là một tư tưởng lớn, bao trùm của Hồ Chí Minh, chính nhờ vậy mà Người đã quy tụ, tập hợp được toàn dân tham gia kháng chiến và kiến quốc thắng lợi. Trong đó, đoàn kết giữa những người cộng sản với những người có tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau và giữa những người có tín ngưỡng với những người không có tín ngưỡng là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người.

Tư tưởng đoàn kết lương giáo ở Hồ Chí Minh được hình thành trên những cơ sở sau:

- Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc.

- Vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng cho chiến lược đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc của Hồ Chí Minh.

- Nhiệm vụ nặng nề của sự nghiệp cách mạng Việt Nam là cơ sở thực tiễn hình thành tư tưởng đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc ở Hồ Chí Minh: “Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của tổ quốc”[1]. Người kêu gọi các tôn giáo hãy dẹp bỏ hiềm khích, đoàn kết toàn đan lo cho nền độc lập của nước nhà.

- Chống âm mưu chi rẽ lương giáo của kẻ thù: “Đồng bào các tôn giáo, các dân tộc háy đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, cùng nhau ra sức chống Mỹ cứu nước”[2].

Bất cứ ở đâu, vào thời điểm nào, nếu có cơ hội là Người đều nêu và giáo dục ý thức đoàn kết cho nhân dân. Một lần tiếp Việt kiều, trong đó có nhiều tín đồ công giáo, Người nêu lên khẩu hiệu: “Đoàn kết trên hết, Tổ quốc trên hết”. Nhờ nêu cao tinh thần đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc nên Hồ Chí Minh đã tập hợp xung quanh mình nhiều giáo sỹ, giáo dân hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước, kiến quốc, từ đó xóa dần những định kiến, mặc cảm do lịch sử để lại và âm mưu chia rẽ của kẻ thù.

Đoàn kết lương giáo, Người còn luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sỹ cả nước phải quan tâm chăm sóc cho cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo: “Làm thế nào để sản xuất ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui”[3]

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương giáo ta thấy: Muốn đoàn kết những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích toàn dân lên trên hết.

Muốn đoàn kết lương giáo phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân; khắc phục những mặc cảm, định kiến và chống âm mưu chia rẽ của bọn phản động; Tranh thủ, gần gũi, cảm hóa vận động các nhà tu hành, hàng ngũ chức sắc tôn giáo.

Hồ Chí Minh luôn tôn trọng và đánh giá cao vai trò, uy tín của hàng ngũ giáo sỹ, nhà tu hành, đặc biệt là những người đứng đầu các tôn giáo, Người xem họ là những người lãnh đạo có khả năng và uy tín để tập hợp, đoàn kết đồng bào các tôn giáo. Do đó, theo Người biết tranh thủ được hàng ngũ các chức sắc tôn giáo là biện pháp quan trọng để thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Muốn vận động quần chúng có tín ngưỡng tham gia vào sự nghiệp cách mạng điều quan trọng là phải biết tranh thủ, hợp tác chức sắc các tôn giáo.

Muốn đoàn kết lương giáo phải phân biệt được nhu cầu tín ngưỡng chân chính của đồng bào có đạo để đáp ứng kịp thời; với việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các phần tử phản động đẻ phê phán, đấu tranh.

Muốn đoàn kết phải chú ý kế thừa giá trị nhân bản của tôn giáo, trân trọng những người thành lập các tôn giáo lớn, quan tâm đến giáo dân: Độ lượng, vị tha với những người lầm lỗi; đấu tranh kiên quyết với bộn phản động, lợi dụng tôn giáo.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời chống âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo.

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quan điểm quan trọng trong tư tưởng tôn giáo Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó được thể hiện nhất quán cả trong lý luận và hoạt động thực tiễn của Người và đã trở thành nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong chính sách đối với Đảng và Nhà nước ta.

Cơ sở xuất phát của tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là: Tôn trọng đức tin của mỗi người. Người đã chỉ ra rằng mặc dù thế giới quan của người cách mạng khác với thế giới quan tôn giáo, song không vì vậy mà đối đầu, nghi kỵ nhau; ngược lại, phải tôn trọng đức tin của mỗi người. Trong buổi lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam năm 1951; Hồ Chí Minh phát biểu: Vấn đề tôn giáo thì Đảng Lao Động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người.

Tuy là người theo quan điểm duy vật nhưng Hồ Chí Minh không bao giờ bài xích, chế giễu với bất kỳ một tôn giáo nào. Ngược lại, Bác đã tiếp cận tôn giáo, coi nó như một di sản văn hoá của loài người, và tìm thấy ở đấy những mặt tích cực nhất định, những nhân tố hợp lý để kế thừa, tiếp thu những giá trị nhân bản, nhân văn của tôn giáo.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện:

- Quyền được tin hay không tin một tôn giáo nào.

- Mọi công dân có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo đều được bình đẳng trên mọi lĩnh vực, kể cả trong bầu cử người vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.

- Các di sản văn hoá tôn giáo phải được bảo vệ.

- Các nhà tu hành được tự do giảng đạo ở những cơ sở thờ tự. Khi truyền bá tôn giáo các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng chính quyền và pháp luật của nhà nước.

- Các tôn giáo được xuất bản và phát hành kinh sá, nhưng phải tuân theo luật xuất bản, được mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo.

- Tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo, phá hoại sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, Người nhấn mạnh: “Bảo vệ tự do tín ngưỡng nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước”.

- Để việc thực hiện tự do tín ngưỡng góp phần tích cực vào việc phát triển xã hội, nội dung tự do tín ngưỡng phải được luật hóa. Bởi vì, những quy định pháp luật có liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo vừa là điều kiện, vừa là công cụ thực hiện tự do tín ngưỡng.

- Bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan phải đi đôi với việc xây dựng nếp sống văn hoá mới, xây dựng thuần phong mỹ tục. Việc đấu tranh nhằm khắc phục tệ mê tín dị đoan phải tế nhị, tránh thô bạo.

3. Ý nghĩa và một số điểm cần lưu ý khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo có ý nghĩa vô cùng to lớn, trước hết về mặt lý luận như sau:

Một là, Người đã phát triển nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng mức vai trò, vị trí của tôn giáo trong đời sống xã hội với các tính tích cực và tiêu cực của nó. Tiếp cận tôn giáo ở nhiều phương diện để thấy được tính đa dạng và phức tạp của hiện tượng xã hội này.

Ba là, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là một bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh - bộ phận độc đáo có quan hệ trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, đời sống tinh thần rất nhạy cảm của con người.

Bốn là, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho đường lối chính sách của Đảng ta đối với vấn đề tôn giáo, đặt cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước đối với những hoạt động tôn giáo.

Về ý nghĩa thực tiễn:

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo có tính định hướng cho việc giái quyết tôn giáo trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

- Quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo gắn liền với thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là nhờ sức mạnh của đoàn kết trong đó có sự đóng góp của tư tưởng đoàn kết lương giáo Hồ Chí Minh.

Với những ý nghĩa hết sức sâu sắc trên cho thấy sự cần thiết phải vận dụng tư tưởng của Người vào giải quyết vấn đề tôn giáo ở Việt Nam cho hôm qua, hôm nay và cho cả mai sau.



[1] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3, NXB CTQG, Hanoi 1993, trang 15.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, t. 11, NXB CTQG, Hanoi 1996, tr. 471.

[3] Sdd, t. 8, tr. 285.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – Vai trò của nó đối với việc phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Sơn La hiện nay

 

Th.s Đỗ Huyền Trang

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có vai trò to lớn đối với việc tạo cơ sở bền vững để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của từng quốc gia, từng địa phương, từng lĩnh vực. Đối với Sơn La cũng vậy, là một tỉnh miền núi nhưng có nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực chính trị, kinh tế- xã hội của đất nước, việc  phát triển mạnh về kinh tế- xã hội là yêu cầu bức thiết. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, yếu tố phát triển nguồn nhân lực có vai trò cực kỳ quan trọng đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Training and development of human resources with a large role for creating a sustainable basis for implementing the strategy of socio-economic development of each country and each locality, each field. For Son La, too, is a mountainous province has many important positions in the fields of politics, economic and social of the country, the development of social and economic strength of the urgent demands. To accomplish that task, elements of human resource development has extremely important role especially high-quality human resources.

Từ khoá: Nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Key words: Human resources, development of high quality human resources

1.     Nguồn nhân lực chất lượng cao

Khái niệm “nguồn nhân lực” được hiểu như khái niệm “nguồn lực con người". Nó được sử dụng như một khái niệm công cụ để điều hành, thực thi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực (NNL) bao gồm bộ phận dân số trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động và những người ngoài độ tuổi lao động có tham gia lao động - hay còn được gọi là nguồn lao động. Bộ phận của nguồn lao động gồm toàn bộ những người từ độ tuổi lao động trở lên có khả năng và nhu cầu lao động được gọi là lực lượng lao động.

Nguồn nhân lực là tổng thể số lượng và chất lượng con người với các tiêu chí về thể lực, trí lực và tâm lực tạo nên năng lực mà bản thân con người và xã hội đã, đang và sẽ huy động vào quá trình sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Ở Việt Nam cụm từ nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) mới được đề cập từ khi nước ta gia nhập tổ chức thương mại  thế giới (WTO) và chính thức được nhắc đến trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cộng sản Việt Nam, đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần  thứ XI Đảng ta lại khẳng định « phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là NNLCLC là một trong những yếu tố quyết định phát triển nhanh, bền vững đất nước » - (9, tr 41)

Từ đây có thể nhận thấy nhận thức của Đảng ta về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng đầy đủ, coi phát triển NNLCLC chính là khâu đột phá để đưa Việt Nam sớm thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển và vươn lên trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau của nhiều nhà nghiên cứu về NNLCLC, tuy nhiên từ các quan điểm đó có thể rút ra các đặc trưng cốt lõi của NNLCLC như sau :

Một là: Về vai trò và tầm quan trọng: NNLCLC là lực lượng lao động ưu tú nhất, thực hiện vai trò dẫn đường đối với NNL trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Hai là: Về số lượng: NNLCLC chỉ là một bộ phận trong tổng số nhân lực quốc gia

Ba là: Về chất lượng: NNLCLCđược đánh giá thông qua các yếu tố cơ bản sau : Phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo, có khả năng thích ứng và sáng tạo trong công việc:

Về trí lực, trí lực của NNLCLC được biểu hiện chủ yếu ở các khía cạnh như:

Trình độ học vấn: Những người  có trình độ cao đẳng, đại  học trở lên. Khi  NNL có trình độ, có sự  hiểu  biết  thì  lúc đó họ mới nhận  thức  và  cải  tạo  tự  nhiên -  xã hội đạt kết quả  cao, mới  có khả năng áp dụng được những tiến bộ khoa học - công nghệ vào trong quá trình lao động sản xuất để đem lại năng xuất, chất lượng và hiệu quả.

Năng lực sáng tạo: NNLCLC là lực lượng lao động có khả năng sáng tạo trong  công việc. Bởi vì, lực lượng lao động này phải là những người lao động có trí tuệ phát triển, có nhân cách, có một số phẩm chất nổi bật mà ít người có, giàu tính sáng tạo, tư duy độc đáo, nhạy bén, dịu dàng khôn khéo, có sự hiểu biết sâu rộng về chuyên môn, có kinh nghiệm trong công việc, có tay nghề cao, có khả năng dự báo và giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về thể lực, thể lực của NNLCLC hay còn gọi là sức khỏe và được thể hiện  ở  tình  trạng  sức  khỏe  của  người  lao động NNLCLC  có  sức khỏe tốt được thể hiện ở: sự nhanh nhẹn, tháo vát, bền bỉ, dẻo dai để đáp ứng được yêu cầu của công việc và khả năng chịu đựng sức ép trong công việc mà họ phải vượt qua.

Về  phẩm  chất đạo đức: NNLCLC phải là lực lượng lao động có đạo đức nghề nghiệp được thể hiện như: yêu nghề, say mê với công việc, có tính kỷ luật và có  trách  nhiệm  với  công  việc  mà  mình đảm  nhiệm, sẵn sàng vượt qua khó khăn về giới để khẳng định bản thân, vươn lên vì mục tiêu bình đẳng và phát triển. Cao hơn cả đạo đức nghề nghiệp còn thể  hiện ở sự mong muốn đóng góp tài  năng, trí  tuệ, công sức của mình vào sự nghiệp phát triển  chung của đất nước, xóa bỏ rào cản tâm lý tự ty, mặc cảm, định kiến bất bình đẳng về giới của bản thân và xã hội. Đây được xem là tiêu chí mang tính chất nền tảng trong quá trình  xây dựng những tiêu chí để xác định đúng về NNLCLC.

2. Vai trò của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với việc phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Sơn La hiện nay.

2.1 Thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Sơn La hiện nay

 Một vài đặc điểm về tỉnh Sơn La

 Sơn La là tỉnh miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam. Tỉnh Sơn La có 11 huyện và 1 Thành phố. Phía Bắc giáp hai tỉnh: Yên Bái, Lai Châu. Phía Đông giáp hai tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ. Phía Tây giáp tỉnh: Điện Biên. Phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước CHDCND Lào. Sơn La có 250km đường biên giới với nước CHDCND Lào. Thành phố Sơn La cách thủ đô Hà Nội  320 km về phía tây bắc. Diện tích tự nhiên 14.055 km2, chiếm 4,27% diện tích cả nước.

Dân số ở Sơn La tính đến năm 2012 là khoảng 1.134.300 người. Mật độ dân số 80 người/km2..Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 54%, dân tộc Kinh 18%, dân tộc Mông 12%, dân tộc Mường 8,4%, dân tộc Dao 2,5%, còn lại là các dân tộc: Khơ Mú, Xinh Mun; Kháng, La Ha, Lào, Tày và Hoa.

Địa hình của tỉnh Sơn La chia thành những vùng đất có đặc trưng sinh thái khác nhau. Sơn La có hai cao nguyên: Mộc Châu và Nà Sản.

 Nằm ở vị trí đầu nguồn của hai con sông lớn: sông Đà và sông Mã, Sơn La không chỉ là địa bàn phòng hộ xung yếu cho vùng đồng bằng Bắc Bộ mà nó còn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế.

Thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo báo cáo tại: Hội Khoa học kinh tế tổ chức hội thảo vào sáng ngày 11/9/2015 tại Sở KH&CN. Tổng kết thành tựu kinh tế xã hội của tỉnh Sơn La qua 30 năm (1985-2015). Số liệu được khai thác, tính toán từ nguồn của ngành thống kê, nguồn chuyên ngành và nguồn internet.

 Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực từ 1985-2015

         Tỷ trọng nguồn nhân lực trong dân số đã tăng từ 58% lê 65%. Lao động và việc làm đã tăng từ 35 vạn lên 73 vạn, gấp 2,1 lần. (Khu vực nông nghiệp tăng từ 32 vạn lên 62 vạn, gấp 1,9 lần. Khu vực công nghiệp -Xây dựng tăng từ 1 vạn lên  lên 3,5 vạn, gấp 3,5 lần. Khu vực Dịch vụ tăng từ 1,5 vạn lên hơn 7 vạn, gấp 4,6 lần). Cơ cấu lao động nông nghiệp giảm từ 93% xuống 85%, lao động phi nông nghiệp tăng từ 7% lên 15%. Lao động khu vực đô thị cũng tăng tương ứng từ khoảng 5-6 % lên 13%, khu vực nông thôn giảm từ  khoảng 94-95% xuống 87%.

          Cơ cấu lao động thuộc các thành phần kinh tế đã thay đổi căn bản. Khu vực ngoài nhà nước đã lo giải quyết việc làm cho 92% số lao động. Nhà nước chỉ phải lo giải quyết 8%.

   Trình độ nguồn nhân lực được nâng lên.

          -Tỷ lệ lao động biết chữ được nâng lên từ 50% lên 75%. Tỷ lệ lao động có trình độ PTTH được nâng lên từ 6,5% lên 11%.

          - Tỷ lệ lao động qua đào tạo (có trình độ nghề nghiệp không bằng cấp và có bằng cấp chứng chỉ): Được nâng lên từ 4-5% lên 36%. Trong đó, tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ được nâng lên từ 1-2% lên 13%.( sơ cấp 40%, trung cấp 30%, cao đẳng 10%, đại học và trên đại học 20%.

           Đội ngũ trí thức phát triển nhanh.

          -Đội ngũ trí thức toàn tỉnh (tính từ trình độ cao đẳng chuyên nghiệp trở lên) tăng từ 2,5 ngàn lên 3 vạn, chiếm 2,4% dân số. Tốc độ tăng của đội ngũ trí thức gấp 4,1 lần tốc độ tăng dân số và 1,3 lần tốc độ tăng lao động. Tính theo 1000 dân, số trí thức năm 1990 là 3,7 người, năm 2000 tăng lên 8,1 người, năm 2010 tăng lên 23,3 người, 2015 là 25,6 người.

          -Trình độ đào tạo được năng lên: Tỷ lệ đại học/cao đẳng đã có sự thay đổi lớn: Từ 54/46  lên 66/34. Trí thức trình độ cao( trên đại học) tăng từ 20 người lên hơn 1.000, trong đó  800 thạc sỹ, gần 40 tiến sỹ.  Trình độ lý luận cũng được nâng lên, toàn tỉnh có 837 trí thức có trình độ cao cấp và cử nhân lý luận. Trên 60% trí thức Sơn La là đảng viên.(Về số lượng trí thức nói chung và số trí thức trình độ cao, Sơn La đứng thứ nhất trong các tỉnh Tây Bắc, đứng thứ ba trong vùng  du và miền núi phía Bắc, chỉ sau Thái Nguyên và Phú thọ)

          -Trí thức Sơn La phần lớn ở  độ tuổi trẻ: dưới 45 tuổi chiếm 85%, trên 45 tuổi chiếm 15%. Cơ cấu theo giới tính của trí thức Sơn La được cải thiện đáng kể, tỷ lệ nữ/nam từ 40/60 xuống 48/52.Trí thức là người dân tộc thiểu số tăng lên nhanh chóng, từ 15% lên gần 50%.

          - Cán bộ, chuyên viên các cơ quan ban ngành tỉnh, huyện đã gần như được phổ cập đại học, tăng từ từ 30-40% lên 70-80%. Trong khu vực sự nghiệp cán bộ - viên chức Đại học và trên Đại học tăng từ  20-30% lên 60-70%. Cấp xã từ chỗ chỉ là cán bộ sơ cấp, nay đã có 90% đội ngũ cán bộ - công chức đạt trình độ từ Trung cấp trở lên.

   Đội ngũ doanh nhân phát triển khá, doanh nhân (Chánh phó chủ tịch HĐQT, Chánh giám đốc Công ty)  tăng từ khoảng 200 lên 2000 (tăng gấp 10 lần).

          Hệ thống đào tạo chuyên nghiệp trong tỉnh phát triển, gồm 01 trường đại học, 3 trường cao đẳng và các trung tâm giáo dục thường xuyên với quy mô đào tạo gần 01 vạn sinh viên /năm. Hệ thống dậy nghề trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng phát triển cả cấp tỉnh, cấp huyện, thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia, với quy mô, năng lực đào tạo 01 vạn lượt người/năm. Với hệ thống như vậy, giai đoạn từ 2006 đến 2012 Sơn La đào tạo được khoảng 85.978 người, góp phần nâng tỷ lệ đào tạo từ 15%  năm 2006 lên 25% năm 2012 trong đó:

+ Đào tạo nghề là 56.710 người (các cơ sở trên địa bàn đào tạo được 48.204 người các  cơ sở đào tạo ngoài tỉnh đào tạo được 8.506 người)

+ Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trên đại học 29.268 người

Số lượng nhân lực có trình độ cao được đào tạo của tỉnh không ngừng được nâng cao, năm 2001 toàn tỉnh có 298 sinh viên trúng tuyển vào các trường đại học cao đẳng, đạt 3 sinh viên/ 1 vạn dân, cao đẳng là 402 sinh viên, đạt 4 sinh viên/ 1 vạn dân. Đến năm 2010 tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể với 12 sinh viên đại học / 1 vạn dân, 18 sinh viên cao đẳng/ 1 vạn dân. Năm 2010 cả tỉnh có 12301 sinh viên hệ cao đẳng và đại học đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học trong cả nước.

        Như vậy qua nghiên cứu thực trạng sự phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Sơn La chúng ta nhận thấy, mặc dù công tác đào tạo theo chủ trương xã hội hoá của Sơn La trong những năm qua tuy có nhiều tiến bộ, song chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, lao động mới chỉ tập trung vào đào tạo đại trà, ngắn hạn chưa đủ điều kiện để đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, phần lớn mới chỉ ở các trình độ trung cấp, nghề thường xuyên, nếu có trình độ Đại học  chủ yếu lại là tại chức, các cơ sở dạy nghề nhìn chung quy mô còn nhỏ, năng lực không cao, sự phân bố cũng chưa thật sự đồng đều, phần lớn tập trung tại thành phố Sơn La.

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận sự thay đổi và tiến bộ vượt bậc của nguồn nhân lực ở tỉnh, nó đã đóng góp vai trò to lớn trong phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh, đặc biệt trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao.

2.2 Vai trò của phát triển NNLCLC ở Sơn La hiện nay

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “ Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, khoa học, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng, đảm bảo cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững (6, tr30).

Các nguồn lực khác là hữu hạn, có thể bị khai thác cạn kiệt, chỉ có nguồn nhân lực có tiềm năng vô hạn, biểu hiện ở chỗ trí tuệ con người không chỉ tự sản sinh mà còn đổi mới không ngừng. Qua thực tiễn phát triển nhiều nước trên thế giới đã cho thấy thành tựu phát triển kinh tế- xã hội phụ thuộc chủ yếu vào năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Nhận thức đúng vai trò quyết định của nguồn nhân lực và đầu tư cho chiến lược con người, đặt lên hàng đầu vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi giáo dục đào tạo, là chìa khoá, là quốc sách hàng đầu đã đem lại thành công cho các nước, đặc biệt là các nước công nghiệp  mới.

Là một bộ phận quan trọng của nguồn lực con người, NNLCLC có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Vai trò của nó ngày càng được nâng cao khi nó có những đóng góp tích cực tới sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là với nước đang trong giai đoạn thoát khỏi nước kém phát triển như Việt Nam hiện nay.

Ngày nay, phát triển NNLCLC càng có ý nghĩa  quyết định đối  với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Cùng với NNL, NNLCLC đã, đang và sẽ có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, ổn định xã hội. Sự nghiệp đổi mới, phát triển bền vững của đất nước chỉ có thể thành công khi chúng ta huy động được tất cả các nguồn lực, trong đó có NNLCLC đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Họ đang hàng ngày, hàng giờ nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống khẳng định mình không thể  thiếu  trong  mỗi  giai đoạn  phát  triển  khác  nhau  của  cách mạng Việt Nam.

Sự phát triển được coi là đúng đắn khi đánh giá được vai trò của NNLCLC và khẳng định  mối  quan  hệ  hữu cơ  giữa phát  triển NNLCLC  với  phát  triển, giữa  tăng  trưởng  kinh  tế  và  phát  triển  xã  hội, đồng  thời nhấn  mạnh vai trò chủ thể của việc phát triển NNLCLC trong hoạch định, thực hiện và đánh giá các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển NNLCLC là một trong những yếu tố không thể thiếu cho việc tham gia thành công vào quá trình CNH- HĐH, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Sơn La.

Từ những vấn đề thực trạng đặt ra chúng ta đều nhận thấy, Sơn La hiện nay vấn đề quan tâm hàng đầu là phát triển nguồn nhân lực, trong đó lực lượng đi đầu là thành phần nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng này có đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội. Phát triển NNLCLC sẽ trực tiếp làm tăng chất lượng NNL của Sơn La và  khu vực Tây Bắc.

Đây là lực lượng đi đầu trong các lĩnh vực, tiếp thu lĩnh hội các tri thức mới để từ đây góp phần chuyển giao công nghệ và truyền đạt phong cách cũng như cách thức làm việc cho lực lượng lao động tại tỉnh nhà. NNLCLC là một bộ phận của NNL Khi NNLCLC được đào tạo và trang bị tốt họ sẽ là lực lượng chủ động tham gia tích cực vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 Quốc gia được coi là phát triển khi quốc gia đó tận dụng được tối đa sự đóng góp của tất cả các nguồn lực.

 

Danh mục tài liệu tham khảo

 

1.Ban Chấp hành Trung ương (2014): Báo cáo Tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.

2.Cao đẳng sư phạm Sơn La và Đại học Thương mại (2012): “Đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Sơn La và vùng Tây bắc trong tiến trình hội nhập”, Hội Thảo khoa học quốc gia, NXB Thống kê, 2012.

3. Nguyễn Hữu Dũng (2002), "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế", Tạp chí Lý luận chính trị, (8), tr.25-30.

4. Đảng Cộng Sản Việt Nam (1993), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành TW khóa VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Đảng Cộng Sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Đảng Cộng Sản Việt Nam (1996), Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành TW khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9. Đảng Cộng Sản Việt Nam  (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

10.  Giải quyết những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực ở Sơn La. Theo nhandan.org.vn-2012

11. Nguyễn Thị Giáng Hương, (2013), Luận án Tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia - Hà Nội

12. Nguyễn Thị Giáng Hương (2013),  "Phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao ở nước ta và những vấn đề đặt ra", Tạp chí Cộng sản, (số 74), tr.51-54

13. Trương Mỹ Hoa (1995), “Vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và tham gia quản lý đất nước và định hướng đến năm 2000”, Tạp chí Cộng sản, 10- 1995, tr.14-15

14. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đại học quốc gia Hà Nội, Nữ trí thức Việt Nam đối với  sự  nghiệp CNH, HĐH  đất  nước, Hội  thảo khoa học.

15. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

16. Hoàng Thị Thảo (2013), Luận văn thạc sỹ Triết học, Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

17. Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La (2011) Quyết định về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện phát triển kinh tế xã hội và dự đoán ngân sách nhà nước năm 2011.

 

 

 

 

 

 

 

MỘT SỐ KỸ NĂNG CẦN THIẾT KHI ĐỨNG LỚP

 

                                                                                                           Giáp Thị Dịu

                                                                                      Bộ môn lý luận và phương pháp giảng dạy

Như chúng ta đã thấy có thể có những trường hợp phải thuyết trình, báo cáo chuyên đề, chia sẻ kiến thức hoặc kinh nghiệm ở một chuyên ngành nào đó, thuyết giả (người nói trước cộng đồng) không cần thiết phải là một nhà mô phạm. Nhưng nếu phải đứng lớp để truyền thụ kiến thức cho một tập thể mang tính chất lớp học, khoá học, thì tất nhiên người phụ trách đã đứng ở cương vị một người thầy. Mà một người thầy, có thể nói rằng mình không biết gì hoặc không cần đến sư phạm hay không? Cho nên, nói đến người thầy, điều tất yếu là phải nói đến sư phạm, cũng tức là nói đến những quy tắc, những phạm trù trong nghề thầy (dậy học) vậy. Nói khác hơn, đó chính là những kỹ thuật chuyên môn giúp người thầy đứng lớp đạt hiệu quả cao. Chính vì thế, người thầy khi đứng lớp, nên tự vấn chính mình: mình sẽ phải làm gì và phải làm ra sao? Qua thực tiễn giảng dạy của bản thân, tôi nhận thấy người thầy khi lên lớp cần thực hiện 3 bước cơ bản sau: chuẩn bị; đứng lớp; rút kinh nghiệm.

1.       Chuẩn bị

Trước hết, người thầy phải ý thức được rằng, mình được giao và thực hiện nhiệm vụ quan trọng là người truyền tải kiến thức cho người học vậy phải làm sao để thực hiện nhiệm vụ đó với một kết quả cao nhất thì trước hết người thầy phải biết mài giũa, trau dồi khí cụ cho thật sắc bén.

1.1. Trau dồi kiến thức: Trong quá trình lên lớp người thầy cần tự tin vào khả năng và kiến thức của bản thân, nhưng biển học mênh mông vô tận, không ai có thể cho là mình đã học đủ, biết đủ. Chính vì thế, việc trau dồi kiến thức phải là công việc hàng ngày, thường xuyên, cần phải có khả năng và luôn cố gắng làm cho mình càng có khả năng hơn nữa. Nói cách khác, “… mỗi người chúng ta vừa đồng thời là đích điểm, vừa là khởi điểm của việc huấn luyện, chúng ta càng tự huấn luyện tốt thì càng có khả năng để huấn luyện người khác tốt.

1.2. Trang bị tư liệu: Việc trau dồi kiến thức là việc trường kỳ, nhưng khi trực tiếp thực hiện giảng cho một lớp học cụ thể với một bài học cụ thể, thì việc phải làm ngay là đọc, tập trung suy nghĩ từng ý (chính + phụ) trong bài, truy nguyên những điển tích, những trích dẫn, những tiềm ẩn… để hiểu thật thấu đáo. Tiếp theo là tìm đọc những tài liệu, tư liệu tương đồng có trong những sách vở (cũng cần lưu ý là khi tham khảo để tìm kiếm tư liệu, chỉ nên sử dụng những sách vở, tài liệu, báo chí … đã được Bộ giáo dục lựa chọn)

 1.3. Soạn bài: Dù tự tin đến đâu, cũng không ai mà lên lớp lại không soạn bài - soạn giáo án (giáo án chính là kế hoạch lên lớp của giáo viên cho một bài dạy (tiết giảng)… Đó cũng chính là sự tự trọng - kể cả sự tôn trọng học sinh nữa - điều này rất cần thiết của một giáo viên khi đứng lớp.

Để soạn giảng một bài có chất lượng giáo viên cần lập dàn ý, lược ra giấy xem trong bài đó có bao nhiêu ý, sẽ trình bày theo thứ tự nào, ý nào có thể lướt nhanh, ý nào cần đào sâu, ý nào cần minh họa bằng dẫn chứng cụ thể, ý nào cần liên hệ thực tiễn…. Phần lớn những người lần đầu tiên đứng trước một tập thể, đều có chung những lo âu nhất định. Tuy nhiên, với bước chuẩn bị kỹ càng như nêu trên, cũng đã một phần không nhỏ giúp người giáo viên tự tin hơn, đứng lớp chững chạc hơn, và chắc chắn kết quả khả quan hơn.

2. Đứng lớp

 2.1. Tìm hiểu lớp học: Như trên đã nói, một giáo viên phụ trách giảng dạy cho một lớp học mà học sinh đa dạng về trình độ nhận thức, đa dạng về tâm sinh lý nên khi tìm hiểu đối tượng sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn thế giáo viên phải biết được hoàn cảnh địa dư, ngôn ngữ, phong tục, tập quán … của từng vùng, miền, từng địa phương nơi mình phụ trách lớp học (đây chính là tính cách ‘hội nhập văn hoá’ - đặc trưng của công tác truyền thụ, truyền thông). Cũng cần phải biết được tỷ lệ giới tính (nam nhiều hơn hay nữ nhiều hơn), trình độ tiếp thu (nông thôn khác thành thị, miền xuôi khác vùng cao …). Câu nói “anh hãy cho những cái mà họ cần, đừng cho những cái mà anh thích” và “cách cho quý hơn của cho”, rất đúng và rất cần cho giáo viên trong trường hợp này.

      2.2. Tư thế và tác phong: Những điều cần thiết cho một giáo viên khi đứng trên bục giảng:

       - Dáng vẻ bề ngoài: “Nhìn trang phục biết tư cách”, một giáo viên - tức là một người thầy - không nên ăn mặc luộm thuộm, lôi thôi, hoặc loè loẹt, kiểu cách quá. Học sinh ở lần gặp đầu tiên, thấy giáo viên ăn mặc chỉnh tề, dáng dấp đĩnh đạc, tự nhiên thấy nẩy sinh trong lòng một cảm tình đặc biệt. Đó cũng là một cách thuyết phục của giáo viên đối với người học, lớp học vậy.

      - Cử chỉ đi đứng: Chuyện đi đứng của giáo viên trên lớp có vai trò quan trọng không kém nội dung bài giảng. Tư thế và vị trí của thầy cô khi đứng lớp có tác động rất lớn đến học sinh. Khi lên lớp giáo viên cần có cử chỉ hoà nhã, đi đứng khoan thai, không hấp tấp vội vàng, cũng không e dè khúm núm, lại càng không nên có thái độ huyênh hoang, hách dịch. Trong giảng dạy nhiều khi đây là chìa khóa giúp thầy cô giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến bài học một cách đơn giản và hiệu quả.    

      - Thái độ ứng xử: Một người tự trau dồi cho mình kiến thức rộng, có phương pháp sư phạm cao, được kể là một giáo viên giỏi, nhưng chưa đủ, mà còn phải là một giáo viên có đức độ, biết khiêm nhu tự hạ, niềm nở thân mật. Khi đứng lớp, cần giữ tư thế đứng nhiều hơn là ngồi, nếu có thể, nên đi tới gần bàn học sinh để tạo sự hòa đồng.

    - Thảo luận, biện giải, giải đáp thắc mắc: Trong tiết học, giáo viên có thể sử dụng nhiều phương cách truyền đạt. Tuy nhiên, vẫn rất cần có một khoảng thời gian dành cho thảo luận, đóng góp ý kiến, nêu thắc mắc… Đây chính là dịp để giáo viên hiểu thêm về lớp học (biết người), rút kinh nghịêm cho bản thân (biết mình). Nếu gặp những vấn đề nan giải, những thắc mắc quá đà, nên từ tốn khẳng định vị thế của mình và khất lại vấn đề để trình xin ở buổi học sau. Tốt nhất, khi bước vào phần thảo luận, nên giới hạn những ý kiến, thắc mắc, biện giải trong phạm vi bài học. Thái độ ôn tồn hoà nhã, sẵn sàng tiếp thu những ý kiến (dù là phản kháng, đối lập), không gằn gọc gắt gỏng.

Ngoài ra, lớp học có bảng phấn, giáo viên nên ghi rõ chủ đề và các tiểu đề trong dàn bài, nên ghi những ý chính, những điểm nhấn, những chứng liệu cần thiết, để học sinh dễ theo dõi và ghi chép. Tuyệt đối không nên ngồi ‘bắt vít’ vào ghế, điều này dễ khiến học sinh có cảm tưởng giáo viên không thuộc bài, chỉ biết ngồi đọc và … đọc. Tuy nhiên, khi đứng và đi tới đi lui, ngoài việc cầm phấn hoặc cầm micro (nếu có), giảng viên không nên cầm tài liệu trên tay và đọc một vài câu, sau đó lại hỏi học viên “Có đúng không ? Có phải không ? …”. Dàn ý hoặc tài liệu giảng dậy nên để trên bàn, lâu lâu ngó qua để khỏi bị lan man “lạc đề”. Cũng không nên dùng lối nói bỏ lửng một hai từ, để học viên thêm vào điều này sẽ dẫn đến học sinh hiểu sai. Kiểu này chỉ dành cho học sinh mẫu giáo, tiểu học.           

Khi thấy lớp học có vẻ ‘buồn ngủ’ hoặc trao đổi chuyện riêng, bàn tán tâm sự …), tuyệt đối không nên nổi nóng (thậm chí còn đuổi khéo học viên ra khỏi lớp), vì đó là hành động ‘phản sư phạm’. Hãy tự ‘nhìn lại mình’ xem tại sao lại như thế ? Phải chăng tại mình nói ‘hay’ quá? Từ đó, cần chuyển hướng ngay cách truyền đạt: một câu hỏi đột ngột, một câu chuyện dí dỏm hài hước, thậm chí có thể cho ‘hát giữa giờ’ một bài hát ngắn … đó là cách ‘chữa lửa’ rất có tác dụng

       - Ngôn ngữ diễn giảng: Giọng nói tất nhiên là do bẩm sinh, không phải ai cũng giống ai. Tuy nhiên, trong cách nói năng phát biểu, vẫn có thể tập luyện được. Nếu ta không có được một giọng nói hùng hồn đanh thép khi lý luận, một giọng nói truyền cảm khi truyền đạt kiến thức hoặc quảng diễn văn thơ thì ít nhất ta cũng phải tập cho được cách nói năng từ tốn, lịch thiệp, hoạt bát, với một giọng nói ôn tồn thong thả, sao cho người nghe dễ nghe, dễ vào.

Ngôn ngữ giảng thuyết có thể bao gồm nhiều hình thái:

Thứ nhất: ngôn ngữ nói chuyện (còn gọi là ngôn ngữ đàm thoại). Giáo viên giảng thuyết mà như nói chuyện thân mật với học sinh, khiến học sinh tưởng như đang được nghe tâm sự của một người bạn và có cảm tưởng chính bản thân họ cũng đang đóng một vai trò nào đó trong câu chuyện ấy. Nhất là khi giáo viên chuyển sang đối thoại, thì học sinh càng hăng say, mạnh dạn đóng góp ý kiến, trao đổi kiến thức.   Phương cách này mang tính hoà đồng, tạo được bầu khí thân mật trong lớp, kích thích khả năng phát biểu, tính mạnh dạn nơi học sinh. Tuy nhiên, đây là hình thái diễn giảng như nói chuyện chứ không phải kể chuyện bất tận cho đến hết giờ rất dễ bị sa đà không tìm được lối ra.

Thứ hai: ngôn ngữ cử điệu: Đó là thứ ngôn ngữ không lời, có thể nói thứ ngôn ngữ cử điệu cũng rất phong phú. Nếu giáo viên biết sử dụng điệu bộ, cử chỉ (từ ánh mắt, khoé môi, nét mặt, đến chân tay, thân mình) để diễn giảng cùng với ngôn ngữ nói, chắc chắn bài giảng sẽ đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, phải quan niệm rằng cử điệu chỉ là phương cách hỗ trợ tích cực cho lời nói, chúng ta chỉ dùng những cử điệu thích ứng với lời nói, phù hợp với tâm trạng khi giảng thuyết; tuyệt đối không nên miễn cưỡng, vì nếu như thế sẽ trở thành một thứ “kịch sĩ vụng về, kệch cỡm”. Đừng để học sinh cho rằng những cử chỉ, dáng điệu của giáo viên chỉ là kiểu cách giả tạo, vô duyên.           

          Thứ ba: ngôn ngữ tổng hợp: Khi giảng thuyết, người giáo viên phải cố gắng rèn luyện cho được khả năng ngôn ngữ tổng hợp (ngôn ngữ nói + ngôn ngữ đàm thoại + ngôn ngữ cử điệu), để từ đó vận dụng vào nghệ thuật giảng thuyết của mình, bằng cách sử dụng ngôn ngữ diễn cảm: Người giáo viên khi nói trước học sinh không phải và không thể là báo cáo thành tích, phát động phong trào, mà phải là người truyền thông tất cả những xác tín về những kiến thức của mình trong cả quá trình học hỏi, thu thập, cảm thụ, chiêm niệm được về kiến thức.

Vì giảng thuyết là sử dụng ngôn ngữ nói nên cũng cần phải chú ý đến giọng nói, từ âm giai đến âm điệu, từ âm tiết đến âm độ (cường độ âm thanh): khi thì hùng hồn đanh thép, lúc thì uyển chuyển mạch lạc, có khi thì thiết tha truyền cảm, đôi lúc lại dí dỏm vui tươi, khoan thai hóm hỉnh… Rồi khi thì mạnh (nhất là nơi những điểm nhấn), lúc thì nhẹ, khi bổng khi trầm, từng âm sắc chuyển theo mạch văn, cảm xúc sẽ có giá trị thuyết phục cao.

Nếu nói người giáo viên giữ một vai trò đặc biệt quan trọng khi đứng lớp diễn giảng, cũng tức là nói người giáo viên phải vừa “diễn”, vừa “giảng” (Diễn: biểu lộ bằng tất cả lời nói, cử chỉ, dáng điệu của mình qua vai trò giáo viên; Giảng: giải thích thật rõ ràng, cụ thể, sâu sắc, sinh động về vấn đề mà mình muốn trao cho học sinh). Cho nên, từng lời nói, từng điệu bộ, cử chỉ đều toát lên một phong thái hấp dẫn. Đó chính là một thứ ngôn ngữ diễn cảm không thể thiếu trong nghệ thuật giảng thuyết.

3         Rút kinh nghiệm

Sau những tiết học hoặc sau một khoá học, nên có phần rút kinh nghiệm. Có thể rút kinh nghiệm bằng cách:

1.1.Tự rút kinh nghiệm

            Mỗi giảng viên nên có một cuốn nhật ký, trong đó ghi chép tất cả những gì có liên quan đến quá trình đứng lớp của mình. Sau những giờ đứng lớp của bản thân, sau những giờ dự một lớp học của bạn bè, thậm chí cả sau những giờ ngồi lớp với tư cách một học sinh..., sẽ ghi lại tất cả những nhận xét của mình về giờ học tập đó. Đây chính là dịp “nhìn lại mình”, rút ra những bài học kinh nghiệm để nâng cao tay nghề, nên phải hết sức khách quan, tránh những thiên kiến, mặc cảm (tự tôn, tự ti).

    2.2. Rút kinh nghiệm qua học sinh

            Sau mỗi tiết học, có thể dành ít phút trực tiếp phỏng vấn chớp nhoáng học sinh về những nhận xét của họ trong giờ học (nếu không đủ giờ, nên trao đổi với học sinh trong 5 – 10 phút giải lao). Đặc biệt sau mỗi khoá học, vào buổi tổng kết nên dành hẳn một vài tiết để học sinh nêu những nhận định về những giáo viên đứng lớp. Đây là phần hết sức tế nhị, vì ngoài xã hội cũng đề ra đường lối “trò đánh giá thầy” đã gây thật nhiều tranh cãi. Giáo viên phải hết sức khéo léo, đồng thời cũng phải có tinh thần cầu thị, hết sức mềm mỏng, khiêm nhu tự hạ đón nhận những ý kiến xây dựng. Đừng để giờ góp ý trở thành giờ đấu đá hạ bệ nhau, cũng không biến thành giờ tâng bốc nịnh hót nhau, giảng viên phải đo lường được “tinh thần và thái độ” của học sinh trong những giờ mình đứng lớp, trước khi tổ chức rút kinh nghiệm.

        2.3. Rút kinh nghiệm qua bạn bè: Cuối khoá nên có những buổi họp để rút kinh nghiệm, nhằm làm tốt hơn cho những bài học, khoá học sau.

Theo tôi, trên đây là một số kỹ năng cơ bản cần có của một giáo viên khi đứng lớp. Việc nắm và thực hiện được các kỹ năng trên chắc chắn bài giảng sẽ có tính thuyết phục và đạt hiệu quả cao.