NHÌN LẠI SAU 38 NĂM CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI VIỆT – TRUNG 17/2/1979 – 17/2/2017

 

Th.s: Nguyễn Hải Minh

1. Bối cảnh

1.1. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc - Liên Xô

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều thăng trầm. Lịch sử cũng đã cho thấy trong mỗi giai đoạn nhất định quan hệ bạn – thù, thù – bạn giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn có sự biến đổi.

Tuy được sự giúp đỡ rất lớn của Trung Quốc trong chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam, các rạn nứt trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện từ năm 1968. Hà Nội nhất định cùng lúc giữ mối quan hệ nồng ấm với cả Moskva lẫn Bắc Kinh trong khi mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốcđã lên cao. Bất đồng quan điểm giữa Hà Nội và Bắc Kinh về cách tiến hành cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam trở nên rõ rệt. Bắc Kinh muốn Hà Nội chỉ tiếp tục chiến tranh du kích có giới hạn chống Hoa Kỳ, trong khi Hà Nội muốn tiến hành chiến tranh quy mô để thống nhất đất nước. Và hơn thế nữa, Hà Nội muốn trực tiếp đàm phán với Hoa Kỳ, không cần thông qua một nước nào làm trung gian. Sau sự kiện Tết Mậu Thân, Hà Nội bắt đầu đàm phán với Hoa Kỳ, trong khi đó Bắc Kinh phản đối.

Năm 1972, chuyến thăm của tổng thống Mỹ Nixon tới Bắc Kinh và thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc được Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xem là một sự phản bội. Từ năm 1973, Ban lãnh đạo Trung Quốc đã có chỉ thị: "Bề ngoài ta đối xử tốt với họ (Việt Nam) như đối xử với đồng chí mình, nhưng trên tinh thần phải chuẩn bị họ sẽ trở thành kẻ thù của chúng ta". Năm 1974, Trung Quốc cho quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa trong sự làm ngơ của Hoa Kỳ.

Năm 1975, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn nêu ra vấn đề Hoàng Sa, phản ứng không nhượng bộ của Trung Quốc làm nhà lãnh đạo Việt Nam khó chịu. Đồng chí Lê Duẩn thẳng thừng từ chối đưa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào liên minh chống Liên Xô của Trung Quốc, ông cũng phủ nhận quan niệm của Trung Quốc rằng "chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô là mối đe dọa đối với các nước cộng sản châu Á". 

Khi Việt Nam ngày càng có quan hệ chặt chẽ hơn với Liên Xô, Trung Quốc thấy mình bị đe dọa từ hai phía. Đồng thời, Việt Nam cũng đang cố gắng xây dựng mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ giữa 3 nước Đông Dương trong đó Việt Nam giữ vị thế đứng đầu. Cùng với thực tế rằng nước Việt Nam thống nhất đã trở thành một sức mạnh quan trọng trong vùng, làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc. Những điều này làm cho Trung Quốc lo ngại về một "tiểu bá quyền" Việt Nam[17] và việc bị Liên Xô bao vây từ phía bắc. Một nước Campuchia chống Việt Nam đã trở thành một đồng minh quan trọng đối với Trung Quốc.

1.2. Quan hệ Việt Nam - Campuchia - Trung Quốc

Ngay từ khi mới giành được chính quyền, Khmer Đỏ đã gây hấn với các nước láng giềng là Việt Nam và Thái Lan. Khmer Đỏ muốn lấy lại các lãnh thổ thuộc đế quốc Khmer đã bị các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Việt Nam chiếm từ thế kỷ 18 trở về trước. Hành động này bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc được khơi dậy từ thời Pháp thuộc, từng được cả Sihanouk và Lon Nol ủng hộ. Sihanouk, Lon Nol và sau này là Pol Pot đều xem các nước lân cận là kẻ thù truyền kiếp vì đã tiêu diệt đế quốc Khmer, xâm chiếm đất đai của Campuchia. 

Quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng đi xuống, thể hiện ngay từ tháng 5 năm 1975 khi Khmer Đỏ cho quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc  Thổ Chu và bắt đi hàng trăm dân thường, lên cao trào vào những năm 1977-1978 khi Khmer Đỏ nhiều lần đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát hàng chục nghìn dân thường. Trong suốt thời gian đó và cả về sau, Trung Quốc luôn là nước viện trợ đắc lực cho Khmer Đỏ về vũ khí, khí tài cũng như cố vấn quân sự. Chính phủ Việt Nam nhiều lần đề nghị Trung Quốc giúp đỡ dàn xếp quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, song Trung Quốc im lặng. Bên cạnh các nỗ lực ngoại giao không thành nhằm xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc và Campuchia, Việt Nam tin rằng Trung Quốc đang sử dụng Campuchia để tấn công Việt Nam.

Từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1977, Pol Pot có chuyến thăm tới Trung Quốc, nhằm thắt chặt quan hệ đồng minh giữa hai nước.

Cuối năm 1977, các văn kiện của Quân khu Quảng Châu luôn nhấn mạnh tinh thần "phải chuẩn bị các mặt để đánh Việt Nam", tuyên truyền: "Việt Nam là tay sai của Liên Xô, có tham vọng xâm lược Campuchia, Lào, chiếm Đông Nam Á, thực hiện bá quyền khu vực, phải đánh cho bọn xét lại Việt Nam, không đánh là không thể được và phải đánh lớn. Việt Nam là tiểu bá ở châu Á, xâm lược Campuchia, xua đuổi người Hoa".

Tháng 1 năm 1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ giải quyết cuộc xung đột Việt Nam - Campuchia. Một lần nữa Trung Quốc không đáp ứng. Cũng trong tháng 1 năm 1978, bà Đặng Dĩnh Siêu, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc sang thăm Phnom Penh và ký một hiệp định xúc tiến viện trợ quân sự cho Campuchia Dân chủ, bắt đầu chuyển vũ khí đến Campuchia.

Cuối năm 1978, căng thẳng giữa Việt Nam với cả Campuchia cũng như Trung Quốc đều lên một đỉnh mới. Cùng lúc căng thẳng Việt Nam-Trung Quốc lên cao thì ở biên giới phía tây nam của Việt Nam, chính quyền Khmer Đỏ, với sự bảo trợ của Trung Quốc, cũng bắt đầu leo thang hoạt động quân sự xâm lấn miền Nam Việt Nam.

Các xung đột lẻ tẻ ở khu vực này đã nhanh chóng bùng nổ thành Chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia với hệ quả là Việt Nam đưa quân vào Campuchia lật đổ chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ.

Đứng trước tình hình đó, Trung Quốc quyết định tấn công xâm lược Việt Nam với lý do "dạy cho Việt Nam một bài học" (lời Đặng Tiểu Bình) nhưng mục đích chính là phân chia lực lượng quân đội của Việt Nam để giúp chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ.[33] Trung Quốc có được lý do để tuyên bố về cuộc chiến chống Việt Nam sắp tiến hành. Sau khi Phnompenh thất thủ, ngày 27/1/1979 tờ Nhân dân Nhật báo có bài viết, trong đó có đoạn: "Sự thất thủ của Phnom Penh không có nghĩa là chiến tranh chấm dứt mà chỉ là khởi đầu" và "vấn đề Campuchia đóng vai trò vật xúc tác để đẩy các quan hệ với Việt Nam vượt quá một điểm không thể nào quay trở lại được nữa".

Việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm tấn công Việt Nam cũng hết sức thuận lợi cho Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình vừa kết thúc chuyến công du sang Mỹ, cùng với việc ông ta lớn tiếng đe dọa "dạy cho Việt Nam một bài học", Trung Quốc tỏ ra họ có được hậu thuẫn từ Hoa Kỳ, hoặc ít nhất là Mỹ cũng im lặng tán thành. Ngoài ra việc Trung Quốc cắt nguồn viện trợ dầu cho Việt Nam vào cuối năm 1978, vốn chiếm tới hơn một nửa tiêu thụ dầu của Việt Nam, trong khi Liên Xô chưa kịp viện trợ bổ sung, cũng khiến dự trữ dầu chiến lược của Việt Nam bị thiếu hụt trong thời điểm quyết định khi quân Trung Quốc tấn công.

2. Diễn biến

2.1. Tương quan lực lượng tham chiến

Để tấn công Việt Nam, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng trên 30 vạn binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối[50] và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau. Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh Đại Quân khu Quảng Châu chỉ huy hướng tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn  Cao Bằng. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh Đại Quân khu Côn Minh đảm nhiệm hướng tây bắc với trọng điểm là Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai). Đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch, chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động. Về phân phối lực lượng của Trung Quốc: hướng Lạng Sơn có quân đoàn 43, 54, 55; hướng Cao Bằng có quân đoàn 41, 42, 50; hướng Hoàng Liên Sơn có quân đoàn 13, 14; hướng Lai Châu có quân đoàn 11; hướng Quảng Ninh, Hà Tuyên (nay là Hà Giang) mỗi nơi cũng có từ 1-2 sư đoàn.

Về phía Việt Nam, do phần lớn các quân đoàn chính quy (3 trong số 4 quân đoàn) đang chiến đấu ở Campuchia nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực quân khu (chủ yếu là tân binh) của Quân khu I  II cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, công an vũ trang (biên phòng) và dân quân tự vệ. Lực lượng tinh nhuệ nhất của phía Việt Nam đóng ở biên giới Việt-Trung là Sư đoàn 3 (đóng tại Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại Sa Pa), ngoài ra còn có các sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong Thổ, Lai Châu. Sư đoàn 346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều. Lực lượng biên giới có khoảng 70.000 quân, sau được hai sư đoàn (327 và 337) từ tuyến sau lên Lạng Sơn tiếp viện. Lực lượng độc lập gồm các trung đoàn 141, 147, 148, 197, trung đoàn pháo binh 68, các trung đoàn quân địa phương 95, 121, 192, 254 và 741.[49] Quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà Nội đề phòng Trung Quốc đổi ý tiến sâu vào trung châu. Ngày 27 tháng 2, Quân đoàn 2 là chủ lực của Bộ quốc phòng được lệnh cơ động về để bảo vệ miền Bắc, đến ngày 5 tháng 3 bắt đầu triển khai trên hướng Lạng Sơn, nhưng chưa kịp tham chiến thì Trung Quốc tuyên bố rút quân.

2.2. Diễn biến trên các mặt trận chính

 

2.2.1. Trên mặt trận Lai Châu

Trên mặt trận Lai Châu, quân Trung Quốc chia thành hai mũi tiến công. Mũi chủ công đảm nhiệm tiến công Ma Ly Pho, Pa Nậm Cúm vào ngã ba Phong Thổ. Mũi thứ hai tiến công từ Huổi Luông, Pa Tần (Sìn Hồ). Ngoài ra địch còn sử dụng một lực lượng đánh chiếm khu vực bắc Dào San và Mù San (Phong Thổ).

Từ ngày 17-2 địch bắt đầu thực hành tấn công vào các điểm cao 1562 Mù San, 1112 Ma Ly Pho, Hoàng Thểm, Khao Chải, điểm cao 262… cùng một số vị trí khác do Trung đoàn 741 và 193, Tiểu đoàn 2 Sìn Hồ, đồn biên phòng Ma Lù Thàng, Si Lờ Lầu, A Pa Chải… bảo vệ. Đến ngày 19-2 đối phương chiếm các vị trí này và tiến xuống ngã ba Nậm Cáy, Mô Sy Câu, ngã ba Pa So và bắc Pa Tần. Lực lượng ta chặn đánh quyết liệt nhưng đến 24-2 địch làm chủ các mục tiêu trên và tiếp tục tăng cường lực lượng để đột phá tiếp. 

Trước tình hình này, Bộ tư lệnh Quân khu 2 điều động lực lượng của Trung đoàn 98 Sư đoàn 316 và Trung đoàn 46 Sư đoàn 326 tăng cường cho khu vực phòng thủ Pa Tần và tổ chức phản công đánh chiếm lại một số vị trí. Tại đây chiến sự diễn ra ác liệt, hai bên giành giật từng điểm chốt như ở cao điểm 805, 551 hay 553 bắc Pa Tần. Sau nhiều đợt tiến công liên tục, ngày 3-3, quân Trung Quốc chiếm được thị trấn Phong Thổ, Pa Tần và đến 5-3 chiếm được Dào San. Đến 10-3 trên mặt trận Lai Châu địch rút về bên kia biên giới.

Kết thúc đợt chiến đấu này đã có 11 cá nhân và 6 đơn vị chiến đấu trên hướng Lai Châu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

2.2.2. Trên mặt trận Quảng Ninh

Trên hướng Quảng Ninh, ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc huy động một bộ phận địa phương quân, biên phòng, dân binh của tỉnh Quảng Tây tiến đánh một số trận địa phòng ngự do các đơn vị thuộc Trung đoàn 41 và 288 Sư đoàn 325B, Trung đoàn 43 và 244 bộ đội địa phương, Đồn biên phòng Pò Hèn… đảm nhiệm ở khu vực Hoành Mô, Đồng Văn (Bình Liêu), Thán Phún (Hải Ninh) và pháo kích vào thị xã Móng Cái. Trong các trận tiến công này địch chiếm được bình độ 300, đồn Pò Hèn và điểm cao 1050 Cao Ba Lanh nhưng đến chiều 19-2 ta phản kích khôi phục lại trận địa.

gày 26-2, địch mở đợt tiến công mới nhằm vào khu vực chốt của Trung đoàn 288 Sư đoàn 325B ở điểm cao 1050, 585, đồi Cây Xanh, đồi Không Tên… và ngày 28-2 đánh vào trận địa Trung đoàn 41 Sư đoàn 325B ở điểm cao 500, 600, 781, đồi Khẩu Hiệu… Các đợt tiến công này đều bị đánh bại.

Ngày 28-2, Tư lệnh Quân khu 1 quyết định thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Quảng Ninh do Thiếu tướng Nguyễn Sùng Lãm mới được cử về làm Phó tư lệnh quân khu đứng đầu.

Ngày 1-3, quân Trung Quốc đồng loạt tiến công vào các điểm tựa của Trung đoàn 41 và 288 Sư đoàn 325B, Tiểu đoàn 130 Bình Liêu, Đồn biên phòng Hoành Mô, Đồng Văn, Móng Cái và Đại đội 6 công an vũ trang… chiếm được đồn Hoành Mô và một phần điểm cao 600 và 781 nhưng bị chặn lại trên các hướng khác. Ngày 4-3, địch tập trung đánh chiếm điểm cao 1050 nhưng một lần nữa bị đẩy lui với thiệt hại nặng nề. Cũng trong ngày hôm đó Trung đoàn 41 Sư đoàn 325B phản kích lấy lại điểm cao 600 và 781. Đến đây, mọi nỗ lực tấn công vào tuyến biên giới Quảng Ninh của Trung Quốc đều bị bẻ gãy.

Ngày 5-3, Bắc Kinh tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Chiến sự trên hướng Quảng Ninh tạm thời lắng xuống. Trong đợt chiến đấu này, 2 cá nhân và 5 đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

2.2.3. Trên mặt trận Hà Tuyên

Hà Tuyên là hướng phối hợp, địch không tiến công lớn mà chỉ sử dụng biên phòng và dân binh tỉnh Vân Nam đánh vào các chốt của ta ở xã Thượng Phùng, Lũng Làn (Mèo Vạc), Lũng Cú, Ma Ly (Đồng Văn), Nghĩa Thuận (Quản Bạ), Thanh Thủy, Lao Chải (Vị Xuyên), Bản Păng, Bản Máy (Xìn Mần), Na Khê (Yên Minh). Tại đây bộ đội địa phương, công an vũ trang và dân quân tự vệ đã phối hợp chặn địch. Ngoài ra lực lượng vũ trang Hà Tuyên còn chủ động tổ chức một số trận đánh ngay vào vị trí xuất phát tiến công của đối phương như trận đánh ngày 23-2 của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 122 vào điểm cao 1875 hoặc trận ngày 25-2 của Tiểu đoàn 1 Mèo Vạc tập kích địch đột nhập xã Thượng Phùng và tập kích đồn Hoà Bình.

Từ 4-3, để hỗ trợ cho hai cánh quân trên hướng Hoàng Liên Sơn và Lai Châu, ở Hà Tuyên địch đẩy mạnh các hoạt động tiến công cấp đại đội, tiểu đoàn nhằm vào các đồn biên phòng và các xã biên giới: Ngày 5-3 tiến công đồn Lũng Làn và điểm cao 1379 Phìn Lò (Mèo Vạc), ngày 6 và 7-3 đánh Bản Păng, Bản Máy (Xín Mần); ngày 8 và 9-3 đánh Phó Bảng (Đồng Văn); ngày 11-3 tiến công khu vực Lao Chải (Vị Xuyên); ngày 13-3 tiến công điểm tựa của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 122… đều bị đẩy lui. Đến ngày 14-3 chiến sự tạm thời lắng xuống. Trong đợt chiến đấu này lực lượng vũ trang Hà Tuyên đã tham gia chiến đấu 61 trận, có 1 cá nhân và 1 đơn vị công an biên phòng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Theo công bố chính thức, trên cả ba mặt trận Quảng Ninh, Lai Châu và Hà Tuyên, các lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến 14.000 quân Trung Quốc (trong đó Hà Tuyên tiêu diệt khoảng 1.000 địch), đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn địch, phá hủy 4 xe tăng và 6 xe quân sự.

2.2.4. Trên mặt trận Hoàng Liên Sơn

Hoàng Liên Sơn là trọng điểm tiến công chính của quân Trung Quốc trên tuyến biên giới Tây Bắc. Tại đây địch tổ chức tiến công quy mô lớn theo hai trục: từ Quang Kim (Bát Xát) đánh xuống Cam Đường, Bến Đền và từ Nà Lốc vào Bản Phiệt (Bảo Thắng) theo quốc lộ 70 đánh xuống Phong Hải, Phố Lu. Để hỗ trợ cho các hướng chính, đối phương còn cho các mũi vu hồi đánh vào Sa Pa, Mường Khương.

Ngay trong đêm 16 rạng 17-2-1979, lợi dụng trời tối và sương mù, quân Trung Quốc đã bí mật cho một lực lượng lớn vượt biên giới, luồn sâu ém sẵn ở các khu vực Na Lốc, Lều Nương (bắc Bản Phiệt), bản Vược Duyên Hải (bờ nam sông Hồng phía tây bắc thị xã Lào Cai), Mường Khương (Hoàng Liên Sơn), đồng thời triển khai đội hình chủ lực sáp sát biên giới Việt Nam.

6 giờ sáng 17-2-1979, sau khi cho pháo binh bắn chuẩn bị với mật độ cao, trên hướng chủ yếu quân Trung Quốc bắc cầu phao vượt sông Hồng và tổ chức tấn công. Các đơn vị của ta lúc đầu bị bất ngờ, bị động nhưng ngay sau đó đã kịp thời triển khai đội hình chiến đấu. 

Trung đoàn bộ binh 192, 254 bộ đội Hoàng Liên Sơn, Trung đoàn 16 công an vũ trang, Đồn biên phòng Vạn Hòa, Pha Long, Mường Khương, Nà Lốc, Nậm Chảy… cùng bộ đội địa phương huyện và dân quân tự vệ tổ chức đánh trả quyết liệt trên tất cả các hướng, trong khi pháo binh ta vừa chi viện bộ binh vừa phản pháo các trận địa hỏa lực ở Hà Khẩu và bắn phá các điểm vượt sông của địch. 

Tuy nhiên nhờ có ưu thế vượt trội về binh hỏa lực, đến trưa 17-2 quân Trung Quốc đã chiếm các điểm cao ở phía bắc ngã ba Bản Phiệt, toàn bộ cánh đồng Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, thị xã Lào Cai và thị trấn Mường Khương, Bát Xát. Các đơn vị ta bị tổn thất phải lùi về phía sau tổ chức phòng ngự, tuy nhiên vẫn tiếp tục cho lực lượng bám đánh ngay cả ở những khu vực đối phương đã làm chủ và phải đến tận 19-2 quân Trung Quốc mới thực sự kiểm soát được thị xã Lào Cai.

Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân khu 2 ra lệnh cho Sư đoàn bộ binh 316 (thiếu Trung đoàn bộ binh 98) từ Bình Lư, Phong Thổ (Lai Châu) cơ động lên tổ chức trận địa phòng ngự ở khu vực Sa Pa từ ngày 19-2. Đồng thời, Sư đoàn bộ binh 345 ở Bảo Thắng nhanh chóng đưa Trung đoàn bộ binh 124 vào xây dựng tuyến phòng thủ ở khu vực nông trường Phong Hải (cây số 18 trên quốc lộ 70).

Ngày 19-2, quân Trung Quốc tiếp tục tiến công chiếm ngã ba Bản Phiệt, dãy Nhạc Sơn và cây số 4 Kim Tân. Ở phía hữu ngạn sông Hồng đối phương chiếm khu vực Đá Đinh, mỏ a-pa-tít Cam Đường. Trên hướng Mường Khương, sau khi chiếm thị trấn địch theo đường 4D phát triển xuống khu vực nông trường Thanh Bình. Trên hướng Sa Pa một bộ phận địch luồn lách từ khu vực Quang Kim lên Bản Khoang rồi đánh lên Ô Quý Hồ (cây số 8 trên đường 4D Sa Pa đi Bình Lư (Lai Châu), một bộ phận khác tiến công từ Cốc San lên Cầu Đôi để phối hợp với mũi vu hồi Ô Quý Hồ đánh chiếm Sa Pa.

Ngày 22-2, cuộc chiến đấu của Sư đoàn 316 trên hướng Sa Pa bắt đầu. Sư đoàn 345 cũng tiến hành chặn đánh địch trên hướng từ Lào Cai đi Bảo Thắng. Trên tất cả các trục tiến công của đối phương, lực lượng vũ trang ta đã dũng cảm chiến đấu tuy nhiên do tương quan quá chênh lệch nên không thể cản được đà phát triển của chúng, phải vừa đánh vừa rút lui để bảo toàn lực lượng. 

Ngày 25-2, địch chiếm được thị xã Cam Đường (cách thị xã Lào Cai 10km). Ngày 1-3, địch chiếm thị trấn Sa Pa (cách thị xã Lào Cai 38km) và tiếp tục đánh về Bình Lư. Đến ngày 4 và 5-3 quân Trung Quốc đã tiến xuống cây số 36 trên quốc lộ 70, chiếm được Phố Lu (cách thị xã Lào Cai 32km), Bến Đền. Ngày 5-3, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố rút quân. Từ ngày 6-3 trên hướng này quân Trung Quốc bắt đầu tổ chức rút về bên kia biên giới và hoàn tất vào 13-3-1979.

Theo công bố chính thức, các lực lượng vũ trang và nhân dân trên mặt trận Hoàng Liên Sơn từ ngày 17-2 đến 18-3-1979 đã loại khỏi vòng chiến 11.500 quân Trung Quốc, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp và 189 xe quân sự. 12 cá nhân và 6 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

3. Kết quả cuộc chiến

Tuy Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến nhưng cả hai bên đều phải chịu thiệt hại nặng nề về người và của.Cuộc chiến đặc biệt để lại nhiều tác hại lớn cho phía Việt Nam, đặc biệt là nền kinh tế. Ngoài các thương vong về con người, tổn thất cụ thể về cơ sở vật chất hạ tầng ở 6 tỉnh biên giới bị phá hủy do trận chiến, Việt Nam còn phải gánh chịu nhiều khó khăn, thiệt hại do thái độ và chính sách thù địch, vây hãm mà Trung Quốc và đồng minh của Trung Quốc gây ra trên các mặt trận quân sự, kinh tế, ngoại giao...

Chiến tranh biên giới đã lùi xa nhưng đó luôn là những nỗi đau của những người con đất Việt khi phải xả thân mình để giữ nền độc lập, bảo vệ bờ cõi đất nước. Những ký ức khó quên của quân dân các tỉnh biên giới phía bắc luôn nhắc nhở thế hệ sau phải sống, học tập, xây dựng đất nước giầu mạnh xứng đáng với những hi sinh của cha ông.

SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRONG DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ Bài đã đăng trên tạp chí Giáo dục và xã hội số tháng 9/2016

 

            ThS. Nguyễn Thị Hương

 

Tóm tắt: Môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường Trung học cơ sở (THCS) thực hiện nhiệm vụ quan trọng là giáo dục cho học sinh (HS) các chuẩn mực của xã hội đối với người công dân ở mức độ phù hợp với lứa tuổi; trên cơ sở đó góp phần hình thành những nhân cách của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thời đại. Có nhiều phương pháp dạy học để thực hiện nhiệm vụ đó, trong đó, phương pháp giải quyết vấn đề là một phương pháp rất cần thiết. Sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề một cách hợp lý sẽ không chỉ giúp cho bài học trở nên gần gũi, sinh động, dễ hiểu đối với HS mà còn tạo điều kiện phát triển các năng lực then chốt như tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, khả năng giao tiếp, năng lực hợp tác, khả năng ra quyết định, chủ động giải quyết một cách đúng đắn các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

Môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường Trung học cơ sở (THCS) nhằm giáo dục cho học sinh (HS) các chuẩn mực của xã hội đối với người công dân ở mức độ phù hợp với lứa tuổi; trên cơ sở đó góp phần hình thành những nhân cách của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thời đại. Quá trình dạy học môn GDCD là quá trình khai thác tiềm năng và phát triển tâm lực cho HS, phát triển tính tích cực nhận thức và năng lực tự hoàn thiện của HS. Trong quá trình đó giáo viên (GV) có thể sử dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, trong đó, phương pháp giải quyết vấn đề là một phương pháp rất cần thiết. Con người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên – lứa tuổi có những biến đổi mạnh cả về thể chất và tâm lý, luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, với những vấn đề, những tình huống đa dạng của cuộc sống. Phương pháp giải quyết vấn đề giúp HS phát triển tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết tích cực, hiệu quả đối với những khó khăn, thách thức của cuộc sống thực tiễn để có một cuộc sống có chất lượng, an toàn và lành mạnh.

1. Phương pháp giải quyết vấn đề

1.1. Bản chất: Giải quyết vấn đề là xem xét, phân tích những tình huống cụ thể thường gặp phải có trong đời sống hàng ngày và xác định cách giải quyết, xử lý vấn đề, tình huống đó một cách có hiệu quả.

1.2. Quy trình thực hiện

- Bước 1: Xác định, nhận dạng vấn đề: phân tích vấn đề, nhận biết vấn đề, trình bày vấn đề

- Bước 2: Tìm các phương án giải quyết: liệt kê các cách giải quyết có thể

- Bước 3: Quyết định phương án giải quyết vấn đề

+ Phân tích, đánh giá kết quả mỗi cách giải quyết (tích cực, hạn chế, cảm xúc, giá trị)

            + So sánh kết quả các cách giải quyết

            + Lựa chọn cách giải quyết tối ưu nhất

            + Thực hiện theo cách giải quyết đã lựa chọn

            + Rút kinh nghiệm cho việc giải quyết những vấn đề, tình huống khác.

1.3. Một số lưu ý khi sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề:

Các vấn đề, tình huống đưa ra để HS xử lý, giải quyết cần thỏa mãn các yêu cầu sau:

- Phù hợp với chủ đề, bài học GDCD.

- Phù hợp với trình độ nhận thức của HS.

- Vấn đề/ tình huống phải gần gũi với cuộc sống thực của HS.

- Vấn đề/ tình huống có thể diễn giải bằng kênh chữ hoặc kênh hình, hoặc kết hợp cả kênh chữ và kênh hình.

- Vấn đề/ tình huống cần phải có độ dài vừa phải.

- Vấn đề/ tình huống phải chứa đựng những mâu thuẫn cần giải quyết, gợi ra cho HS nhiều hướng suy nghĩ, nhiều cách giải quyết vấn đề.

Khi tổ chức cho HS giải quyết, xử lý vấn đề/ tình huống giáo viên cần chú ý:

- Các nhóm HS có thể giải quyết cùng một vấn đề/ tình huống hoặc các vấn đề/ tình huống khác nhau tùy theo mục đích của hoạt động.

- HS cần xác định rõ vấn đề trước khi đi vào giải quyết vấn đề.

- Cần sử dụng PP động não để HS liệt kê các cách giải quyết có thể có.

- Cách giải quyết tối ưu đối với mỗi HS có thể giống hoặc khác nhau.

Cùng với hệ thống tri thức lý luận về đạo đức, pháp luật có trong sách giáo khoa, tình huống có vấn đề nếu được sử dụng hiệu quả sẽ giúp hình thành ở HS niềm tin đạo đức và rèn luyện hành vi ứng xử phù hợp với các chuẩn mực của xã hội một cách tự giác. Đó cũng chính là mục tiêu của quá trình dạy môn GDCD ở trường THCS.

Bên cạnh rất nhiều ưu điểm thì phương pháp giải quyết vấn đề có một nhược điểm đó là mất nhiều thời gian vì vậy khi sử dụng phương pháp này GV cần phối hợp nhuần nhuyễn với các phương pháp khác để phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm đảm bảo tiến độ giờ dạy.

2. Tùy theo mỗi bài giảng, GV có thể linh động khai thác và sử dụng tình huống có vấn đề vào những thời điểm khác nhau trong tiến trình dạy học.

2.1. Sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề để mở đầu bài học

Mở đầu bài học là khâu đầu tiên của quá trình dạy học, là điểm khởi đầu cho quá trình truyền thụ và lĩnh hội tri thức bài học mới của GV và HS. Đây là bước quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lĩnh hội kiến thức của HS trong một giờ học, góp phần làm nên sự thành công của người GV. Hoạt động này giúp tạo cho HS tâm thế, định hướng tư duy, xác định yêu cầu đối với người học.

GV có thể sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề để thực hiện hoạt động này. GV lựa chọn tình huống có nội dung phù hợp với chủ đề bài học để thay cho lời mở bài. Từ nội dung tình huống, GV làm rõ chủ đề bài học bằng những câu hỏi có tính định hướng, chuẩn bị tâm thế tiếp nhận bài học mới cho HS.

Ví dụ khi dạy tiết 3 bài 3 “Tự trọng” GDCD lớp 7, GV có thể sử dụng tình huống sau để mở đầu bài học: Bạn An là một HS giỏi lớp 7. Trong mọi giờ kiểm tra An làm bài rất nhanh và đạt điểm cao. Nhưng trong giờ kiểm tra môn Địa hôm đó, An không làm được bài vì tối hôm trước mẹ An bị ốm An phải chăm sóc mẹ. Vậy mà trong giờ kiểm tra, An dứt khoát không mở sách vở, cũng không chép bài của bạn. Sau khi nộp bài An tự nhủ rằng giờ kiểm tra sau mình sẽ gỡ điểm. Từ tình huống này, GV có thể đặt ra một số câu hỏi gợi mở như sau để dẫn vào bài:

Theo em bạn An làm như thế có phải là tự kiêu, sĩ diện không?

Nếu em là bạn An, em sẽ làm gì trong trường hợp đó?

Bạn An có đáng để mọi người học tập không? Vì sao? An có đức tính gì?

Hay khi dạy tiết 10 bài 8 “Sống chan hòa với mọi người” GDCD lớp 6, GV có thể đưa ra tình huống sau: Có hai anh em, người em thì rất thân thiện, cởi mở, luôn gần gũi quan tâm đến mọi người xung quanh, còn người anh thì sống lạnh lùng, xa lánh mọi người chỉ biết bản thân mình, không quan tâm đến bất cứ ai, không giao tiếp với mọi người. Trong một lần xóm của hai anh em ở xảy ra một vụ hoả hoạn. Cả làng ai cũng tham gia giúp đỡ người em, còn người anh chẳng ai thèm để ý đến. Chỉ có người em là quan tâm đến người anh của mình, người anh thấy vậy trong lòng buồn lắm, hỏi người em: “Vì sao mọi người không ai giúp đỡ anh nhỉ?” Nếu là người em trong tình huống này thì em sẽ trả lời như thế nào?

Sau khi HS đưa ra các phương án của mình, GV nhận xét, bổ sung: Người anh trong câu chuyện này đã không sống chan hòa với mọi người, không vui vẻ, hòa hợp với mọi người xung quanh nên không được mọi người yêu mến giúp đỡ khi cần. Con người cần phải sống chan hòa với mọi người xung quanh mình. Vậy sống chan hòa với mọi người là gì? Sống chan hòa với mọi người có ý nghĩa như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu bài học hôm nay.

2.2. Sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề để minh họa nội dung tri thức bài học

Đây là hình thức thường được GV sử dụng, đặc biệt là khi giảng dạy các khái niệm, phạm trù có tính khái quát cao. Cùng với quá trình phân tích, lý giải tri thức bài học, GV có thể vận dụng những tình huống có vấn đề để làm rõ thêm nội dung tri thức của bài.

Khi dạy tiết 1 bài 1 “Tôn trọng lẽ phải” GDCD lớp 8, sau khi đưa ra khái niệm “Tôn trọng lẽ phải là công nhận, ủng hộ, tuân theo và bảo vệ những điều đúng đắn; biết điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo hướng tích cực; không chấp nhận và không làm những việc sai trái” để giúp HS hiểu rõ hơn khái niệm này GV có thể đặt các em vào tình huống sau:

            Mủi và Ý đi chơi với nhau. Tình cờ Mủi nhặt được chiếc ví trong đó có rất nhiều tiền. Mủi nói sẽ đưa cho Ý một nửa số tiền nhặt được nhưng Ý phải giữ kín chuyện này. Yêu cầu HS trả lời câu hỏi “Nếu em là Ý trong trường hợp này, em sẽ làm gì?”

Sau khi suy nghĩ, phân tích kĩ vấn đề HS sẽ đưa ra cách giải quyết đó là Khuyên Mủi trả lại ví cho người đánh mất. GV khẳng định việc làm đó là biết điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo hướng tích cực; không chấp nhận và không làm những việc sai trái hay chính là tôn trọng lẽ phải.

Hay khi dạy tiết 3 bài 3 “Tôn trọng người khác” GDCD lớp 8, sau khi phân tích khái niệm “Tôn trọng người khác là sự đánh giá đúng mức, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người khác, thể hiện lối sống có văn hóa của mỗi người.” GV có thể đưa ra tình huống có vấn đề như sau:

Vì thấy Long nhà nghèo, ngoài giờ học còn phải đi bán báo kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nên bố mẹ Nga đã không cho Nga chơi với Long. Mặc dù Nga rất quý mến Long nhưng để làm không phật ý cha mẹ Nga đã không chơi với Long. GVyêu cầu HS thảo luận nhóm đôi để trả lời câu hỏi “Nga có phải là người tôn trọng người khác (tôn trọng cha mẹ) không? Vì sao?”

HS sẽ có em cho rằng Nga là người đã tôn trọng người khác (cha mẹ Nga) vì em đã làm theo lời dạy của cha mẹ. Nhưng cũng có em nói rằng Nga làm như vậy chưa đúng vì Nga đã không giải thích cho cha mẹ hiểu rằng Long vì hoàn cảnh gia đình kho khăn nên mới phải đi bán báo kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Sau khi HS đã trình bày cách giải quyết vấn đề của mình thì GV bổ sung, giải thích trong trường hợp này Nga cần lắng nghe ý kiến của cha mẹ nhưng cũng cần giải thích cho cha mẹ hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình Long để cha mẹ Nga nhận ra Long là một cậu bé chăm ngoan, hiếu thảo đáng để làm gương cho con mình học tập và đó có thể là một người bạn tốt của con. Qua giải quyết tình huống này các em nhận ra một điều đó là tôn trọng người khác không có nghĩa là đồng tình, ủng hộ, lắng nghe mà không có sự phê phán, đấu tranh.

Hoặc khi dạy tiết 28 bài 16 “Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm” sau khi GV đề cập đến quy định của pháp luật “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai được xâm phạm đến thân thể của người khác. Việc bắt giữ người phải theo đúng quy định của pháp luật. Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Điều đó có nghĩa là mọi người phải tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác. Mọi việc làm xâm hại đến tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác đều bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc”. Để HS có thể hiểu sâu hơn nội dung đơn vị kiến thức này, GV có thể đưa ra tình huống sau: “Sơn và Thủy là học sinh lớp 6B ngồi cạnh nhau. Một hôm, Sơn bị mất chiếc bút máy rất đẹp vừa mua. Tìm mãi không thấy, Sơn đổ tội cho Thuỷ lấy cắp. Thuỷ và Sơn to tiếng, tức quá Thuỷ đã xông vào đánh Sơn chảy cả máu mũi”. GV chia lớp thành 4 nhóm yêu cầu HS thảo luận: Nhóm 1: Nhận xét cách ứng xử của hai bạn? Nhóm 2: Nếu là một trong hai bạn, em sẽ xử sự như thế nào? Nhóm 3: Nếu là bạn cùng lớp của Sơn và Thuỷ thì em sẽ làm gì? Nhóm 4: Hậu quả mà hai bạn phải gánh chịu là gì?

Sau khi thảo luận, HS trình bày các cách giải quyết vấn đề khác nhau, GV nhận xét, bổ sung và khẳng định: Sơn sai. Vì chưa có chứng cứ đã khẳng định Thủy ăn trộm. Như vậy Sơn đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của Thủy. Thủy sai. Vì không khéo léo giải quyết mà đánh Sơn chảy máu mũi. Thủy đã xâm hại bất hợp pháp đến thân thể Sơn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của Sơn. Nếu là một trong hai bạn em cần bình tĩnh báo lại sự việc với giáo viên chủ nhiệm để giải quyết. Nếu là bạn cùng lớp của Sơn và Thủy em cần can ngăn 2 bạn hoặc đi báo với giáo viên chủ nhiệm. Hậu quả mà hai bạn phải gánh chịu là2 bạn sẽ bị chịu hình thức kỷ luật do Hội đồng kỷ luật của nhà trường đưa ra.

2.3. Sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề để củng cố nội dung bài học

Đây là hoạt động quan trọng tiếp sau hoạt động phát triển chủ đề. Sau khi kết thúc đơn vị kiến thức cuối cùng của bài học, GV đưa ra một tình huống có vấn đề có nội dung phù hợp với nội dung bài học, đặc biệt là những kiến thức trọng tâm của bài học. Lúc đó, tình huống sẽ trở thành một nhân tố hỗ trợ cho GV tổ chức hoạt động củng cố. GV có thể yêu cầu HS vận dụng những tri thức vừa mới được học để giải quyết vấn đề hoặc đề nghị HS rút ra những bài học cho bản thân trong quá trình giải quyết vấn đề liên hệ với trách nhiệm bản thân.

   Ví dụ: Khi dạy bài 13 “Phòng chống tệ nạn XH” GDCD lớp 8, để giúp HS biết lựa chọn cách giải quyết phù hợp trong những tình huống bị rủ rê, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn XH, GV có thể tổ chức cho HS thảo luận nhóm để xử lý các tình huống sau:

            Tình huống 1: Hoàng chót dùng tiền mẹ cho đóng học phí để chơi điện tử. Trong khi em đang lo lắng không biết làm thế nào thì bà hàng nước ở gần nhà đưa Hoàng một gói nhỏ, nhờ mang đến giao cho một người khác và hứa sẽ cho Hoàng nhiều tiền.

            Theo em, Hoàng có những sự lựa chọn nào trong tình huống đó? Nếu em là Hoàng, em sẽ chọn cách nào? Vì sao?

            Tình huống 2: Trên đường đi học về Hằng thường bị một người đàn ông lạ mặt bám theo. Ông ta làm quen với Hằng, rủ Hằng đi chơi với ông ta và hứa sẽ cho Hằng nhiều tiền, nhiều món quà mà Hằng thích. Theo em Hằng có thể có những cách giải quyết nào? Cách giải quyết nào là phù hợp hơn cả? Vì sao?

            GV yêu cầu HS nêu lên những cách giải quyết vấn đề. GV phân tích các ưu, nhược điểm của các giải pháp và lựa chọn giải pháp tốt nhất.

Tóm lại, sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề thông qua việc GV nêu lên một vấn đề có những mâu thuẫn của các hiện tượng đạo đức hay pháp luật, GV giúp HS thảo luận, tranh luận, phân tích bản chất của vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra giải pháp, biện pháp giải quyết mâu thuẫn của vấn đề đặt ra sẽ giúp cho HS tiếp thu bài học một cách tích cực, chủ động và hứng thú hơn. Phương pháp giải quyết vấn đề nếu được sử dụng một cách hợp lý sẽ không chỉ tạo điều kiện phát triển các năng lực then chốt như tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, khả năng giao tiếp, năng lực hợp tác, khả năng ra quyết định, giúp cho bài học trở nên gần gũi, sinh động, dễ hiểu đối với HS mà còn giúp cho các em giải quyết các tình huống trong cuộc sống thực sau này một cách chủ động, tự tin và đúng đắn.

Tài liệu tham khảo

1. Hà Nhật Thăng (tổng chủ biên) (2016), Giáo dục công dân lớp 6, NXB Giáo dục.

2. Hà Nhật Thăng (tổng chủ biên) (2016), Giáo dục công dân lớp 7, NXB Giáo dục.

3. Hà Nhật Thăng (tổng chủ biên) (2016), Giáo dục công dân lớp 8, NXB Giáo dục.

 

4. Lưu Thu Thủy-Lê Thị Lý-Nguyễn Thị Thanh Mai (2008), Phương pháp dạy học Giáo dục công dân ở trung học cơ sở, NXB Đại học Sư phạm.

TRIẾT GIA PLATO (427 - 347 TTC)

 

Sưu tầm

 

Plato là nhà Đại Hiền Triết và nhà Giáo Dục của thời Cổ Hy Lạp, đồng thời cũng là một trong các nhà tư tưởng quan trọng nhất, đã viết ra nhiều tác phẩm giá trị, gây nên ảnh hưởng rộng lớn trong nền Triết Học Tây Phương.

1/ Cuộc đời của Plato.

Plato chào đời tại Athens, Hy Lạp, vào năm 428 hay 427 trước Tây Lịch (TL). Plato thuộc gia đình quý phái cả về phía cha lẫn phía mẹ. Cha của Plato tên là Ariston dòng dõi Codros, vị vua cuối cùng của thành Athens và được coi là con cháu của thần Poseidon. Mẹ của Plato là Perictione có họ hàng với Solon, nhà luật học lừng danh của Hy Lạp. Plato có một người chú tên là Critias, là một trong 30 nhân vật thuộc Hội Đồng Hoạt Đầu (conseil oligarchique).

Theo phong tục của các đại gia đình Hy Lạp, Plato được đặt tên của ông nội là Aristocles vào ngày Thứ Sáu sau khi chào đời, còn tên Plato là biệt hiệu, có lẽ vì vóc người to lớn hoặc vì vầng trán cao rộng. Plato có một người chị và hai anh là Adeimantus và Glaucon mà tên còn được nhắc nhở trong cuốn sách “Nền Cộng Hòa” (The Republic) trong vai người đối thoại của Socrates.

Sau khi Plato chào đời được ít lâu, cha của ông qua đời, mẹ tái giá với Pyrilampes, một người chú họ ngoại và cũng là người bạn, người ủng hộ nhiệt thành Pericles, một chính khách đã điều hành tốt đẹp thành Athens trong các năm 400 trước TL. Tại nhà của Pyrilampes, Plato được mẹ chăm sóc tới năm lên 7 tuổi, rồi được theo trường học. Thời bấy giờ, trẻ em được huấn luyện tới năm 14 tuổi về tập viết, tập đọc và tập làm toán. Sau đó tới năm 18 tuổi là thời gian theo học phần thể dục, chuyên rèn luyện thân thể.

Thời gian đầu của Plato là những năm tàn phá do trận chiến tranh Peloponnesian mang tới. Do còn quá trẻ, Plato chưa được làm quen với chế độ dân chủ đế quốc (imperial democracy) của Pericles cũng như phong trào ngụy biện (sophistic movement), nhưng do những người trong họ hàng như Critias và Charmides, hai người bạn cố tri của Socrates, Plato được nghe nói nhiều về nhà Đại Hiền Triết Socrates.

Năm 18 tuổi, Plato học hỏi với các triết gia và các nhà ngụy biện (sophistists). Từ năm 20 tuổi Plato theo học Socrates trong 8 năm liền, chấp nhận nền triết học căn bản của Socrates cùng cách tranh luận theo thể văn biện chứng (dialectic style). Đây là cách tìm hiểu sự thật bằng các câu hỏi, câu giải đáp và các câu hỏi kế tiếp. Vì quá ham thích Triết Học, Plato đã đem đốt hết các tập thơ trữ tình và các bản bi kịch do ông sáng tác lúc thiếu thời.

Trong bức thư thứ bẩy, chính Plato đã tự nhận rằng tham vọng ban đầu của ông là Chính Trị. Ông đã tham dự vào hàng ngũ những người hoạt đầu mà Critias là một trong các thủ lãnh, vì ông mong muốn thiết lập lại công bằng xã hội, tạo dựng hạnh phúc cho toàn dân bằng cách tự sửa lại cá nhân. Nhưng rồi cách bạo hành và chính thể chuyên chế của Hội Đồng Hoạt Đầu và nhất là sự lên án Socrates một cách bất công đã khiến cho Plato từ bỏ ý định về chính trị. Sau khi Socrates bị bắt uống thuốc độc chết vào năm 399 trước TL, có lẽ vì lo sợ cho sự an toàn của mình rồi lại do lòng công phẫn, Plato cùng vài môn đệ của Socrates đã tới ẩn náu tạm thời tại Megara, nơi đây Plato theo học Euclid, nhà toán học danh tiếng.

Năm 396 trước TL, Plato trở lại thành Athens và theo như luật định, ông phục vụ trong hàng ngũ kỵ binh tham chiến trong trận Corinth và trận này kết thúc bằng sự thất bại của xứ Athens trước xứ Sparta. Vào thời đó, người miền Athens thường hay đi lại nhiều nơi và vì ghê tởm cuộc chiến tranh vừa qua, Plato tìm đường sang Ai Cập. Ông đã mang theo rất nhiều thùng dầu để bán dần khi đi đường. Đầu tiên, ông dừng lại tại Crete rồi Cyrene. Ở nơi này ông nghiên cứu Toán Học với Theodorus, sau đó có lẽ vào năm 390, Plato mới tới Ai Cập. Tại Heliopolis, Plato đã học hỏi về Thiên Văn, Tôn Giáo và Hiến Pháp. Nhờ thời gian sống tại Ai Cập, Plato đã quan sát kỹ lưỡng các phong tục rồi suy tưởng và sau này, ông đã bàn luận về những điều này trong các tác phẩm của ông.

Sau khi rời Ai Cập, Plato sang Đại Hy Lạp, tới Tarentum và quen với Archytas. Thời gian lưu trú tại Tarentum đã giúp cho ông rất nhiều nhờ trao đổi tư tưởng với Archytas là một nhà triết học kiêm chính khách, một người đã thành công trong việc duy trì tại Tarentum một chính phủ có quyền hành đặt nền tảng trên Khoa Học và Triết Học.

Các cuộc đi xa đã giúp cho Plato nhiều cơ hội làm quen với một số nhà sáng lập ra vài trường phái học thuật như Pythagoras, Heraclitus cũng như các nhà triết học Eleatic. Từ những nhận xét thực tế và các điều học hỏi từ Socrates, cộng với sở thích liên quan tới các vấn đề chính trị, Plato đã đi tới kết luận rằng chỉ những người có kiến thức và các phẩm chất đạo đức mới đáng được giao phó quyền lực để điều khiển các người khác. Lý tưởng triết học của Plato đang cần có các cơ hội để áp dụng.

Vào thời bấy giờ, xứ Sicily đang chìm đắm trong một hoàn cảnh chính trị hỗn loạn. Dionysius đã thành công trong việc lật đổ nền cộng hòa và thiết lập tại Syracuse một chế độ chuyên chế. Dion, một người học trò và cũng là bạn của Plato, đã thúc giục Plato nên đảm nhận việc giáo dục Dionysius, đồng thời bạo chúa của thành Syracuse này cũng mời ông qua Ý Đại Lợi. Đây là một cơ hội để Plato thử áp dụng lý thuyết về chính quyền vào một hoàn cảnh thực tế. Plato tới Syracuse, được triều đình của nơi này coi như thượng khách. Về sau có lẽ do sự trả lời bạo chúa một cách vụng về hoặc vì tình bằng hữu của Plato đối với Dion mà ông bị bạo chúa ghét bỏ. Plato bị tống giam và bị trao cho viên thuyền trưởng Pollis, người xứ Sparta. Pollis đã bán Plato tại Egina như một tên nô lệ. Plato được Anniceris, một nhân vật thuộc trường phái triết học Cyrenaic, chuộc ra với giá 20 mines. Ông trở lại thành Athens vào năm 387.

Vào thời bấy giờ, nhiều môn đệ của Socrates đã thiết lập các trường học. Plato cũng muốn giảng dạy về Triết Học và Khoa Học. Ông liền thiết lập ngôi trường “Academos” tại đầu kinh thành, gần Clone. Ngoài Triết Học, nhà trường còn chú trọng tới Khoa Học, Luật Pháp, Thiên Văn, Sinh Học, Toán Học và Lý Thuyết Chính Trị. Ngôi trường này có thể coi là một trường Đại Học chuyên đào tạo các học viên đủ khả năng cai trị theo đúng Pháp Luật. Trường “Academos” hay “Hàn Lâm Viện” có ban giảng huấn gồm các giáo sư chuyên khoa như Theatetus, ông tổ của môn học không gian. Nhờ các bậc thầy tài giỏi, nhà trường nhanh chóng tạo được các kết quả tốt đẹp, học trò từ bốn phương đổ về theo học rất đông. Aristotle đã là học viên xuất sắc nhất của trường. Trường Academos nổi danh hơn cả ngôi trường của Isocrates. Trường Academos tiếp tục hoạt động trong hơn 8 thế kỷ, là một trung tâm nghiên cứu và phổ biến nền triết học của Plato (Platonic philosophy). Tại trường học này, Plato thường diễn giảng mà không cần tới bản thảo và các “bài toán” được đề nghị cho các sinh viên cùng nhau giải đáp. Trong thời gian giảng dạy, Plato đã viết ra nhiều tác phẩm vấn đáp (dialogues), phần lớn những tài liệu giảng huấn này đã được lưu trữ và dịch sang nhiều ngôn ngữ. Vài tác phẩm lừng danh ban đầu của Plato gồm: Charmides, Euthyphro, Ion Laches.

Vào năm 366 trước Tây Lịch, khi đang nổi tiếng là người đứng đầu ngôi trường Academos, Plato lại được Dion mời qua làm ổn định tình hình chính trị tại thành Syracuse. Vào thời gian này, Dionysius Già đã chết, Dionysius Trẻ (Dionysius the Younger) lên thay thế khi gần 30 tuổi. Vì bị cha ngăn cách với chính trị, Dionysius Trẻ đã sống một cuộc đời lêu lổng. Dion đã mời Platon vì muốn danh tiếng của ông có thể làm cho Dionysius Trẻ kiêng nể, vì muốn nhà đại hiền triết đảm nhiệm việc giáo dục vị vua còn trẻ này, và cũng vì muốn tránh sự lấn quyền của xứ Carthage trên đất Sicily.

Do tình bạn với Dion, Plato miễn cưỡng phải sang Syracuse nhưng khi đến nơi, Dion đã bị lưu đầy, Vua Dionysius Trẻ đã đón tiếp Plato rất huy hoàng nhưng lại không chịu để Plato hướng dẫn, cũng như từ chối các lời khuyên bảo. Không biết vì sao, Dionysius Trẻ đã lưu giữ được nhà đại hiền triết trong gần một năm trường và chỉ để ông ra đi với lời hứa sẽ trở lại. Trở về Athens, Plato tiếp tục dạy học. Trong thời gian này, ông đã soạn các cuốn sách đặc sắc như The Republic, The Sophist Theaetetus...

Tới năm 361 trước TL, Dionysius Trẻ phái một con tầu qua xứ Athens, nhắc lại lời hứa khi xưa và mời Plato sang Syracuse. Dionysius còn hứa sẽ đón Dion trở về từ nơi lưu đầy. Plato đã nhận lời vì nghĩ tới Dion, vì muốn khuyên nhủ Dionysius “đừng nô lệ hóa Sicily hay áp chế một xứ sở nào mà phải cai trị nơi đó bằng Luật Pháp”. Plato đã được Dionysius đón tiếp tại Syracuse một cách rất nồng hậu nhưng mặc dù những lời tha thiết của Plato, Dion vẫn không được trả tự do. Hơn nữa, bạo chúa này còn từ chối “thi hành một cách ngay thẳng” và đã không để cho “Triết Học và quyền hành thực sự gặp nhau”. Plato muốn bỏ ra về một lần nữa, ông bị bắt giam. Sau nhờ Archytas of Tarentum can thiệp, ông mới được phép rời khỏi Syracuse.

Trở về Athens, Plato nhất định không bao giờ dính líu vào chính trị nữa mặc dù nhiều học viên thuộc trường Academos của ông đã gia nhập vào công cuộc viễn chinh của Dion chống lại Dionysius vào năm 357 mà kết quả là sự sụp đổ của chế độ bạo tàn.

Trong các năm cuối đời, Plato sống tại thành Athens và đã soạn ra các tác phẩm như Timaeus, Crito và cuốn sách dang dở The Laws. Plato qua đời vào năm 348 hay 347 trước Tây Lịch, giữa thời kỳ nước Hy Lạp bị Philip II, vua miền Macedonia, xâm chiếm.

2/ Các tác phẩm của Plato.

Các tác phẩm còn lưu truyền tới ngày nay của Plato gồm 35 tập đối thoại (dialogues) và 13 bức thư, một số tập này và bức thư bị nghi ngờ về tính đích thực. Đối thoại là một hình thức viết văn trong đó trình bày hai hay nhiều nhân vật, đặt ra một vấn đề, bàn luận các chỉ trích và các tương phản giữa các ý tưởng triết học. Các nhân vật trong tác phẩm với các cá tính khác nhau, quan điểm khác nhau đã thảo luận cũng như tranh cãi cùng nhau về nhiều mặt đối nghịch của một đề tài. Plato đã dùng phương pháp biện chứng của Socrates để trao đổi các ý tưởng.

Trong các đối thoại, Socrates đã gặp gỡ một người tự cho là hiểu biết nhiều, đặt các câu hỏi cho người này rồi dần dần đưa tới phần kết luận là người này chưa đủ hiểu biết. Socrates như vậy đã hiện dần ra như một người khôn ngoan (the wiser) bởi vì ít nhất, ông ta đã biết rằng ông không biết gì cả.
Các tập đối thoại ban đầu của Plato gồm
:

Tác phẩm Charmides, một cố gắng định nghĩa sự điều độ (temperance),

Tác phẩm Lysis thảo luận về tình bạn (friendship),

Laches là cuốn sách đi tìm ý nghĩa của lòng cam đảm,

Protagoras bảo vệ luận đề cho rằng đức tính là kiến thức (virtue is knowledge) và sự kiện này có thể giảng dạy được

Tác phẩm Euthyphro khảo sát bản chất của lòng tôn kính (the nature of piety) và tập I của cuốn The Republic (Nền Cộng Hòa), một khảo sát về công lý (justice).

Các tác phẩm viết ra trong các thời kỳ giữa cuộc đời của Plato đã phản ánh cách phát triển triết học, dù cho Socrates vẫn còn là nhân vật trong đa số các đối thoại.

 Thuộc thời kỳ giữa là:

Tác phẩm Gorgias, một khảo sát nhiều câu hỏi đạo đức (ethical questions),

Meno thảo luận bản chất của kiến thức (knowledge) còn trong tác phẩm Apology, Socrates tự biện hộ tại tòa án chống lại lời buộc tội vô thần (atheism) và tội làm hư hỏng giới trẻ của thành Athens

Tác phẩm Crito là lời bào chữa của Socrates về việc tuân theo các luật lệ của quốc gia,

 Phaedo mô tả cảnh từ trần của Socrates và trong tác phẩm này, Plato đã thảo luận lý thuyết “Hình Thức” (the theory of Forms), bản chất của linh hồn (soul) và câu hỏi về tính bất tử (immortality).

Tác phẩm Symposium là một công trình xuất sắc gồm nhiều bài nói chuyện về vẻ đẹp và tình yêu,

The Republic (Nền Cộng Hòa) là một công trình lớn lao, khảo cứu môn chính trị và đây là một thành quả triết học xuất sắc qua đó Plato thảo luận từng chi tiết bản chất của công lý (justice), đặt ra các câu hỏi như “thế nào là một quốc gia chính đáng” (what is a just state), “thế nào là một cá nhân chính đáng” (what is a just individual).

Các tác phẩm thuộc thời kỳ cuối cuộc đời của Plato gồm:

Theaetetus, một phủ nhận điều cho rằng kiến thức do các cảm nhận giác quan,

Parmenides là tác phẩm lượng giá lý thuyết “Hình Thức” (the theory of Forms), Sophist là cuốn sách cứu xét lý thuyết về các ý tưởng (the theory of Ideas),

Philebus thảo luận sự liên hệ giữa khoái lạc và điều tốt lành (pleasure and the good), Timaeus cho thấy quan điểm của Plato về Khoa Học Thiên Nhiên và Vũ Trụ Học, và tác phẩm The Laws (Luật Pháp) đã phân tích thực tế các vấn đề chính trị và xã hội.

3/ Ảnh hưởng của nhà Đại Hiền Triết Plato.

Sau khi Plato qua đời, người cháu của ông tên là Speusippus trở thành Viện Trưởng của trường Academos. Trường Đại Học này tiếp tục hoạt động cho tới năm 529 sau Tây Lịch, khi Hoàng Đế Byzantine là Justinian I ra lệnh đóng cửa vì cho rằng trường phổ biến các lời giảng dạy tà giáo (pagan teachings). Tuy nhiên ảnh hưởng của Plato đã được lan truyền khắp nơi. Nền triết học của Plato đã thể hiện qua tác phẩm của Philo Judaeus, nhà triết học Do Thái, cư ngụ tại thành Alexandria vào thế kỷ thứ 1 sau Tây Lịch. Vào thế kỷ thứ 3, nhà triết học Plotinus đã khai triển nền triết học Plato-Mới (Neoplatonism) tại thành phố Rome. Các nhà thần học Clement of Alexandria, Origen, Boethius và Thánh Augustine là những người chịu ảnh hưởng của nền triết học Platonic đồng thời các ý tưởng của Plato đã đóng vai trò chính yếu trong việc phát triển nền thần học Thiên Chúa giáo (Christian theology) cũng như các tư tưởng Hồi giáo (Islamic thoughts) của thời Trung Cổ.

Qua thế kỷ 13, Aristotle đã là nhà triết học Cổ Hy Lạp gây nên nhiều ảnh hưởng mạnh nhất trong thế giới tư tưởng Thiên Chúa giáo nhưng bước sang thời kỳ Phục Hưng (the Renaissance), Hàn Lâm Viện Florantine do gia đình Medici thiết lập, lại chú trọng vào nền triết học của Plato. Được thành lập vào thế kỷ 15 gần thành phố Florence, các nhân viên của Hàn Lâm Viện này dưới sự điều khiển của Marsilio Ficino, đã nghiên cứu các tác phẩm của Plato viết bằng tiếng Hy Lạp.

Tại nước Anh, học thuyết của Plato đã sống lại vào thế kỷ 17 do Ralph Cudworth và các người cộng tác, những học giả này được gọi là The Cambridge Platonists (nhóm theo Plato thuộc trường Đại Học Cambridge). Họ cố công dùng các lời giảng dạy của Plato và cách diễn đạt của nhóm Neoplatonist để làm hòa hợp lý trí (reason) với tôn giáo. Qua thế kỷ 20, các nhà tư tưởng như Alfred North Whitehead cũng nghiên cứu và phổ biến các công trình của Plato.

Các tác phẩm đối thoại của Plato đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau và được phổ biến bằng nhiều ấn bản. Một trong các bản dịch được nhiều học giả biết tới nhất là của ông Benjamin Jowett (1), thuộc trường Đại Học Oxford, nước Anh.

 



 

 

 

 

 

 

 

NGUỒN GỐC LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NHÂN VĂN CỦA TẾT NGUYÊN ĐÁN (TẾT ÂM LỊCH) TẠI VIỆT NAM

 

 

Th.S Đào Văn Trưởng

 

Nhân dịp chào mừng Tết cổ truyền Đinh Dậu (2017) sắp tới của dân tộc, chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán (hay Tết âm lịch) tại Việt Nam. 

Nguồn gốc Tết Nguyên Đán Việt Nam.

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.

Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc.

Mặt khác, nước Việt Nam từ lâu đã hình thành một nền văn minh nông nghiệp, gắn liền với cây lúa. Do đó, gạo được coi là thứ quý giá nhất, là “hạt ngọc của trời”. Vì lẽ đó mà hằng năm, gạo được chọn làm nguyên liệu để làm bánh dùng trong việc thờ cúng tổ tiên hằng năm. Việc bánh chưng, bánh giầy ra đời từ thời Hùng Vương và trở thành món ăn truyền thống vào dịp Tết Nguyên Đán cũng là một minh chứng cho thấy văn hóa Tết của người Việt đã sớm được hình thành.

 

 

Tục nấu bánh chưng có từ lâu đời

 Ý nghĩa nhân văn Tết Nguyên Đán.

Về mặt chữ, tên gọi Tết Nguyên Đán được bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong tiếng Hán, chữ “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu, “Đán” là buổi sáng sớm, tức là buổi sáng khởi đầu của năm mới. Còn “Tết” lại được đọc chệch đi theo âm chữ Hán “tiết”, vì theo lịch Trung Hoa xưa chia một năm thành 24 tiết, và Nguyên Đán là tiết đầu tiên trong năm. Về sau, do sự phát triển của ngôn ngữ, từ “tiết” được Việt hóa thành “Tết”, và được gọi là Tết Nguyên Đán như bây giờ.

Tuy nhiên, xét về ngữ nghĩa, Tết Nguyên Đán Việt Nam không phải là Tết Nguyên Đán của Trung Quốc. Viện ngôn ngữ học Hà Nội đã chứng minh rằng: Tết Nguyên Đán Việt Nam được tính theo chu kì quay của mặt trăng (tức âm lịch), trong khi “Nguyên Đán tiết” của Trung Quốc lại được tính theo mặt trời (tức dương lịch). Vì vậy, thực chất ngày Tết của người Việt sẽ gần giống với Xuân Tiết của người Trung Hoa hơn.

Tết Nguyên Đán còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: Tết ta (tức là Tết của người Việt) hay Tết âm lịch (do Tết Việt được tính theo lịch âm). Một số nơi còn gọi là Tết Cả, do Tết Nguyên Đán là Tết đầu tiên trong năm, để phân biệt với các Tết khác như: Tết Khai Hàng, Tết Nguyên Tiêu, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu…

 

Hình ảnh xin chữ ngày tết, nét đẹp trong văn hóa Việt Nam

Ngày Tết đối với người dân Việt mang một ý nghĩa thiêng liêng, làm mới lại mọi việc. Đối với mỗi người dân Việt, Tết Nguyên Đán mang nhiều ý nghĩa niềm tin, biểu trưng cho ngày đoàn tụ, ngày làm mới, ngày tạ ơn và ngày của hi vọng.

Tết Nguyên Đán biểu hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh

Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết - do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông - có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính.

Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm "Ơn trời mưa nắng phải thì", người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời... người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.

 Tết Nguyên Đán là ngày đoàn viên của mọi gia đình    

Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,... được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. "Về quê ăn Tết", đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.       

 

Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò, bệnh nhân với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri...        

Tết Nguyên Đán là ngày “làm mới”    

Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Nếu năm cũ khá may mắn, thì sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.       

Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc.

Tết Nguyên Đán là ngày tạ ơn     

Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, lãnh đạo cũng cảm ơn nhân viên qua những buổi tiệc chiêu đãi hoặc quà thưởng để ăn Tết... 

          Trong không khí cả nước đang hân hoan chào đón Tết Đinh Dậu (2017), xin được gửi đến toàn thể các Thầy, Cô giáo, các bạn sinh viên cùng gia đình lời Chúc mừng năm mới, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong công việc và cuộc sống. Năm mới thắng lợi mới!

 

 

 

TỪ TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐẾN NỀN DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 

 

Th.S Đào Thị Thúy Loan

 

 

Dân chủ là một phạm trù chính trị - xã hội xuất hiện khá sớm trong nền văn minh nhân loại, gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử qua các thời đại, chế độ xã hội khác nhau với nội dung cơ bản: dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân.

Ở Việt Nam, mầm mống tư tưởng dân chủ đã có từ lâu, như một nhu cầu tự nhiên mang bản tính của con người trong đấu tranh để tồn tại và cố kết cộng đồng. Song người Việt Nam chỉ biết đến và được hưởng quyền dân chủ thực sự từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân lãnh đạo thực hiện Cách mạng tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và tiến hành hiện thực hóa tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội.

1. Tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đây là sự kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng dân chủ Mác-Lênin, truyền thống dân chủ tốt đẹp của người Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về một nền dân chủ nhân dân mang bản chất giai cấp công nhân ở Việt Nam. Đó là tư tưởng về giải phóng con người và xã hội trên cơ sở giải phóng giai cấp, dân tộc, giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc và giai cấp trên lập trường của giai cấp vô sản, thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc trên quan điểm và phương pháp của cách mạng vô sản, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Quan niệm dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Dân chủ là nội dung trực tiếp, mục tiêu của đường lối cứu nước, lý luận và phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh được phát triển nhất quán từ cách mạng giải phóng dân tộc tới cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN), từ con đường đấu tranh đánh đổ đế quốc thực dân phong kiến xóa bỏ ách nô lệ, tiến tới giành quyền tự do, dân chủ, bình đẳng cho mọi người lao động, xác lập địa vị người chủ và làm chủ xã hội cho toàn dân, xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền, một chế độ xã hội mới - xã hội XHCN.

Vì vậy, muốn có dân chủ chúng ta phải tiến hành đấu tranh cách mạng để cải tạo xã hội cũ, kiến thiết xã hội mới. Dân chủ trước hết là quyền dân tộc độc lập, dân tộc tự quyết, quyền tự do chính trị của nhân dân, quyền nhân dân tự quyết định vận mệnh và cuộc sống của mình. Nước độc lập thì dân mới được hưởng quyền tự do, dân chủ, mới có hạnh phúc. Phải đem sức ta mà giải phóng cho ta, xóa bỏ ách nô lệ, làm cách mạng dân chủ nhân dân tiến dần lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường phát triển duy nhất của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, đó là cái đảm bảo chắc chắn cho dân là chủ và dân làm chủ, bảo đảm cho mọi người, mọi dân tộc thực hiện chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhần sâu sắc trong toàn bộ di sản tư tưởng lý luận của Người, trong sự thống nhất hữu cơ giữa tư tưởng, phương pháp với phong cách, đạo đức, văn hóa, lối sống, giữa cuộc đời toàn vẹn và trọn vẹn của một con người có cái tâm trong sáng, đức cao cả, trí mẫn tuệ, hành mực thước, với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của một lãnh tụ thiên tài. Bác không chỉ thể hiện và thực hiện vấn đề dân chủ trên phương diện chính trị, đấu tranh chính trị và cách mạng chính trị, mà còn thực hành dân chủ rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, xây dựng con người mới, lối sống mới, đạo đức mới. Bác đặc biệt chú ý tới xây dựng thể chế dân chủ, xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền nhằm thực hiện dân quyền, bảo đảm dân sinh, nâng cao dân trí. Người chủ trương thực hành dân chủ trong Đảng để làm gương cho dân chủ trong xã hội, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa dân chủ của cá nhân với dân chủ của xã hội, giữa công dân với nhà nước, thành viên với cộng đồng, giữa quyền hạn và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm, dân chủ và pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, dân chủ và tập trung.

          Như vậy, muốn thực hành dân chủ rộng rãi chúng ta phải thực hiện cải cách xã hội và đổi mới, thực hiện đoàn kết toàn dân, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao ý thức, năng lực làm chủ của dân, chống quan liêu, loại trừ tham nhũng, chống thói xa dân, coi thường dân. Chống quan liêu, tham ô, ăn cắp, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư thực chất là chống chủ nghĩa cá nhân ở tất cả mọi người, mọi cấp, mọi ngành, trong Đảng, trong bộ máy nhà nước và xã hội để cho dân chủ thực sự là “của quý báu nhất” của nhân dân. Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn và dân chủ là động lực của tiến bộ và phát triển. Không có dân chủ thì cũng không có CNXH.

          Gần 80 năm thực hiện theo tư tưởng và phương pháp dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta đã xây dựng được nền dân chủ định hướng XHCN, trên cơ sở nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hệ thống chính trị vững vàng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò là chủ và làm chủ của nhân dân lao động ngày càng được bảo đảm và phát huy. Ý thức và năng lực làm chủ của người dân được nâng cao, mọi người đã và đang mang hết tài năng cũng như sức lực tham gia vào quá trình phát triển và hưởng thụ thành quả phát triển, tích cực thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, xét trên từng lĩnh vực cụ thể thì vẫn còn một số nội dung dân chủ chưa được tôn trọng đúng mức, thậm chí bị vi phạm nghiêm trọng.

2. Thực trạng nền dân chủ ở nước ta hiện nay

Đánh giá đúng thực trạng nền dân chủ XHCN ở nước ta như thế nào là việc làm không dễ. Theo chúng tôi, để đánh giá đúng thực trạng trên cần chú ý một số vấn đề sau:

2.1. Phải nhìn nhận nó trong sự vận động liên tục, không cắt đoạn, không dừng lại ở việc giải thích hoặc so sánh giản đơn giữa nước ta với nước khác khi trình độ kinh tế - xã hội và lịch sử khác nhau. Nghĩa là, phải nhìn nó trong sự phát triển liên tục của đất nước, so sánh với chính nó trong từng thời kỳ khác nhau.

2.2. Khi nói đến dân chủ là nói đến quyền làm chủ của nhân dân lao động thông qua quyền lực nhà nước và quyền tự do của người dân được thiết lập qua chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, được thực hiện bằng các thiết chế, quy chế. Dân chủ được thể chế hóa thành chế độ dân chủ và chế độ dân chủ được thực hành trong đời sống xã hội thành nền nếp, lối sống, văn hóa,…thì đó là nền dân chủ. Do đó, nhận thức rõ tính chỉnh thể, hệ thống của nền dân chủ là một yêu cầu có ý nghĩa nguyên tắc, phương pháp luận trong xây dựng và đánh giá. Có như vậy mới khắc phục được cách nhìn giản đơn, có khi còn ảo tưởng, thỏa mãn khi xây dựng và đánh giá nền dân chủ XHCN.

2.3. Tiêu chí cơ bản để đánh giá nền dân chủ XHCN là quyền lực thuộc về nhân dân lao động được thực hiện trong đời sống hiện thực trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Song, “thực chất” hay “quyền lực” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói về “nền dân chủ thực sự” được thể hiện trong mối quan hệ giữa: quyền dân chủ với tính chất và trình độ của nền kinh tế - xã hội; quyền dân chủ và hệ thống thể chế; dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; dân chủ và chuyên chính; dân chủ với công bằng xã hội; truyền thống và hiện đại; yếu tố ngoại sinh và yếu tố nội sinh; quyền và khả năng, điều kiện thực hiện quyền dân chủ,…Đây là những quan hệ tương hỗ, quy định nhau, nếu không đánh giá cụ thể, toàn diện sẽ dễ thiên lệch, không đúng thực chất.

Theo lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đấu tranh, giành chính quyền cách mạng xã hội và từng bước xây dựng xã hội mới - xã hội XHCN cũng là điểm bắt đầu hình thành nền dân chủ XHCN. Nhiệm vụ của cách mạng vô sản là, sau khi giành chính quyền phải biết sử dụng có hiệu quả quyền lực nhà nước vừa giành được để xây dựng thiết chế kinh tế, chính trị, xã hội mới, để nhân dân, trước hết là nhân dân lao động từng bước trở thành người chủ xã hội, là chủ thể tối cao và duy nhất của mọi quyền lực.

Với Người chưa thấy dùng thuật ngữ “nền dân chủ XHCN”, nhưng thuật ngữ dân chủ XHCN được Bác sử dụng như một hiện thức tồn tại ở nước ta ngay từ năm 1968 và yêu cầu: “Cần phát huy đầy đủ dân chủ XHCN” [2, tr. 403] để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Riêng thuật ngữ nền dân chủ, Bác sử dụng không ít hơn 45 lần trong các bài nói, bài viết được xuất bản trong Hồ Chí Minh toàn tập (bộ 12 tập) và nhiều lần Người nhấn mạnh nền dân chủ thực sự với ý nghĩa là nền dân chủ XHCN.

Xuất phát từ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và tương ứng với nó là các quan hệ sản xuất mới đang hình thành ở nước ta, từ thu nhập quốc dân tính theo đầu người thì Việt Nam còn là một nước nghèo, kém phát triển. Nếu đánh giá theo chỉ số phát triển con người (HDI) và khả năng xóa đói, giảm nghèo thì nước ta không ở hạng yếu kém, mà còn ở hạng các nước khá. Nếu chỉ nói riêng về an toàn lương thực và xuất khẩu gạo mấy năm gần đây, Việt Nam thuộc hạng các nước mạnh. Do đó, có thể thấy, chế độ chính trị và nền dân chủ XHCN ở Việt Nam có nhiều mặt tốt, song còn không ít hạn chế. Bản chất và tính ưu việt trong việc thiết lập và thực thi quyền dân chủ của nhân dân lao động rõ ràng cao hơn dân chủ tư sản và dân chủ theo mô hình CNXH thời chiến, tuy nhiên, trình độ, ý thức dân chủ của người dân và một số cán bộ trong đội ngũ lãnh đạo quản lý cùng hệ thống thể chế, cơ chế dân chủ còn thấp, chưa tương xứng với quyền mà nhân dân được hưởng đã quy định trong pháp luật.

Nhìn một cách khái quát, chúng tôi cho rằng, nền dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay đang phát triển trên cơ sở hoàn thiện nền dân chủ nhân dân và bước đầu xây dựng nội dung, thiết chế dân chủ XHCN. Nền dân chủ XHCN sau 30 năm đổi mới vẫn mang tính chất quá độ, có mặt đang phát triển, có mặt còn hạn chế, đang từng bước hoàn thiện chứ chưa phải là nền dân chủ XHCN ở mức độ chín muồi, đầy đủ. Vì vậy, trong nhận thức, không thể phủ nhận tính chất và yếu tố XHCN trong nền dân chủ hiện nay, song cũng không nên coi đây là nền dân chủ XHCN đầy đủ, chỉ cần phát huy chứ không cần xây dựng và phát triển. Thời gian qua là bước tiến dài, đã mở ra một thời đại dân chủ mới thực sự ở Việt Nam, thời đại mà nhân dân lao động được và biết làm chủ cuộc sống của mình trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…; đặc biệt, mức sống, lối sống của người dân và toàn xã hội được cải thiện và có nhiều tiến bộ. Số hộ dân đói nghèo ngày càng giảm, số hộ dân khá, giàu ngày càng tăng; quan niệm sống mình vì cộng đồng và cộng đồng vì mình ngày một phổ biến trong sản xuất cũng như trong phòng chống thiên tai; từng bước hình thành tập quán sống và làm việc theo pháp luật trong nhân dân,…

Từ kinh nghiệm qua 30 năm đổi mới, Đảng ta thấy rõ hơn vấn đề xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN là một yêu cầu khách quan quan trọng không thể thiếu được trong mục tiêu chiến lược phát triển đất nước. Không thể coi dân chủ là hệ quả của công bằng và văn minh trong cuộc cách mạng XHCN mà phải đưa dân chủ vào mục tiêu cụ thể, trực tiếp của chiến lược cách mạng trong thời gian tới,  đó là: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” nhằm phát huy cao hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ từ cơ sở, đồng thời tăng cường pháp chế XHCN, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, khắc phục cả dân chủ hình thức cũng như dân chủ cực đoan.

Nhìn từ góc độ đổi mới, đây là một sự đổi mới tư duy có ý nghĩa chiến lược của Đảng ta, sự vận dụng, thể hiện tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Bác, mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh xuyên suốt và nhất quán trong lý luận cũng như hành động cách mạng của Người. Tư duy mới của Đảng ta về dân chủ thể hiện ở chỗ: dân chủ gắn liền với đoàn kết toàn dân, với trí tuệ mới và với chính quá trình đổi mới. Đó cũng là đặc điểm của nền dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay.

Vì vậy, xác định dân chủ là mục tiêu trực tiếp của chiến lược cách mạng trong thời gian tới, điều đó cho thấy, nền dân chủ XHCN với tất cả những gì đạt được chỉ mới là bước đầu, nhiệm vụ tiếp tục dân chủ hóa xã hội, phát huy động lực của sự phát triển đất nước còn nặng nề, đòi hỏi phải xóa bỏ triệt để các thể chế quan liêu, bao cấp, những lực cản, tiếp tục cải biến những tâm lý không phù hợp trong từng con người, tiếp tục xây dựng những nền tảng mới, thể chế mới của xã hội văn minh. Tuy vậy, cũng cần chú ý, khi phát triển kinh tế thị trường, những hiện tượng tiêu cực mới, hành vi vi phạm quyền dân chủ của nhân dân cũng nảy sinh. Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta phải thừa nhận, ở nước ta lúc này hay lúc khác, chỗ này, chỗ khác vừa có dân chủ, vừa chưa có dân chủ; vừa rất tôn trọng dân chủ, vừa có vi phạm dân chủ, thậm chí có nơi vi phạm khá nghiêm trọng.

Do đó, với trách nhiệm của người lãnh đạo chính trị, người cầm quyền, Đảng ta đã khẳng định: “Sở dĩ có tình trạng đó là do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính”. Đó là: “Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Một số quan điểm, chủ trương chưa rõ, chưa có sự nhận thức thống nhất và chưa được thông suốt ở các cấp, các ngành. Cải cách hành chính tiến hành chậm, thiếu kiên quyết, hiệu quả thấp. Công tác tư tưởng, công tác lý luận, công tác tổ chức, cán bộ có nhiều yếu kém, bất cập”.

Về phía Nhà nước, Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII đã đánh giá: “Bộ máy Nhà nước ta chưa thật trong sạch, vững mạnh, tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu còn nghiêm trọng chưa được ngăn chặn, hiệu lực quản lý, điều hành chưa nghiêm, kỷ cương xã hội bị buông lỏng làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”. Những nguyên nhân trên cũng chính là trở lực lớn trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta. Thực ra những trở lực này đã được Bác dự báo và lường trước ngay từ những ngày đầu tiên miền Bắc xây dựng CNXH mà Người gọi một cách chính xác là ba kẻ địch. Trong đó, có một kẻ “ngoại xâm” và hai kẻ “nội xâm” chống lại cách mạng.

Với tinh thần trên, Báo cáo Chính trị tại Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: “Điều cần nhấn mạnh là: tình trạng tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và giảm lòng tin trong nhân dân”. Như vậy, chúng ta cần nhận thấy, nền dân chủ XHCN đã có một quá trình phát triển không thuần nhất, nhưng lại đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của một đảng chính trị - đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là đặc điểm rất đáng lưu ý để mỗi thực thể cấu thành yếu tố vật chất và tinh thần của nền dân chủ thấy rõ trách nhiệm của mình.

Ngoài ra, chúng ta phải khẳng định sự thống nhất hữu cơ giữa quá trình xây dựng và phát triển nền dân chủ XHCN ở Việt Nam đối với sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản. Đồng thời, có ý thức rõ, trong điều kiện một Đảng duy nhất lãnh đạo, nếu Đảng không tự ý thức rõ nguy cơ áp đặt ý chí của mình cho Nhà nước, xã hội, tự đặt mình trên Nhà nước và pháp luật, các đảng viên có chức, có quyền sa vào các đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, cửa quyền,…thì Đảng sẽ trở thành vật cản trên con đường xây dựng một xã hội thực sự dân chủ. Vì vậy, trong khi khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới, Đại hội IX của Đảng đã chỉ ra: “Những thành tựu và yếu kém trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc gắn liền với trách nhiệm lãnh đạo của Đảng và những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng”

Như vậy, có thể thấy, nền dân chủ XHCN ở nước ta đang trong giai đoạn đầu, đang tự khắc phục những yếu kém, sai sót, lệch lạc, đang được đổi mới để ngày càng hoàn thiện.

 

Tuy nhiên, dù có cải biến, đổi mới ở mức độ nào thì nền dân chủ XHCN đó cũng không thể xa rời nguyên tắc: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân  lao động mà nòng cốt là liên minh công, nông, trí thức do Đảng Cộng sản lãnh đạo; nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện trong tất cả các tổ chức đảng và cơ quan Nhà nước; nguyên tắc tự do của cộng đồng được phát huy trên cơ sở quyền độc lập, tự chủ, tự do cá nhân được bảo đảm; nguyên tắc dân chủ pháp quyền và đoàn kết xã hội được phát triển; nguyên tắc hợp tác và đồng thuận xã hội giữa Nhà nước và doanh nghiệp, doanh nhân, giữa Nhà nước và xã hội công dân. Các nguyên tắc trên tạo thành một chỉnh thể nhằm phát huy và phát triển tiềm năng của con người và năng lực xã hội trong các dân tộc, giai tầng xã hội, thành phần kinh tế để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.