CẢM NHẬN VỀ TÌNH MẸ QUA CHƯƠNG ĐẦU TIÊN CUỐN SÁCH “SỨC MẠNH TÌNH MẸ” CỦA BRENDA HUNTER

CẢM NHẬN VỀ TÌNH MẸ QUA CHƯƠNG ĐẦU TIÊN CUỐN SÁCH “SỨC MẠNH TÌNH MẸ” CỦA BRENDA HUNTER

          Chắc hẳn trong mỗi chúng ta đã từng nghe câu nói:

                    Đi khắp thế gian không ai thương con bằng mẹ

                   Gian khổ cuộc đời không ai nặng gánh bằng cha

          Hay trong kho tàng tục ngữ, ca dao cũng có câu:

                   Công cha như núi thái sơn

                  Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Nghĩa mẹ, tình mẹ như là suối nguồn mềm mại, trong lành và vô tận, ấp ủ bao giấc mơ trẻ thơ, nâng đỡ các con trưởng thành. Nói về mẹ có lẽ không thể kể xiết bao nhiêu câu thơ, áng văn hay ca khúc nào đã từng viết về mẹ, ca ngợi mẹ. Tuy nhiên, khi tôi đọc cuốn Sức mạnh tình mẹ kể về Brenda Hunter một tiến sĩ tâm lý học người Mĩ, một bà mẹ như bao bà mẹ khác, cảm nhận ban đầu là sự choáng ngợp, tiếp đến là sự lắng đọng và lan tỏa dần dòng cảm xúc. Cho tới khi kết thúc cuốn sách, tôi vẫn còn như lưu luyến muốn biết thêm một chút, một chút nữa.

          Sức mạnh tình mẹ có thể nói như một cuốn cẩm nang cho những ai chưa, sắp và đang làm mẹ. Hơn nữa đây là câu chuyện kể của một người mẹ được viết ra khi bà đang sống chung với căn bệnh ung thư. Nhưng câu chuyện ấy không hề chứa đựng sự đau thương, tuyệt vọng mà ẩn chứa những hi vọng, sự yêu thương, yêu cuộc sống.

          Cuốn sách được chia làm 3 phần và mỗi phần lại bao gồm các chương khác nhau. Tôi xin chọn chương đầu tiên “Sức mạnh tình mẹ” và cũng là chương khơi gợi những cảm xúc đầu tiên để hấp dẫn tôi tìm hiểu hết cả cuốn sách. Đó cũng là chương đầu tiên của Phần I: Sức mạnh tình mẹ trong đời sống người mẹ.

Một tấm lòng mới, một tình yêu mới

          Mỗi người đều được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nào đó. Nếu như một ai không có được điều đó thì quả thật là một sự thiếu hụt không gì bù đắp được. Đứa con nào cũng mong có đủ mẹ, đủ cha nhưng thực tế cuộc sống không phải đứa trẻ nào cũng có được mong muốn ấy. Gia đình chính là một nền tảng vững chắc cho mỗi người lớn lên, mơ ước và trưởng thành. Nếu như người bố với vai trò là người “xây nhà” thì mẹ chính là người “xây tổ ấm”. Ở đây có thể thấy vai trò của mẹ, “người giữ lửa” cho gia đình, vun đắp cho tổ ấm của mình luôn được ấm áp, ngập tràn yêu thương.

          Được làm mẹ, đó có thể là hạnh phúc với nhiều người, thậm chí là mơ ước cháy bỏng với những ai đang khao khát có con, được làm mẹ. Nhưng cũng có những người không muốn lập gia đình, không muốn sinh con để lo cho sự nghiệp hoặc theo đuổi hoài bão của mình. Có thể đó cũng là xu hướng mà một bộ phận phụ nữ trong thời đại hiện nay đang lựa chọn “ Đối với nhiều phụ nữ, làm mẹ là phá đổ bức tường mà họ đã dựng nên để bảo vệ bản ngã của họ” {tr 17}. Chúng ta cũng không thể bàn cãi đồng ý hay không đồng ý lựa chọn của họ. Nhưng có một điều chắc chắn là được làm mẹ là một điều vô cùng hạnh phúc.Trong câu chuyện của mình, Brenda Hunter cho rằng làm mẹ là khởi đầu cho một “tấm lòng mới, một tình yêu mới”. Bà cũng trích dẫn lời kể của một bà mẹ tên là Parker khi nhận con nuôi: “ Nó cũng giống như bạn có một tấm lòng mới, một tình yêu mới, nó chẳng khác gì việc một người xô ngã một cánh cửa khóa chặt và thế là cả thế giới đầy nắng vàng và hoa thơm tràn vào...”. Thật là một sự so sánh đầy hình ảnh và cũng thật kì diệu. Người mẹ phải hình thành một tấm lòng mới, rộng mở và chứa chan để trên cơ sở đó tình yêu mới xuất hiện và bền vững để chào đón đứa con sinh ra. Không phải ai cũng cảm thấy cần phải chuẩn bị và hình thành tấm lòng mới tình yêu mới cho mình khi làm mẹ. Điều này khiến tôi chợt nhớ tới câu chuyện về những bà mẹ trẻ vì giữ gìn nhan sắc mà khi sinh con không cho con bú mà cho con uống sữa ngoài, hay có những bà mẹ khi sinh con xong ngại chăm bẵm vì sợ ảnh hưởng tới công việc lại trao sự quan tâm chăm sóc cho người giúp việc...Tôi thật ái ngại cho những bà mẹ như vậy và thấy thương những đứa trẻ ấy. Và rõ ràng sự chuẩn bị để có một tấm lòng mới, một tình yêu mới ở họ vẫn bị sự ích kỷ của mình che đậy. Khi trở thành mẹ chúng ta phải nuôi dưỡng con tim mới và con tim ấy sẽ ấm nồng theo suốt quá trình con cái ta khôn lớn và trưởng thành. Và tình yêu mới cũng vậy, là thứ tình yêu theo các con qua bao tháng ngày.

Những người mất mẹ

          Có ai trên đời lại không mong một hạnh phúc đủ đầy, một gia đình trọn vẹn sự yêu thương? Nhưng thực tế cuộc sống vẫn không đủ đầy như ta hằng mong muốn. Có những người con không có được mẹ trên đời. Thậm chí có những đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời thì mẹ đã không còn nữa, không kịp cảm nhận hơi ấm của tình mẹ. Đó là sự mất mát vô cùng lớn mà theo năm tháng sự cảm nhận về sự thiếu hụt đó sẽ nhân lên.

          Brenda Hunter cũng đã dẫn ra những lời viết chân thật của đại văn hào người Nga, Leptonxtoi ghi trong nhật kí của mình như sau: “Vâng, má ơi, tôi chẳng bao giờ được gọi má tôi vì khi má tôi chết thì tôi chưa biết nói. Đối với tôi, má là hình ảnh cao vời nhất về tình yêu. Không phải tình yêu thần thánh lạnh lùng mà là tình yêu ấm áp của đời thường, đó là tình mẹ...”. Đúng như sự cảm nhận của nhà văn, tình mẹ thật ấm áp. Và hơi ấm ấy dường như còn lan tỏa trong kí ức của con, trong tiềm thức sâu xa nào đó mà chỉ cần một hình ảnh cũng có thể khơi dậy nó lên.

          Trong câu chuyện về những người mất mẹ, không thể phủ nhận đó là một mất mát vô cùng lớn. Và không chỉ những đứa trẻ thơ dại thấy mất mát như thế nào khi không có mẹ mà ngay cả những bà mẹ đã có con, có cháu khi phải chứng kiến mẹ của họ qua đời, họ vẫn thấy nỗi đau đó là khôn cùng.

Má ơi, con sẽ yêu má mãi mãi

          Có thể nói đây là một đoạn kể đầy xúc động khi Brenda Hunter viết về một bà mẹ tên là Marian. Sự mong mỏi có con của cô đã được bù đắp khi ban cho cô một đứa con trai tên Jake. Và chính  những tâm hồn non nớt và ngây thơ ấy lại cho ta những bài học vô cùng quý báu về tình mẹ con. Jake mới 6 tuổi nhưng lại xử sự như một “người đàn ông” mời mẹ mình khiêu vũ. Và rồi cậu bé biết chọn những bản nhạc phù hợp, và thì tầm vào tai mẹ nhữn câu nói chứa chan tình cảm: “Má là người mẹ yêu quý nhất của con. Con sẽ yêu má mãi mãi...”. Bạn nghĩ sao nếu con bạn thì thầm vào tai mình những câu nói dễ thương ấy? Có thể cậu bé ấy lớn lên sẽ quên mất những giây phút ấy nhưng với người mẹ, đó lại là một món quà kì diệu và tuyệt vời nhất. Khi chúng ta làm mẹ với tất cả tấm lòng, chúng ta không chỉ dạy con những bài học về tình yêu và lòng tin cậy, chúng ta còn chuẩn bị cho chúng đón nhận tất cả những mối liên hệ tình cảm sâu sắc sau này. Điều đó thật là quý giá. Vậy nên, khi bạn mệt mỏi với đống tã lót, với trăm thứ việc lặt vặt không tên không tuổi, điều đó nhắc cho bạn nhớ rằng những năm tháng dài trong tương lai phụ thuộc vào những giây phút vất vả cực nhọc ấy. Chúng ta yêu con cái chúng ta như thế nào thì con cái cũng yêu chúng ta như vậy. Hãy để cho con mình có cơ hội bày tỏ tình cảm với mình chỉ đơn giản một câu: Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!

Kết thúc chương đầu tiên về sức mạnh tình mẹ, cũng là động lực thôi thúc chúng ta tìm hiểu tiếp câu chuyện về tình mẹ con của Brenda Hunter. Mỗi một trang sách đều như chứa đựng một ý nghĩa sâu xa, những cảm xúc kì diệu của một người mẹ đã và đang trải qua những giây phút làm mẹ, làm bà.Cuốn sách được viết ra trên câu chuyện thực của người mẹ Brenda Hunter và nhất là khi hiện tại bà đang chống đỡ với căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Nhưng ở bà vẫn cháy lên hi vọng và những khao khát được sống, được tiếp tục chứng kiến sự trưởng thành của con, của cháu ngoại  mình.

Có những của cải có thể mất đi vĩnh viễn nhưng có một thứ rất giá trị mà sẽ còn sống mãi với các thế hệ sau nữa chính là tình mẹ và sức mạnh tình mẹ.Tôi muốn cảm ơn Brenda Hunter đã cho tôi một lần nữa sống trong tình mẹ diệu kỳ mà cũng giống như bao người con khác đang được đón nhân từ các bà mẹ vĩ đại của mình. Họ xứng đáng là những người mẹ tuyệt vời nhất! Xứng đáng đón nhận những câu nói đầy yêu thương: Mẹ ơi, con sẽ yêu mẹ mãi mãi!

(Th.S Lò Thị Vân - Bộ môn Tâm lý- Giáo dục)