Những điểm mới cơ bản trong chương trình môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông sau năm 2020

Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Hội nghị trung ương VIII khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020; Nghị quyết số 44/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 29 –NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Giáo dục phổ thông nước ta đã và đang có những bước chuyển mình quan trọng, chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang chương trình giáo dục tiếp cận năng lực người học: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ học sinh làm được những gì qua việc học. Đổi mới giáo dục ở phổ thông đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá và bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên.

 

Cùng với đổi mới về phương pháp, kỹ thuật dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá; đổi mới nội dung chương trình giáo dục là khâu đột phá quan trọng trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay. Nhìn tổng thể sự nghiệp đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà nghiên cứu, nhà giáo, chuyên gia, phụ huynh và học sinh. Nói cách khác, cả xã hội quan tâm đến đổi mới chương trình giáo dục và mong mỏi sự xuất hiện, ban hành chính thức của chương trình mới.

Điểm mới trong chương trình GDCD sau năm 2020

Trước sự phát triển nhanh chóng của chương trình giáo dục trên thế giới, đặc biệt là dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của thành tựu cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật, những kiến thức chương trình hiện hành nhanh chóng trở nên lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Yêu cầu xây dựng chương trình mới là cấp thiết, đây là nguyện vọng của toàn xã hội; là hướng đi đúng đắn của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 404/QĐ-TTgngày 27 tháng 03 năm 2015. Theo đó, chương trình mới được xây dựng với mục tiêu phù hợp với hệ thống giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013;Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội và tuyên bố của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc: “Học để biết – Học để làm – Học để chung sống – Học để tự khẳng định mình”, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ, hướng tới “công dân toàn cầu”.

So với chương trình hiện hành, chương trình Giáo dục công dân ở THPT mới có sự đột phá về quan điểm xây dựng chương trình; mục tiêu chương trình; những yêu cầu cần phải đạt về phẩm chất và năng lực và đặc biệt là về nội dung chương trình. Những đột phá trên đã kịp thời khắc phục được hạn chế về nội dung lạc hậu, bố cục chưa hợp lý, khoa học của chương trình cũ, cập nhật những tri thức mới, đáp ứng dạy và học phát triển năng lực học sinh. Cụ thể:

Thứ nhất, về tên gọi của chương trình: 

Nếutên gọi “Giáo dục công dân”nhấn mạnh đến mục tiêu giáo dục cho công dân tương lai – nguồn nhân lực của đất nước những tri thức về thế giới quan, phương pháp luận triết học cùng đường lối chính sách cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam và những phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì tên gọi“Giáo dục kinh tế và pháp luật”nhấn mạnh đến giáo dục định hướng nghề nghiệp, trang bị cho học sinh những kiến thức chủ yếu về kinh tế và pháp luật, làm hành trang cho các em lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Sự khác nhau về tên gọi của chương trình đã quy định chương trình hướng đến mục tiêu khác nhau.

Thứ hai, về vị trí, vai trò của môn học:

Giáo dục công dân và Giáo dục kinh tế và pháp luật có vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục phổ thông. Theo chương trình Giáo dục phổ thông cũ, tất cả mọi môn học đều là môn bắt buộc, trong đó có môn Giáo dục công dân. Như vậy, ở cùng một thời điểm, trên khắp các vùng miền khác nhau của Tổ quốc, giáo dục Việt Nam cùng thực hiện một chương trình giống nhau. Theo chương trình mới, ngoài 5 môn học là môn học bắt buộc (Ngữ văn/ Toán/ Ngoại ngữ/ Giáo dục thể chất/ Giáo dục quốc phòng và an ninh), các môn còn lại đều là môn học tự chọn bắt buộc. Như vậy, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật thuộc nhóm môn học tự chọn bắt buộc (Nhóm Khoa học xã hội: Lịch sử – Địa lý – Giáo dục kinh tế và pháp luật). Sự thay đổi vị trí của môn học từ bắt buộc sang tự chọn bắt buộc không có nghĩa là môn học có vị trí phụ trong chương trình phổ thông mới. Với mục tiêu là định hướng nghề nghiệp, vị trí tự chọn bắt buộc mang lại nhiều cơ hội cho giáo viên và học sinh. Trong tương lai và hiện nay, rất nhiều trường Đại học đã lựa chọn điểm thi môn GDCD làm điểm xét tuyển đầu vào. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhiều học sinh và cả giáo viên đang giảng dạy GDCD không ngừng nỗ lực dạy tốt học tốt môn GDCD đáp ứng định hướng lựa chọn nghề nghiệp tương lai của học sinh.

Thứ ba, cách tiếp cận xây dựng chương trình: 

Chương trình GDCD hiện hành ở THPT của Việt Nam có cách tiếp cận xây dựng chương trình khá khác biệt. Xuất phát từ quan hệ cá nhân, mỗi chúng ta muốn nhìn nhận, đánh giá  sự vật và hiện tượng cần phải được trang bị thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận duy vật biện chứng. Do đó, ngay khi bước vào học kỳ 1 của lớp 10, học sinh được học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin dưới dạng khái quát nhất cùng những phạm trù cốt lõi nhất về đạo đức. Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin sẽ bồi dưỡng thế giới quan khoa học và phương pháp luận biện chứng. Trên cơ sở này, trong các học kỳ tiếp theo, học sinh sẽ được học nội dung về thể chế chính trị cùng các quan điểm, đường lối chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về dân số, việc làm, tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, đào tạo, khoa học. Cách tiếp cận xây dựng chương trình GDCD của Việt Nam tập trung vào giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan, phương pháp luận cho công dân tương lai.

Chương trình GDCD mới, với cách tiếp cận xây dựng chương trình bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm và tính thực tiễn, được xây dựng trên cơ sở: đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; các thành tựu nghiên cứu về tâm lý học, giáo dục học, đạo đức học, luật học, chính trị học, kinh tế chính trị và kinh tế học;kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển chương trình môn Giáo dục công dân, đặc biệt là chương trình môn Giáo dục công dân những năm gần đây của Việt Nam và của những quốc gia phát triển; các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và giá trị chung của nhân loại; thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hóa Việt Nam, sự đa dạng của đối tượng học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập. Chương trình môn Giáo dục công dân chú trọng tích hợp nhiều nội dung giáo dục cơ bản, thiết thực, hiện đại về giá trị sống, kỹ năng sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế; Những nội dung này gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thực tiễn và kinh nghiệm của học sinh, gắn liền với các sự kiện có tính thời sự trong đời sống đạo đức, pháp luật, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của địa phương, đất nước và thế giới.Chương trình môn Giáo dục công dân đảm bảo tính hệ thống.Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, nội dung chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháp luậtđược xây dựng theo hướng phát triển tuyến tính, xoay quanh các quan hệ kinh tế và pháp luật, từ kinh tế vĩ mô đến kinh tế vi mô, từ hệ thống chính trị và nhà nước, pháp luật và hệ thống pháp luật đến những nội dung, lĩnh vực pháp luật cụ thể.

Thứ tư, về nội dung giáo dục: 

Trong kết cấu của chương trình hiện hành, học sinh lớp 10 học về các vấn đề Triết học và đạo đức: Thế giới vật chất tồn tại khách quan; Nguồn gốc, cách thức, khuynh hướng vận động và phát triển của thế giới vật chất; Thực tiễn & vai trò của thực tiễn đối với nhận thức;Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình;Công dân với cộng đồng; Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Công dân với một số vấn đề cấp thiết của nhân loại. Học sinh lớp 11 học chủ yếu về các vấn đề kinh tế và các đường lối chính sách lớn của Đảng và Nhà nước: Hàng hóa – tiền tệ – thị trường; Quy luật giá trị; Cạnh tranh, cung – cầu trong sản xuất và lưu thông hàng hoá; Công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần & tăng cường vai trò quản lý kinh tế của nhà nước;Nền dân chủ XHCN;Chính sách dân số và giải quyết việc làm; Chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa;Chính sách quốc phòng an ninh; Chính sách đối ngoại. Học sinh lớp 12 sẽ học về pháp luật: Pháp luật và đời sống; Thực hiện pháp luật; Công dân bình đẳng trước pháp luật;Quyền bình đẳng của công dântrong một số lĩnh vực của đời sống; Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo; Công dân với các quyền tự do cơ bản; Công dân với các quyền dân chủ; Pháp luật với sự phát triển của công dân; Pháp luật với hòa bình và sự phát triển tiến bộ của nhân loại. Chương trình Giáo dục công dân ở phổ thông của nước ta có nội dung phong phú, tổng hợp nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức, kinh tế, đường lối của Đảng đến các vấn đề pháp luật. Sau khi học xong chương trình, học sinh phổ thông có kiến thức đa dạng, tự tin hòa nhập cuộc sống khi trở thành người trưởng thành.

Trong chương trình mới, học sinh lớp 10, lớp 11 và lớp 12 đều được học về nội dung kinh tế và pháp luật. Đây là chương trình đồng tâm và tuyến tính. Cụ thể, học sinh lớp 10 học về các nội dung: Thị trường và cơ chế thị trường; ngân sách nhà nước và chính sách thuế; Sản xuất kinh doanh và mô hình sản xuất kinh doanh; Lập kế hoạch tài chính; Tín dụng và cách sử dụng các dịch vụ tín dụng; Hệ thống chính trị ở Việt Nam; Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Một số ngành luật cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Học sinh lớp 11 học về các nội dung: Cạnh tranh, cung cầu trong kinh tế thị trường; Lạm phát, thất nghiệp; Thị trường lao động, việc làm và xu hướng tuyển dụng; Ý tưởng kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh; Đạo đức, văn hoá trong sản xuất kinh doanh; Vai trò của tiêu dùng và văn hoá tiêu dùng Việt Nam; Quyền bình đẳng của công dân; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về chính trị; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về kinh tế. Học sinh lớp 12 học về các nội dung:Tăng trưởng và phát triển kinh tế; Hội nhập kinh tế quốc tế; Chính sách bảo hiểm và an sinh xã hội; Kế hoạch kinh doanh và cách lập kế hoạch kinh doanh; Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Quản lí thu, chi gia đình; Pháp luật quốc tế; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về xã hội;Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về văn hóa. Đặc điểm đồng tâm và tuyến tính của chương trình mới bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.

Kết luận

Những nét mới trong chương trình GDCD sau năm 2020 so với chương trình hiện hành là kết quả của bao trăn trở, suy tư về xây dựng nền giáo dục Việt Nam có chương trình hiện đại, bắt kịp nhịp phát triển của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đây là sự nỗ lực ban đầu rất lớn của toàn ngành Giáo dục và đào tạo Việt Nam hiện nay bước đầu đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học, phục vụ quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.