VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

          Giáo dục và đào tạo có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo như Nhật Bản với quan điểm coi “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu; cần kết hợp hài hoà giữa bản sắc văn hóa lâu đời phương Đông với những tri thức Phương Tây hiện đại”; hay Singapore với phương châm “Thắng trong cuộc đua về giáo dục sẽ thắng trong cuộc đua về phát triển kinh tế”; cường quốc Mỹ cũng luôn chú trọng đến việc “Tập trung cho đầu tư giáo dục - đào tạo và thu hút nhân tài”; một người bạn lớn của Việt Nam là Liên xô trước đây cũng đã khẳng định “Chính sách về con người là điểm bắt đầu và là điểm kết thúc của mọi chính sách kinh tế - xã hội”.

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn thế hệ trẻ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (HCM toàn tập, 1995, tập 4, tr33).

Lời dạy của Người chứa đựng toàn bộ giá trị chân lý của thời đại mang tên Người. Để không bị tụt hậu, để xây dựng và phát triển thành công một đất nước độc lập tự do theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì rất cần phải nhận thức rõ hơn nữa vị trí và vai trò của giáo dục và đào tạo.

1. Vị trí của giáo dục và đào tạo

Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là những chính sách trọng tâm, có vai trò chính yếu của Nhà nước, được ưu tiên trước nhất, thậm chí đi trước một bước so với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã có nhiều quan điểm chỉ đạo về phát triển GD và ĐT. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày với các Bộ trưởng 6 nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ, trong đó có nhiệm vụ về giáo dục: Diệt giặc dốt.

Nghị Quyết TW 3, khoá 7 năm 1993 khẳng định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.

Nghị quyết TW 2, khoá VIII: “Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.   

NQTW 8, khoá XI: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.  

Quan điểm coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu đã được cụ thể hoá thành các chính sách như: Chính sách đầu tư cho giáo dục. Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đầu tư ngân sách cho giáo dục lớn.

Hiện nay các cơ sở giáo dục và đào tạo được mở rộng, số lượng trường, lớp, giáo viên học sinh tăng lên, hệ thống các cơ sở dạy nghề, hệ thống các trường CĐ, ĐH được tăng về số lượng, phát triển về chất lượng.

Trường Đại học Tây Bắc được thành lập năm 2001 cũng nằm trong tiến trình đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, là một sự đổi mới trong tư duy phát triển, trước đây chúng ta cho rằng, trường ĐH chỉ được thành lập ở các vùng trung tâm kinh tế - văn hoá, nhưng ĐH Tây Bắc đã được thành lập ở một vùng kinh tế nghèo, khó khăn, vùng cao của đất nước. Cũng nằm trong tiến trình phát triển, vừa qua hai trường ĐH nữa cũng đã được thành lập ở vùng miền núi của Tổ quốc đó là trường ĐH Tân Trào - Tuyên Quang; ĐH Phanxipăng ở Lào Cai. Tỉnh Sơn La hiện nay có 1 trường ĐH và 4 trường cao đẳng. Hệ thống trường lớp ở bậc phổ thông ngày càng mở rộng. Việc xã hội hoá giáo dục đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được đẩy mạnh.

Như vậy, quan điểm coi GD và ĐT là quốc sách hàng đầu của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, ở vị trí hàng đầu, GD và ĐT có vai trò rất quan trọng.

          1.2. Vai trò của GD-ĐT

           Với vị trí quốc sách hàng đầu, GD&ĐT có vai trò là nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò của GD&ĐT được thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng ở các kì đại hội. Nghị quyết TW 2 khoá VIII đã khẳng định: “Phát triển GD&ĐT là nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay”. Thêm vào đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X cũng nhấn mạnh: “GD&ĐT là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định lại quan điểm xuyên suốt của Đảng ta: “GD&ĐT có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được thông qua tại Đại hội XI, vai trò của GD&ĐT lại được làm rõ: “GD&ĐT cần tập trung vào việc phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

          Theo quan điểm của Mác, con người không chỉ là lực lượng làm chủ tự nhiên một cách thực sự và có ý nghĩa, không chỉ là chủ thể của hoạt động sản xuất vật chất mà còn là yếu tố hàng đầu, yếu tố đóng vai trò quyết định trong lực lượng sản xuất của xã hội. Khi nguồn lực con người được coi là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia thì phát triển giáo dục và đào tạo là phương tiện chủ yếu để quyết định chất lượng con người, là nền tảng của chiến lược con người. Con người vừa là trung tâm của mọi sự phát triển, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Với tư cách là động lực cho sự phát triển, GD và ĐT chuẩn bị cho con người sự phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực, cho lợi ích hiện tại và tương lai của đất nước.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn hiện nay, trên cơ sở kinh tế thị trường, các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới đang trong quá trình thực hiện bước chuyển tiếp trình độ phát triển từ kinh tế công nghiệp sang hậu công nghiệp và kinh tế tri thức. Những thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã biến tri thức thành yếu tố quan trọng bên trong quá trình sản xuất và quyết định sự phát triển của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, giáo dục đã trở thành nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hàm lượng tri thức trong nền kinh tế là nhân tố quy định sự phát triển. hàng hoá nào có hàm lượng tri thức càng cao thì càng có giá trị. Tri thức là nguồn tài nguyên rất đặc biệt, khác với những nguồn tài nguyên khác, tri thức là vô hạn, càng khai thác càng giàu lên, càng cho đi ta càng thu về nhiều hơn. Do vậy, phát triển dựa trên tri thức là phát triển bền vững. Mà tri thức thì chính là những dữ liệu, thông tin hay những kỹ năng mà con người có được qua sự trải nghiệm hoặc thông qua giáo dục. Như vậy, giáo dục chính là yếu tố để gia tăng hàm lượng tri thức trong lĩnh vực kinh tế nói riêng và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung. Cho nên,  GD&ĐT có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giáo dục đại học - lĩnh vực có trọng trách đào tạo đội ngũ lao động trình độ cao. Trường ĐH Tây Bắc, hiểu rõ tầm quan trọng cũng như trọng trách phải đảm nhiệm nên từ khi được thành lập đến nay luôn đề rõ mục tiêu: đào tạo đội ngũ nhân lực vừa hồng vừa chuyên để xây dựng và phát triển vùng Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung.

Với vị trí và vai trò quan trọng, trong những năm gần đây, GD và ĐT ngày càng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: sự nghiệp GD và ĐT nước ta tiếp tục được phát triển và được đầu tư nhiều hơn, đặc biệt nhấn mạnh những thành tựu mà GD Việt Nam đạt được sau gần 30 năm đổi mới, những thành tựu đó đã tác động trực tiếp, to lớn và tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng đưa nước ta nhanh chóng hoàn thành quá trình CNH, HĐH, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng phát triển hiện đại đến năm 2020.  

Bản thân mỗi cá nhân cần nhận thức sâu sắc vị trí và vai trò của GD&ĐT đối với sự phát triển của chính bản thân và toàn xã hội. Sự nghiệp GD&ĐT là sự nghiệp của toàn Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển toàn diện. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”.

 ThS. Phạm Thu Hà