SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC SƯ PHẠM CỦA SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

Ths. Đinh Thế Thanh Tú

Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chương trình đào tạo của khối sư phạm hiện nay. Việc nâng cao năng lực sư phạm cho sinh viên sư phạm nói chung và sinh viên chuyên ngành GDCT nói riêng là yêu cầu sống còn để mỗi sinh viên có thể vững vàng bước vào nghề. Để làm tốt việc này cần có sự phối hợp, tổ chức thực hiện nhiều công đoạn, trong đó, kiểm tra, đánh giá là một khâu đóng vai trò hết sức quan trọng.

Kiểm tra đánh giá là khâu then chốt cuối cùng của qúa trình dạy học. Đây cũng là khâu quan trọng tác động lớn đến quá trình nâng cao chất lượng đào tạo. Việc kiểm tra đánh giá khách quan, nghiêm túc, đúng cách, đúng hướng sẽ là động lực mạnh mẽ khích lệ sự vươn lên trong học tập của sinh viên, thúc đẩy sự tìm tòi sáng tạo không ngừng của sinh viên nói chúng và sinh viên sư phạm nói riêng.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, công tác kiểm tra, đánh giá các môn lý luận chính trị nói chung và đặc biêt với môn Phương pháp giảng dạy GDCD nói riêng hiện nay còn nhiều bất cập bêncạnh những mặt tích cực đã đạt được như kiểm tra được một phần lượng kiến thức các em đã học và cách các em vận dụng kiến thức đã học vào bài soạn… Song song theo nó những mặt hạn chế nhất định, cụ thể:

- Vì nội dung kiểm tra thường gắn với việc soạn giáo án, do đó chưa đánh giá được đúng năng lực sư phạm của sinh viên.

- Nội dung kiểm tra, đánh giá nặng về lý thuyết.

- Không rèn được kỹ năng sư phạm cho các em sinh viên.

Chính từ thực tế đó, đối với môn Phương pháp GDCD của cả khối Đại học GDCT và CĐSP Văn (Văn - GDCD) đòi hỏi cần đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực của các em sinh viên sư phạm từ việc chuyển từ thi viết tự luận sang thi giảng trên lớp.

Việc tổ chức thi giảng trên lớp sẽ góp phần kiểm tra, đánh giá chính xác và đầy đủ hơn về năng lực sư phạm của các em. Ngoài việc soạn giáo án, các em sẽ thể hiện được tất cả kỹ năng, kỹ xảo của mình trong quá trình thực hành trên lớp, qua đó giúp cho giáo viên đánh giá được những năng lưc sư phạm cần thiết trong quá trình giảng dạy như: tác phong, kỹ năng giảng, viết bảng, giải quyết các vấn đề của nội dung bài học, cách xử lí các tình huống sư phạm nảy sinh trong quá trình lên lớp.

Với cách kiểm tra, đánh giá như vậy, sẽ đòi hỏi các em sinh viên có ý thức tự giác và đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc học và vận dụng lý thuyết vào nội dung bài soạn sao cho hoàn thiện nhất. Trên cơ sở đó, các em tiến hành các buổi tự rèn luyện nghiệp vụ trên lớp dưới sự tham gia, góp ý của các bạn trong nhóm. Điều đó có tác dụng giúp các em biết được những ưu, nhược điểm của bản thân để điều chỉnh sao cho phù hợp trước khi các em bước vào thi, kiểm tra, đánh giá học phần Phương pháp giảng dạy vào cuối kỳ học.

Việc kiểm tra, đánh giá trên lớp đối với mỗi sinh viên bằng hình thức tổ chức thi giảng sẽ giúp giảng viên có được sự đánh giá khách quan nhất về sinh viên của mình. Tuy nhiên, việc tổ chức thi giảng sẽ đòi hỏi sự đầu tư công phu của giáo viên và cả sinh viên. Nhất là vấn đề bố trí, sắp xếp thời gian. Trong khi sĩ số của các lớp đại học, cao đẳng hiện nay là rất đông, việc tổ chức thi giảng sẽ diễn ra trong nhiều ngày mới có thể đánh giá được hết số sinh viên trong lớp.

Nhìn chung, việc tổ chức thi giảng hiện nay là việc cần thiết và có tính cấp bách trước thực trạng sinh viên đang có chiều hướng yếu đi về năng lực sư phạm, điều này được phản ảnh rất rõ từ kết quả các em đi rèn luyện nghiệp vụ thường xuyên, đi kiến, thực tập sư phạm ở phổ thông. Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta cần có những bước đột phá, từ trong khâu dạy, rèn luyện thực hành và khâu kiểm tra đánh giá.

 

Nâng cao năng lực sư phạm cho sinh viên chuyên ngành là một việc làm hết sức quan trọng, đòi hỏi mỗi giảng viên chúng ta cần cố gắng, nỗ lực trong từng nội dung, từng học phần giảng dạy, kết hợp với các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Và mục tiêu cuối cùng là trang bị cho các em sinh viên sư phạm những năng lực cần thiết để các em vững tin trước khi bước vào nhà trường phổ thông.