MỘT SỐ KINH NGHIỆM ÔN VÀ LÀM BÀI THI HIỆU QUẢ

 

ThS. Nguyễn Thị Hương

Với một lượng kiến thức lớn của nhiều môn học mà thời gian thi đang đến rất gần kề liệu các bạn sinh viên đã có phương pháp ôn thi hiệu quả, phương pháp làm bài thi đạt kết quả cao hay chưa? Tôi xin chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm ôn thi được tổng kết từ chính quá trình học tập và rèn luyện song song hai bằng đại học của tôi dưới mái trường đại học Sư phạm Hà Nội.

I. KINH NGHIỆM ÔN THI

1.     Lập kế hoạch cá nhân

Bạn hãy lập cho mình một thời khóa biểu phù hợp trước khi thi ít nhất là 1 tháng. Đừng để còn vài ngày nữa là đến ngày thi mới lên kế hoạch ôn tập bạn sẽ không thể nhồi nhét vào đầu khối lượng kiến thức lớn của nhiều môn học chỉ trong vài ngày.

Viết cụ thể những môn thi và ngày thi để lên kế hoạch ôn luyện hàng ngày. Đồng thời biết cách cân bằng thời gian và tâm trí của mình đối với từng môn học, nhất là khi bạn muốn dành những khung thời gian học khác nhau cho mỗi môn học (môn nào thi trước nên tập trung ôn trước).

Với cá nhân tôi khi học ĐH, mỗi buổi ôn tôi luôn dành thời gian đầu cho những môn mà tôi thấy khó hiểu, khó nhớ nhất (vì đây là lúc bộ não tập trung cao độ nhất) khoảng thời gian cuối buổi khi cảm thấy bắt đầu mệt tôi chuyển sang học các môn dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc nhất (VD: Tiếng Anh, Âm nhạc,…)

2. Sắp xếp lại không gian học tập

Bạn nên sắp xếp không gian học tập sạch sẽ, gọn gàng, có thể cắm một vài bông hoa nơi bàn học. Khi ôn tập căng thẳng những bông hoa đó có thể sẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn. Các bạn cũng nên sắp xếp giáo trình theo từng môn học để có thể tìm thấy sách ngay khi bạn cần đến. Với tôi sách là bạn – người bạn chân thành nhất - nên tôi luôn nâng niu những cuốn sách của mình đặc biệt là vở ghi tôi trình bày rất cẩn thận, sạch đẹp (môn học càng khó hiểu thì càng phải ghi chép cẩn thận) khi ôn thi cầm đến sách vở ghi rõ ràng dễ hiểu sẽ dễ hệ thống lại kiến thức, dễ nhớ hơn.

3. Tự học tự làm đề cương ôn thi bám sát kiến thức trọng tâm, lập sơ đồ tư duy, ôn đến đâu chắc đến đó là phương pháp ôn thi hiệu quả nhất

Tự học, tự làm đề cương ôn tập từng môn là cách rèn luyện tư duy độc lập, nâng cao hiệu quả học tập, làm giàu tri thức cho bản thân. Tránh việc photocopy đề cương của các bạn khác có những từ các bạn viết tắt mình không hiểu đúng dẫn đến khi làm bài thi bị sai hay bạn làm sai mình cũng làm sai theo bạn.

Không chỉ tự mình làm đề cương chi tiết mà các bạn còn phải lập sơ đồ tư duy khái quát nội dung từng bài, từng câu trong đề cương ôn tập. Bạn hãy viết tất cả mọi nội dung bạn cần biết về vấn đề mình đang ôn tập bằng những ý chính ngắn gọn, súc tích nhất. Nắm chắc kiến thức cơ bản là một bí quyết ôn thi hiệu quả để triển khai đề cương ôn tập kiến thức đúng với trọng tâm, không lan man, ôm đồm, quá tải. Sách giáo trình chính là tài liệu phục vụ ôn thi tốt nhất.

Với tôi mỗi môn thi tôi đều làm 3 lần đề cương: 1 đề cương viết chi tiết trên giấy A4, 1 đề cương vẽ theo sơ đồ tư tuy, 1 đề cương thu nhỏ (không phải để làm phao thi mà để tôi có thể bỏ túi mang đi bất cứ nơi đâu trong suốt khoảng hơn 1 tháng ôn tập rảnh lúc nào tranh thủ giở ra xem ngay được).

Trong quá trình ôn tập cần chú ý hệ thống lại phần kiến thức đã học sao cho “ôn đến đâu chắc đến đó”. Phần nào vừa sức với mình thì ôn thật kĩ. Có ôn như vậy, khi đi thi sẽ giúp các bạn cảm thấy tự tin và khi thi xong cũng không lo lắng, phân vân.

4. Luyện các đề thi của khóa trước

Đề thi chứa các nội dung kiến thức đầy đủ và tổng quát nhất, vì vậy luyện đề thi của các khóa trước là rất quan trọng. Bạn không những nắm được các kiến thức đã học, bổ sung những kiến thức còn thiếu mà còn nắm bắt được các thủ thuật làm bài thi sao cho nhanh và chính xác nhất. Đây cũng là cách rèn luyện sự tự tin trước mỗi kỳ thi.

5. Học ôn theo nhóm

Bên cạnh việc tự ôn một mình cuối mỗi buổi bạn hãy dành một chút thời gian học nhóm với nhóm bạn cùng lớp, các bạn sẽ có điều kiện để cùng ôn bài, tự hỏi – tự trả lời cho nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Ngày học đại học tôi và các bạn cùng phòng kí túc thường cùng ôn với nhau đặc biệt với những môn thi vấn đáp chúng tôi thường đóng vai thầy cô đưa ra những câu hỏi xung quanh nội dung môn học để cùng tư duy và tìm ra cách trả lời tốt nhất. Với tôi các bài thi vấn đáp là các bài tôi thường đạt điểm cao nhất nhờ cách ôn này (ngoài ra còn cần thêm sự tự tin, thoải mái, logic khi trả lời câu hỏi).

6. Cân đối thời gian học và nghỉ ngơi một cách hợp lý

Theo thống kê mỗi năm có hàng nghìn thanh niên Việt Nam tự tử vì áp lực học hành (bài báoMỗi năm hàng nghìn thanh niên Việt Nam tự tử vì áp lực học hành 06:30 19/04/2018 Zing.vn). Chắc hẳn các bạn cũng không muốn mình rơi vào hoàn cảnh đó hay đơn giản là bị stress vì áp lực thi cử. Vậy các bạn cần làm gì để không bị căng thẳng?

Bạn đừng bắt mình ngồi ôm quyển sách 24/24 giờ một ngày. Nghỉ ngơi cũng là một cách cho não bạn tái tạo khả năng làm việc và xua tan căng thẳng, mệt mỏi. Khoảng thời gian bộ não ta làm việc tốt nhất đó là 5h-6h, 7h30-10h30, 14h-16h30, 20h-22h. Lúc đó là lúc bộ não ta “hưng phấn” và học vào nhất. Hãy tập trung tinh thần, công lực bộ não mình vào những khung giờ đó. Học tầm 45-50 phút thì nên nghỉ ngơi, giải lao khoảng 5 phút sẽ tốt hơn (tốt nhất là bước ra ngoài hít thở khí trời ngắm cảnh một chút giúp cơ thể tổng hợp vitamin D là vi chất có ích cho não bộ của bạn làm việc hoàn hảo). Chú ý không nên học ngay sau khi vừa ăn xong.

Trước ngày thi, không ít người “chong đèn” học suốt đêm, cố gắng nhồi nhét kiến thức vào đầu. Điều này không hề giúp ta nâng cao điểm số, ngược lại làm tinh thần ta càng mệt mỏi, căng thẳng, không có khả năng tập trung để làm bài. Tại thời điểm này, thư giãn nhẹ nhàng sau đó đi ngủ sớm là điều tốt nhất bạn nên làm. Tôi từng học cùng lúc 2 bằng đại học nhưng chưa bao giờ tôi ôn thi quá 23h.

Một bí quyết nhỏ từ thời còn đang học cấp THCS đến nay là trước lúc đi ngủ, tôi thường dành một chút thời gian nhẩm lại kiến thức mà mình vừa học trong đầu để xem thử mình đã học được bao nhiêu phần trăm. Cố gắng ghi nhớ những chi tiết chính, vạch ra các ý lớn trong từng bài. Phần kiến thức nào nhớ chưa rõ thì sẽ ôn ngay trong buổi tiếp theo.

Thay đổi không gian học tập cũng là một cách khiến tôi cảm thấy vừa học vừa được thư giãn. Thời gian ôn chính của tôi là trên thư viện nhưng đôi khi tôi chọn cho mình cách tìm một không gian yên tĩnh dưới một gốc cây to nào đó và mang theo một tờ giấy báo để ngồi ôn vừa học vừa hòa mình vào thiên nhiên khiến tôi cảm thấy việc khắc ghi kiến thức trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Sau mỗi buổi thi tôi thường tự thưởng cho mình một vài tiếng đi chơi đâu đó (VD: thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, đạp xe ra Hồ Gươm ăn kem,…) hoặc đi thăm các bạn đồng hương Sơn La giúp tôi cảm thấy cân bằng hơn sau những giờ học ôn căng thẳng và tôi như được tiếp thêm năng lượng dành cho những môn thi tiếp theo.

7. Ăn uống đầy đủ

Ăn đủ chất sẽ giúp bạn duy trì vóc dáng cân đối cũng như cung cấp dưỡng chất quan trọng cho não bộ hoạt động. Kể cả trong khi bạn ngồi học, cơ thể bạn vẫn cần được cung cấp năng lượng, nên không có lý do gì mà quên bồi dưỡng cho mình những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: thịt, cá, trứng, sữa chua và hoa quả. Với tôi một chút bánh ngọt giúp tôi minh mẫn hơn nên khi ôn thi tôi hay có bánh gấu bên mình. Thi thoảng căng thẳng tôi lại ăn một chiếc bánh nhỏ xinh khiến tôi cảm thấy mọi thứ trở nên ngọt ngào hơn, thư giãn hơn.

Bên cạnh việc ăn đầy đủ cho não bộ làm việc tốt nhất thì bạn cũng đừng quên uống nước thường xuyên, đặc biệt là khi kỳ thi của bạn rơi vào những ngày hè nắng nóng oi ả.

8. Suy nghĩ tích cực

Không nên quá lo lắng hay có những cảm xúc tiêu cực trước và trong quá trình ôn tập. Thay vì cứ rối tung rối mù thì bạn hãy bình tâm, tự sắp xếp lại thời gian, sách vở và lên kế hoạch ôn thi cho mình ngay lập tức. Những lo lắng, bối rối thái quá không những có thể tác động xấu đến việc học mà còn có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý làm bài của bạn.

II. KINH NGHIỆM GIÚP NGÀY THI ĐẠT KẾT QUẢ TỐT NHẤT

1. Đến nơi thi sớm    

Bạn nên đến nơi thi sớm, tìm phòng thi, vị trí ngồi và làm quen với môi trường xung quanh. Điều này sẽ giúp bạn ổn định tâm lý, tránh được trạng thái căng thẳng, hồi hộp.

2. Chuẩn bị sẵn những thứ cần thiết

Hãy chuẩn bị đầy đủ những thứ bạn cần dùng trong bài thi và chắc chắn đó là những thứ bạn được phép mang theo vào phòng thi. Bút viết (bạn nên mang ít nhất hai cây đề phòng hết mực), bút chì, thước kẻ, giấy nháp thi, thẻ sinh viên,… Hãy chuẩn bị sẵn mọi thứ vào tối hôm trước và để sẵn trong túi.

3. Đừng rời phòng thi khi chưa hết thời gian

Bạn hãy ngồi yên tại vị trí giám thị đã sắp xếp trong suốt buổi thi. Thậm chí, nếu bạn đã làm xong bài, bạn có thể ngồi yên cho đến cuối buổi thi. Nếu bạn nộp bài sớm rất có thể bạn sẽ nghĩ ra một ý hay, một vài điểm chưa chắc chắn,… sau khi đã rời phòng thi. Thời gian thi là rất ít so với quá trình học vì vậy bạn đừng lãng phí nó. Hãy đảm bảo rằng bạn chỉ rời phòng thi khi đã hết thời gian.

4. Tập trung làm bài

Bạn hãy tập trung để làm bài, đừng bận tâm tới những người xung quanh và những việc họ làm. Bạn hãy đọc kĩ những hướng dẫn, phân chia thời gian làm bài một cách khôn ngoan và hãy làm trước những câu hỏi mà bạn tự tin nhất. Bạn hãy cố gắng trả lời hết các câu hỏi và đừng quá tập trung vào bất cứ câu hỏi nào. Hãy cân nhắc giữa điểm số của câu hỏi và thời gian làm bài (câu hỏi có số điểm càng cao càng cần dành nhiều thời gian trình bày, phân tích kĩ).

5. Tuyệt đối không gian lận trong thi cử

Giở tài liệu, nhòm ngó bài, hỏi bài những thí sinh khác,… điều đó sẽ làm bạn mất rất nhiều thời gian và nguy cơ bị lập biên bản ảnh hưởng đến kết quả bài thi (bị trừ 25%, 50% thậm chí 100% kết quả bài thi tùy theo mức độ vi phạm), điểm rèn luyện, cơ hội xét kết nạp vào Đảng Cộng sản việt Nam...

Thay vì phải canh chừng giám thị và phấp phỏng chờ sự cầu cứu bạn hãy tập trung vào làm bài. Ít nhất bài thi đó cũng đánh giá năng lực thật sự của bạn. Đó là động lực thúc đẩy bạn chuẩn bị tốt hơn cho kì thi tiếp theo. Hơn nữa các bạn là những sinh viên sư phạm hãy nghiêm khắc với bản thân để rèn cho mình tư cách dạy học trò sau này.

Trên đây là một vài bí quyết cơ bản rút ra từ quá trình học tập của tôi hy vọng các bạn có thể áp dụng trong quá trình ôn và trong những ngày thi để đạt kết quả tốt nhất. Chúc các bạn thành công với kì thi đang đến rất gần và cả những kì thi tiếp theo.

 

KẾT QUẢ 4 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 25-CT/TU CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY SƠN LA

 

ThS. Nguyễn Thị Hương

Khoa Lý luận Chính trị - Trường Đại học Tây Bắc

Thực hiện tiến độ hợp đồng đề án khoa học và công nghệ cấp tỉnh số 20/HĐ-KHCN ngày 10 tháng 8 năm 2016 giữa Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La với Trường Đại học Tây Bắcvào hồi 8h00đến 11h 30ngày 26 tháng 11 năm 2017 tại trường Đại học Tây Bắcđã diễn ra Hội thảo khoa học Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp tăng cường thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La”. Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học về các nội dung của đề tài. Với vai trò một thành viên tham dự hội thảo, tôi đặc biệt ấn tượng với tham luận của đồng chí Vũ Thị Hoa - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng TT-BC-XB, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La - về quá trình hình thành, nội dung, ý nghĩa của Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La. Sau đây tôi xin trích một phần bản tham luận của đồng chí Vũ Thị Hoa - nội dung mà theo cá nhân tôi đánh giá là nội dung nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm đó là kết quả sau gần 4 năm thực hiện Chỉ thị này.

 

 

 

Tỉnh Sơn La với đặc điểm là một tỉnh miền núi, biên giới, hầu hết là các bản đặc biệt khó khăn, là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư thưa thớt, phân tán; trình độ dân trí nhìn chung còn thấp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn khó khăn.Để tạo bước đột phá và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ tỉnh ủy thành lập Đoàn công tác trao đổi, học tập tại một số tỉnh, thành phố đã có nhiều sáng tạo trong triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, như: tỉnh Bình Thuận; Bà Rịa - Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh; Thành uỷ Hà Nội; Hà Tĩnh; Khánh Hoà; Quảng trị. Sau quá trình học tập và rút kinh nghiệm, ngày 18 tháng 12 năm 2013 Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU "về nêu cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức".

Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La đề cập đến các nội dung:một là, đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong. Hai là, quy định cụ thể trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, theo đó đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan và cán bộ chủ chốt các cấp phải là người gương mẫu thực hiện; tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên và phải chịu trách nhiệm theo quy định nếu để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm.Ba là, quy định trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp theo đó: Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước, phát huy cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp để tạo sự lan tỏa và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp.Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tổ chức quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; cụ thể hoá vào quy định của cơ quan, đơn vị;đưa vào đánh giá chất lượng hằng năm của tập thể và cá nhân; vận động nhân dân hưởng ứng và cùng thực hiện; chỉ đạo sơ kết, tổng kết, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm.

Sau gần 4 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 18/12/2013 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ, nhìn chung trên địa bàn tỉnh công tác cán bộ bước đầu đi vào nề nếp, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Việc triển khai thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, rèn luyện tác phong, nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động thực hiện tốt các công việc được giao theo chức năng, nhiệm vụ; chấp hành nghiêm thời gian làm việc, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc; sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc theo quy định; không đi muộn, về sớm, không sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng.Để đảm bảo thực hiện tốt thời gian làm việc nhiều đơn vị đã quy định cụ thể giờ làm việc của các cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đã nêu cao ý thức gương mẫu chấp hành nghiêm thời gian làm việc theo quy định.Chấp hành tốt việc không uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc, đặc biệt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã gương mẫu thực hiện,tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Các hội nghị do cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở tổ chức đều thực hiện không uống rượu, bia để đảm bảo thời gian làm việc vào các buổi làm việc, các hội nghị tổ chức vào buổi sáng thì không tổ chức ăn cơm hoặc tổ chức ăn cơm không uống rượu. Đối với các hội nghị tổ chức ăn cơm thì các cơ quan, đơn vị sắp xếp tổ chức vào buổi tối nhưng đảm bảo thời gian không ảnh hưởng đến công việc ngày hôm sau.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều cấp ủy đã có sự sáng tạo như: “Ban Thường vụ huyện ủy Sông Mã chỉ đạo Ban Tuyên giáo huyện ủy xây dựng đề cương báo cáo định kỳ việc thực hiện Chỉ thị để cơ sở thực hiện đồng bộ; Ban Thường vụ huyện ủy Mộc Châu chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong huyện lập sổ nhật ký theo dõi công việc đối với từng cá nhân, thực hiện chế độ hội ý đầu tuần của thủ trưởng các cơ quan đơn vị, rà soát tiến độ giải quyết công việc; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã có công văn yêu cầu các cấp uỷ quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, trong đó, nêu rõ tên đơn vị vi phạm Chỉ thị để nhắc nhở chung trong toàn Đảng bộ; Ban Thường vụ huyện ủy Mai Sơn chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc đăng ký xây dựng mô hình điểm với nhiều loại hình phong phú, thiết thực như: Đảng ủy xã Chiềng Chung với mô hình “Chấp hành giờ giấc làm việc nơi công sở”...

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức chưa chấp hành nghiêm thời giờ làm việc theo quy định; hiệu quả, chất lượng giải quyết một số công việc ở một số ngành còn thấp. Vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên và người đứng đầu các cấp vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước, làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi dự đám cưới, đi tiếp khách, đi công tác cơ sở… còn uống rượu vào buổi trưa. Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ ở cơ sở và việc phản ánh kết quả thực hiện Chỉ thị của các cơ quan báo chí còn ít, chưa thường xuyên...

Để thực hiện tốt Chỉ thị 25-CT/TU, trong thời gian tiếp theo các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở phát huy tính chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để thực hiện nghiêm Chỉ thị và các văn bản quy định, hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các Ban tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ. Tăng cường đôn đốc, nhắc nhở và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị, kịp thời biểu dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm Chỉ thị. Tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, nắm bắt kết quả thực hiện Chỉ thị tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

  Nhìn nhận lại một cách khách quan chúng ta có thể thấy rằng việc ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ tỉnh uỷ là một chủ trương đúng, tạo được sự thống nhất và đồng thuận cao trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc nhằm tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, đây là một nội dung được Ban Thường vụ tỉnh ủy đưa vào để kiểm điểm, đánh giá kết quả chất lượng cán bộ, đảng viên hàng năm.

 

Tài liệu tham khảo: Tham luận của đồng chí Vũ Thị Hoa - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng TT-BC-XB, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La - về quá trình hình thành, nội dung, ý nghĩa của Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La tại Hội thảo khoa học Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp tăng cường thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La”

LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH

 

Giang Quỳnh Hương

(Sưu Tầm)

 

    Mùa xuân năm 1931, từ ngày 20 đến ngày 26/3, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Trước sự phát triển lớn mạnh của Đoàn trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, ở nước ta xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên và một số địa phương đã hình thành tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến cơ sở.

    Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với cách mạng nước ta; đồng thời, phản ánh công lao trời biển của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính yêu - Người đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn. Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 - 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hàng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.

    Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:

       •    Từ 1931 - 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương

       •    Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương

       •    Từ 11/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương

       •    Từ 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam

      •    Từ 25/10/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam

      •    Từ 2/1970 - 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh

      •    Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

    Những thế hệ thanh niên kế tiếp nhau đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì chủ nghĩa xã hội đã liên tiếp lập nên những chiến công xuất sắc và trưởng thành vượt bậc.

 

 

                                            Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

     * LỊCH SỬ TÊN GỌI CỦA ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH

     Mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có những hình thức đấu tranh và những nhiệm vụ đặt lên hàng đầu khác nhau. Với mỗi giai đoạn, tên gọi của Đoàn đã được thay đổi.

     1.Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương

Tháng 5/1935, Mặt trận Nhân dân Pháp được thành lập và sau đó giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6/1936. Chính phủ phái tả lên cầm quyền ở Pháp. Căn cứ diễn biến tình hình thế giới và trong nước, tháng 7/1936, Hội nghị T.Ư Đảng đã định ra đường lối, phương pháp tổ chức và đấu tranh cách mạng trong thời kỳ mới.

Nhiệm vụ của Đảng và nhân dân ta lúc này là tập trung mũi nhọn đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống. Vì vậy, Đảng chủ trương lập Mặt trận Nhân dân Phản đế sau đổi thành mặt trận Thống nhất Dân chủ. Hội nghị BCH T.Ư Đảng họp tháng 7/1936 đã ra những quyết định quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động TN. Theo đó, trong thời kỳ cách mạng từ giữa năm 1936 đến mùa thu năm 1939, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương mang tên Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương phù hợp với nhiệm vụ chính trị qua các nghị quyết của Đảng như trên đã nêu. Đoàn Thanh niên Dân chủ hoạt động công khai, có cơ quan báo chí riêng, đó là các tờ “Bạn dân”, “Thế giới”, “Mới” phát hành ở cả ba miền đất nước. Đoàn đã xây dựng đội ngũ của mình gồm hàng vạn đoàn viên, đấu tranh kiên cường dưới ngọn cờ của Đảng, tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (1931 – 1935).

Ngoài việc phát hành báo, tổ chức Đoàn còn lập các Hội đọc sách, Hội văn nghệ, Hội thể thao, đặc biệt là hình thành các nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Nhiều tác phẩm chính trị, văn học của C.Mác. F.Angghen, V.I.Lênin, Goocki… như: “Tuyên ngôn Đảng cộng sản”, “Tư bản”, “Nhà nước là gì?”, “Người mẹ”… cũng như các cuốn sách do các chiến sĩ cộng sản Việt Nam viết như: “Vấn đề dân cầy” của Qua Ninh và Vân Đình, “Mác xít phổ thông” của Hải Triều và Thơ Tố Hữu được đông đảo đoàn viên, thanh niên hân hoan đón đọc.

Được sự quan tâm của các Xứ ủy Đảng, phong trào TN và tổ chức Đoàn được củng cố, phát triển sâu rộng, có hệ thống từ cơ sở lên đến tỉnh, thành và xứ.

 

 

Tuy nhiên, đến tháng 9/1939, đại chiến thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Thực dân Pháp thẳng tay thi hành chính sách đàn áp, khủng bố phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân và TN ta. Tổ chức Đoàn phải trở lại hoạt động bí mật.

     2. Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương

Tháng 11/1939, T.Ư Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). NQ Hội nghị nhấn mạnh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của CMGP dân tộc, là nhiệm vụ hàng đầu của CM Đông Dương. Hội nghị chủ trương lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các giai cấp và dân tộc ở Đông Dương để đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai của chúng.

Theo chủ trương của Đảng, Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương mang tên mới là Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của các tổ chức TNCS và TNDC trước đây. Đoàn đã xây dựng được cơ sở ở nông thôn, trong nhà máy và các trường học. Trong tình hình mới, tổ chức Đoàn hoạt động bí mật và được tổ chức chặt chẽ. Những ĐVTN Dân chủ được thử thách, lựa chọn và chuyển thành ĐVTN Phản đế, các hội viên TN trong các tổ chức TN phổ thông được giao những công tác thích hợp để thử thách bồi dưỡng.

Tháng 9/1940, Phát xít Nhật xâm lược Đông Dương. Từ đây nhân dân Việt Nam một cổ hai tròng, bị hai kẻ thù là phát xít Nhật và thực dân Pháp cùng thống trị. Nhưng nhân dân Việt Nam và thế hệ thanh niên nước ta thời kỳ này không chịu khuất phục: Tháng 9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra; tháng 11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ với sự xuất hiện lần đầu tiên lá Cờ đỏ Sao Vàng; tháng 1/1941, nổ ra cuộc binh biến ở đồn Chợ Rạng và đồn Đô Lương.

Các tổ chức Đoàn TN Dân chủ sau đó là Đoàn Thanh niên Phản đế đã vận động thanh niên đi đầu trong các cuộc đấu tranh và khởi nghĩa vũ trang từng phần, báo hiệu một thời kỳ mới: chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

     3. Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam

 

 

Tháng 11/1940, Hội nghị TƯ Đảng lần thứ 7 họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) trong đó có phần nói về: “Vấn đề tổ chức các đoàn thể quần chúng”. Nghị quyết hội nghị ghi: “Vì chính sách của Đảng ta hiện tại là chính sách cứu quốc cho nên mục đích các hội quần chúng cũng xoay về việc cứu quốc là cốt yếu…… Việt Nam thanh niên Cứu quốc từ nay là đoàn thể của tất thảy thanh niên từ 18 đến 22 tuổi muốn tranh đấu đánh Pháp, đuổi Nhật”.

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc bí mật về nước để cùng Ban chấp hành TW Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta…

Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 của TƯ Đảng họp tại Pắc Bó (Cao Bằng) do Nguyễn ái Quốc, đại diện của Quốc tế cộng sản triệu tập và chủ trì. Hội nghị đã nêu một quyết tâm sắt đá: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp trâu ngựa, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Để tập hợp động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Pháp - Nhật, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh (Gọi tắt là Việt Minh) và các Hội cứu quốc, trong đó có: Đoàn Thanh niên Cứu quốc - Việt Nam - một tổ chức của những thanh niên yêu nước tiếp nối sự nghiệp của các tổ chức thanh niên do Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn ái Quốc sáng lập và lãnh đạo trước đó.

Hội nghị TƯ Đảng lần thứ 8 có ý nghĩa lịch sử to lớn. Hội nghị đã hoàn thành việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong thời kỳ mới. Hội nghị đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Đoàn TN Cứu quốc trong cao trào đấu tranh của giải phóng dân tộc. Trong suốt chặng đường dài từ 1941 – 1956, Đoàn TNCQ Việt Nam đã đóng góp to lớn, kể cả hy sinh xương máu, cùng dân tộc vùng dậy trong Cách mạng Tháng Tám, lập nên Nhà nước Dân chủ, cộng hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á. Tháng 2/1950, Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam được triệu tập tại căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Đây là Đại hội đại biểu toàn quốc đầu tiên của Đoàn, gồm trên 400 đại biểu của ba miền đất nước. Sau đó, Đoàn đã vận động đoàn viên, TN đi tiếp chặng đường hơn 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh góp phần xứng đáng làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc (7/1954), bắt tay xây dựng hậu phương lớn XHCN ở miền Bắc, chi viện cho cách mạng giải phóng miền Nam.

     4 - Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam

Tháng 7/1954, hòa bình đợc lập lại trên miền Bắc, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ Chính trị T.Ư Đảng trong phiên họp tháng 9/1954 đã chủ trơng đổi tên Đoàn TNCQ Việt Nam thành Đoàn TNLĐ Việt Nam và xây dựng Đoàn TNLĐ Việt Nam thành một tổ chức thực sự có tác dụng là lực lợng dự trữ và cánh tay của Đảng.

Quyết nghị có đoạn viết: “Đảng ta là Đảng Lao động Việt Nam. Việc Đoàn TNCQ Việt Nam đổi tên thành Đoàn TNLĐ Việt Nam sẽ làm cho thanh niên thêm phấn khởi, thêm gắn bó với Đảng và do đó càng quyết tâm phấn đấu đến cùng dới ngọn cờ của Đảng”.

Trong “Quyết nghị về đổi tên Đoàn TNCQ Việt Nam thành Đoàn TNLĐ Việt Nam và kế hoạch xây dựng Đoàn TNLĐ Việt Nam” (Ban Bí th T.Ư - ngày 19/10/1955) đã nêu rõ tính chất, nhiệm vụ, vấn đề tổ chức và kế hoạch xây dựng Đoàn TNLĐ Việt Nam.

Về tính chất của Đoàn TNLĐ Việt Nam, Quyết nghị nêu: “Đoàn TNLĐ Việt Nam là một tổ chức quần chúng tiên tiến của TN Việt Nam, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đoàn TNLĐ Việt Nam là trờng học của chủ nghĩa Mác-Lênin của thanh niên, là nơi bồi dỡng lực lợng dự trữ của Đảng, là cánh tay thực hiện mọi chính sách của Đảng”. Quyết nghị của Đảng đã vạch rõ nhiệm vụ của Đoàn trong thời kỳ mới và đề ra kế hoạch xây dựng Đoàn là:

 

1. Đảm bảo tính chất tiên tiến của Đoàn… Không kết nạp ồ ạt và tập thể. Nơi nào chưa có đủ điều kiện đổi tên Đoàn thì chưa đổi.

2. Làm cho ĐVTN có một nhận thức đúng đắn về Đoàn TNLĐ Việt Nam. Việc kết nạp đoàn viên hoặc đổi tên Đoàn phải trên cơ sở tự nguyện, tự giác của TN.

3. Kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện những nhiệm vụ công tác chính trớc mắt do Đảng đề ra… Việc xây dựng Đoàn TNLĐ Việt Nam cần làm một cách có lãnh đạo và có kế hoạch cụ thể cho từng vùng…”.

Quyết nghị nêu kết luận: “Việc đổi tên Đoàn TNCQ Việt Nam thành Đoàn TNLĐ Việt Nam là một việc rất quan trọng có ảnh hởng đến việc xây dựng một phong trào thanh niên lớn mạnh trong toàn quốc, đến việc phát triển cơ sở Đảng trong quần chúng lao động và việc hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng hiện nay. Các cấp ủy Đảng cần nắm vững đờng lối vận động thanh niên của Đảng, trực tiếp lãnh đạo thực hiện nghị quyết này”.

     5 - Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người sáng lập rèn luyện Đoàn ta qua đời. Toàn thể cán bộ, ĐVTN và đội viên thiếu niên, nhi đồng nước ta vĩnh biệt Người với nỗi xót thương vô hạn. Bác Hồ và Đảng đã coi sự trưởng thành của lớp thanh niên nước ta là một trong những thành quả vĩ đại của cách mạng, có quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mai sau.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, đáp ứng nguyện vọng của thế hệ trẻ và theo đề nghị của Đoàn TNLĐ Việt Nam, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/1970), BCH T.Ư Đảng đã ra Nghị quyết cho Đoàn Thanh niên và đội thiếu niên, Đội Nhi đồng được mang tên Bác.

Nghị quyết nêu rõ: “… Thể theo nguyện vọng của thế hệ trẻ nước ta và đề nghị của Đoàn TNLĐ Việt Nam”. BCH T.Ư Đảng Lao động Việt Nam Quyết định:

- Đoàn TNLĐ Việt Nam nay là Đoàn TNLĐ Hồ Chí Minh

- Đội TNTP Việt Nam nay là Đội TNTP Hồ Chí Minh

- Đội Nhi đồng Việt Nam nay là Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh

Tổ chức Đoàn và tổ chức đội được mang tên Bác là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm nặng nề trước Tổ quốc và nhân dân. Đoàn ta được mang tên Bác Hồ càng làm rõ mục đích và tính chất của Đoàn là đội tiên phong chiến đấu của TN, đi đầu phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao cả của Đảng và Bác Hồ là độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

     6. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Tháng 4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngày 26/3/1976, Lễ kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đoàn đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Tại Lễ kỷ niệm này, tổ chức Đoàn trong cả nước đã thống nhất mang tên chung là Đoàn Thanh Niên Lao động Hồ Chí Minh.

Đại hội lần thứ IV của Đảng họp từ ngày 14 đến 20/12/1976 tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đổi tên đảng Lao động Việt Nam (2-1951) thành Đảng Cộng Sản Việt Nam và thể theo nguyện vọng của cán bộ, ĐVTN cả nước, Đại hội Đảng lần thứ IV đã quyết định đổi tên Đoàn TNLĐ Hồ Chí Minh (1970) thành: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Đại hội Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh niên trong giai đoạn mới là: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải được xây dựng và củng cố vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là trường học CSCN của lớp người trẻ tuổi, là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng”.

Được mang tên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là vinh dự và tự hào lớn của toàn thể cán bộ đoàn viên nước ta.

 

 

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

 

 

                                                                        ThS. NGUYỄN THỊ LINH HUYỀN

1. Đặt vấn đề

         Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương tăng cường giáo dục pháp luật trong nhà trường thông qua các chương trình môn học, giáo trình, tài liệu giảng dạy Pháp luật đảm bảo đúng tinh thần và nội dung của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Vì vậy,Pháp luật đại cương là môn học quan trọng trong chương trình đào tạo đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trong đề cương chương trình chung và đã được đưa vào giảng dạy chính thức tại các trường trên cả nước. Do đó, đổi mới phương pháp trong dạy học môn Pháp luật đại cương theo tín chỉ là yêu cầu cần thiết ở các trường Đại học nói chung, Trường Đại học Tây Bắc nói riêng.

          Pháp luật đại cương là môn học cung cấp cho sinh viên (SV) những kiến thức cơ bản nhất về Nhà nước và pháp luật, các ngành Luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh trang bị những kiến thức cơ bản cho SV về pháp luật, môn học còn xây dựng ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”cho mỗi cá nhân. Trên cơ sở đó giúp họ hình thành ý thức và thói quen xử sự phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, môn Pháp luật đại cương còn giúp SV có điều kiện dễ tiếp thu kiến thức với các môn học khác có liên quan đến pháp luật, vì đây là những kiến thức có tính chất đại cương, nền tảng về Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Vì vậy, nâng cao hiệu quả dạy học môn Pháp luật đại cương cho SV nhà trường là nhiệm vụ rất quan trọng , bởi đây chính là mục tiêu mà người dạy cần hướng tới.

       2. Thực trạng dạy học môn Pháp luật đại cương theo hệ thống tín chỉ ở trường Đại học Tây Bắc

         Việc chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ là bước chuyển tất yếu khách quan của nhà trường và cả hệ thống giáo dục đào tạo đại học ở Việt Nam theo xu thế hội nhập quốc tế. Với chương trình đào tạo theo tín chỉ, mỗi SV cần ý thức rõ yếu tố tự học, tự nghiên cứu là quan trọng nhất, thời lượng chương trình sẽ bị rút ngắn (mặc dù chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ, song dung lượng tri thức ở từng môn học hầu như không đổi), thời gian còn lại để SV có thời gian tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Song do hạn chế thời lượng lên lớp, GV không có quỹ thời gian trên lớp để tiếp xúc, hướng dẫn, trao đổi, giải đáp những vướng mắc khi SV gặp phải nên đây cũng là trở ngại trong dạy học môn Pháp luật đại cương.

   Về phía SV, chuyển đổi sang học theo tín chỉ là tạo sự chủ động cho SV. Trên thực tế, trong những năm gần đây  chất lượng đầu vào của SV còn thấp, số lượng SV Lào lại tăng lên cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là rào cản về ngôn ngữ đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả môn học chưa cao, một bộ phận không nhỏ SV nhà trường chưa thật sự chủ động trong học tập do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các giảng viên đều đã vận dụng kết hợp nhiều phương pháp dạy học, trong đó có phương pháp dạy học truyền thống (phương pháp thuyết trình) và phương pháp dạy học tích cực (phương pháp đàm thoại, phương pháp nêu vấn đề, phương pháp thảo luận nhóm, trực quan hình ảnh, hướng dẫn tự học,...). Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực chưa đạt kết quả như mong muốn do thiếu sự hợp tác của sinh viên, cụ thể là phần lớn sinh viên nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của tự học, ít đọc tài liệu, lười tư duy, ngại phát biểu, học đối phó, một số không làm bài tập giảng viên giao, không quan tâm kết quả học tập. Với thực trạng đó dễ dẫn đến tình trạng giảng viên độc thoại, bài giảng đôi lúc còn thiếu sinh động, gây nhàm chán trong sinh viên. Thực tế này cho thấy, vai trò của GV dạy môn Pháp luật đại cương trong nhà trường là rất quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo hứng thú và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của SV.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học môn Pháp luật đại cương ở trường Đại học Tây  Bắc

        Để nâng cao hiệu quả trong dạy học môn Pháp luật đại cương theo hệ thống tín chỉ ở trường Đại học Tây Bắc cần kết hợp đồng bộ nhiều gải pháp như sau:

Thứ nhất, giảng viên phải thường xuyên trau dồi giáo án, bài giảng, rèn luyện kỹ năng kết hợp linh hoạt các phương pháp dạy học; không ngừng nâng cao tri thức chuyên môn, bổ sung tri thức thực tiễn để vận dụng vào nội dung dạy học. Bởi vì “Nội dung quyết định hình thức”, chỉ khi nào giảng viên vững vàng về tri thức chuyên môn, tri thức thực tiễn và kỹ năng sư phạm thì việc đổi mới và áp dụng nhiều phương pháp dạy học sẽ dễ dàng hơn và đạt kết quả cao hơn. Mặt khác, giờ lên lớp, giảng viên cần gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của sinh viên, tạo không khí thoải mái trong lớp học. Tuy nhiên, không nên quá dễ dãi, mà phải giữ vững kỹ cương, nề nếp.

Thứ hai, GV cần nắm vững những cơ sở khoa học của việc lựa chọn và sử dụng phương pháp dạy học thích hợp: Căn cứ vào mục tiêu bài dạy, căn cứ vào nội dung bài dạy, căn cứ vào các giai đoạn của quá trình nhận thức, căn cứ vào điều kiện vật chất của việc dạy học (Tài liệu, phương tiện dạy học, số lượng SV, thời gian, địa điểm...) và đặc biệt là căn cứ vào đối tượng SV để dạy học sát với đối tượng, bảo đảm tính vừa sức. Điều này đòi hỏi GV phải nắm vững trình độ, năng lực của SV về kiến thức, kỹ năng, đặc điểm tư duy, tâm –sinh lí lứa tuổi, về vốn kiến thức thực tế tích lũy được qua cuộc sống, thói quen trong học tập... Chỉ trên cơ sở đó, GV mới dự kiến sử dụng  Phương pháp dạy học nào để kích thích được nhu cầu và hứng thú khám phá, tiếp nhận tri thức của SV.

Thứ ba, nhận thức đúng về vai trò và sử dụng đúng đắn các hệ thống phương pháp trong dạy học Pháp luật đại cương như áp dụng các PPDH truyền thống (PP thuyết trình, PP vấn đáp) theo hướng đổi mới và áp dụng các PPDH tích cực khác ( PP thảo luận nhóm, PP nêu vấn đề, PP dự án...): GV tiếp tục sử dụng phương pháp thuyết trình vì đặc thù của các môn học mang tính giáo dục, nội dung trừu tượng đòi hỏi có sự phân tích, lý giải của giảng viên. Phương pháp thuyết trình là phương pháp tối ưu để giảng viên tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, tính nhân văn, nhân đạo cho sinh viên. Tuy nhiên, phương pháp thuyết trình cần được đổi mới bằng cách kết hợp chặt chẽ và linh hoạt với phương pháp vấn đáp và phương pháp nêu vấn đề, và phải tăng cường hướng dẫn sinh viên tự học để có thể chuyển từ việc giảng viên thuyết trình sang kết hợp cả giảng viên và sinh viên thuyết trình. SV thuyết trình những nội dung sẵn có trong giáo trình, hoặc về các chủ đề cần nhận thức và giải quyết trong thực tiễn. Tuy nhiên, để phát huy vai trò này của sinh viên, giảng viên phải có kế hoạch rõ ràng, giao nhiệm vụ và hướng dẫn sinh viên chuẩn bị trước theo từng nội dung, từng chủ đề, khuyến khích sinh viên xây dựng trên Power Point. Bằng phương pháp này buộc sinh viên vừa phải đọc tài liệu bộ môn, vừa sử dụng được công nghệ điện tử trong học tập, đồng thời qua đó mà rèn luyện được các kỹ năng nghiên cứu, tự học, trình bày lôgic, nói trước tập thể,...  

 GV có thể tăng cường sử dụng phương pháp vấn đáp - đàm thoại. Đây là phương pháp có tác dụng lớn trong việc kích thích tư duy, sáng tạo của sinh viên. Phương pháp này phải được sử dụng kết hợp chặt chẽ, linh hoạt với phương pháp thuyết trình, đặc biệt là thuyết trình của sinh viên. Sau khi sinh viên kết thúc nội dung bài thuyết trình, giảng viên cần phải có những câu hỏi chất vấn, hoặc khuyến khích các sinh viên khác đặt câu hỏi chất vấn để yêu cầu giải thích, làm rõ nội dung. Giảng viên là người hỗ trợ, phân tích, lý giải cuối cùng để giúp sinh viên làm rõ và đưa ra khẳng định cuối cùng vấn đề nhận thức đó. Hoặc, thành lập các nhóm và tổ chức, hướng dẫn cho sinh viên tự nghiên cứu từng nội dung trong giáo trình (theo tiến độ giảng dạy), yêu cầu sinh viên đặt ra những câu hỏi để hỏi các nhóm bạn, khuyến khích xây dựng các câu hỏi khó mà nội dung trả lời là kết quả của tư duy hay vận dụng trong thực tiễn. Mỗi câu hỏi được đưa ra thì người nêu câu hỏi phải biết nội dung trả lời để xác định câu trả lời của bạn là đúng hay sai. Tuy nhiên, giảng viên phải theo sát để đính chính các câu hỏi cũng như nội dung trả lời của sinh viên để đảm bảo tính chính xác, vì có những câu hỏi sinh viên nêu ra mà người nghe không thể hiểu hoặc đáp án không đúng. Để thực hiện phương pháp này có hiệu quả giảng viên cần tăng cường tổ chức và hướng dẫn cho sinh viên tự nghiên cứu trước khi lên lớp. Giờ lên lớp là lúc thực hiện kế hoạch và nhận xét, đánh giá kết quả. Bằng phương thức này, sinh viên sẽ nắm được kiến thức cơ bản từ giáo trình nhờ đọc tài liệu để đặt câu hỏi, vừa rèn luyện được tư duy và kỹ năng nói thông qua trả lời các câu hỏi.  

Thứ tư, phải tăng cường hiện thực hóa nội dung tri thức giáo trình để làm sinh động nội dung bài giảng, thu hút sự chú ý của sinh viên, tức là phải gắn lý luận khoa học với thực tiễn sinh động để giải thích, chứng minh, phải tăng cường đưa các vấn đề thực tiễn về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng vào từng nội dung dạy học. Để thực hiện giải pháp này, trước hết đòi hỏi giảng viên phải không ngừng bổ sung tri thức thực tiễn, thu thập các thông tin thực tiễn có liên quan đến bộ môn của mình để vận dụng, dẫn dắt sinh viên nhận thức và giải quyết các vấn đề đó. Thực hiện tốt phương pháp này sẽ làm cho bài giảng trở nên sinh động, sinh viên không bị nhàm chán, điều quan trọng là có tác dụng lớn trong việc nâng cao nhận thức đời sống thực tiễn cho sinh viên, kích thích tư duy của sinh viên trong việc nhận thức và giải thích các vấn đề thực tiễn đó.

Thứ năm, thành lập nhóm học tập ngay từ buổi đầu dạy học bộ môn và duy trì đến hết môn học. Mỗi nhóm chỉ 3 - 4 sinh viên và có nhóm trưởng (nếu có sinh viên mong muốn làm việc một mình thì khuyến khích họ). Giảng viên phải hướng dẫn cách thức tổ chức học nhóm, phân công nhiệm vụ và phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ quá trình học tập của các nhóm ngay tại lớp và tự học ở nhà. Không nên thành lập nhóm học tập quá đông vì sẽ dẫn đến hiện tượng nhiều sinh viên không tham gia làm việc nhóm nhưng lại được hưởng điểm như những sinh viên tích cực khác, điều này dẫn đến sự mất công bằng trong học tập.

 

Thứ sáu, đa dạng hóa hình thức lấy điểm kiểm tra định kỳ bằng cách kết hợp cả điểm kiểm tra tự luận với điểm vấn đáp, điểm thuyết trình kết quả tự học, học nhóm... tại lớp. Đồng thời, có chế độ thưởng và phạt điểm để vừa khuyến khích vừa buộc sinh viên phải học tập.

RÈN LUYỆN KỸ NĂNG GIAO TIẾP VÀ XỬ LÝ TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM LÀ YẾU TỐ CẦN THIẾT CHO SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ - TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

 

ThS Nguyễn Thị Linh Huyền

 

          Trong công tác đào tạo của bất cứ nghề gì cũng phải quan tâm đến vấn đề rèn luyện nghiệp vụ, bồi dưỡng tay nghề cho người học. Sự thành thạo, nhuần nhuyễn tay nghề là một yếu tố vô cũng quan trọng, làm tăng hiệu quả hoạt động trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định, vì “trăm nghe không bằng tay quen”.

Nghề dạy học là một trong những nghề đào tạo ra con người có đức, có tài, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

        Khác với một số nghề, đối tượng giáo dục của nghề dạy học là những con người có thế giới nội tâm phong phú, đa dạng về tình cảm, trí tuệ và nhân cách. Sự độc đáo về đối tượng hoạt động đã làm cho nghề dạy học trở lên phức tạp nhưng cũng rất quang vinh. Đúng như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý của xã hội xã hội chủ nghĩa. Các nghề trong chế độ ta đều sáng tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần… Nghề dạy học là nghề sáng tạo bậc nhất vì nó sáng tạo những con người sáng tạo”. Một GV giỏi không chỉ là người có chuyên môn tốt mà còn thành thạo những kĩ năng nghiệp vụ sư phạm NVSP. Thực tế cho thấy, đã không ít trường hợp SV tốt nghiệp loại giỏi, khá ở trường ta nhưng ra trường vẫn không đáp ứng được yêu cầu của công việc, chưa khẳng định được vị thế của mình trong nghề nghiệp và xã hội. Vì vậy, việc rèn luyện các kỹ năng sư phạm là một nội dung quan trọng  trong mục tiêu đào tạo của các trường SP. Tuy nhiên, trong phạm vi bài này tôi chỉ đề cập tới việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống sư phạm cho SV ngành GDCT ở trường ĐH Tây Bắc.  

1.     Kỹ năng giao tiếp sư phạm

         Giao tiếp sư phạm (GTSP) là điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách người thầy giáo và học sinh. Trong quá trình giao tiếp này người thầy sẽ truyền thụ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm của xã hội, bản thân....để học sinh tiếp thu và dần dần bồi dưỡng cho nhân cách phát triển tích cực. Bản thân người giáo viên khi trao đổi, chia sẻ với trò sẽ tự rút ra những phẩm chất cần bồi đắp thêm để hoàn thiện nhân cách, tâm lý cho chính mình. GTSP là quá trình tiếp xúc tâm lý, trong đó diễn ra sự trao đổi thông tin, cảm xúc, nhận thức và tác động, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, nhằm thiết lập nên những mối quan hệ giáo dục giữa các chủ thể liên quan đến quá trình giáo dục và giữa chủ thể giáo dục với đối tượng giáo dục để thực hiện mục đích giáo dục.     Các nguyên tắc trong giao tiếp sư phạm cần lưu ý là:

         Một là, nhân cách mẫu mực trong giao tiếp sư phạm: GV hàng ngày tiếp xúc với HS, mọi hành vi, cử chỉ, cách nói năng của thầy cô đều trực tiếp tác động vào HS. Do vậy, nhân cách của GV phải là nhân cách mẫu mực cho HS noi theo. Biểu hiện của nhân cách mẫu mực là: Sự mẫu mực về trang phục, hành vi cử chỉ, hành vi ngôn ngữ nói phải thống nhất; Thái độ phù hợp với các phản ứng hành vi; Sử dụng hành vi ngôn ngữ phong phú, phù hợp với tình huống, nội dung và đối tượng giao tiếp. Việc rèn luyện nhân cách mẫu mực tạo ra uy tín đảm bảo thành công trong giao tiếp sư phạm.

           Hai là, tôn trọng nhân cách trong giao tiếp:

          Trong giao tiếp coi học sinh là con người với đầy đủ các quyền được vui chơi, học tập, lao động, bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội.
Tôn trọng  nhân cách học sinh, có thể quan sát các biểu hiện: Biết lắng nghe học sinh trình bày ý muốn, nguyện vọng của mình, không nên ngắt lời học sinh; Biết thể hiện các phản ứng biểu cảm của mình một cách chân thành với HS; Không dùng từ ngữ, câu xúc phạm đến nhân cách học sinh;Tránh những hành vi bộc phát, ngẫu nhiên khi tiếp xúc với học sinh;Trang phục gọn gàng, sạch sẽ,... Tôn trọng nhân cách học sinh chính là tôn trọng nhân cách giáo viên.

          Ba là, có thiện chí trong giao tiếp:Nhiệm vụ của giáo viên là truyền đạt tri thức cho học sinh, với thiện chí của mình giáo viên đem hết tài năng, trí lực ra hướng dẫn học sinh.Thiện ý của giáo viên rõ nét nhất trong đánh giá, nhận xét học sinh khi làm bài. Trong trường hợp đặc biệt, giáo viên “tạm ứng niềm tin” để học sinh phấn đấu vươn lên. Thiện ý còn thể hiện trong việc giao công việc của  lớp cho HS. Đôi lúc giáo viên còn phải làm “trọng tài” phân xử việc mất sách giáo khoa, mất tiền,…những trường hợp này đòi hỏi giáo viên phải có hành vi  ứng xử hướng thiện và hành thiện. Giúp học sinh nhận thức rằng khi giáo viên trách phạt, phê bình, phạt lao động… đều xuất phát từ thiện ý tốt của  thầy cô vì sự trưởng thành nhân cách học sinh.

          Bốn là, đồng cảm trong giao tiếp: Nguyên tắc này được hiểu là giáo viên biết đặt vị trí mình vào vị trí học sinh trong quá trình giao tiếp sư phạm. Nhờ có sự đồng cảm, giáo viên mới có biện pháp giảng dạy, giáo dcó hiệu quả. Đồng cảm là cơ sở hình thành mọi hành vi ứng xử nhân hậu, độ lượng, khoan dung đối với học sinh.Ngược với sự đồng cảm là cách giải quyết cứng nhắc theo nội quy mà áp dụng. Để thực hiện hành vi ứng xử với học sinh theo nguyên tắc này giáo viên phải quan tâm, tìm hiểu, nắm vững hoàn cảnh gia đình các em.
         Các nguyên tắc giao tiếp sư phạm phân tích trên bao giờ cũng thống nhất, tác động qua lại biện chứng nhau. Những nguyên tắc này nhằm hoàn thiện nhân cách giáo viên góp phần xây dựng, phát triển nhân cách HS

2. Kỹ năng xử lý tình huống sư phạm

        Muốn trở thành một nhà sư phạm khéo léo, tinh tế trong ứng xử, thành công trong việc giáo dục học sinh, GV cần phải có hiểu biết và tôn trọng các nguyên tắc ứng xử sư phạm sau:

       Thứ nhất: Tìm để hiểu một cách toàn diện, sâu sắc về từng học sinh. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý, tính cách, sở thích, thói quen…của từng em để có biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng.

         Thứ hai: Luôn giữ được sự bình tĩnh cần thiết trước mỗi tình huống sư phạm. Bình tĩnh để tìm hiểu một cách cặn kẽ, thấu đáo nguyên nhân của mỗi tình huống để có cách xử lý đúng đắn, hợp tình, hợp lý. “Hiểu người để dẫn đạo người”, đó là phương phâm cao quý của lao động sư phạm.

          Thứ ba: Luôn có ý thức tôn trọng học sinh, kể cả những khi học sinh có vi phạm, lỗi lầm với bản thân nhà giáo. Hãy biết tự kiềm chế để không bao giờ có những lời nói, cử chỉ xúc phạm học trò. Ở tuổi này, lòng tự tôn của các em rất cao, “chỉ một lời nói nhục mạ sẽ làm tan nát tâm hồn con trẻ” (Xukhômsinxki).

         Thứ tư: Luôn đặt mình vào địa vị của học sinh, vào hoàn cảnh của các em, cố gắng nhớ lại bản thân mình khi ở tuổi như các em để hiểu và thấu cảm. Hãy rút ngắn “khoảng cách thế hệ”, gần gũi và cảm thông chân thành, bao dung và độ lượng.

        Thứ năm: Luôn biết khích lệ, biểu dương các em kịp thời. Đối với học sinh, thầy cô giáo nên ca ngợi những ưu điểm của họ nhiều hơn là phê bình khuyết điểm. Học sinh nào cũng thích được thầy cô giáo biểu dương, vì thế, chúng ta không nên tiết kiệm lời khen của mình. Hãy khen ngợi những ưu điểm, sở trường của các em để các em cảm thấy giá trị của mình được nâng cao, có hứng thú học tập. Nhưng cũng cần chú ý, trong khi khen cũng không quên chỉ ra những thiếu sót của học sinh để các em khắc phục, không ngừng tiến bộ.

           Thứ sáu: Luôn thể hiện niềm tin vào sự hướng thiện của các em. Ngay cả khi các em mắc sai lầm, cũng phải tìm ra những ưu điểm, những mặt tích cực chứ không nên phê phán nặng nề. Đó chính là chỗ dựa, là nguồn khích lệ cho học sinh có động lực phát triển.Góp ý với học sinh về những thiếu sót cụ thể,  việc làm cụ thể, với một thái độ chân thành và giàu yêu thương. Tuyệt đối không nêu những nhận xét chung chung có tính chất quy chụp và xúc phạm HS.

          Thứ bảy: Luôn thể hiện cho học sinh thấy tình cảm yêu thương của một người thấy với học trò. Theo quy luật phản hồi tâm lý, tình cảm của thầy trước sau cũng sẽ được đáp lại bằng tình cảm của trò. Dùng lòng nhân ái, đức vị tha giáo dục, cảm hóa học trò sẽ luôn đạt hiệu quả cao.Trong mỗi tình huống sư phạm, người GV cần phải bình tĩnh xem lại bản thân mình. “Nhân vô thập toàn”, nên hãy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nếu nhận ra sự thiếu sót, sai lầm của mình, hãy dũng cảm thừa nhận. Chắc chắn làm như thế, học sinh chẳng những không coi thường  thầy cô mà còn rất cảm phục. Việc vận dụng các quy tắc cơ bản nói trên vào việc xử lý các tình huống sư phạm là nghệ thuật của mỗi nhà giáo.

          Như vậy, việc rèn luyện các kỹ năng sư phạm nói chung và kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống sư phạm nói riêng cho sinh viên chuyên ngành GDCT ở trường ĐH Tây Bắc là yếu tố cần thiết để nâng cao năng lực sư phạm cho các em SV khi ra trường. Rất mong sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đến việc đào tạo, rèn luyện  kỹ năng nghề nghiệp cho SV, cần kiên trì với mục tiêu lấy việc hình thành các kỹ năng của nghề làm đặc trưng nổi bật cho quá trình đào tạo.