LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5 VÀ SỰ TÁC ĐỘNG ĐẾN GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM

 

                                                              Ths. Nguyễn Thị Thu Châu

                                                                Khoa Lý luận chính trị - ĐHTB

Đặt vấn đề

Như đã biết, trong những năm của thập kỷ 80, thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển rất lớn của công nghiệp và quá trình tập trung đã dẫn đến các tổ chức độc quyền. Tình trạng bóc lột giá trị thặng dư của người lao động ngày càng lộ liễu, trắng trợn, trong khi đó, đời sống, phúc lợi của người lao động thì bị dửng dưng, không quan tâm. Bởi vậy, trong cuộc đấu tranh giữa giới tư bản và giai cấp công nhân lao động, thời gian lao động là một trong những vấn đề cần đấu tranh và có ý nghĩa quan trọng.

1.  ngày quốc tế lao động 1/5 lịch sử và ý nghĩa

Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội I Quốc tế I họp tại Giơ-ne-vơ tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. Phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ từ năm 1827 đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn.

Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ.

Tháng 4/1884 tại thành phố công nghiệp lớn Chi-ca-go, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: từ ngày 1/5/1886, thời gian lao động trong một ngày làm việc của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký, giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không kiếm cớ chối từ.

Ngày 1/5/1886, công nhân toàn thành phố Chi-ca-go tiến hành bãi công, 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Ở nhiều nơi cảnh sát đã đàn áp các cuộc biểu tình, đặc biệt ở thành phố Si-ca-gô cảnh sát đã tàn sát đẫm máu cuộc đấu tranh, làm hơn một trăm người chết, nhiều thủ lĩnh Công đoàn bị bắt và bị kết án tử hình. Lịch sử ngày 1/5 là lịch sử đẫm máu và vô cùng oanh liệt của giai cấp công nhân thế giới, đã nêu cao tấm gương sáng chói, bất khuất kiên cường, đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới; công nhân nhiều nước đã đồng tình và hưởng ứng yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Đó còn là ngày biểu dương lực lượng của  giai cấp công nhân, ngày đoàn kết quốc tế của những người lao động và trở thành ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Vì thế tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14/7/1889, Đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.

Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.

Ngày 1/5 ở các nước xã hội chủ nghĩa, đã coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngày 1-5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội. Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của V.I.Lê Nin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.

 

2. Qúa trình tác động đến giai cấp công nhân Việt Nam

Tại Việt Nam Từ thập niên 30 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam qua những tác phẩm của mình, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ hơn về phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và ngày Quốc tế Lao động (1/5), biểu hiện sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế. Ngày 1/5 gắn liền với cả một quá trình đấu tranh cách mạng ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

 Cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930 – 1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mittinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 đấu tranh đòi quyền lợi, tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới. Lịch sử còn ghi lại diễn biến ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động đầu tiên ở nước ta như sau:  các thành phố và các tỉnh như Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Vinh, Nghệ An, Long Xuyên … đã tung bay lá cờ đỏ búa liềm, truyền đơn cách mạng trong làn sóng biểu tình, mittinh. Đặc biệt tại các nhà máy xe lửa Tràng Thi, Nhà máy cưa, nhà máy diêm Bến Thuỷ, hàng nghìn thợ thuyền cùng sát cánh với nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm sưu thuế. Máu thợ thuyền đã đổ. Bảo tàng cách mạng Việt Nam còn lưu giữ là cờ đỏ búa liềm có hàng chữ “Đảng  Cộng Sản Việt Nam muôn năm” được treo trên nhà máy Bến Thủy. Báo Người Lao Khổ” của Khu bộ Vinh – Bến Thuỷ mấy hôm sau, viết rằng: “Lần đầu tiên, anh em lao – nông nắm tay nhau giữa trận tiền”.

Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám việc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ngày 1/5/1938, tại khu vực đấu xảo ở Hà Nội (Cung Văn hoá Lao động ngày nay), Đảng ta đã tổ chức cuộc mít tinh lớn bậc nhất trước cách mạng tháng Tám ở một thành phố có tới 25.000 ngươì tham gia. Đại diện mọi tầng lớp thợ thuyền và lao động Hà Nội, đứng theo hàng ngũ chỉnh tề và hát quốc tế ca, hô vang các  khẩu hiệu cách mạng, chống chiến tranh đế quốc. …

          Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước nhà độc lập, ngày 2/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quy định công nhân, lao động được hưởng lương trong ngày ngày nghỉ Quốc tế Lao động 1/5 hàng năm. Cũng từ đó, ngày 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta.

          Trên đất nước Việt Nam, ngày Quốc tế lao động được công nhân lao động coi như ngày hội của mình. Tinh thần bất diệt của ngày Quốc tế lao động 1/5 hàng năm đã trở thành hành động đấu tranh đòi tự do dân chủ, chống áp bức bóc lột, đòi hòa bình độc lập dân tộc của công nhân lao động, tạo nên những dấu ấn của lịch sử.

Từ sau ngày giải phóng đến nay, ngày 1/5 vừa là điểm hẹn vừa là điểm xuất phát của nhiều phong trào thi đua lao động xây dựng quê hương đất nước của giai cấp công nhân.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong 30 năm đổi mới, cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước. Công nhân, lao động nước ta đã tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Quan tâm, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, …để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân”.

Vì vậy, tổ chức Công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng sát cánh cùng đoàn viên và người lao động- đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giải quyết tranh chấp lao động; tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, động viên công nhân viên chức lao động phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển đảo; phát triển kinh tế - xã hội đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

 

 

CÁN BỘ GIẢNG VIÊN KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CHÚC MỪNG TẾT BUNPIMAY VỚI LƯU HỌC SINH LÀO

 

 

Tết té nước là một trong những lễ hội văn hoá truyền thống của các nước Đông Nam Á. Người Lào gọi là Bunpimay, người Thái Lan gọi là Songkran, người Campuchia thì gọi là Chol Chnam Thmey và người Myanmar gọi là Thingyan.

Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Vào những ngày này, mọi người thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hoà, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Lễ hội ở Lào thường được gọi tắt là Bun, có nghĩa là làm phước, làm phước để được phước.

Tết Bunpimay thường diễn ra trong ba ngày 14, 15 và 16/4 hàng năm theo Phật lịch. Người Lào làm tháp bằng cát, trang trí bằng cờ, hoa, dây vải và vẩy nước thơm. Trong những ngày này, người dân còn phóng sinh các loài động vật như rùa, cá, cua, chim… để lấy phước. Ngày tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Trong suốt ba ngày tết, ai có nhiều chỉ buộc cổ tay được coi là người sẽ gặp may mắn cả năm. Nhân dân Lào dùng hoa muồng cột vào xe và treo trên nhà để cầu may mắn, kết hoa Chăm pa thành từng chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành trong năm.

Nhân dịp tết cổ truyền Lào các thầy cô giáo, các bạn sinh viên Khoa Lý luận chính trị đến chia vui, chúc mừng với các bạn Lưu học sinh Lào của Khoa. Đặc biệt đến dự có sự hiện diện của ThS Lừ Thị Minh – Đảng ủy viên, Trưởng phòng công tác chính trị và quản lý người học. Về phía khoa Lý luận chính trị  có TS. Lê Thị Hương – Bí thư chi bộ, Trưởng khoa Lý luận chính trị cũng tới dự và phát biểu chúc mừng Tết Bupimay tới toàn thể các bạn Lưu học sinh Lào đang học tập tại Khoa.

Năm nay, các bạn lưu học sinh Lào không thể về quê ăn tết nhưng luôn được đón nhận sự quan tâm, giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên Lào thoải mái, yên tâm học tập và sinh sống từ  Đảng ủy, ban giám hiệu, cũng như ban chủ nhiệm khoa Lý luận chính trị.  Bạn In Kẹo – Trưởng ban tự quản Lưu học sinh Lào – SV K54 ĐH GDCT thay mặt cho các bạn lưu học sinh khoa Lý luận chính trị xin hứa sẽ quyết tâm, nỗ lực học tập để trở về xây dựng đất nước Lào ngày càng phát triển.Chúc cho mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, truyền thống đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân Việt Nam – Lào ngày càng bền chặt.

 

 

LÀNG DỆT VẠN PHÚC - ĐỊA CHỈ ĐỎ CÁCH MẠNG

 

 

                                                                             Nguyễn Thị Thu Châu

 

1. MỞ ĐẦU

70 năm đã trôi qua nhưng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được phát động đúng thời điểm như một cương lĩnh vang dậy non sông, đất nước làm thức tỉnh lương tri và nhân loại tiến bộ. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và ở một địa điểm cũng hết sức đặc điệt. Đó là một căn gác hẹp trong một ngôi nhà của một làng nhỏ ven sông Nhuệ-làng lụa Vạn Phúc-Hà Đông.

2. NỘI DUNG

Làng dệt cổ truyền Vạn Phúc nằm trên trục đường 430 Hà Đông đi Sơn Tây, cách trung tâm Hà Đông khoảng 600m. Vạn Phúc xưa có tên là Vạn Bảo, vốn là trang Vạn Bảo, thuộc xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam; nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Do kị húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 1.200 năm, bà Ả Lã Thị Nương là vợ của Cao Biền, thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo. Trong thời gian ở đây, bà đã dạy dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa. Sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng. Cũng từ đó, Vạn Phúc nổi tiếng với nghề dệt lụa:

“The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”.

Không chỉ nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống, Vạn Phúc còn sớm trở thành cơ sở cách mạngNăm 1938, Vạn Phúc đã có chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên. Trong quá khứ, dân làng Vạn Phúc cũng hết lòng ủng hộ Tây Sơn phục quốc. Thời kỳ 1936-1945, Vạn Phúc là an toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ.

Mùa đông năm Bính Tuất 1946, những nỗ lực cao nhất của Hồ Chủ tịch nhằm cứu vãn hòa bình, tránh một cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai dân tộc Việt – Pháp, đã bị thực dân Pháp hoàn toàn làm ngơ. Vào trung tuần tháng 12-1946, tất cả những bức điện tín mang thông điệp kêu gọi đàm phán và vãn hồi hòa bình của Hồ Chủ tịch gửi Quốc hội, Chính phủ Pháp đều bị chặn lại ở Sài Gòn. Những vụ khiêu khích, nổ súng của quân đội Pháp - với tư duy “Chân lí thuộc về kẻ mạnh” nhằm vào phía Việt Nam, kể cả dân thường, như vụ thảm sát ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh vào cuối tháng 11-1946, đã khiến cho một cuộc chiến toàn diện của dân tộc Việt Nam chống lại quân xâm lược nhất định sẽ diễn ra. 

Trước những căng thẳng và đầy biến động, để bảo đảm an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ Trung ương Đảng chỉ đạo lực lượng cảnh vệ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển ra ngoại thành. Địa điểm được chọn để Người ở là nhà của ông Nguyễn Văn Dương ở xóm Đoàn Kết, làng Vạn Phúc, Hà Đông (nay là tổ dân phố Đoàn Kết, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). Đây là một gia đình sớm tham gia ủng hộ cách mạng, là cơ sở hoạt động cho nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trước đó như: Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh. Nhà ông Dương là nơi họp chi bộ của làng Vạn Phúc và thường xuyên được tiếp nhận các sách báo tiến bộ. Mặt khác địa điểm này có vị trí địa lý khá thuận lợi để ra vào thành phố nắm bắt tình hình (cách trung tâm thành phố Hà nội 13 km). Trong thời gian ở Vạn Phúc, Bác Hồ làm việc liên tục, có đêm hầu như không chợp mắt. Nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ có ghi lại những khoảnh khắc căng thẳng nhất của Bác tại làng Vạn Phúc khi viết ra lời hịch kêu gọi quốc dân đồng bào cả nước.Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đó đã theo Bác lan truyền rộng khắp, làm rung động cả triệu con tim Việt Nam, như một lời hịch cứu nước vang dội non sông: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.…Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”

Ngay sáng ngày 20-12-1946, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đặt ở chùa Trầm đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được in trên báo Cứu quốc số ra cùng ngày.

Sau này, Bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, ngôi nhà của ông Dương được tỉnh Hà Tây (cũ) lấy làm nhà lưu niệm Bác Hồ, được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo Quyết định số 09 QĐ/BT ngày 21-2-1975.

3. KẾT LUẬN

Ngày nay, Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ thường xuyên là điểm tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho hàng nghìn học sinh, thanh niên, các ban ngành, đoàn thể du khách trong và ngoài nước. Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ đang được tu sửa, mở rộng khuôn viên và sớm hoàn thiện trước tháng 12 để kịp phục vụ cho sự kiện lịch sử trọng đại này. Về lại nơi đây, mỗi người chúng ta như được sống lại những ngày tháng hào hùng của cả dân tộc sục sôi đứng lên kháng chiến. Chúng ta như thấy được hình ảnh Bác Hồ đang miệt mài viết Lời kêu gọi trong căn phòng nhỏ. Từ đó để mỗi người con Việt Nam khi đến thăm thêm kính trọng và tự hào về Người Cha già thân yêu của dân tộc./.

 

                                                                                 

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH CỰC NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC KINH DOANH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

 

                 

                                               Thạc sĩ Nguyễn Thị Linh Huyền- ĐH Tây Bắc

          Dạy học là một con đường quan trọng, chủ yếu ở nhà trường phổ thông nhằm thực hiện các mục tiêu giáo dục phổ thông. Cùng với các môn khoa học xã hội nhân văn, dạy học môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường trung học phổ thông (THPT) có nhiệm vụ là giáo dục cho học sinh (HS) ý thức, thái độ, thói quen và hành vi đạo đức phù hợp với các chuẩn mực xã hội quy định. Một trong những chuẩn mực quan trọng cần hình thành cho HS trong dạy học GDCD là giáo dục đạo đức kinh doanh. Do vậy, để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS trong dạy học GDCD ở THPT bên cạnh những biện pháp đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) theo hướng phát triển năng lực cho người học còn cần đặc biệt chú ý sử dụng một số phương pháp sau đây:

               1. Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề

PPDH giải quyết vấn đề (problem solving method) hay dạy học dựa trên vấn đề (problem based learning) hoặc dạy học đặt và giải quyết vấn đề (problem posingand solving) là phương pháp trong đó giáo viên (GV) đặt ra trước học sinh một (hay một hệ thống) vấn đề nhận thức, chuyển học sinh vào tình huống có vần đề, sau đó giáo viên phối hợp cùng với HS (hoặc hướng dẫn, điều khiển cho HS) giải quyết vấn đề, đi đến kết luận cần thiết của nội dung học tập.

Đặc trưng của phương pháp dạy học giải quyết vấn đề có ba đặc trưng cơ bản:

-      GV đặt ra trước học sinh những bài toán về vấn đề nhận thức có chứa đựng mâu thuẫn giữa cái chưa biết và cái phải tìm.

-      HS tiếp nhận mâu thuẫn của bào toán nhận thức như mâu thuẫn trong nội tâm mình, hay nói cách khác là đặt HS vào tình huống có vấn đề để trở thành nhu cầu bức thiết muốn giải quyết vấn đề nhận thức.

-      Thông qua quá trình giảng giải vấn đề nhận thức, HS lĩnh hội được nội dung, cách thức giải quyết một cách tự giác, tích cực, hứng thú của sự nhận thức sáng tạo.

Thực hiện phương pháp giải quyết vấn đề trong dạy học GDCD cần tuân thủ các bước sau:

Bước 1: Đặt vấn đề và chuyển người học vào tình huống có vấn đề

GV đưa ra một vấn đề hay một hệ thống thông qua các câu hỏi để người học nhận ra nhiệm vụ học tập của mình và cảm thấy cần phải tìm cách giải quyết, tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó.

VD: Quan sát trên thị trường chúng ta thường gặp những hiện tượng ganh đua, giành giật hay trong cạnh tranh giữa những người bán với nhau; giữa xí nghiệp hoặc cửa hàng này với xí nghiệp hoặc cửa hàng kia… Những hiện tượng đó tốt hay xấu? Có phù hợp với đạo đức kinh doanh không và được giải thích như thế nào?

Bước 2: Nghiên cứu và giải quyết vấn đề

GV chỉ ra cho HS thấy xung quanh vấn đề vừa nêu ra trong vốn tri thức hiện có của mình những gì đã biết, những gì chưa biết, cần tập trung suy nghĩ theo hướng nào để giải quyết vấn đề đặt ra.

Thực hiện bước này, GV có thể trình bày một cách ngắn gọn, sát thực những yêu cầu đặt ra bằng hình thức thuyết trình hoặc nêu những giả thuyết, những câu hỏi dẫn dắt.

Chẳng hạn như để trả lời câu hỏi: Vì sao trong khi nghiên cứu về cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa thì tất yếu phải tìm hiểu và làm rõ mục đích của cạnh tranh?

GV có thể dẫn dắt học sinh bằng những hình ảnh có tính tái hiện. Có thể là: hãy trình bày những loại cạnh tranh cơ bản trong nền sản xuất và lưu thông hàng hóa? Hãy lấy ví dụ minh họa cho những loại cạnh tranh ấy?

Bước 3: Kết luận vấn đề

HS có thể vận dụng những kiến thức mới tìm tòi được dưới sự dẫn dắt của giáo viên để giải quyết vấn đề đặt ra, đồng thời cũng có thể đặt ra những vấn đề học tập mới.

Chẳng hạn như trong ví dụ trên, sau khi giải quyết vấn đề GV có thể đặt ra câu hỏi: Vậy trong sản xuất và lưu thông hàng hóa tính chất hai mặt của cạnh tranh và lưu thông hàng hóa được thể hiện như thế nào? Tại sao người sản xuất và buôn bán hàng hóa cần phải có đạo đức kinh doanh?

2. Phương pháp nghiên cứu trường hợp

Phương pháp nghiên cứu trường hợp (PP NCTH) trong giáo dục và đào tạo có nguồn gốc từ đầu thế kỉ 20. Từ năm 1908 ở trường Thương mại Harvard ở Boston (Mỹ) đã sử dụng trong việc đào tạo các nhà kinh tế xí nghiệp, với mục đích chuẩn bị tốt hơn cho sinh viên vào thực tiễn nghề nghiệp. Trong dạy học theo trường hợp, thay vì trình bày lí thuyết, người ta bàn thảo về những trường hợp cụ thể trong thực tiễn. Như vậy PP NCTH là một PPDH, trong đó trọng tâm của quá trình dạy học là việc phân tích và giải quyết các vấn đề của một trường hợp (tình huống) được lựa chọn trong thực tiễn.

PP NCTH là một PPDH, trong đó HS tự lực nghiên cứu một tình huống thực tiễn và giải quyết các vấn đề của tình huống đặt ra, hình thức làm việc chủ yếu là làm việc nhóm. PP nghiên cứu trường hợp là phương pháp điển hình của dạy học theo tình huống và dạy học giải quyết vấn đề.

Có thể đưa ra những đặc điểm sau đây của phương pháp trường hợp:

- Trường hợp được rút ra từ thực tiễn dạy học hoặc phản ánh một tình huống thực tiễn dạy học. Do đó trường hợp thường mang tính phức hợp.

- Mục đích hàng đầu của phương pháp trường hợp không phải là việc truyền thụ tri thức lí thuyết mà là việc vận dụng tri thức vào việc giải quyết vấn đề trong những tình huống cụ thể.

- HS đặt trước những tình huống cần quyết định, họ cần xây dựng các phương án giải quyết vấn đề cũng như đánh giá các phương án đó, để quyết định phương án giải quyết vấn đề.

- HS cần xác định những phương hướng hành động có ý nghĩa quyết định trong việc tìm ra quyết định.

Các trường hợp được lựa chọn từ những tình huống thực tiễn, hoặc những tình huống có thể xảy ra. Khi xây dựng một trường hợp cần bao gồm những nội dung:

- Phần mô tả trường hợp: Các trường hợp cần được mô tả rõ ràng và cần thực hiện các chức năng lí luận dạy học như: trường hợp cần chứa đựng vấn đề và có xung đột; trường hợp cần có nhiều cách giải quyết; trường hợp cần tạo điều kiện cho người học có thể trình bày theo cách của mình; trường hợp cần vừa sức, phù hợp với điều kiện thời gian và người học có thể giải quyết được trên cơ sở kiến thức và kĩ năng của họ.

- Phần nhiệm vụ: Xác định những nhiệm vụ học sinh cần giải quyết khi nghiên cứu trường hợp. Các nhiệm vụ cần xác định rõ ràng, vừa sức với học sinh và nhằm mục tiêu của bài học.

- Phần yêu cầu và kết quả: Phần này đưa ra những yêu cầu cần thực hỉện được trong khi nghiên cứu trường hợp. Việc đưa ra những yêu cầu nhằm định hướng cho việc nghiên cứu trường hợp.

Ví dụ: Trường hợp về “Công nghệ sản xuất thuốc tai biến dởm”

Mô tả trường hợp

Hiện đang có khoảng 10.000 lọ thuốc trị tai biến Lumbrotine giả đang được lưu hành trên thị trường. Lần theo dấu vết vụ sản xuất thuốc tân dược giả vừa bị công an Hà Nội triệt phá, mới thấy được công nghệ sản xuất thuốc giả hết sức tinh vi.

Theo khai nhận của đối tượng Nguyễn Anh Văn - đối tượng chủ mưu trong vụ sản xuất, buôn bán thuốc Lumbrotine vừa bị công an Hà Nội bắt khẩn cấp ngày 9/11, Văn đã đặt công ty CP khoa học - công nghệ Tech Land (146, ngõ 12B, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sản xuất thuốc, hộp nhựa không tem. Sau đó, đặt in tem, nhãn thuốc Limbrotine tại cửa hàng photo 22 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội. Và mang về nhà trọ tại khu vực Mễ Trì để đóng gói thành phẩm, tiêu thụ ra thị trường.

Giá thành 1 hộp thuốc là 10.000 đồng/hộp, sau khi dán tem chống hàng giả và nhãn mác các đối tượng bán ra thị trường với giá 200.000 đồng/hộp. Mọi hoạt động đặt sản xuất thuốc đều không có hóa đơn, hợp đồng, giấy tờ pháp lý liên quan.

Tại trại tạm giam số 3 công an Hà Nội, Nguyễn Anh Văn khai nhận do hám lợi nhuận cao nên các đối tượng đã tổ chức mua bán một số mặt hàng thuốc tân dược giả. “Khi đặt hàng tại công ty Tech Land, công ty không xuất trình cho tôi bất cứ giấy tờ gì liên quan đến pháp lý. Tôi muốn đặt số lượng bao nhiêu là họ sản xuất theo. Họ không hỏi tôi mua để làm gì? Khi nào đến nhận hàng thì công ty Tech Land chỉ viết cho mỗi một phiếu thu tiền” - Văn khai.

Theo xác minh nhanh của PV từ Sở Y tế Hà Nội, công ty Tech Land không đăng ký với Sở Y tế, đây là cơ sở sản xuất thuốc tân dược chui.

Lần theo địa chỉ mà đối tượng Văn khai nhận, phóng viên đã tìm được địa chỉ công ty Tech Land nằm phía ngoài làng Trung Văn. Bên ngoài công ty không có biển hiệu, không có số nhà cụ thể. Nhà xưởng sản xuất chỉ là căn nhà cấp 4 tồi tàn, nhếch nhác. Toàn bộ kho chứa nguyên liệu và đóng gói sản phẩm đều không đảm bảo vệ sinh, dây chuyền sản xuất thô sơ.

(Theo Anh Đào (VnMedia / BVPL)

Nhiệm vụ:

Hãy đọc trường hợp trên và thảo luận:

1)      Trường hợp trên nói về hiện tượng gì đang diễn ra trong xã hội?

-           Đó là một hiện tượng kinh doanh bình thường mà muốn có lợi nhuận cao người sản xuất vẫn tiến hành dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.

-           Đó là một hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người. Các đối tượng vi phạm phải bị xử lí nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

-           Đó còn là những điều gì khác?

2)      Hiện tượng trên đã đặt ra yêu cầu gì đối với xã hội? Chúng ta nên làm gì để hạn chế  những tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng?

Kết quả mong muốn:

Nghiên cứu trường hợp này cần đề cập đến:

-      Phân tích tình trạng sản xuất thuốc tai biến dởm dưới các khía cạnh khác nhau: hành vi trái pháp luật vi phạm đạo đức kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, gây rối loạn thị trường….

-      Những ảnh hưởng xấu của tình trạng trên đã gây nên những hậu quả gì cho xã hội?

-      Đề xuất những phương hướng giải quyết để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng?

3. Phương pháp dạy học tình huống và đóng vai

Dạy học tình huống là tư tưởng dạy học quan niệm rằng khi dạy học người thầy đứng trước những hoàn cảnh, điều kiện dạy học rất cụ thể. GV phải luôn hiểu được nhu cầu, nguyện vọng, hứng thú, năng lực…của người học, đồng thời phải nắm được hoàn cảnh, điều kiện, môi trường…khi quá trình dạy học đang diễn ra.

Trên cơ sở đó quyết định dạy cái gì, dạy như thế nào, sử dụng phương tiện và hình thức gì? Để tạo ra những hoạt động phong phú, hấp dẫn, nhằm khơi dậy hứng thú, lòng ham học tập, tìm tòi, kích thích tư duy sáng tạo của học sinh.

Đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành, “làm thử” một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định. Đây là phương pháp nhằm giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự việc cụ thể mà các em vừa thực hiện hoặc quan sát được. Việc “diễn” không phải là phần chính của phương pháp này mà điều quan trọng là sự thảo luận sau phần diễn ấy.

Phương pháp dạy học tình huống và đóng vai là hai phương pháp dạy học khác nhau. Tuy nhiên, trong dạy học thì việc vận dụng và kết hợp giữa các PPDH là việc thường xuyên được diễn ra và có tác động tích cực đến nhau.     

PPDH tình huống và đóng vai là một trong những PPDH mang tính chất tương tác giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với môi trường học tập. Nó khuyến khích học sinh thâm nhập vào đời sống thực tế và thử đặt mình vào các vị trí khác nhau để giải quyết các tình huống cụ thể của cuộc sống.

PPDH đóng vai trong dạy học môn GDCD khác với phương pháp diễn kịch. Nếu trong diễn kịch, kịch bản thường có sẵn, quy mô lớn, hoành tráng đòi hỏi nhiều người tham gia…thì phương pháp đóng vai trong dạy học không cho trước kịch bản, học sinh phải tự soạn kịch bản theo chủ đề mà giáo viên đưa ra. Quy mô của phương pháp đóng vai được thực hiện trong những tình huống cụ thể, ngắn, có tính chất minh họa là chủ yếu.

Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này cần phải lưu ý những yêu cầu sư phạm sau:

Tình huống đóng vai phải là những chủ đề phù hợp với nội dung tri thức của môn GDCD, phù hợp với tâm lí lứa tuổi, trình độ học sinh và điều kiện, hoàn cảnh lớp học.

Tình huống nên để mở, không cho trước kịch bản, lời thoại.

Phải dành thời gian phù hợp cho các nhóm chuẩn bị đóng vai.

Người đóng vai phải hiểu rõ vai của mình trong bài tập đóng vai để không lạc đề.

Nên khích lệ tất cả học sinh cùng tham gia, kể cả những học sinh nhút nhát.

Nên có hóa trang và đạo cụ đơn giản để tăng tính hấp dẫn của trò chơi đóng vai.

Trao quyền cho học sinh để các em được bộc lộ hết khả năng của mình.

Ví dụ trong bài 2 – GDCD lớp 11: Hàng hóa -Tiền tệ - Thị trường, khi lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức kinh doanh vào bài học, giáo viên có thể đưa ra các tình huống có thật trong thực tế cho các em học sinh đóng vai để các vai diễn xâm nhập vào vào cuộc sống thông qua những vở kịch mà các em đóng.

Giáo viên có thể đưa ra các tình huống mở khác nhau và yêu cầu các nhóm chuẩn bị kịch bản và đóng vai:

Tình huống 1:

 Tại những cây xăng có hiện tượng vừa đong thiếu, vừa bán xăng không đúng chất lượng nhưng người dân vẫn phải đổ xăng dù vẫn biết chất lượng không đảm bảo.

Tình huống 2:

Anh H mở cửa hàng buôn bán điện thoại đã lâu, lợi dụng những khách hàng ít sử dụng và kém hiểu biết anh mua phụ kiện dởm và lắp vào điện thoại chính hãng rồi bán hàng ra với giá cao.

Tình huống 3:

 Nhà chị D trồng rau bán, nắm bắt được thị trường rau đắt đỏ và khan hiếm chị quyết định dùng thuốc kích thích, tăng trưởng mạnh cho rau nhanh lớn và xanh ngon để nhanh được bán và thu được nhiều tiền hơn.

Tình huống 4:

Cửa hàng kinh doanh tạp hóa của chị M đang rất đông khách. Bỗng công an đến kiểm tra và thu được 1 khối lượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gồm: xà phòng, sữa tắm, dầu rửa bát.

Sau đó giao cho mỗi nhóm một tình huống cụ thể, yêu cầu các nhóm thực hiện đóng vai theo yêu cầu và trao quyền cho các em bộc lộ hết khả năng của mình.

Như vậy, khi thực hiện PPDH này, nhất là với nội dung giáo dục đạo đức kinh doanh ở THPT sẽ giúp HS được rèn luyện, thực hành kĩ năng ứng xử và bày tỏ thái độ trước khi thực hành trong thực tiễn. Hơn nữa, đây còn là PPDH khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của HS theo hướng tích cực, rèn luyện cho các em kĩ năng giải quyết vấn đề, chủ động xử lí tình huống trong thực tế, góp phần phát triển óc sáng tạo, thúc đẩy động cơ và hiệu quả học tập.

4. Kết luận

Giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS là một nội dung quan trọng trong dạy học GDCD ở THPT nhằm góp phần giáo dục toàn diện nhân cách HS, hình thành những phẩm chất tốt đẹp của người công dân tương lai.Trong quá trình dạy học, GV không chỉ sử dụng PPDH truyền thống như phương pháp thuyết trình mà còn sử dụng một số phương pháp dạy học tích cực khác như:  phương pháp nghiên cứu trường hợp, phương pháp dạy học tình huống và đóng vai, phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của HS. Ngoài ra, GV còn sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin như: máy chiếu, máy tính, video… đem lại hứng thú cho người học.

 

Tóm tắt:Một trong những chuẩn mực quan trọng cần hình thành cho HS trong dạy học GDCD là giáo dục đạo đức kinh doanh.  Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS ở THPT, GV cần vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực phù hợp với nội dung bài học. Từ đó, góp phần phát triển sự sáng tạo, thúc đẩy động cơ và hứng thú học tập cho HS.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 10,11,12, NXB Giáo dục.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Sách giáo viên Giáo dục công dân lớp 10,11,12, NXB Giáo dục.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015),Tài liệu tập huấn dạy học tích hợp ở trường THCS, THPT, NXB Đại học Sư phạm.

4. Vũ Đình Bảy (Chủ biên) (2016), Thiết kế bài dạy học môn GDCD ở trường phổ thông, NXB Đại học Huế.

5. Nguyễn Văn Cư - Nguyễn Duy Nhiên (đồng chủ biên), (2009), Dạy và học môn GDCD ở trường THPT - Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

 

 

TƯ TƯỞNG NGUYỄN BỈNH KHIÊM VỀ TRỊ NƯỚC PHẢI GẮN LIỀN VỚI VIỆC XÓA BỎ NHỮNG HIỆN TƯỢNG TIÊU CỰC, BẤT CÔNG

 

                        

                                                                            T.S Lê Thị Hương

 

Khi chế độ phong kiến lâm vào suy thoái thì những mặt hạn chế của nó ngày càng có điều kiện bộc lộ ra đầy đủ hơn. Trong xã hội đầy rẫy những bất công; kẻ loạn nghịch xuất hiện ngày càng nhiều; kẻ lợi dụng chức quyền để tham ô của cải của nhà nước ngày càng tăng; kẻ lười nhác, ăn chơi sa đọa nhiều hơn người lương thiện; những hiện tượng tranh giành quyền, lợi, vô nhân đạo diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi. Trong triều, họ “tranh nhau cái danh”[ 1, tr.461], ở chợ búa, họ “giành nhau cái lợi”[1, tr.461], ngoài đường, họ thấy “người chết đói dọc đường, không dám bỏ một đồng tiền ra cứu giúp”[1, tr.461]. Mức sống giữa các nhà quyền quý và người dân có sự phân cực lớn. Về cảnh sung túc của người quyền quý, không chỉ:

“Tì thiếp đua mặc gấm mặc là

Dụng cụ đồ dùng đúc đồ sơn

Cửa sổ phòng ở rực sáng như sao chi chít

Kho đụn ăm ắp kế nhau như cái răng lược”[1, tr.428]

mà còn

“Bếp họ Thạch có dê béo

Sữa người cho lợn uống

Giọt nước tròn giỏ từ con cóc ngọc

Gỏi chả từ cá chép, cá giếc vàng

Liễn bưng vào canh chim sẻ vàng

Mâm bồng dâng lên nem gà gô

Tiền đáng giá vạn không thèm nhúng đũa

Chán ngấy vị ngon nồng của tám thứ quý” [1, tr.442]

Về cảnh khốn cùng của người dân không những:

“Chẳng khác chim bị mất tổ

Giống hệt cá bị máu dồn xuống đuôi

Lúc ấy như thế là cùng cực

Sinh dân quá ư tiều tụy” [1, tr.442]

 mà còn:

“Áo quần rách rưới khó che thân thể

Vét xanh, vét niêu, thức ăn khó no bụng” [1, tr.429]

Bên cạnh đó còn xuất hiện thói đời

“Được thời thân thích chen nhau đến

Thất thế, hương lư ngoảnh mặt đi

Thớt có thanh tao ruồi đậu đến

Ang không mật mỡ, kiến bò đi”[1, tr.38]

Đây là hiện thực phũ phàng mà Nguyễn Bỉnh Khiêm chứng kiến trong giai cấp phong kiến, trong các tầng lớp giàu có. Ông cảm thấy: “Ngán nhìn đời đục buổi bon chen”[1, tr.273].

Để xóa bỏ được những hiện tượng tiêu cực đó, ông kêu gọi các bậc quân vương phải nhận thức rõ vai trò của người trị quốc, bình thiên hạ. Đó là xây dựng và giữ gìn một xã hội thái bình, giàu lòng nhân ái mà ở đó:

“Tôi và vua phải có nghĩa với nhau

Cha và con cái tình thân tột độ

Chồng và vợ, kẻ xướng có kẻ tùy

Anh và em, người cung thì có người đễ

Chơi với nhau phải giữ vững niềm tin”[1, tr.438, 439]

Ông đòi hỏi bậc đế vương phải nâng cao nhân nghĩa: “Tối thị đế vương nhân nghĩa cử” (Quan trọng nhất là bậc đế vương phải nâng cao nhân nghĩa)[1, tr.336]. Ông kêu gọi mọi người hãy theo tấm gương của thánh hiền để phát huy bản tính thiện mà trời phú cho con người như ít dục vọng, phải suy xét điều mình làm, phải lấy lòng thành làm chỗ dựa, chớ cho rằng vì “điều thiện nhỏ mà không làm”, vì “điều ác nhỏ mà cứ làm”[1, tr.464] nhằm góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh. 

 Với quan điểm xóa bỏ các hiện tương tiêu cực, bất công trong xã hội, Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn vực lại đạo đức đang suy đốn và hy vọng rằng qua đó có thể chấn chỉnh lại kỷ cương và xây dựng lại chế độ. Quan điểm của ông không thể được đông đảo quan lại trong triều hưởng ứng. Cả cuộc đời ở chốn quan trường, ông đã không thực hiện được ước muốn của mình. Cuối đời, ông về quê, lập am Bạch Vân, mở trường dạy học bên bờ sông Hàn. Ông khuyến khích nhân dân vui làm việc thiện, không tham lam, biết độ lượng, bao dung với người khác. Phải chăng ông đành hy vọng rằng qua sự nghiệp giáo dục của mình có thể gián tiếp đem lại sự ổn định trong xã hội? Có thể nói, tư tưởng và hành động của Nguyễn Bỉnh Khiêm về vấn đề này vì một nếp sống văn hóa cao đẹp. Mặc dù không được đông đảo giai cấp thống trị đương thời chấp nhận nhưng tư tưởng của ông đã có ảnh hưởng khá sâu sắc đến một bộ phận không nhỏ quan lại, nho sĩ và nhân dân. Họ tôn thờ ông, kính phục ông và coi ông là tấm gương lớn suốt đời họ nguyện noi theo. 

Tài liệu tham khảo

[1]. Đinh Gia Khánh (chủ biên) (2005), Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, Hà Nội.