Tư cách của người giáo viên quan trọng hơn những gì họ dạy rất nhiều

 

                                                                

Trong mọi giai đoạn lịch sử, người thầy bao giờ cũng được xã hội tôn vinh và kính trọng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Nhà giáo dục học Comenxki cũng từng phát biểu “dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Có lẽ vì vậy nên lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Tuy sự cống hiến của thầy giáo là rất thầm lặng nhưng rất mực vẻ vang. “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Và quả thực, người thầy giáo tốtchỉ đứng vững khi có một nhân cách tốt, như Kabl Menninger khẳng định: “Tư cách của người giáo viên quan trọng hơn những gì họ dạy rất nhiều”.

Tư cách của người thầy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến sự phát triển của học trò, bởi vì, cùng với việc dạy chữ, nghề dạy học còn góp phần đào tạo nên những con người – vốn quý của dân tộc. Điều đó làm cho nghề dạy học khác với những nghề khác. Vì phải dạy từng con người cụ thể nên trong giáo dục không thể “rập khuôn” và không được phép có “phế phẩm”. Một nhà tư tưởng đã nói: Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ. Nhưng một hạt kim cương lớn nhất cũng không thể quý hơn một con người sẽ ra đời. Làm hư một con người là một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được.

Do đó, tư  cách  của  người giáo viên vô cùng quan trọng, hơn những gì họ dạy rất nhiều.

Vậy tư cách của người thầy là gì? Gồm những yếu tố nào?

Nói đến tư cách của người thầy là nói đến một hệ thống bao gồm phẩm chất và năng lực, hay là cả đức và tài.

Yếu tố đầu tiên trong phẩm chất người thầy là đạo đức nghề nghiệp, thể hiện ở sự tâm huyết, lối sống chuẩn mực, lòng nhân ái, nghiêm túc và sáng tạo, thành công không kiêu ngạo, thất bại không nản chí, thương yêu gần gũi với học sinh, đoàn kết với đồng nghiệp, như Bác Hồ mong mỏi: phải làm sao để mỗi người thầy không những là nhà sư phạm mà còn là nhà mô phạm.

Yếu tố thứ hai đóng vai trò hạt nhân trong cấu trúc phẩm chất người thầy là lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ, biểu hiện bằng lòng say mê, lương tâm nghề nghiệp, sự tận tụy với học sinh, trách nhiệm trong công việc. Chính lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ của giáo viên tác động đến học sinh làm cho các em ý thức rằng: ở đời này không có con đường cùng của sự đau khổ, bế tắc, tuyệt vọng, mà chỉ có những ranh giới. Điều quan trọng là con người bằng niềm tin, ý chí, nghị lực và sức mạnh của mình sẽ vượt qua những ranh giới đau khổ để đến với bến bờ hạnh phúc. Giáo viên có thể thắp lên tình yêu cuộc sống trong học trò bằng những gì gần gũi thiêng liêng nhất, từ người mẹ chân lấm tay bùn một nắng hai sương đến anh bộ đội đang ngày đêm vật lộn với sóng nước nơi đảo xa để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc...

Yếu tố thứ ba của phẩm chất giáo viên là lòng yêu học sinh. Yếu tố này không có trong sách vở hay kỷ cương nào mà duy nhất chỉ có ở người thầy. Có lẽ những mầm mống của hứng thú sư phạm là ở những hoạt động sáng tạo đầy tình người để tạo ra hạnh phúc cho con người. Lòng yêu học trò luôn gắn bó chặt chẽ với lòng yêu nghề. Yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu.

Nhân cách của người thầy còn được thể hiện ở năng lực chuyên môn hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện, nghiên cứu và sáng tạo trong lao động khoa học. Một học sinh không thể nào tôn trọng, khâm phục khi người thầy có những biểu hiện không đứng đắn về mặt nhân cách hay yếu kém về mặt chuyên môn. Người thầy như một tấm gương để học sinh soi vào đó, khám phá những điều  chưa biết và phấn đấu hoàn thiện bản thân mình. Để có trình độ học vấn đòi hỏi người thầy phải học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt, học mọi lúc, mọi nơi, gắn học với hành.

Năng lực sư phạm cũng là yếu tố quan trọng trong nhân cách người thầy, thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau mà trước hết là năng lực hiểu học sinh, khả năng hòa nhập và đứng vào vị trí của học sinh biết được hoàn cảnh, điều kiện tư chất, trình độ của học sinh để có những phương pháp dạy học phù hợp.

Trong năng lực sư phạm của người giáo viên, không thể không kể đến năng lực chế biến tài liệu học tập. Bằng óc sáng tạo và khả năng phân tích, tổng hợp kiến thứctừ kho tàng tri thức nhân loại, giáo viên phải làm công tác “gia công” cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

Một yếu tố quan trọng nữa là năng lực ngôn ngữ. Người giáo viên nào biết cách khai thác thế mạnh của ngôn từ trong công tác giảng dạy sẽ giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn, lôi cuốn và hứng thú với môn học hơn.

Ngoài ra, nắm vững kỹ thuật dạy học cũng là một trong những năng lực cơ bản góp phần khẳng định phẩm chất, tư cách người giáo viên.

Khi nói về thành công của con trai mình, người mẹ của GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, đó là sự hội tụ của nhiều may mắn: ý chí cá nhân, những điều kiện thuận lợi từ gia đình, xã hội nhưng yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất là môi trường giáo dục với những người thầy tâm huyết, trọng nhân cách đã thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học trong Ngô Bảo Châu ngay từ khi còn là một cậu bé. Điều đó chứng tỏ, trong thời đại nào cũng vậy, nhân cách của người thầy luôn giữ vị trí đặc biệt.

 

Là giảng viên một ngôi trường đại học trên vùng cao tổ quốc, hàng ngày hàng giờ đang miệt mài đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực Tây Bắc, chúng tôi - những kĩ sư tâm hồn - hiểu hơn ai hết sứ mạng cao quý của bản thân mình, chúng tôi hứa luôn nỗ lực và rèn luyện hết mình để vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, yêu ngành nghề, đẹp nhân cách. 

  TS. Lê Thị Vân Anh – Khoa Lý luận Chính trị