GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC KINH DOANH - MỘT NHÂN TỐ QUAN TRỌNG TRONG DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN Ở CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

 

 

                                                    Th.S Nguyễn Thị Linh Huyền

          Tóm tắt:Trong những năm gần đây, hậu quả tiêu cực về xã hội trong nền kinh tế thị trường do các doanh nghiệp gây ra ngày càng trở nên nghiêm trọng, vấn đề đạo đức kinh doanh được đặt ra cấp bách, đó là sự băng hoại về đạo đức do cạnh tranh không lành mạnh vì mục tiêu lợi nhuận, chạy theo lối sống thực dụng, thờ ơ với đồng loại, nguy cơ huỷ hoại môi trường. Ở Việt Nam, việc giáo dục, thực hiện đạo đức kinh doanh hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và cần thiết phải bắt đầu từ giáo dục học sinh ở bậc trung học phổ thông – chủ nhân tương lai của đất nước.

Ngày nay, với sự phát triển của mô hình kinh tế thị trường (KTTT) nền kinh tế nước ta đã có những sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, KTTT đã dẫn đến những biến đổi trong đời sống xã hội, mang những nguy cơ ẩn chứa bên trong cần phải được loại bỏ. Đó là nguy cơ làm băng hoại đạo đức do sự cạnh tranh không lành mạnh vì mục tiêu lợi nhuận, chạy theo lối sống thực dụng, thờ ơ với đồng loại, nguy cơ huỷ hoại môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên… Để loại bỏ những nguy cơ ấy cần phải có sự đóng góp trách nhiệm của cả cộng đồng nhằm bảo vệ, duy trì các chuẩn mực đạo đức truyền thống. Một trong những chuẩn mực đó là đạo đức kinh doanh.

1. Sự cần thiết của giáo dục đạo đức kinh doanh trong dạy học Giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông

Khái niệm đạo đức kinh doanh có nội hàm là những quy định, quy tắc và các tiêu chuẩn, hành vi của chủ thể trong hoạt động kinh doanh. Đạo đức kinh doanh bao gồm việc tuân thủ pháp luật, việc thực hiện trách nhiệm mang tính đạo đức của doanh nghiệp, việc bảo vệ quyền lợi cho những người có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và quyền lợi của cộng đồng. Để thực hiện đạo đức kinh doanh ở nước ta thì việc hoàn thiện hành lang pháp lý, việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng các quy tắc ứng xử về đạo đức kinh doanh là những giải pháp quan trọng, cấp thiết để từng bước xây dựng đạo đức kinh doanh ở Việt Nam.

Nhằm góp phần vào việc thực hiện những giải pháp đó thì việc giáo dục đạo đức kinh doanh cho học sinh (HS) ở các trường THPT qua dạy học môn GDCD là một nhiệm vụ quan trọng bởi vì đây là lực lượng lao động tương lai của đất nước. Sau khi tốt nghiệp THPT, các em học tiếp lên CĐ, ĐH hay học nghề, thậm chí có nhiều em tham gia vào các hoạt động kinh tế ngay và trở thành chủ thể trong nền KTTT. Có thể nói, dù ở bất cứ ngành nghề khác nhau, trình độ khác nhau, vai trò, vị trí việc làm của các em trong tương lai có khác nhau nhưng đều cần phải tuân theo những giá trị, chuẩn mực đạo đức của xã hội, trong đó có đạo đức kinh doanh. Việc tuân thủ đạo đức kinh doanh không chỉ làm gia tăng lợi nhuận cho mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân mà còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo quyền con người, bình đẳng giới…v.v.

        Một trong những định hướng đổi mới chương trình  giáo dục phổ thông sau năm 2015 là chuyển quá trình giáo dục từ dạy chữ sang kết hợp hài hòa dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (2011) đã nêu giải pháp: Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội.

       Mục tiêu môn học GDCD ở THPT cũng hướng đến sự cần thiết của giáo dục đạo đức (đạo đức kinh doanh là một chuẩn mực của đạo đức học) như: giúp HS biết được một số phạm trù cơ bản của đạo đức học, hiểu trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm tham gia phát triển kinh tế của công dân. Biết bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái đẹp và đấu tranh, phê phán đối với các hành vi, hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống phù hợp với khả năng của bản thân. Giúp HS nhận rõ trách nhiệm của thanh niên đối với sự nghiẹp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hình thành những năng lực cơ bản như: tự hoàn thiện bản thân, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh…hình thành ở các em tình cảm, niềm tin và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trước sự phát triển của đất nước.

        Như vậy, đạo đức kinh doanh là một kiểu loại đạo đức đặc thù, biểu hiện riêng của đạo đức xã hội trong lĩnh vực kinh doanh. Những ai làm kinh doanh mà không tuân thủ đạo đức kinh doanh, trong chừng mực nào đó, được coi là không tuân thủ quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội và do vậy sớm hay muộn cũng bị cộng đồng xa lánh, lợi nhuân sẽ bị suy giảm. Do vậy để xây dựng đạo đức kinh doanh cho các chủ thể tham gia vào các thành phần kinh tế ở nước ta thì cần coi trọng việc giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS qua dạy học môn GDCD.

2. Nội dung giáo dục những chuẩn mực đạo đức kinh doanh cơ bản trong dạy học môn Giáo dục công dân ở trường THPT

        Môn GDCD ở THPT gồm các phần: Công dân với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học; Công dân với đạo đức (Lớp 10); Công dân với kinh tế; Công dân với các vấn đề chính trị- xã hội (lớp 11); Công dân với pháp luật (lớp 12). Việc giáo dục đạo đức kinh doanh cần được lồng ghép trong các bài học và GV định hướng cho các em những chuẩn mực cơ bản của đạo đức  kinh doanh là:

      - Tính trung thực: Do kinh doanh là hoạt động gắn liền với các lợi ích kinh tế nên tính trung thực là một yêu cầu nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế cho các chủ thể của nền KTTT, là biểu hiện chữ tín trong quan hệ thị trường. Tính trung thực của đạo đức kinh doanh được thể hiện như không dùng các thủ đoạn gian dối, xảo trá để kiếm lời, hoặc kiểu kinh doanh “chụp giật”, “ăn xổi” vì những thủ đoạn đó chỉ là nhất thời chứ không thể tồn tại lâu dài, sẽ sớm bị xã hội phát hiện và tẩy chay. Tính trung thực còn được thể hiện như giữ lời hứa, giữ chữ tín trong kinh doanh, nhất quán trong lời nói và việc làm; Trung thực trong việc chấp hành pháp luật của nhà nước để không đi vào con đường làm ăn phi pháp như làm hàng giả, buôn lậu, trốn thuế, lậu thuế, vi phạm bản quyền, quảng cáo sai sự thật, không buôn bán những mặt hàng quốc cấm hoặc tiến hành những dịch vụ có hại cho thuần phong mỹ tục của dân tộc; Trung thực ngay cả với bản thân mình để không hối lộ, tham ô, thụt két, “chiếm công vi tư”… Thiếu trung thực cũng có nghĩa là thiếu tài năng kinh doanh chân chính.

      - Tôn trọng con người: Tôn trọng con người được thể hiện là sự tôn trọng đối với người lao động như: đảm bảo quyền bình đẳng và xứng đáng cho người lao động, không phân biệt sự khác nhau về dân tộc, giới tính, tôn giáo, dịa phương, vùng văn hóa, tuổi tác hay thể chất; Tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, đảm bảo, điều kiện, môi trường làm việc, cung cấp thông tin trung thực về sản phẩm, những thông tin cần phải được cung cấp rõ trên bao bì, nhãn hiệu, công dụng, cách dùng, hạn sử dụng vì những thông tin không chính xác sẽ làm mất đi sự tin cậy của người tiêu dùng; cần phải đảm bảo an toàn sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc và kỹ thuật công nghệ trong quá trình gia công và lắp ráp, kiểm tra chất lượng, bao bì để tránh hư hại biến chất. Có thể nói kinh doanh có đạo đức luôn đi liền với các hành vi cạnh tranh lành mạnh, kể cả việc tôn trọng đối thủ.

       - Giáo dục đạo đức kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội: đó là cần tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường (môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá xã hội), bình đẳng về giới, đảm bảo an toàn lao động, trả lương công bằng… Giáo viên có thể lấy ví dụ, nêu gương những doanh nhân làm từ thiện để giúp đỡ những người bất hạnh hay việc họ đóng góp xây dựng trường học, đường xá, bệnh viện…

      - Sự khiêm tốn và lòng dũng cảm: trong dạy học GDCD, GV cần giáo dục cho HS thấy người có đức tính khiêm tốn cũng có nghĩa là người giàu lòng tốt, luôn quan tâm đến lợi ích của người khác và của xã hội: Hăng hái học tập, rèn luyện để trở thành người lương thiện, sống có đạo đức, có ý thức bảo vệ danh dự và phẩm giá của bản thân mình và mọi người xung quanh. Tính khiêm tốn giúp chủ thể kinh doanh biết tự khẳng định mình để tiến bộ nhanh, giúp con người dễ gần gũi, dễ tiếp xúc với mọi người, sống thanh thản, nhân ái, vị tha, lành mạnh, khắc phục được những thói xấu ích kỷ, tham lam, thô bạo, coi thường người khác. Người kinh doanh không chỉ có những đức tính khiêm tốn mà còn phải có lòng dũng cảm, người dũng cảm là người dám đương đầu với mọi gian nan, thử thách, không chùn bước trước khó khăn, gian khổ. Dũng cảm không có nghĩa là liều lĩnh mà nó đòi hỏi có sự quyết tâm, có nghị lực, có sự thông minh và sáng suốt. Sự khiêm tốn và lòng dũng cảm là đức tính rất cần đối với mỗi người kinh doanh. Nó giúp họ tránh được sự kiêu ngạo và tự ti. Qua đó, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân dám đương đầu với thử thách, “dám làm dám chịu”, “tay trắng làm nên”.

       - Tôn trọng bí mật thương mại: Bí mật thương mại là những thông tin được sử dụng trong quá trình tiến hành hoạt động kinh doanh bao gồm: công thức, thành phần một sản phẩm, thiết kế một kiểu máy móc, công nghệ và kỹ năng đặc biệt, các vấn đề tài chính, quy trình đấu thầu các dự án có giá trị lớn…. Bí mật thương mại cần được bảo vệ vì nó là một loại tài sản đặc biệt mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nếu bí mật thương mại bị tiết lộ sẽ dẫn đến hậu quả làm mất lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, người lao động trực tiếp liên quan đến bí mật thương mại có nghĩa vụ bảo mật không được tiết lộ hay sử dụng thông tin tích luỹ được trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp. Chìa khoá để giải quyết vấn đề bảo vệ bí mật thương mại nằm ở việc cải thiện mối quan hệ với người lao động mà yếu tố then chốt là tạo ra môi trường đạo đức trung thực. Ở đó, người chủ đối xử đàng hoàng với nhân viên, bằng cách đánh giá đúng mức độ đóng góp, xác định đúng chủ quyền đối với các ý tưởng. Được như vậy, người lao động thực sự thấy rằng, những tài sản của doanh nghiệp cũng là của họ chứ không phải của riêng ông chủ. Theo đó, họ sẽ tự giác có ý thức bảo mật thông tin của doanh nghiệp mà không cần sự ràng buộc có tính pháp lý.

3. Vai trò của giáo dục đạo đức kinh doanh trong dạy học Giáo dục công dân ở trường THPT

        Việc giáo dục các giá trị, các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh đóng vai trò hết sức quan trọng, được thể hiện cụ thể ở các phương diện sau:

        Thứ nhất, đạo đức kinh doanh góp phần bồi đắp những giá trị mới cho đạo đức truyền thống

       Với việc kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, đạo đức kinh doanh dựa trên các chuẩn mực mới, như đối với doanh nghiệp đó là tinh thần tự giác tuân thủ pháp luật, cạnh tranh một cách hợp pháp, tôn trọng hợp đồng đã ký, bảo vệ môi trường, tham gia cứu trợ xã hội; Đối với cá nhân là tính trung thực, khiêm tốn, nhận thức đúng các nguyên tắc kinh doanh, xá định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, nhận thức đúng cái được làm, cái thiện và cái ác, tôn trọng đối tác, tôn trọng khách hàng,..

       Thứ hai, đạo đức kinh doanh là yếu tố quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và quan liêu

        Hoạt động dựa trên các chuẩn mực đạo đức cũng có nghĩa là các chủ thể kinh doanh không bao giờ chấp nhận hay thoả hiệp với các hành vi đi ngược lại các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng. Do đó, trong quan hệ với các cơ quan công quyền của nhà nước, các cá nhân và doanh nghiệp ý thức được việc họ không tham gia vào các hoạt động phi pháp và chủ động tố giác các hành vi tham nhũng, quan liêu của các công chức trong bộ máy nhà nước. Nhờ đó, sẽ góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy nhà nước, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

       Thứ ba, đạo đức kinh doanh là đảm bảo sự phát triển bền vững cho hoạt động sản xuất kinh doanh

        Đạo đức kinh doanh sẽ giúp các chủ thể kinh doanh tự điều chỉnh hoạt động của mình sao cho phù hợp với những của các chuẩn mực pháp luật, chuẩn mực đạo đức nhằm hướng tới cái thiện, cái mỹ. Nó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn và mang tính nhân văn cao hơn. Điều đó, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững, hài hoà trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể. Bởi vì, thị trường chỉ  có thể thừa nhận những doanh nghiệp biết tôn trọng văn hoá đạo đức trong kinh doanh. Ngược lại, thị trường sẽ trừng phạt các doanh nghiệp không biết tôn trọng luật chơi của thị trường.

       Thứ tư, đạo đức kinh doanh góp phần thúc đẩy nền KTTT phát triển theo đúng định hướng XHCN

        Đạo đức kinh doanh là liều thuốc quan trọng nhằm tăng sức đề kháng của các chủ thể kinh doanh trước những cám dỗ của nền KTTT. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế thị trường, xây dựng đạo đức mới trong kinh doanh là điều kiện cơ bản nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lành mạnh của nền kinh tế, khắc phục tình trạng phát triển chỉ vì lợi ích kinh tế mà lệch chuẩn về đạo đức. Một nền KTTT vận hành theo cơ chế thị trường được xây dựng và phát triển với những chuẩn mực của đạo đức kinh doanh mới là sự thống nhất cao giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội, từng bước khắc phục những tác động tiêu cực của KTTT.

        Kết luận: Đạo đức kinh doanh là vấn đề mới ở nước ta đang được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Trong những năm gần đây, trước những hậu quả tiêu cực về xã hội do các doanh nghiệp gây ra, vấn đề đạo đức kinh doanh được đặt ra một cách cấp bách. Ở Việt Nam, việc thực hiện đạo đức kinh doanh hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đó cần chú trọng tới việc giáo dục đạo đức kinh doanh cho các công dân tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường vì xây dựng đạo đức kinh doanh không chỉ là trách nhiệm riêng của doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm của nhà nước, của cộng đồng và của toàn xã hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Giáo trình đạo đức kinh doanh và văn hoá công ty, NXB Đại học kinh tế quốc dân, H.2012.

 

2.     Nguyễn Văn Cư - Nguyễn Duy Nhiên (đồng chủ biên), Dạy và học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông - Những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Đại học sư phạm, H.2008.