BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG - NỀN TẢNG CỦA ĐẠO ĐỨC MỚI CHO THẾ HỆ THANH NIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

Truyền thống là thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo Từ điển Bách khoa Triết học của Liên Xô, thì từ "truyền thống" (bắt nguồn từ tiếng Latinh là Traditio - có nghĩa là sự chuyển giao, lưu truyền lại), được hiểu là các yếu tố của di sản văn hóa và xã hội được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác và được bảo tồn, gìn giữ lâu dài trong các xã hội, giai cấp hay nhóm xã hội nhất định. Truyền thống bao gồm các đối tượng của di sản xã hội (các giá trị vật chất và tinh thần), quá trình kế thừa xã hội, các phương thức của nó. Trong truyền thống có các quy định, các tiêu chuẩn hành vi, các giá trị tư tưởng, thói quen, tập tục... của các xã hội nhất định.

Với tư cách là một yếu tố thuộc di sản văn hóa và xã hội, giá trị truyền thống được hiểu một cách cụ thể hơn: là tập hợp những tư tưởng và tình cảm, những thói quen trong tư duy, lối sống và ứng xử của một cộng đồng người nhất định được hình thành trong lịch sử và đã trở nên ổn định, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ta thường nói: truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, truyền thống lao động cần cù hay truyền thống nhân ái, thương người... của dân tộc ta. Truyền thống là tinh hoa đã được chắt lọc qua thử thách của thời gian và được nâng cao dần theo trình độ phát triển mọi mặt của con người và xã hội mà không xa rời nguồn cội. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những truyền thống đó đã tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam, tâm hồn và bản lĩnh của con người Việt Nam.

Thanh niên là lực lượng quan trọng, đóng vai trò to lớn đối với thành công của công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là một thế hệ, một lớp người năng động và dễ tiếp thu cái mới nhất trong xã hội, họ cũng là tầng lớp chịu ảnh hưởng lớn nhất của những điều kiện kinh tế - xã hội mới, của cơ chế thị trường và việc mở rộng giao lưu quốc tế.

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có những chính sách nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống và những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, nhưng trong thời gian qua, vẫn còn không ít cách nghĩ, cách làm lệch lạc trong việc định hướng và giáo dục giới trẻ thái độ đối với truyền thống dân tộc. Trong giáo dục đạo đức, công tác lý luận chưa làm rõ nhiều vấn đề nổi lên trong quá trình đổi mới, trong đó có các vấn đề như xác định những giá trị truyền thống cũng như hệ giá trị mới cần xây dựng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trong giới trẻ.

Truyền thống Việt Nam mang các đặc trưng cơ bản như: tính cộng đồng, tính ổn định và tính lưu truyền: Trong đó, tính cộng đồng của truyền thống thể hiện ở chỗ, truyền thống bao giờ cũng là truyền thống của một cộng đồng nhất định nào đó. ở Việt Nam, tính cộng đồng biểu thị tập trung ở ba kết cấu xã hội chủ yếu là: nhà - làng - nước.

Nhà (gia đình - dòng họ): vừa là tế bào xã hội, vừa là đơn vị sản xuất trong nền kinh tế tiểu nông. "Nhà" Việt Nam là kiểu gia đình phụ hệ, hay là cả một dòng họ, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nuôi dạy và giáo dục con cái, hình thành nhân cách và các phẩm chất đạo đức ban đầu cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Làng là tập hợp nhiều gia đình tụ cư trong một khu vực địa lý nhất định. Làng Việt Nam là một cấu trúc cộng đồng gồm nhiều cấp độ, quan hệ... liên kết chặt chẽ với nhau. Trong lịch sử dân tộc, làng Việt Nam là đơn vị cộng đồng tạo ra sức mạnh liên kết trong lao động sản xuất, trong đời sống tinh thần, trong việc giáo dục, dạy dỗ con em.

Nước là cộng đồng lớn bao trùm, tập hợp nhiều làng, nhiều vùng, nhiều tộc. Nước Việt Nam ta đã hình thành và phát triển rực rỡ từ hàng ngàn năm nay và mang những cái tên thể hiện lòng tự hào dân tộc như: Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam... Các cộng đồng nhà - làng - nước là nơi tiếp nhận, gìn giữ và lưu truyền qua ngàn đời các truyền thống của dân tộc và truyền lại cho con cháu.

Truyền thống dân tộc được hình thành dần dần qua các hoạt động lịch sử của con người. Sau khi hình thành, nó mang tính ổn định tương đối. Ổn định vì khi nói đến truyền thống, là ta nói đến một cái gì đó lâu dài, ít thay đổi. Nếu không có các yếu tố ổn định thì truyền thống không còn là truyền thống nữa. Như truyền thống yêu nước, truyền thống lao động cần cù, tiết kiệm, truyền thống hiếu học... đã trở thành bản tính của con người Việt Nam từ xưa tới nay. Tuy nhiên, tính ổn định đó chỉ là tương đối vì bản thân truyền thống cũng có quá trình hình thành, phát triển theo thời gian, trong những điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể. Mỗi khi những điều kiện đó thay đổi thì truyền thống cũng có những thay đổi cho phù hợp, có mặt được kế thừa và phát triển, có mặt không còn mang tính tích cực nữa sẽ bị đào thải và loại bỏ, và những truyền thống mới sẽ lại được hình thành...

Truyền thống khi đã hình thành, trở nên ổn định thì sẽ được gìn giữ và truyền từ đời nay sang đời khác. Truyền thống bắt nguồn từ lịch sử, nhưng không phải mọi thứ thuộc về lịch sử đều là truyền thống, mà chỉ có những gì được sao phỏng, được kế thừa, được lưu truyền thì mới được gọi là truyền thống. Truyền thống được lưu giữ, được kế thừa sẽ tạo nên bản sắc của cả dân tộc. Bản sắc dân tộc ta là những nét riêng, độc đáo, đã tạo nên một dân tộc Việt Nam không thể hòa lẫn vào các dân tộc khác. Trở lại với quá khứ xa xôi hàng ngàn năm trước, trong suốt gần 1000 năm bị phong kiến Trung Quốc đô hộ, hơn 100 năm bị thực dân xâm lược, kẻ địch đã không thể đồng hóa được dân tộc ta, chính vì ta đã gìn giữ được bản sắc của dân tộc, bảo vệ được những giá trị văn hóa, tinh thần mà cha ông ta để lại. Một dân tộc Việt Nam, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, vẫn đứng vững được như ngày hôm nay, là vì đã luôn gìn giữ, phát huy được bản lĩnh, bản sắc dân tộc mình và trao truyền nó từ đời này cho đời khác.

Truyền thống là cái chung của cả một cộng đồng nào đó nhưng nó lại tồn tại cụ thể trong mỗi cá nhân, được biểu hiện qua tâm lý, đạo đức, lối sống, phong cách, phương pháp, kỹ năng hoạt động... của từng con người cụ thể. Việc chuyển tải truyền thống từ thế hệ này qua thế hệ khác cũng do con người thực hiện, bằng cách "đầu tiên bằng ngôn ngữ nói, bằng ký ức cá nhân và ký ức tập thể rồi sau đó bằng ngôn ngữ viết. Giáo dục là phương thức bảo tồn và phát huy hệ thống giá trị chung của cả loài người, là phương tiện quan trọng nhất để chuyển tải và trao truyền các giá trị truyền thống, đào tạo những con người mang các giá trị truyền thống và sáng tạo các giá trị mới. Đó là con đường đặc trưng nhất để con người tồn tại và phát triển.

Theo C.Mác: Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội. Truyền thống là một trong những yếu tố cấu thành các quan hệ xã hội, vì vậy nó góp phần vào việc hình thành bản chất con người, thể hiện ở các khía cạnh sau:

- Là cơ sở vững chắc để hình thành nên các giá trị mới ở con người.

- Là nền tảng tinh thần có tác dụng ngăn chặn, hạn chế những hiện tượng xấu, tiêu cực trong đời sống xã hội và xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.

- Là "bộ lọc" nhằm giữ sự phát triển đúng hướng, điều tiết các mối quan hệ và chọn lọc các giá trị trong quá trình giao lưu văn hóa với nước ngoài, tránh được sự đồng hóa của văn hóa ngoại bang và gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Là cội nguồn tạo ra sức mạnh nội sinh của cả dân tộc, của mỗi cộng đồng dân cư, của mỗi dòng họ, mỗi gia đình và mỗi một con người.

- Là nền tảng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của đất nước, là ngọn nguồn, là động lực làm nên tinh thần và sức sống của dân tộc. Bởi vì trong truyền thống văn hóa của dân tộc cũng có nội dung phản ánh thời đại, có nội dung phản ánh tính dân tộc và tính nhân loại... Các giá trị truyền thống là những "hạt nhân hợp lý", có vai trò như những đòn bẩy của xã hội trong tiến trình hiện đại hóa.

Trong hệ thống giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam ta thì nổi bật nhất là đạo đức truyền thống. Đạo đức truyền thống đã được gìn giữ và nâng cao từ đời này qua đời khác trở thành một tình cảm sâu sắc, một lẽ sống của toàn thể nhân dân, một niềm tự hào cao quý ở mỗi người, là những quan điểm, quan niệm, nguyên tắc, chuẩn mực, hành vi ứng xử, thói quen, tập quán... đạo đức đã có từ lâu đời và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đạo đức truyền thống Việt Nam là bản sắc của dân tộc Việt Nam, là cốt lõi của đời sống văn hóa, tinh thần của chúng ta. Đó không phải là một cái gì thiên định, mà được hình thành và được bồi đắp qua hàng thế kỷ cho đến ngày nay, trong những điều kiện địa lý lịch sử đặc biệt của dân tộc ta.

Dựa vào tiêu chí xác định giá trị đạo đức, từ quan điểm của Đảng ta cũng như của các nhà khoa học, có thể khái quát nội dung của các giá trị đạo đức truyền thống chủ yếu cần có của thanh niên Việt Nam hiện nay, bao gồm: Chủ nghĩa yêu nước; Lòng nhân ái thương người; Tinh thần đoàn kết cộng đồng; Đức tính yêu lao động, cần cù, tiết kiệm; Tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo; Đức tính khiêm tốn, giản dị, trung thực, lạc quan...

v Yêu nước là tình yêu quê hương đất nước, là lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân, là phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc và nhân dân bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Dân tộc nào cũng có lòng yêu nước. Tuy nhiên, lòng yêu nước đó được hình thành như thế nào, hình thức, nội dung và mức độ biểu hiện của nó ra sao lại phụ thuộc vào điều kiện đặc thù của mỗi dân tộc. Giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ, là yêu cầu cấp thiết giai đoạn hiện nay và chỉ có yêu nước họ mới có lý tưởng cách mạng triệt để, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, đứng vững trước làn sóng hội nhập kinh tế - văn hóa thế giới và đặc biệt hoàn thành sứ mệnh là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

v Lòng nhân ái, thương người của cha ông ta bắt nguồn từ lối sinh hoạt gần gũi, thân thiết của họ trong cộng đồng làng - xã ở nông thôn, từ các mối quan hệ dòng tộc ở nơi cư trú từ thời xưa và được củng cố sâu sắc thêm qua quá trình chung lưng đấu cật khai phá giang sơn và giữ gìn đất nước. Lòng thương yêu và quý trọng con người của người Việt Nam thể hiện sâu sắc trong tình cảm của những thành viên trong một gia đình, mở rộng trong quan hệ giữa gia đình và làng xóm, từ đó thấm đượm ra cả cộng đồng dân tộc. Người Việt Nam lấy tình thương yêu làm nền tảng cho cách đối nhân xử thế của mình, thường trọng tình hơn trọng lý. Trong quan hệ giữa người với người, tình cảm luôn có vị trí đặc biệt: Tình ruột thịt, tình vợ chồng, tình anh em, tình đồng bào, đồng chí... Thương yêu và quý trọng con người, đề cao con người với lòng tự hào chân chính về sức mạnh và vẻ đẹp cao quý của nó là phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc ta.

v Tinh thần đoàn kết cộng đồng cũng là một trong những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của nhân dân ta, là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc ta từ xưa đến nay. Tinh thần đoàn kết của cha ông ta được bắt nguồn từ lòng yêu nước và là biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước. Với những điều kiện lịch sử, tự nhiên và xã hội đặc trưng của đất nước thì tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng là điều kiện tất yếu để bảo vệ dân tộc, bảo vệ nòi giống, giúp dân ta vượt qua được những thử thách khắc nghiệt. Từ kinh nghiệm thực tế và lịch sử ông cha ta đã khái quát lên rằng: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

vĐức tính yêu lao động, cần cù, tiết kiệm là giá trị đạo đức lâu đời của nhân dân ta. Chính điều kiện khó khăn trong lao động sản xuất và kiếm sống đã hình thành nên đức tính này ở người Việt Nam. Lao động không chỉ là điều kiện tất yếu của quá trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người nói chung, của dân tộc ta nói riêng mà còn là môi trường rèn luyện và phát triển những năng lực và phẩm chất tinh thần của con người.

vTinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam thể hiện rất rõ nét và lâu dài trong lịch sử dân tộc. Trong lịch sử của nền giáo dục nước ta, luôn tồn tại song song hai dòng giáo dục: dòng giáo dục chính thống thông qua hệ thống tổ chức nhà trường, chế độ học tập, chế độ thi cử, các nề nếp và thể thức chung...; dòng giáo dục dân gian hình thành và phát triển từ trong hoạt động sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ngoài những giá trị chủ yếu trên, còn có những đức tính phổ biến hợp thành trong hệ thống giá trị đạo đức truyền thống dân tộc như tính khiêm tốn, giản dị, trung thực, thủy chung... Đó cũng là những đức tính tốt đẹp mà các thế hệ, đặc biệt là thanh niên cần quý trọng và gìn giữ.

Có thể nói, dân tộc Việt Nam sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, vẫn đứng vững và phát triển được như ngày hôm nay là vì chúng ta đã luôn gìn giữ và phát huy được bản sắc dân tộc mình, đó là giá trị truyền thống. Đây chính là nền tảng của nền đạo đức mới mà chúng ta cần xây dựng cho thế hệ thanh niên hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011

 

2. Hồ Chí Minh. Toàn tập, (tập 1), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1999.

                                                                                         Th.S Hoàng Phúc