KHÁI QUÁT NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI VỀ TƯ TƯỞNG THỜI ĐINH – TIỀN LÊ – LÝ – TRẦN

 

 

 

TS. Lê Thị Hương

 

Từ thế kỷ X – XIV trước sự biến đổi của lịch sử dân tộc, cùng với sự kế thừa di sản tư tưởng của thời kỳ trước, tư tưởng Việt Nam thời kỳ này có những bước phát triển mới, phù hợp với điều kiện lịch sử. Sự phát triển ấy được thể hiện:

     Thứ nhất, trình độ nhận thức vững chắc về tự nhiên, về xã hội, về cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch họa và tâm lý có bản sắc riêng thể hiện trong phong tục, tập quán, nếp sống và sự ứng xử giữa mọi người. 

Thứ hai, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc, lật đổ ách thống trị của ngoại bang nhằm giải phóng dân tộc như một ngọn lửa rực cháy thể hiện rõ nét trong các áng văn thơ. Trong “Nam quốc sơn hà”, Lý Thường Kiệt đã khẳng định chủ quyền của đất nước và tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền ấy. Nhận thức đó chứng tỏ bước trưởng thành về mặt ý thức dân tộc của nhân dân ta từ thế kỷ thứ XI:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Dành dành đã định tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”

Trong “Đoạt giáo Chương Dương độ” của Trần Quang Khải đã thể hiện sự nhận thức sâu sắc về nền độc lập tự chủ của đất nước: 

“Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân Hồ

Thái bình nên gắng sức

Non nước vẫn ngàn thu”

Thứ ba, Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đang tồn tại ở nước ta lúc này đã có một vị trí nhất định trong những hoạt động về tư tưởng, văn hóa của nhân dân. Khi vương triều Lý được thành lập, việc củng cố chế độ phong kiến trở thành yêu cầu cấp bách. Giai cấp phong kiến đề cao Nho giáo và sử dụng Nho giáo như một lợi khí sắc bén trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng. Nho giáo dần chiếm được ưu thế trong cung đình và đi sâu vào sinh hoạt tinh thần của nước Đại Việt trên nhiều mặt, đáp ứng được yêu cầu thống trị của tầng lớp phong kiến. Phật giáo vào Việt Nam đã để lại những dấu ấn trên các mặt văn hóa tinh thần của đất nước như vấn đề bản thể của thế giới, vấn đề sống chết của con người và nêu ra cái gọi là triết lý nhập thế. Những dấu ấn đó đã tác động đến tâm lý, tư tưởng, phong tục, nếp sống của đông đảo nhân dân ở các làng xã. Đạo giáo vào Việt Nam phần nhiều ảnh hưởng đến sự mê tín trong nhân dân không đáp ứng được những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực tư tưởng.

Thứ tư, một trong những vấn đề hàng đầu mà các tầng lớp nhân dân đương thời rất quan tâm đó là vấn đề dựng nước, giữ nước, vấn đề củng cố nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia đã giành được sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Nhân dân Việt Nam thông qua đại biểu về tư tưởng của mình mà biểu thị sự nhận thức sâu sắc về quyền độc lập tự chủ về một quốc gia phong kiến và những quy luật cơ bản về một cuộc chiến tranh giữ nước nhằm bảo vệ độc lập tự chủ ấy. Một trong những quy luật của cuộc chiến tranh giữ nước là phải dựa vào dân, xây dựng được khối đoàn kết toàn dân, tổ chức nhân dân thành một lực lượng vật chất để chiến thắng kẻ thù.

Thứ năm, sự phát triển của tư tưởng Việt Nam trong thời kỳ này còn liên quan đến vấn đề xây dựng bộ máy nhà nước để tổ chức và điều khiển công cuộc dựng nước và giữ nước. Trên lĩnh vực tư tưởng xuất hiện những quan niệm và kiến giải về nhà nước phong kiến, về các chuẩn mực đạo đức như vinh nhục, trung nghĩa, hiếu thuận ảnh hưởng từ Nho giáo, phù hợp với điều kiện lịch sử Việt Nam để cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng đất nước. 

Trên đây là những nét chính trong sinh hoạt tư tưởng của người Việt Nam thời kỳ Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần. Ở thời kỳ này chưa xuất hiện những mâu thuẫn mang tính quyết liệt và có ý thức mà ở đó chỉ là đối lập nhau giữa tý týởng tiến bộ và tý týởng lạc hậu, tư tưởng có giá trị góp phần vào sự phát triển của đất nước với tư tưởng bi quan, chán nản.