MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG VĂN HOÁ CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

 

Some solutions to increase the effectiveness of ethics and cultural lifestyle education to the students of  Tay Bac university

 

              ThS. LÈO THỊ THƠ

                                                                                  Trường Đại học Tây Bắc

                                                         

Tóm tắt

 Giáo dục đạo đức (GDĐĐ), lối sống văn hóa cho sinh viên (SV) là một nội dung luôn được quan tâm trong các nhà trường đại học. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác GDĐĐ, lối sống văn hoá cho SV Trường Đại học Tây Bắc, đó là: 1/ Thường xuyên chăm lo GDĐĐ cách mạng, lối sống văn hoá; 2/ Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội; 3/ Khuyến khích, biểu dương hoạt động tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện của SV; 4/ Xây dựng môi trường, sân chơi lành mạnh cho SV.

          Từ khoá:Giáo dục đạo đức; lối sống văn hóa; Đại học Tây Bắc.

Summary

 Ethics education, cultural lifestyle for students is always a content of  interest in  universities. Within the scope of this article, we propose some solutions to improve the effectiveness of moral education, cultural lifestyle for students of Tay Bac University, including: 1/ Taking regular care of moral and cultural lifestyle education; 2/ Working closely between families, schools, and society; 3/ Encouraging and praising self-learning activities, self-cultivation and training; 4/ Constructing healthy environment for students.

 Keywords: Ethics education; cultural lifestyle; Tay Bac University.

Nhận bài ngày 2/6/2016. Sửa chữa xong 10/6/2016. Duyệt đăng 15/6/2016.

          1. Đặt vấn đề

Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho SV là một nội dung luôn được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, các phòng, ban chức năng, giảng viên (GV) Trường Đại học Tây Bắc (ĐHTB) đặc biệt quan tâm. Những năm qua, nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Đoàn Thanh niên, Hội SV,về GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV đã được triển khai đạt nhiều kết quả. Hệ thống nội quy, quy chế, công tác quản lý SV ngày càng được hoàn thiện. Công tác giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống cho SV không ngừng được tăng cường và đổi mới. Thông qua các hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, dạy tốt - học tốt đã tạo ra môi trường lành mạnh để SV rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách của các em. Phần lớn SV tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện, tích cực lao động, sáng tạo; có phẩm chất đạo đức tốt, quan hệ bạn bè lành mạnh, trong sáng, kính trọng thầy cô giáo; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. 

Tuy nhiên, GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV trong trường còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV, nhất là trong bối cảnh đất nước, nhà trường có nhiều thay đổi. Việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục SV chưa kịp thời và hiệu quả; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu. Vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội đến chăm lo, GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV chưa đạt như mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Một bộ phận SV có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, tư tưởng lệch lạc, lối sống ích kỷ, không lành mạnh và có những hành vi thiếu văn hóa như đánh nhau, thiếu tôn trọng thầy, cô giáo, coi thường kỷ cương, kỷ luật của nhà trường,...Tình trạng SV vi phạm pháp luật hành chính, vi phạm luật giao thông, ăn ở mất vệ sinh, uống rượu say, sử dụng ma túy, sống thử, nghiện game, cờ bạc, lười lao động và học tập, chỉ biết sống hưởng thụ, không dám đấu tranh với biểu hiện sai trái, thờ ơ vô cảm, thiếu kỹ năng sống,… có xu hướng gia tăng đang là vấn đề đáng báo động, gây lo lắng cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa tới đời sống vật chất và tinh thần của SV; do thiếu sự phối hợp quan tâm chăm sóc, giáo dục chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; các điều kiện vật chất phục vụ nhu cầu ăn, ở, học tập, vui chơi giải trí cho SV còn thiếu; công tác GDĐĐ, lối sống cho SV còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác quản lý SV, nhất là SV ngoại trú chưa được quan tâm đúng mức; do ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống của bản thân SV chưa cao,...

          2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV Trường Đại học Tây Bắc hiện nay

          2.1. Thường xuyên chăm lo GDĐĐ cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho SV.

Chăm lo GDĐĐ cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh là giải pháp cơ bản để xây dựng, hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa cho SV, vì đạo đức là “gốc của người cách mạng”. Trước hết GV cần quan tâm giáo dục những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng cho SV thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Chú trọng giáo dục làm cho SV nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhà trường, gia đình, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cho SV những tình cảm cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước: “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân”, quên mình vì nghĩa lớn,… Từ đó hình thành cho họ lối sống trong sạch, lành mạnh, có hành vi đạo đức trong sáng phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại.

Để việc giáo dục bồi dưỡng có hiệu quả, nhà trường cần thường xuyên tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chú trọng làm theo những lời dạy của Bác, cụ thể hóa thành những tiêu chí chuẩn mực đạo đức, rèn luyện thường xuyên trong mỗi SV; chú trọng GDĐĐ, lối sống thông qua các môn học như Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đạo đức học, Lịch sử dân tộc…; cần tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng của SV mà tiêu biểu là phong trào: “Thanh niên lập nghiệp và tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, “Chiến dịch mùa hè xanh”,…Bên cạnh đó, cần phải duy trì và mở rộng các hoạt động nêu gương, biểu dương các điển hình tiên tiến, thức tỉnh SV bằng những tấm gương cụ thể trong cuộc sống để hướng các em đến những hành vi và cách sống tích cực.

          2.2. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong GDĐĐ, lối sống văn hoá cho SV

          “Trường đại học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong giáo dục thanh niên” [2]. Đây chính là nguyên tắc giáo dục quan trọng mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chỉ dạy. Vì vậy, nâng cao hiệu quả công tác GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV nhà trường trước hết phải bắt đầu từ làm tốt công tác giáo dục ở gia đình, nhà trường và xã hội. Mặt khác, có sự tăng cường, phối hợp giữa ba môi trường giáo dục trên để tạo ra sức mạnh tổng hợp tác động tích cực đến quá trình học tập, rèn luyện của SV.

Gia đình là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, môi trường giáo dục đầu tiên và rất quan trọng đến hình thành nhân cách, lối sống có văn hóa cho con người. Giáo dục gia đình có thế mạnh là có sự hiểu biết, tình thương yêu và trách nhiệm giữa những người thân với nhau. Điều này tạo nên sức mạnh cảm hóa to lớn mà nhà trường và xã hội không thể có được. Trong giai đoạn hiện nay, muốn phát huy vai trò của giáo dục gia đình trước hết cần phải quan tâm xây dựng văn hóa gia đình. Trong gia đình, các thành viên cần ý thức đầy đủ trách nhiệm và bổn phận của mình, luôn quan tâm, giúp đỡ, an ủi, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Thực tế đã chỉ ra, gia đình no ấm, hòa thuận, hạnh phúc là môi trường tốt nhất cho quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con cái. Để công tác giáo dục có hiệu quả các bậc phụ huynh cần được trang bị những kiến thức về giáo dục, phải có phương pháp giáo dục phù hợp, tránh đánh đập, dùng hình phạt cũng như nuông chiều con cái, có thái độ nghiêm khắc nhưng cũng cần tôn trọng nhân cách của chúng. Cha mẹ phải gần gũi, thường xuyên quan tâm tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con em để trên cơ sở đó có những biện pháp giáo dục đúng đắn, kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức và hành động của con em mình. Bên cạnh đó, gia đình phải thường xuyên liên lạc với nhà trường để vừa nắm bắt tình hình học tập, sinh hoạt của các em, vừa tìm hiểu nội dung, hình thức giáo dục của nhà trường để có những phối hợp “ăn ý” với nhà trường trong công tác giáo dục chúng.

Nhà trường là nơi đào tạo toàn diện cả về thể chất lẫn tri thức, lối ứng xử cho người học. “Sự học tập ở nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên” [2] với tư cách là một tổ chức chuyên nghiệp được giao trọng trách đào tạo và giáo dục SV theo “một kế hoạch, chương trình định sẵn, với một nội dung khoa học đã được chọn lọc kỹ càng, cùng với những trang thiết bị kỹ thuật đặc thù phục vụ cho công tác giáo dục, đào tạo do các nhà sư phạm đảm nhiệm” [3], nhà trường giữ vị trí chủ đạo trong việc bồi dưỡng năng lực, xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống văn hóa cho SV. Trong thời gian tới, công tác giáo dục của nhà trường cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

- Thiết lập lại kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường mà bắt đầu từ việc xây dựng nền nếp học tập, sinh hoạt của SV. Khắc phục hiện tượng đi muộn về sớm, bỏ học, bỏ tiết của SV bằng việc buộc họ phải thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế; kiên quyết xử lý các hiện tượng vi phạm quy chế thi cử. Phòng Công tác chính trị và quản lý người học, Ban quản lý ký túc xá cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời nhắc nhở hoặc xử lý các sai phạm của SV nội trú như: không giữ gìn vệ sinh, tụ tập gây mất trật tự, rượu chè, cờ bạc… Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với công an, chính quyền địa phương để quản lý tình hình học tập, sinh hoạt của SV ngoại trú. Khi đánh giá kết quả rèn luyện của SV ngoại trú, nhà trường cần dựa trên nhận xét, đánh giá của chính quyền địa phương.

- Chú trọng “dạy chữ”, “dạy người”. Nhiệm vụ của nhà trường không chỉ dạy học, trang bị cho SV những tri thức khoa học mà còn rèn luyện SV về đạo đức, lối sống, nếp sống có văn hóa, đào tạo SV trở thành những con người toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Tập thể nhà trường từ Đảng ủy, Ban Giám hiệu, thầy cô chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cho đến các phòng, ban chức năng, các tổ chức đoàn thể phải cùng chung mục đích, hành động để rèn luyện SV trở thành con người có văn hóa. Kết hợp giữa học chính khóa với hoạt động ngoại khóa, lồng ghép GDĐĐ, lối sống, ý thức pháp luật trong các môn học, khuyến khích, biểu dương SV làm việc tốt hoặc có nghĩa cử cao đẹp.

- Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng giảng dạy môn Đạo đức học, các môn Khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh giữa các trường đại học cùng khối hay cùng ngành để rút kinh nghiệm trong giảng dạy các môn học này.

- Xây dựng đội ngũ GV có năng lực, phẩm chất trong sáng, mẫu mực, yêu nghề, yêu thương học trò và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Kiên quyết xử lý buộc thôi việc hoặc đình chỉ công tác giảng dạy đối với những GV có hành vi mua bán điểm số để làm lành mạnh môi trường giáo dục.

- Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội vững mạnh làm trung tâm đoàn kết, tập hợp, vận động, giáo dục SV. Các cán bộ Đoàn, Hội cần nâng cao phẩm chất, năng lực hoạt động, gắn bó mật thiết với SV; thường xuyên nghiên cứu, nắm vững tình hình, dự báo diễn biến về tư tưởng, thái độ chính trị, đạo đức, lối sống của SV và chủ động đề xuất các giải pháp khả thi để giáo dục, rèn luyện, định hướng sự phát triển nhân cách cho SV.

Quá trình giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội có những đặc trưng riêng, ưu thế riêng. Sự thống nhất biện chứng giữa giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội là yếu tố quyết định quá trình hình thành phẩm chất đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh cho SV.

        2.3. Khuyến khích, biểu dương hoạt động tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của SV

Trong lĩnh vực giáo dục, các giải pháp của gia đình, nhà trường và xã hội dẫu có làm thật tốt cũng không thể thay thế yếu tố tự giáo dục, rèn luyện của bản thân SV. Do đó, cần phải biết khích lệ, phát huy ý thức tự giáo dục, tự tu dưỡng, rèn luyện của SV. Đây là quá trình SV tự hoàn thiện, tự biến đổi, tự thích nghi với môi trường và điều kiện sống, là khả năng biết tự kiềm chế, tự khuôn mình vào những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội để vươn tới mẫu nhân cách mà xã hội đặt ra. Muốn tự giáo dục thành công, SV phải có ý thức tự giác cao, luôn biết lục vấn lương tâm, có ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên, biết xấu hổ và kiên quyết đấu tranh với những thói hư, tật xấu của bản thân; biết biến những tri thức đạo đức đã tiếp thu được từ gia đình, nhà trường, xã hội thành hiểu biết của bản thân, tình cảm, niềm tin đạo đức và được thể hiện ở hành vi đạo đức của chính mình. Đối với SV, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống được đặt trong 3 mối quan hệ chủ yếu: đối với mình, đối với người, đối với việc. SV cần rèn luyện thái độ nghiêm khắc với chính bản thân, chống tự kiêu, tự mãn. Vì tự kiêu, tự mãn sẽ không nhận thấy cái hay ở người để học và cái dở, hạn chế ở bản thân để khắc phục. Bên cạnh đó, SV cần rèn luyện đức tự tin để có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Khi quan hệ với mọi người, SV cần có thái độ, hành vi ứng xử đúng mực, khiêm nhường, có lòng nhân ái, đức bao dung, vị tha, biết quan tâm và giúp đỡ người khác. Bỏ thói đố kỵ, xem thường người khác cũng như thờ ơ, bàng quan trước nỗi đau, sự bất hạnh của con người. Ngoài ra, SV còn phải rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại, trung thực trong học tập; say mê, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; không ngừng trau dồi đạo đức, tác phong, thực hành lối sống văn minh, tiến bộ. Để việc tu dưỡng, rèn luyện của SV có kết quả, ngoài nỗ lực của bản thân SV cần có sự quan tâm, định hướng giáo dục và hỗ trợ kịp thời từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để SV phấn đấu, rèn luyện; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho SV. Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của SV về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để SV rèn luyện đạo đức, lối sống tốt, làm sao cho mỗi SV phải xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, tiến bộ.

        2.4. Xây dựng môi trường, sân chơi lành mạnh, tạo điều kiện vật chất thuận lợi cho các hoạt động văn hóa xã hội của SV

Việc xây dựng môi trường xã hội, môi trường văn hóa giáo dục có ý nghĩa vô cùng thiết thực với SV. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngày càng nhiều SV Trường ĐHTB mắc phải những thói hư, tật xấu hay sa vào các tệ nạn xã hội như: xem sách báo, phim ảnh khiêu dâm, số đề, cờ bạc, bói toán, sử dụng ma túy, … là do TP. Sơn La, nhà trường chưa tạo ra được nhiều sân chơi bổ ích, thiếu những tụ điểm sinh hoạt văn hóa dành riêng cho SV, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh của các em. Để nâng cao hiệu quả công tác GDĐĐ, lối sống cho SV, tránh được những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội,… Chính quyền thành phố cần nhanh chóng có chính sách và sự đầu tư thích đáng để xây dựng nhiều hơn các khu vui chơi giải trí, những tụ điểm sinh hoạt văn hóa trên các địa bàn có đông SV cư trú như: tụ điểm ca nhạc, đền tưởng niệm, nhà văn hóa thanh niên, nhà văn hóa SV, khu liên hợp thể thao… Đây là những cơ sở vật chất cần thiết để tổ chức các hoạt động giao lưu, vui chơi giải trí, du lịch, dã ngoại, về nguồn và các hoạt động xã hội khác cho SV. Nhà trường cần nhanh chóng xây dựng khu nhà đa năng, thành lập câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, bạn yêu khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh… cho SV. Thông qua các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu sở thích của SV sẽ giúp các em hình thành kỹ năng sống và mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Ngoài ra, nhà trường, các tổ chức Đoàn, Hội cần thường xuyên tổ chức hội thi Olympic các môn Khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, hội thi khoa học trẻ, tìm hiểu về truyền thống dân tộc và cách mạng, "Rung chuông vàng", “SV thanh lịch”; các hoạt động từ thiện,.. thông qua đây để xã hội hóa giáo dục, cá thể hóa nhân cách lối sống của SV, thu hút các em vào những hoạt động văn hóa xã hội lành mạnh là cách tốt nhất giúp SV tránh xa cám và các tệ nạn xã hội. Đồng thời, tạo môi trường cho SV tự nhận thức và rèn luyện đạo đức, lối sống cho bản thân.

          4. Kết luận

Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho SV là một công việc quan trọng để hình thành, phát triển nhân cách con người mới, đáp ứng với điều kiện mới. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà cần có sự phối hợp, chỉ đạo và triển khai của các bộ, ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội. Thực hiện tốt giải pháp trên góp phần đào tạo, giáo dục thế hệ SV Việt Nam nói chung, SV Trường ĐHTB nói riêng vừa "hồng", vừa "chuyên", xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước như mong đợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7 (1996), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3 (1996), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

            [3]. Trần Minh Đoàn (2002), Giáo dục  đạo đức cho thanh niên, học sinh theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

            [4]. Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn văn Phúc (đồng chủ biên) (2003), Mấy vấn đề  đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, HN.

            [5]. PGS,TS Nguyễn Thế Kiệt, “Vai trò của giáo dục đạo đức trong xây dựng nhân cách sinh viên hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015.

            -----------------------------------------------------------------------

            Bài viết đăng trên Tạp chí Dạy và học ngày nay số 06 – 2016.