SỬ DỤNG CHUYỆN KỂ ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TRONG DẠY HỌC PHẦN ĐẠO ĐỨC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

 

 

Th.S. Nguyễn Thị Hương

 

     (Bài đã đăng trên tạp chí Giáo dục số đặc biệt kì 3 tháng 6/2016 trang 227).

            1. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh rất chú ý đến vấn đề đạo đức. Từ những tác phẩm đầu tiên cho đến Di chúc, Người luôn ân cần dạy bảo thế hệ sau đạo lý làm người cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa cao đẹp. Người đặc biệt căn dặn và nhắc nhở bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết”. Do đó, Đảng ta cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh thiếu niên. Đào tạo họ thành những người thừa kế công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng” vừa chuyên”, tức là những con người mới vừa có phẩm chất, đạo đức cách mạng, vừa có năng lực công tác. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, tạo điều kiện, cơ hội cho thanh thiếu niên rèn luyện, phấn đấu và khẳng định mình. Song tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên,đã có một bộ phận thanh thiếu niên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, thiếu trung thực, gian lận trong thi cử,… Đây là những biểu hiện không thể coi thường.

            Vì vậy, giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên, là một vấn đề quan trọng trong chiến lược con người của Đảng ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: “Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật nhất là trong thế hệ trẻ” [5, 126]

Môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường trung học cơ sở (THCS) có nhiệm vụ quan trọng là trực tiếp giáo dục phẩm chất, đạo đức, nhân cách cho học sinh (HS); hình thành ở thế hệ trẻ hệ thống các giá trị phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Nhiệm vụ này được thực hiện thông qua toàn bộ hệ thống chương trình của môn học, trong đó trực tiếp nhất là phần Đạo đức.

            Lãnh tụ Hồ Chí Minh – người đã tìm đường và dẫn đường cho cách mạng Việt Nam giành độc lập cho dân tộc. Mọi người Việt Nam đều kính yêu Người. Trong trái tim mỗi HS cũng đều tồn tại tình cảm đó. Quá trình dạy học môn GDCD là quá trình khai thác tiềm năng và phát triển tâm lực cho HS, phát triển tính tích cực nhận thức và năng lực tự hoàn thiện của HS. Vì vậy trong quá trình dạy học môn GDCD nhiệm vụ của người GV là làm sao có thể truyền tình cảm đó từ GV tới các em và làm khơi dậy được lòng kính yêu Bác trong bản thân mỗi người học, biến tình cảm đó thành hành động nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Cách thức thực hiện việc đó tốt nhất là sử dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh trong quá trình dạy học GDCD.

Cùng với hệ thống tri thức lý luận về đạo đức có trong sách giáo khoa, chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh nếu được sử dụng hiệu quả sẽ giúp hình thành ở HS niềm tin đạo đức và rèn luyện hành vi ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội một cách tự giác. Đó cũng chính là mục tiêu của quá trình dạy đạo đức thông qua môn GDCD ở trường THCS.

2. Tùy theo mỗi giáo viên, việc khai thác và sử dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh được tiến hành theo nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, xét về mục đích sử dụng gắn liền với tiến trình dạy học thì những mẩu chuyện về Bác Hồ có thể được vận dụng theo những hướng sau:

2.1. Vận dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh để mở đầu bài học

Mở đầu bài học là khâu đầu tiên của quá trình dạy học, là điểm khởi đầu cho quá trình truyền thụ và lĩnh hội tri thức bài học mới của GV và HS. Đây là bước quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lĩnh hội kiến thức của HS trong một giờ học, góp phần làm nên sự thành công của người GV. Hoạt động này giúp tạo cho HS tâm thế, định hướng tư duy, xác định yêu cầu đối với người học.

GV có thể sử dụng chuyện kể Hồ Chí Minh để thực hiện hoạt động này. GV lựa chọn câu chuyện có nội dung phù hợp với chủ đề bài học để thay cho lời mở bài. Từ nội dung câu chuyện, GV làm rõ chủ đề bài học bằng những câu hỏi có tính định hướng, chuẩn bị tâm thế tiếp nhận bài học mới cho HS.

Ví dụ, trước khi vào giảng dạy nội dung bài “Tiết kiệm” (bài 3, GDCD lớp 6), GV có thể kể cho các em nghe câu chuyện sau:

Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước, Người đã chọn Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) làm nơi đứng chân xây dựng căn cứ địa cách mạng.Vào những năm 1940 - 1941, đời sống người dân Pác Bó vô cùng cực khổ, lương thực chủ yếu chỉ là ngô. Có những gia đình thiếu đói, vào những ngày giáp hạt phải vào rừng để đào củ mài để kiếm sống qua ngày. Còn có những gia đình bốn đời truyền nhau một tấm áo chàm, miếng vá nọ chồng lên miếng và kia, đến khi nhìn lại thì không còn nhận ra đâu là miếng vải may từ lúc đầu tiên nữa. Người về nước trong thời điểm đó và chọn hang Cốc Bó làm nơi trú ẩn. Cuộc sống của Người kham khổ đạm bạc cũng chỉ cháo ngô và rau rừng như những đồng bào quanh vùng. Thấy Bác đã có tuổi, vất vả ngày đêm, lại phải ăn cháo ngô sợ Người không đủ sức khoẻ nên các đồng chí đã bàn nhau mua gạo để nấu riêng cho Bác. Biết vậy Người đã kiên quyết không đồng ý. Có lần ngô non xay để lâu ngày mới dùng đến, nấu cháo bị chua. Các đồng chí lại đề nghị Bác cho nấu cháo gạo để Bác dùng Bác vẫn không nghe. Người hỏi các đồng chí:

- Có cách nào làm cho bắp non khỏi bị chua không?

Các đồng chí thưa:

- Nếu rang lên thì có thể ăn được nhưng không ngon.

- Không ngon cũng được, thế thì rang lên mà ăn, không nên bỏ phí. Một hạt bắp lúc này cũng quí.

Lời Bác nói đã cho anh em thấm thía một bài học về sự tiết kiệm. Và câu thơ "Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng" ra đời trong thời kỳ này. Trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, Bác chúng ta vẫn luôn tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng.

Kể xong câu chuyện trên, GV có thể dẫn dắt vào nội dung bài mới: Thông qua những lời nói, cử chỉ, việc làm của Bác chúng ta thấy toát lên một phẩm chất đạo đức thật đáng quý, đáng trân trọng đó là tiết kiệm. Vậy tiết kiệm là gì? Phẩm chất đạo đức này có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của mỗi chúng ta? Cô trò chúng ta sẽ cùng làm rõ những điều đó qua bài học hôm nay.

Hoặc để mở bài Giữ chữ tín (bài 4, GDCD 8), GV có thể kể cho HS câu chuyện sau:

“Cái vòng bạc”

Do điều kiện công tác, sau hơn 2 năm, Bác Hồ mới có dịp trở lại một vùng cơ sở trước đây Người đã từng sống và làm việc. Thấy Bác về, bà con già, trẻ, gái, trai khắp bản ùa ra đón Bác.

Trong số những người đứng vây quanh Bác lớp trong, lớp ngoài hôm ấy có một em bé 2 năm trước đã từng quấn quýt bên Bác khi Người ra suối câu cá, hoặc lên nương cuốc đất trồng rau sau những giờ làm việc. Ngày Bác lên đường đi công tác xa, em bé đó theo ra đến đầu bản tiễn Bác. Trước lúc chia tay, Bác cúi xuống hôn má em và Người chưa kịp hỏi gì thì đã nghe em bé nói một câu rất tự nhiên: “Đến đâu thấy vòng bạc, Bác nhớ mua cho cháu một cái”.

Đối với em bé dân tộc miền núi Cao Bằng, có được cái vòng bạc đeo cổ tay là điều rất thích thú. Bây giờ em bé đó đã qua tuổi nhi đồng, chững chạc, được học, đã biết đọc, biết viết, không còn vòi vĩnh, nũng nịu như ngày được bên Bác và chắc cũng không còn nhớ là mình đã dặn Bác Hồ mua cho cái vòng bạc.

Bà con dân bản tiễn Bác lên đường đi công tác cách đây 2 năm cũng đã quên chuyện “Cái vòng bạc” ấy. Sau những lời chúc mừng thăm hỏi sức khoẻ dân bản, nhận ra em bé ngày trước đứng trong đám đông,

Bác bước đến, từ từ mở nắp túi áo ngực, lấy ra chiếc vòng bạc mới tinh và trao cho em.

Ngỡ ngàng giây lát, rồi nhớ ra lời dặn Bác 2 năm trước, em bé sung sướng quá, không giấu nổi xúc động, hai mắt cứ chớp mãi, líu cả lưỡi mới nói được: “Cháu... cháu... cảm ơn Bác!”

Một số người không có mặt hôm tiễn Bác lên đường đi công tác ngày trước, nay thấy vậy lấy làm ngạc nhiên và hỏi đồng chí giúp việc của Bác. Đồng chí này kể lại cho mọi người nghe là trên đường về Bác đã ghé vào một cửa hàng mua chiếc vòng bạc.

Khi đồng chí hỏi, Bác giải thích như sau: “Các cháu khi đã nhờ mua cái gì tức là chúng nó thích cái đó lắm. Thấy có hại thì tìm cách giải thích cho các cháu hiểu; nếu không có hại thì không nên từ chối. Các cháu như tờ giấy trắng nhuộm đỏ thì đỏ, nhuộm xanh thì xanh, đừng để giảm lòng tin của các cháu. Đã hứa là mình phải làm cho kỳ được, không làm được thì đừng có hứa. Đây là chữ Tín, cần giữ trọn lòng tin của mọi người”.

Kể đến đây, GV có thể dẫn dắt: Qua câu chuyện này chúng ta thấy Bác Hồ là người rất giữ chữ tín. Vậy giữ chữ tín là gì? Việc giữ chữ tín có ý nghĩa như thế nào? Muốn có được lòng tin của mọi người chúng ta cần làm gì? Cô trò mình cùng tìm hiểu bài học hôm nay Giữ chữ tín.

2.2. Vận dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh để minh họa nội dung tri thức bài học

Đây là hình thức thường được GV sử dụng, đặc biệt là khi giảng dạy các khái niệm, phạm trù có tính khái quát cao. Cùng với quá trình phân tích, lý giải tri thức bài học, GV có thể vận dụng những mẩu chuyện về Bác Hồ để làm rõ thêm nội dung tri thức của bài.

Khi dạy bài “Yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên” (bài 7, GDCD lớp 6), sau khi khẳng định vai trò của thiên nhiên rất cần thiết cho cuộc sống của con người. Con người cần phải bảo vệ thiên nhiên, sống gần gũi và hòa hợp với thiên nhiên, để minh họa cho nội dung này, GV có thể kể câu chuyện “Phải bảo vệ từng cành cây”

Hôm ấy, tôi có nhiệm vụ mắc đường dây điện thoại qua vườn Phủ Chủ tịch. Tôi đang trèo lên một cây ở ngay cạnh đường thì nghe có tiếng chân người bước tới. Tôi nhìn về phía đó thì thấy Bác đi tới. Tôi loay hoay định tụt xuống thì thấy Bác giơ tay ra hiệu cho tôi dừng lại, Bác hỏi:

-          Cẩn thận kẻo ngã. Chú trèo cây làm gì?

-          Thưa Bác, cháu mắc dây điện thoại ạ.

Trong lúc ấy, tay tôi vịn chặt làm gãy một cành cây nhỏ. Tôi giật mình nhìn Bác lo lắng. Bác không nói gì chỉ chú ý xem từng động tác ra dây, mắc dây vào các cành cây của tôi. Sau đó, Bác chỉ vào một cành cây to ở ngay cạnh chỗ tôi, nói:

- Sao chú không mắc dây vào cành kia, vừa to vừa chắc chắn hơn. Các chú mắc dây cần phải chú ý bảo vệ từng cành cây nhỏ, nếu không làm gì có cây to, cành to mà mắc dây.

Nói xong, Bác đi vào nhà làm việc. tôi nhìn theo Bác cho đến khi Bác vào hẳn trong nhà. Nhìn vào cành cây vừa gãy, nhìn vào đường dây đang mắc, tôi càng thấm thía lời dạy của Bác. Về sau, cứ mỗi lần đi mắc dây qua những hàng cây, tôi đều thận trọng nâng niu từng cành con, chồi nhỏ.

Kể xong câu chuyện này, GV có thể phân tích chúng ta đều biết Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên, luôn sống hòa hợp với thiên nhiên. Nhưng để bảo vệ được thiên nhiên mỗi chúng ta không chỉ cần tự ý thức bảo vệ thiên nhiên mà còn cần phải nỗ lực tuyên truyền đến mọi thành viên trong xã hội cùng chung tay nỗ lực bảo vệ thiên nhiên. Chỉ có sự “đồng tình, đồng sức, đồng lòng” của tất cả mọi người trong xã hội thì thiên nhiên mới có thể được bảo vệ hiệu quả.

Hay khi dạy bài “Tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới” (bài 5, GDCD lớp 9), sau khi khẳng định với HS là công dân Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm phải thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị với bạn bè và người nước ngoài bằng thái độ, cử chỉ, việc làm và sự tôn trọng, thân thiện trong cuộc sống hàng ngày, GV có thể minh họa cho các em hiểu điều đó bằng câu chuyện:

Bác tặng khăn quàng”

Vào đầu những năm 60 của thế kỉ XX, đồng chí Xuphanuvông và đồng chí Caysỏn Phomvihẳn sang Hà Nội thăm Bác.

Hai đồng chí và Bác gặp nhau, tình cảm Lào – Việt vô cùng thắm thiết. Bác ôm hôn hai đồng chí. Đồng chí Xuphanuvông ôm chặt lấy Bác, hai bàn tay Hoàng thân vỗ nhẹ vào lưng Bác một hồi lâu.

Gió mùa đông bắc mới về lùa hơi lạnh vào phòng khách. Thấy Bác húng hắng ho, đồng chí Caysỏn hỏi nhỏ:

- Thưa Bác, chừng như Bác không được khỏe ạ?

Bác hỏi lại hai đồng chí:

- Ở Lào không rét như ở Việt Nam. Các đồng chí có lạnh lắm không? Sao hai đồng chí lại không choàng khăn cổ?

- Thưa Bác, hôm sang Hà Nội trời còn ấm.

Bác đứng dậy, mở tủ lấy ra hai khăn quàng mới, rồi nói:

- Đồng chí Xuphanuvông và tôi là người già, nhiều tuổi, mỗi người một khăn quàng mới...

Bác tháo chiếc khăn đang quàng đưa cho đồng chí Caysỏn.

- Bác trao khăn này để đồng chí Caysỏn quàng.

Trên đường về, đồng chí Xuphanuvông nói:

- Chà, Bác với tôi mỗi người một khăn mới.Mới như nhau.

Đồng chí Caysỏn thì gật đầu:

- Còn tôi, tôi “kế thừa” chiếc khăn quàng của Bác...

Kể đến đây, GV có thể đưa ra câu hỏi: Trong câu chuyện này chúng ta thấy cách Bác thể hiện tình cảm hữu nghị với những người bạn nước ngoài như thế nào? HS sẽ nhận xét Bác thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị với người nước ngoài bằng thái độ, cử chỉ hết sức thân mật, việc làm tuy nhỏ nhưng toát lên sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với những người bạn Lào. GV có thể yêu cầu các em liên hệ trong thời kì mở cửa, hội nhập ngày nay, người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, học tập, du lịch rất nhiều, các em có thể làm những gì để thể hiện tình cảm hữu nghị với họ? HS sẽ tự lấy ví dụ và rút ra nhận định thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị với người nước ngoài không phải việc gì to tát, khó thực hiện mà có thể được thể hiện thông qua những hành động, cử chỉ, việc làm rất đơn giản, gần gũi trong cuộc sống hàng ngày.

2.3.Vận dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh để củng cố nội dung bài học

Đây là hoạt động quan trọng tiếp sau hoạt động phát triển chủ đề. Sau khi kết thúc đơn vị kiến thức cuối cùng của bài học, GV kể cho HS nghe một câu chuyện có nội dung phù hợp với nội dung bài học, đặc biệt là những kiến thức trọng tâm của bài học. Lúc đó, câu chuyện được kể sẽ trở thành một nhân tố hỗ trợ cho GV tổ chức hoạt động củng cố. GV có thể yêu cầu HS vận dụng những tri thức vừa mới được học để lí giải những vấn đề mà câu chuyện phản ánh hoặc đề nghị HS rút ra những bài học cho bản thân trong quá trình liên hệ với trách nhiệm bản thân.

Khi kết thúc bài “Yêu thương con người” (bài 5, GDCD lớp 7), GV có thể kể cho HS nghe câu chuyện “Sự vất vả của những người công nhân quyét đường”

Bác rất thấu hiểu sự vất vả của những người công nhân quét đường. Một lần, Bác gọi đồng chí phục vụ đến và nói: Có những đêm nằm nghỉ, nghe thấy tiếng chổi tre quét đường phố rất khuya, Bác nghĩ rằng mùa đông, các cô chú công nhân quét đường vất vả lắm. Chú thử tìm cách điều tra thật cụ thể rồi nói lại cho Bác biết.

Vâng lời Bác, một đêm đồng chí phục vụ lững thững dạo theo hè phố từ lúc người công nhân bắt đầu làm việc cho đến lúc dừng tay. Một tối làm việc như vậy họ phải đi đoạn đường khá dài, làm việc thầm lặng mà không kém phần vất vả. Nghe đồng chí phục vụ kể, Bác suy nghĩ hồi lâu rồi bảo: Chú nhớ nhắc những cơ quan có trách nhiệm phải có chế độ cấp phát quần áo lao động để bảo vệ sức khỏe cho các cô các chú ấy, nhắc nhở cán bộ phụ trách các cấp phải quan tâm đúng mức đến anh chị em làm nghề vất vả này. Sau đó, trong một lần đi công tác nước ngoài, Bác để ý thấy giữa mùa đông lạnh giá, hầu hết các cây đều rụng trụi lá nhưng có một loài cây vẫn xanh. Bác hỏi cán bộ địa phương thì biết đấy là loài cây có sức sống tốt, bốn mùa đều xanh tươi. Bác quyết định xin giống cây ấy mang về Việt Nam. Về nước, Bác trao giống cây đó cho người làm vườn trồng thử. Nếu chịu được khí hậu nước ta và xanh tốt thì sau này đem trồng dọc các đường phố, mùa đông vừa có cây xanh, vừa đỡ vất vả, đỡ tốn công cho anh chị em công nhân quét đường.

GV đưa ra câu hỏi: Trong câu chuyện này tình yêu thương của Bác Hồ dành cho những người công nhân quyét đường được thể hiện như thế nào? HS sẽ tự rút ra được kết luận sau: Tình thương yêu của Bác không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện ở sự trăn trở, suy nghĩ và tìm cách làm thế nào để giúp cho những công nhân quét đường đỡ vất vả. Yêu thương con người luôn sẵn sàng giúp đỡ, làm những điều tốt đẹp cho người khác, nhất là những người gặp khó khăn cũng có nghĩa là giúp tạo lập một xã hội tốt đẹp hơn.

3. Tóm lại, chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh là những câu chuyện có thật kể lại những hành động, việc làm và suy nghĩ của Người. Mỗi câu chuyện là những giá trị, chuẩn mực đạo đức mà Người để lại cho thế hệ sau. Đó là những bài học, tư liệu quý giá trong việc giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên góp phần hoàn thiện nhân cách cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Do vậy, việc vận dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh vào thiết kế các bài dạy đạo đức ở trường THCS là rất cần thiết. Nó không những góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc dạy và học nội dung đạo đức môn Giáo dục công dân ở trường THCS nói riêng mà còn góp phần thực hiện thành công cuộc vận động ”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nói chung.