CHÙA MỘT CỘT- DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM

 

                                                                   Th.S Lại Trang Huyền

 

1.     Chùa - Kiến trúc đặc trưng của đạo Phật

 

Chùa là một công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng. Chùa được xây dựng phổ biến ở các nước Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và thường là nơi thờ Phật.Tại nhiều nơi chùa có nhiều điểm giống chùa tháp ở Ấn Độ,vốn là nơi cất giữ xá lị và chôn cất các vị đại sư, thường có nhiều tháp bao quanh. Chùa là nơi tiêu biểu cho chân như, được nhân cách hoá bằng hình tượng một đức Phật được thờ ngay giữa chùa, nhiều tầng đại diện cho ba thế giới (tam giới), các cấp bậc tiêu biểu cho thập địa bồ tát. Có nhiều chùa được xây 8 mặt đại diện cho Pháp luân hặc Bát chính đạo.

Chùa còn là nơi tập trung của các sư tăng (hay ni, nếu là chùa của nữ giới tu hành), sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật.Tại nơi này, mọi người kể cả tín đồ hay người không thao đạo đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ tôn giáo.

Ở Việt Nam, Phật giáo phát triển mạnh từ thế kỉ VI-X và rất thịnh đạt dưới thơì Lý. Vua Lý Công Uẩn là người sáng lập ra triều Lý, khi còn nhỏ sống trong chùa “nhân dân quá nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa”. Phẩm cấp cho các tăng quan đứng đầu là chức quốc sư, các tăng quan cao cấp thường được vua và hoàng hậu dùng làn cố vấn. Tuy nhiên hình dáng đầu tên của ngôi chùa trông như thế nào vẫn là một câu hỏi. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ngôi chùa đầu tiên là những lều cỏ làm bằng tranh, tre, nứa và lợp bằng lá, cỏ gọi là thảo am, tuy nhiên điều này vẫn chưa được khẳng định.

Thời nhà Lý, Phật giáo được coi là quốc giáo. Các vua nhà Lý bỏ tiền ra xây dựng chùa. Ngoài ra làng xã nhân dân cũng tự bỏ tiền ra xây chùa nhưng cho đến nay thì kiến trúc chùa không còn nữa. Tuy nhiên dựa vào bi kí và những vết tích còn lại có thể thấy phần nào về quy mô và đặc điểm của một số kiến trúc chùa thời Lý như: chùa được xây dựng trên mọI loại địa hình (sườn núi cao, ven sông, ven biển, đồng bằng…); mặt bằng kiến trúc chùa có bình đồ hình vuông và gần vuông và là các đơn nguyên kiến trúc đăng đối trên một trục dài. Chùa thời Lý gồm một quần thể kiến trúc bao quanh một kiến trúc ở giữa như chùa Đọi ở Hà Nam, chính giữa là tháp Sùng  Thiện Diên Linh cao 13 tầng, hai bên tả hữu là chùa chính phía trước là đài Quan âm. Chùa Một Cột là điển hình của lối kiến trúc này.

2. Chùa Một Cột - Lối kiến trúc có một không hai của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo.

Tên thường gọi là chùa Một Cột, nằm trong quần thể chùa Diên Hựu (kéo dài tuổi thọ). Chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long thời Lý, nay thuộc phố chùa Một Cột, quận Ba Đình - Hà Nội, ở bên phải Lǎng Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

Theo Đại Việt ký sự toàn thư, chùa được xây dựng vào nǎm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 (1049) đời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028-1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên toà sen đưa tay dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quan nghe, có người cho là điềm không lành. Sư Thiên Tuế khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm toà sen của Phật Quan Âm như đã thấy trong mộng. Chùa xây xong, đài sen nghìn cánh đỡ toà Phật sắc hồng, trong đặt tượng Phật vàng lấp lánh. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa niệm Phật cầu phúc cho vua sống lâu, vì thế đặt tên là chùa Diên Hựu.

Theo vǎn bia dựng nǎm Cảnh Trị 3 do hoà thượng Lê Tất Đạt ghi, chùa được dựng từ thời thuộc Đường: "Nǎm đầu niên hiệu Hàm Thông thời Đường..., dựng một cột đá ở giữa hồ, trên cột xây một toà lầu ngọc trong đó đặt tượng Phật Quan Âm để thờ cúng. Khí đất chung đúc anh linh, cầu gì được nấy. Đến khi triều Lý xây dựng kinh đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, nên càng linh thiêng. Khi Lý Thánh Tông chưa có Hoàng tử, thường đến đó cầu nguyện. Một đêm nằm mộng thấy Phật Quan Âm mời lên lầu ngồi, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Tháng đó Hoàng hậu có mang hoàng tử. Vua bèn sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng..."

Đời Lý Nhân Tông, nǎm Anh Vũ Chiêu Thánh 5 (1080) vua cho đúc chuông lớn để treo ở chùa gọi là "Giác Thế chung" (chuông thức tỉnh người đời) và một toà phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng, nhưng vì chuông quá nặng không sao treo lên được, phải để dưới đất nên đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở, được gọi là ruộng Quy Điền và quả chuông cũng được gọi là chuông Quy Điền.

Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho sửa lại chùa, dựng lên một cây tháp bằng đá trắng trước chùa Diên Hựu gọi là tháp Bạch Tuynh. Tháp cao 13 trượng. Từ tháp vào chùa Một Cột đi bằng một hành lang cầu vồng. Mỗi tháng hai ngày Rằm, mồng Một, nhà vua cùng các hậu, phi, cung tần và cận thần tới chùa lễ phật. Đặc biệt cứ đến ngày 8 tháng Tư âm lịch hàng năm là ngày Phật sinh, nhà vua lại ngự ra chùa trước một đêm, giữ mình chay tịnh để làm lễ tắm phật ngày hôm sau. Ngày này rất đông các tăng ni phật tử và nhân dân các nơi tới dự, làm nên ngày hội lớn ở kinh đô. Trong ngày này, tại chùa có lễ phóng sinh. Lễ phóng sinh bắt đầu ngay sau lễ tắm phật, nhà vua đứng trên đài cao, tay cầm một con chim thả cho bay đi, sau đó đến các tăng ni và các thiện nam tín nữ đua nhau mỗi người thả một con, bóng chim bay rợp trời.

Quy mô chùa Một Cột vào thế kỷ XII to lớn lộng lẫy hơn như hiện nay rất nhiều. Vǎn bia Tháp sùng Thiện Diên Linh chùa Long Đọi (Nam Hà) dựng nǎm 1121, mười sáu nǎm sau khi chùa mới hoàn thành, cung cấp cho ta hình ảnh chân thực nhất về một ngôi chùa Một Cột thời Lý: "Lòng sùng kính đức Phật, dốc lòng mộ đạo nhân quả, hướng về vườn Tây Cấm nổi danh, xây ngôi chùa Diên Hựu. Theo dấu vết chùa cũ cùng với ý mới của nhà vua ( Lý Nhân Tông). Bia tháp Sùng Thiên Diện Linh (1105) ghi rằng: "…Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột có một đoá hoa sen nghìn cánh xoè ra, trên hoa dựng một ngôi đền màu đỏ sẫm đứng vững toà điện màu xanh, trong đền đặt pho tượng sắc vàng”, vòng quanh hồ là hai dãy hành lang; lại đào ao Bích Trì mỗi bên đều mắc cầu vồng để đi qua. Phía sân cầu hai đằng trước hai bên tả hữu, xây bảo tháp Lưu Ly.

"Hằng tháng vào sớm ngày mồng một (ngày sóc), hàng nǎm vào dịp du xuân, nhà vua ngồi xe ngọc, đến chùa mở tiệc chay, làm lễ dâng hương hoa, cầu cho ngôi báu lâu dài, bày chậu thau làm lễ tắm tượng Phật. Trang sức pho tượng tinh tế, biểu đồ tướng mạo của nǎm loại chúng sinh..."

Qua vǎn bia miêu tả, rõ ràng Liên Hoa Đài thời Lý to hơn chùa ngày nay nhiều. Chùa thời Trần cũng không phải là ngôi chùa thời Lý nữa. Như sách Toàn thư đã ghi lại, nǎm 1249 "mùa xuân, tháng giêng, sửa lại chùa Diên Hựu, xuống chiếu vẫn làm ở nền cũ". Chùa đã qua nhiều đợt tu sửa. Đợt sửa chữa lớn vào nǎm Thiên ứng Chính Bình 18 (1249) gần như phải làm lại toàn bộ. Thời Lê, triều đình nhiều lần cho tu sửa, thu nhỏ kích thước đài sen và cột đá. Nǎm 1838, tổng đốc Hà Ninh Đặng Vǎn Hoà tổ chức quyên góp thập phương sửa chữa điện đường, hành lang tả hữu, gác chuông và cửa tam quan. Nǎm 1852, bố chính Tôn Thất Giao xin đúc chuông mới. Nǎm 1864, tổng đốc Tôn Thất Hàm hưng công trùng tu, làm sàn gỗ hình bát giác để đỡ toà sen, chạm trổ thêm công phu tráng lệ. Năm 1922 trường Viễn Đông Bác Cổ đã cho sửa lại chùa theo kiến trúc cũ. Nǎm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đã đặt mìn phá đổ chùa. Sau ngày tiếp quản thủ đô, Bộ Vǎn Hoá đã cho tu sửa chùa Một Cột theo đúng kiểu mẫu cũ để lại từ thời Nguyễn, hoàn thành việc tu sửa vào tháng 4 – 1955.

Toà đài sen (Liên Hoa Đài), ta quen gọi là chùa Một Cột có hình vuông mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đá hình trụ cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất) có đường kính là 1,2m. Trụ đá gồm 2 khối, gắn rất khéo, thoạt nhìn như một khối đá liền. Sự độc đáo của kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá. ở đây có sự kết hợp táo bạo của trí tưởng tượng lãng mạn đầy thi vị qua hình tượng hoa sen và những giải pháp hoàn hảo về kết cấu kiến trúc gỗ bằng hệ thống móng giằng; đặc biệt là sử dụng các cột chống chéo lớn từ cột đến sàn, vừa tạo thế vững chắc, vừa mang lại hiệu quả thẩm mỹ như đường lượn của cánh sen, thiếp lập sự hài hoà giữa mái và sàn bởi một đối xứng ảo. Chỉ là một cái lầu gỗ vuông, mỗi cạnh 4 mét, lợp 4 mái cong, trên có lưỡng long triều nguyệt, đặt trên tám con sơn bằng gổ trên đầu một cái cột đá, chùa Một Cột có hình khối kiến trúc rất khiêm tốn nhưng độc đáo. Nhiều người cho rằng đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam Trong khi chế độ phong kiến với những lễ giáo, tôn giáo đã đặt ra những quy định về kiến trúc thì kiến trúc của chùa Một Cột là có một không hai. Bên cạnh đó cấu trúc của chùa Một Cột đã vượt ra ngoài công thức cổ điển của sự cấu tạo vì kèo Việt Nam. Cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là biểu tượng cho đất trời (trời tròn, đất vuông), ngôi chùa như vươn lên cái ý niệm cao cả: Lòng nhân ái soi tỏ thế gian. Khối kiến trúc gỗ đá được phù trợ bởi cảnh quan, có ao, có cây cối đã tạo nên sự gần gũi, tinh khiết mà vẫn thanh lịch. Kiến trúc ở đây đã dùng ngôn ngữ hình tượng của nghệ thuật điêu khắc và trở nên gần gũi với con người Việt Nam.

Chùa Một Cột được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật ngày 28-4-1962. Tính đến nay, chùa có tuổi đời 968 năm.