GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC Ở TỈNH SƠN LA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

 

ThS. Lèo Thị Thơ

                                                                            

                                                         

          Tóm tắt

Bài viết trình bày khái quát vai trò của nguồn nhân lực (NNL) đối với sự phát kinh tế - xã hội (KT-XH). Trên cơ sở phân tích thực trạng NNL của tỉnh Sơn La hiện nay, tác giả đề xuất một số giải pháp cần thiết để nâng cao chất lượng NNL đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Cụ thể: 1/ Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; 2/ Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện môi trường sống cho người dân; 3/ Đẩy mạnh phát triển văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc.

Từ khoá: Nguồn nhân lực; tỉnh Sơn La; kinh tế - xã hội.

          1. Vai trò củaNNL đối với sự phát triển KT-XH

Một quốc gia muốn phát triển cần phải có các nguồn lực của sự phát triển kinh tế như: tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học - công nghệ, con người,… Trong các nguồn lực đó nguồn lực con người là quan trọng nhất, có tính chất quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của mọi quốc gia từ trước đến nay.

 NNL là tổng hòa thể lực và trí lực tồn tại trong toàn bộ lực lượng lao động xã hội của một quốc gia, trong đó kết tinh truyền thống và kinh nghiệm lao động sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử được vận dụng để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần phục vụ cho nhu cầu hiện tại và tương lai của đất nước.

Trong thế giới hiện đại, khi chuyển dần sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức và trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, NNL, đặc biệt là NNL chất lượng cao (NNLCLC), tức là những con người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo trở thành “nguồn vốn - vốn con người, vốn nhân lực” ngày càng đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển KT-XH, đó là:

1.1. NNL là điều kiện nền tảng, bắt buộc và không thể thiếu của các hoạt động KT-XH

Kinh tế gia nổi tiếng William Petty đã từng khẳng định, lao động
là cha, đất đai là mẹ của mọi của cải, vật chất; C.Mác cho rằng, con người là
yếu tố số một của lực lượng sản xuất. Trong truyền thống xã hội Việt Nam
cũng khẳng định “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nhà tương lai Mỹ
Avill Toffer nhấn mạnh vai trò của lao động trí thức, theo ông ta “Tiền bạc
tiêu mãi cũng hết, quyền lực rồi sẽ mất; Chỉ có trí tuệ của con người thì khi sử dụng không những không mất đi mà còn lớn lên” [1].

Trong bối cảnh khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, con người - NNLCLC với tư cách  là chủ thể sáng tạo, nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác, là nguồn lực chính quyết định quá trình phát triển KT-XH.

1.2. NNL là động lực của các hoạt động KT-XH

Khi đề cập đến vai trò của nguồn lực con người là một trong những
động lực quan trọng nhất của hoạt động KT-XH là chủ yếu nói đến
sức mạnh thể chất và khả năng lao động sáng tạo của con người. Đây là nguồn tiềm năng vô tận của con người. Bởi vì, khi chúng ta càng sử dụng nó càng phát triển và phong phú hơn. Để thúc đẩy kinh tế phát triển cần phải chú trọng hơn nữa nguồn lực con người, coi nó như nguồn lực nội sinh, là động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, đáp ứng yêu cầu của đất nước. Con người với tất cả năng lực và phẩm chất tích cực của mình bao gồm: Trí tuệ, kinh nghiệm, kỹ năng, tính năng động sáng tạo, niềm tin và ý chí... thì tự mình có thể trở thành động lực của sự phát triển xã hội nói chung.

1.3. NNL là mục tiêu của các hoạt động KT-XH

Nguồn lực con người với tư cách là mục đích của sản xuất, đồng thời là
động lực của sản xuất có nhu cầu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong mọi phương thức sản xuất xã hội, vấn đề sản xuất cái gì? sản xuất như
thế nào? và sản xuất cho ai? - suy cho cùng đều phục vụ nhu cầu của con
người. Vì vậy, nhu cầu của con người trở thành tác nhân vô cùng quan trọng
kích thích sản xuất. Đây chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền sản xuất
phát triển

1.4. NNLCLC là điều kiện để hội nhập quốc tế, rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Đảng ta đã xác định phải lấy việc phát huy chất lượng NNL làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững.

          2. Đánh giá tình hình NNL tỉnh Sơn La hiện nay

Sơn La là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, được xác định là trung tâm và động lực phát triển kinh tế của cả vùng, có vị trí chiến lược quan trọng về KT-XH, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của cả nước. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1,2 triệu người. Lực lượng lao động có gần 734,74 nghìn người. Trong đó, có 60 vạn lao động nông dân, doanh nghiệp có hơn 1.000  với gần 5 vạn công nhân, các hộ kinh doanh công thương nghiệp có gần 2 vạn lao động. HS phổ thông có trên 21 vạn, SV hơn 1 vạn/năm; Lao động nữ 371,02 nghìn người, nam là 363,72 nghìn người; Lao động thành thị 94,63 nghìn người, nông thôn 640,11 nghìn người; Đội ngũ trí thức (tính từ trình độ cao đẳng chuyên nghiệp trở lên) có  3,5 vạn người. Trí thức trình độ cao (thạc sỹ trở lên ) có 1.000 người, hơn 100 bác sỹ chuyên khoa I, 25 bác sỹ chuyên khoa II, trên 60 chuyên viên cao cấp. Có 47 tiến sỹ (37 người đang làm việc tại Sơn La và 10 người là người Sơn La đang làm việc tại nơi khác trong cả nước); Có 3 Phó giáo sư (01 đang làm việc tại Sơn La, 02 đang làm việc nơi khác),… [2].

Như vậy, từ số liệu trên có thể thấy, lao động của tỉnh Sơn La có sự chênh lêch khá lớn giữa thành thị và nông thôn và trong các loại hình kinh tế. Điều này tạo ra thách thức lớn cho việc điều chỉnh về quy mô, cơ cấu, đặc biệt là phân bổ nguồn lực trên địa bàn tỉnh một cách  hợp lý; tỉ lệ lao động đã qua đào tạo và có trình độ của Sơn La trong những năm qua tăng khá nhanh, song vẫn ở mức thấp,… Nhìn chung, bên cạnh tỉ lệ lao động qua đào tạo nói chung còn thấp, tỉnh Sơn La vẫn còn hạn chế trong việc phát triển NNLCLC, yếu tố quan trọng đến nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay.

Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La khoá XIII về phát triển nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2011- 2020 xác định: để đáp ứng yêu cầu phát triển CNH, HĐH theo định hướng, các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh cần phải tập trung vào các mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng NNL theo hướng phát triển nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trên cả 3 yếu tố cơ bản sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức và cơ cấu hợp lý theo nhu cầu phát triển của nền KT-XH; Phát triển NNL trong mối quan hệ mật thiết giữa CNH, HĐH và đô thị, tiếp tục phân bổ lại dân cư trên địa bàn tỉnh nhằm đạt tới sự phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn, giữa nông nghiệp và các ngành khác, tạo ra sự bứt phá mới về phát triển KT-XH; Phát triển nhân lực làm điểm tựa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển, góp phần đáp ứng yêu cầu lao động của tỉnh và đất nước, đồng thời có thể chủ động hội nhập tích cực vào thị trường lao động khu vực và thế giới bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu [3]. Đây là những định hướng, mục tiêu phát triển NNL lớn của tỉnh Sơn La trong giai đoạn tới.

          3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng NNL tỉnh Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH

          3.1. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

          Trước hết, Sơn La cần tăng cường đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất - kĩ thuật cho giáo dục, đào tạo theo hướng đồng bộ, chuẩn hoá, tiên tiến và từng bước hiện đại. Đổi mới công tác quản lí tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và NNL đầu tư cho giáo dục; tập trung đầu tư xây dựng các trường chuẩn quốc gia.

          Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phải quan tâm xây dựng người thầy, do vậy, cần đặc biệt quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Không chỉ thế, cần phải hết sức coi trọng việc hình thành và phát triển đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp. Để có đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt, cần có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài đang công tác trong ngành giáo dục, có kế hoạch đào tạo, tuyển chọn những HS giỏi ở các trường phổ thông gửi vào các trường sư phạm trọng điểm để đào tạo.

          Ngoài ra, đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục - đào tạo, coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Mục đích của đổi mới này để tạo ra NNL có chất lượng cao, có năng lực và kĩ năng thích ứng với thị trường lao động và công nghệ luôn biến đổi, đáp ứng yêu cầu về NNL trong thời kì đẩy mạnh CNH, HĐH.

          Bên cạnh đó, Sơn La cần rà soát, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện và đổi mới cơ chế chính sách, huy động các nguồn đầu tư, phát triển giáo dục; mạnh dạn nghiên cứu, kiên quyết sửa đổi và thay thế các chính sách đã lạc hậu, bất cập, nhất là cơ chế chính sách về khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng thu hút nhân tài; xây dựng cơ chế hợp tác, đặt hàng với các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu trong việc đào tạo NNL cho Sơn La; có cơ chế chính sách và nguồn vốn để mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo nghề, bởi thực tế hiện nay đào tạo nghề của Sơn La chưa thực sự phát triển, chưa phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển kinh tế, CNH, HĐH.

          3.2. Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện môi trường sống cho người dân

          Sơn La cần quan tâm hơn nữa đến chính sách dân số, nâng cao chất lượng dân số, từng bước cải thiện tiêu chí cơ bản về sức khoẻ cho nhân dân, nâng cao chất lượng thể lực cho bà mẹ và trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Điều này có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển con người của Sơn La.

          Cùng với thực hiện tốt chính sách dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Sơn La cần quan tâm hơn nữa đến cải thiện môi trường sống cho người dân. Thực tế cho thấy, những năm gần đây vấn đề môi trường ở Sơn La có nhiều diễn biến xấu, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, chất lượng dân số, chất lượng NNL. Do đó, để có được môi trường sống lành mạnh, tạo được những con người khoẻ về thể chất, tỉnh cần có những chính sách vĩ mô, chiến lược tổng thể lâu dài, biện pháp đồng bộ, chứ không chỉ là các giải pháp tình thế trước mắt và ý thức trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành ở Sơn La trong việc bảo vệ môi trường cần được nâng cao; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm huỷ hoại môi trường, đưa các cơ sở sản xuất này ra khỏi khu dân cư; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường nhằm phòng ngừa, khống chế ô nhiễm môi trường gây ra, hoặc khi có ô nhiễm môi trường xảy ra thì có thể chủ động xử lí, giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong các hoạt động sản xuất. Tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường.

          3.3. Đẩy mạnh phát triển văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc

          Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX, Ban chấp hành Trung ương (khoá XI) khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị - xã hội”, “Phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hoá” [4]. Vì vậy, nâng cao chất lượng NNL không thể thiếu môi trường văn hoá.

          Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển xã hội nói chung, NNL của Sơn La nói riêng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV xác định: “Phát triển NNL, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc. Trọng tâm là: Phối hợp xây dựng Trường Đại học Tây Bắc và một số trường của tỉnh trở thành trung tâm đào tạo nhân lực đa ngành, NNL có chất lượng đáp ứng yêu cầu chuyển dịch lao động của các địa phương trong vùng; gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc gắn với phát triển du lịch văn hoá, nhân văn” [5].

          Vì vậy, các cấp quản lí cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, gia đình. Đồng thời, xây dựng và phát triển đời sống văn hoá, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc Thái, H’Mông,…Tăng cường kinh phí đầu tư cho phát triển văn hoá từ nguồn ngân sách nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hoá. Coi đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các công trình văn hoá, sản phẩm văn hoá. Mở rộng hợp tác, giao lưu văn hoá trong nước và quốc tế để tiếp nhận những tinh hoa văn hoá làm giàu cho văn hoá Sơn La.

Bên cạnh đó, tiếp củng cố, mở rộng và đưa cuộc vận động “Xây dựng gia đình văn hoá”, “Làng bản văn hoá”,… đi vào chiều sâu, bảo đảm thực chất, gắn cuộc vận động này với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; mấu chốt là xây dựng và thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức phù hợp với đối tượng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có đội ngũ cán bộ, Đảng viên, trước hết là những người đứng đầu phải thực sự nêu gương và là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống,…

          4. Kết luận

Để có được NNLCLC cho tỉnh Sơn La phải xuất phát từ yêu cầu phát triển KT-XH, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, có như vậy mới có mục tiêu, định hướng phát triển đúng đắn. Để phát triển NNL, nhất là NNL có chất lượng của Sơn La, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đến các giải pháp có tính chất cơ bản, chủ yếu, mà trước hết là phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Sơn La. Đây được coi là giải pháp chủ yếu để phát triển NNL có chất lượng cho tỉnh “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” [4]. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dân số, cải thiện môi trường sống cho người dân, đẩy mạnh phát triển văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Tạp chí Cộng sản (2012), Kỷ yếu hội thảo khoa học, Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia - Sư thật, Hà Nội.

[2]. Tổng cục Thống kê (2015), Niên giám thống kê tỉnh Sơn La 2014, NXB Thống kê, Hà Nội.

[3]. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Sơn La giai đoạn 2011 – 2020.http://tcdnsonla.edu.vn/quy-hoach-phat-trien-nguon-nhan-luc-tinh-son-la-giai-doan-2011-2020-85.html

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Văn kiện hội nghị lần thứ IX, Ban Chấp hành Trung ương (Khoá XI), Văn phòng Trung ương Đảng.

[5]. Nguồn: http://susta.vn/bai-viet-Nghi-quyet-di-hoi-i-bieu-dng-bo-tinh-Son-La-ln-thu-XIV-830.html.

[6]. Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/32972/Phat-trien-nguon-nhan-luc-Viet-Nam-giai-doan-20152020-dap-ung.aspx

------------------------------------------------------

 

Bài viết đăng trên Tạp chí Dạy và học ngày nay, số 6 – 2016.