TƯ TƯỞNG NGUYỄN BỈNH KHIÊM VỀ TRỊ NƯỚC PHẢI GẮN LIỀN VỚI VIỆC XÓA BỎ NHỮNG HIỆN TƯỢNG TIÊU CỰC, BẤT CÔNG

 

                        

                                                                            T.S Lê Thị Hương

 

Khi chế độ phong kiến lâm vào suy thoái thì những mặt hạn chế của nó ngày càng có điều kiện bộc lộ ra đầy đủ hơn. Trong xã hội đầy rẫy những bất công; kẻ loạn nghịch xuất hiện ngày càng nhiều; kẻ lợi dụng chức quyền để tham ô của cải của nhà nước ngày càng tăng; kẻ lười nhác, ăn chơi sa đọa nhiều hơn người lương thiện; những hiện tượng tranh giành quyền, lợi, vô nhân đạo diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi. Trong triều, họ “tranh nhau cái danh”[ 1, tr.461], ở chợ búa, họ “giành nhau cái lợi”[1, tr.461], ngoài đường, họ thấy “người chết đói dọc đường, không dám bỏ một đồng tiền ra cứu giúp”[1, tr.461]. Mức sống giữa các nhà quyền quý và người dân có sự phân cực lớn. Về cảnh sung túc của người quyền quý, không chỉ:

“Tì thiếp đua mặc gấm mặc là

Dụng cụ đồ dùng đúc đồ sơn

Cửa sổ phòng ở rực sáng như sao chi chít

Kho đụn ăm ắp kế nhau như cái răng lược”[1, tr.428]

mà còn

“Bếp họ Thạch có dê béo

Sữa người cho lợn uống

Giọt nước tròn giỏ từ con cóc ngọc

Gỏi chả từ cá chép, cá giếc vàng

Liễn bưng vào canh chim sẻ vàng

Mâm bồng dâng lên nem gà gô

Tiền đáng giá vạn không thèm nhúng đũa

Chán ngấy vị ngon nồng của tám thứ quý” [1, tr.442]

Về cảnh khốn cùng của người dân không những:

“Chẳng khác chim bị mất tổ

Giống hệt cá bị máu dồn xuống đuôi

Lúc ấy như thế là cùng cực

Sinh dân quá ư tiều tụy” [1, tr.442]

 mà còn:

“Áo quần rách rưới khó che thân thể

Vét xanh, vét niêu, thức ăn khó no bụng” [1, tr.429]

Bên cạnh đó còn xuất hiện thói đời

“Được thời thân thích chen nhau đến

Thất thế, hương lư ngoảnh mặt đi

Thớt có thanh tao ruồi đậu đến

Ang không mật mỡ, kiến bò đi”[1, tr.38]

Đây là hiện thực phũ phàng mà Nguyễn Bỉnh Khiêm chứng kiến trong giai cấp phong kiến, trong các tầng lớp giàu có. Ông cảm thấy: “Ngán nhìn đời đục buổi bon chen”[1, tr.273].

Để xóa bỏ được những hiện tượng tiêu cực đó, ông kêu gọi các bậc quân vương phải nhận thức rõ vai trò của người trị quốc, bình thiên hạ. Đó là xây dựng và giữ gìn một xã hội thái bình, giàu lòng nhân ái mà ở đó:

“Tôi và vua phải có nghĩa với nhau

Cha và con cái tình thân tột độ

Chồng và vợ, kẻ xướng có kẻ tùy

Anh và em, người cung thì có người đễ

Chơi với nhau phải giữ vững niềm tin”[1, tr.438, 439]

Ông đòi hỏi bậc đế vương phải nâng cao nhân nghĩa: “Tối thị đế vương nhân nghĩa cử” (Quan trọng nhất là bậc đế vương phải nâng cao nhân nghĩa)[1, tr.336]. Ông kêu gọi mọi người hãy theo tấm gương của thánh hiền để phát huy bản tính thiện mà trời phú cho con người như ít dục vọng, phải suy xét điều mình làm, phải lấy lòng thành làm chỗ dựa, chớ cho rằng vì “điều thiện nhỏ mà không làm”, vì “điều ác nhỏ mà cứ làm”[1, tr.464] nhằm góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh. 

 Với quan điểm xóa bỏ các hiện tương tiêu cực, bất công trong xã hội, Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn vực lại đạo đức đang suy đốn và hy vọng rằng qua đó có thể chấn chỉnh lại kỷ cương và xây dựng lại chế độ. Quan điểm của ông không thể được đông đảo quan lại trong triều hưởng ứng. Cả cuộc đời ở chốn quan trường, ông đã không thực hiện được ước muốn của mình. Cuối đời, ông về quê, lập am Bạch Vân, mở trường dạy học bên bờ sông Hàn. Ông khuyến khích nhân dân vui làm việc thiện, không tham lam, biết độ lượng, bao dung với người khác. Phải chăng ông đành hy vọng rằng qua sự nghiệp giáo dục của mình có thể gián tiếp đem lại sự ổn định trong xã hội? Có thể nói, tư tưởng và hành động của Nguyễn Bỉnh Khiêm về vấn đề này vì một nếp sống văn hóa cao đẹp. Mặc dù không được đông đảo giai cấp thống trị đương thời chấp nhận nhưng tư tưởng của ông đã có ảnh hưởng khá sâu sắc đến một bộ phận không nhỏ quan lại, nho sĩ và nhân dân. Họ tôn thờ ông, kính phục ông và coi ông là tấm gương lớn suốt đời họ nguyện noi theo. 

Tài liệu tham khảo

[1]. Đinh Gia Khánh (chủ biên) (2005), Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, Hà Nội.