MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH CỰC NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC KINH DOANH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

 

                 

                                               Thạc sĩ Nguyễn Thị Linh Huyền- ĐH Tây Bắc

          Dạy học là một con đường quan trọng, chủ yếu ở nhà trường phổ thông nhằm thực hiện các mục tiêu giáo dục phổ thông. Cùng với các môn khoa học xã hội nhân văn, dạy học môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường trung học phổ thông (THPT) có nhiệm vụ là giáo dục cho học sinh (HS) ý thức, thái độ, thói quen và hành vi đạo đức phù hợp với các chuẩn mực xã hội quy định. Một trong những chuẩn mực quan trọng cần hình thành cho HS trong dạy học GDCD là giáo dục đạo đức kinh doanh. Do vậy, để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS trong dạy học GDCD ở THPT bên cạnh những biện pháp đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) theo hướng phát triển năng lực cho người học còn cần đặc biệt chú ý sử dụng một số phương pháp sau đây:

               1. Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề

PPDH giải quyết vấn đề (problem solving method) hay dạy học dựa trên vấn đề (problem based learning) hoặc dạy học đặt và giải quyết vấn đề (problem posingand solving) là phương pháp trong đó giáo viên (GV) đặt ra trước học sinh một (hay một hệ thống) vấn đề nhận thức, chuyển học sinh vào tình huống có vần đề, sau đó giáo viên phối hợp cùng với HS (hoặc hướng dẫn, điều khiển cho HS) giải quyết vấn đề, đi đến kết luận cần thiết của nội dung học tập.

Đặc trưng của phương pháp dạy học giải quyết vấn đề có ba đặc trưng cơ bản:

-      GV đặt ra trước học sinh những bài toán về vấn đề nhận thức có chứa đựng mâu thuẫn giữa cái chưa biết và cái phải tìm.

-      HS tiếp nhận mâu thuẫn của bào toán nhận thức như mâu thuẫn trong nội tâm mình, hay nói cách khác là đặt HS vào tình huống có vấn đề để trở thành nhu cầu bức thiết muốn giải quyết vấn đề nhận thức.

-      Thông qua quá trình giảng giải vấn đề nhận thức, HS lĩnh hội được nội dung, cách thức giải quyết một cách tự giác, tích cực, hứng thú của sự nhận thức sáng tạo.

Thực hiện phương pháp giải quyết vấn đề trong dạy học GDCD cần tuân thủ các bước sau:

Bước 1: Đặt vấn đề và chuyển người học vào tình huống có vấn đề

GV đưa ra một vấn đề hay một hệ thống thông qua các câu hỏi để người học nhận ra nhiệm vụ học tập của mình và cảm thấy cần phải tìm cách giải quyết, tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó.

VD: Quan sát trên thị trường chúng ta thường gặp những hiện tượng ganh đua, giành giật hay trong cạnh tranh giữa những người bán với nhau; giữa xí nghiệp hoặc cửa hàng này với xí nghiệp hoặc cửa hàng kia… Những hiện tượng đó tốt hay xấu? Có phù hợp với đạo đức kinh doanh không và được giải thích như thế nào?

Bước 2: Nghiên cứu và giải quyết vấn đề

GV chỉ ra cho HS thấy xung quanh vấn đề vừa nêu ra trong vốn tri thức hiện có của mình những gì đã biết, những gì chưa biết, cần tập trung suy nghĩ theo hướng nào để giải quyết vấn đề đặt ra.

Thực hiện bước này, GV có thể trình bày một cách ngắn gọn, sát thực những yêu cầu đặt ra bằng hình thức thuyết trình hoặc nêu những giả thuyết, những câu hỏi dẫn dắt.

Chẳng hạn như để trả lời câu hỏi: Vì sao trong khi nghiên cứu về cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa thì tất yếu phải tìm hiểu và làm rõ mục đích của cạnh tranh?

GV có thể dẫn dắt học sinh bằng những hình ảnh có tính tái hiện. Có thể là: hãy trình bày những loại cạnh tranh cơ bản trong nền sản xuất và lưu thông hàng hóa? Hãy lấy ví dụ minh họa cho những loại cạnh tranh ấy?

Bước 3: Kết luận vấn đề

HS có thể vận dụng những kiến thức mới tìm tòi được dưới sự dẫn dắt của giáo viên để giải quyết vấn đề đặt ra, đồng thời cũng có thể đặt ra những vấn đề học tập mới.

Chẳng hạn như trong ví dụ trên, sau khi giải quyết vấn đề GV có thể đặt ra câu hỏi: Vậy trong sản xuất và lưu thông hàng hóa tính chất hai mặt của cạnh tranh và lưu thông hàng hóa được thể hiện như thế nào? Tại sao người sản xuất và buôn bán hàng hóa cần phải có đạo đức kinh doanh?

2. Phương pháp nghiên cứu trường hợp

Phương pháp nghiên cứu trường hợp (PP NCTH) trong giáo dục và đào tạo có nguồn gốc từ đầu thế kỉ 20. Từ năm 1908 ở trường Thương mại Harvard ở Boston (Mỹ) đã sử dụng trong việc đào tạo các nhà kinh tế xí nghiệp, với mục đích chuẩn bị tốt hơn cho sinh viên vào thực tiễn nghề nghiệp. Trong dạy học theo trường hợp, thay vì trình bày lí thuyết, người ta bàn thảo về những trường hợp cụ thể trong thực tiễn. Như vậy PP NCTH là một PPDH, trong đó trọng tâm của quá trình dạy học là việc phân tích và giải quyết các vấn đề của một trường hợp (tình huống) được lựa chọn trong thực tiễn.

PP NCTH là một PPDH, trong đó HS tự lực nghiên cứu một tình huống thực tiễn và giải quyết các vấn đề của tình huống đặt ra, hình thức làm việc chủ yếu là làm việc nhóm. PP nghiên cứu trường hợp là phương pháp điển hình của dạy học theo tình huống và dạy học giải quyết vấn đề.

Có thể đưa ra những đặc điểm sau đây của phương pháp trường hợp:

- Trường hợp được rút ra từ thực tiễn dạy học hoặc phản ánh một tình huống thực tiễn dạy học. Do đó trường hợp thường mang tính phức hợp.

- Mục đích hàng đầu của phương pháp trường hợp không phải là việc truyền thụ tri thức lí thuyết mà là việc vận dụng tri thức vào việc giải quyết vấn đề trong những tình huống cụ thể.

- HS đặt trước những tình huống cần quyết định, họ cần xây dựng các phương án giải quyết vấn đề cũng như đánh giá các phương án đó, để quyết định phương án giải quyết vấn đề.

- HS cần xác định những phương hướng hành động có ý nghĩa quyết định trong việc tìm ra quyết định.

Các trường hợp được lựa chọn từ những tình huống thực tiễn, hoặc những tình huống có thể xảy ra. Khi xây dựng một trường hợp cần bao gồm những nội dung:

- Phần mô tả trường hợp: Các trường hợp cần được mô tả rõ ràng và cần thực hiện các chức năng lí luận dạy học như: trường hợp cần chứa đựng vấn đề và có xung đột; trường hợp cần có nhiều cách giải quyết; trường hợp cần tạo điều kiện cho người học có thể trình bày theo cách của mình; trường hợp cần vừa sức, phù hợp với điều kiện thời gian và người học có thể giải quyết được trên cơ sở kiến thức và kĩ năng của họ.

- Phần nhiệm vụ: Xác định những nhiệm vụ học sinh cần giải quyết khi nghiên cứu trường hợp. Các nhiệm vụ cần xác định rõ ràng, vừa sức với học sinh và nhằm mục tiêu của bài học.

- Phần yêu cầu và kết quả: Phần này đưa ra những yêu cầu cần thực hỉện được trong khi nghiên cứu trường hợp. Việc đưa ra những yêu cầu nhằm định hướng cho việc nghiên cứu trường hợp.

Ví dụ: Trường hợp về “Công nghệ sản xuất thuốc tai biến dởm”

Mô tả trường hợp

Hiện đang có khoảng 10.000 lọ thuốc trị tai biến Lumbrotine giả đang được lưu hành trên thị trường. Lần theo dấu vết vụ sản xuất thuốc tân dược giả vừa bị công an Hà Nội triệt phá, mới thấy được công nghệ sản xuất thuốc giả hết sức tinh vi.

Theo khai nhận của đối tượng Nguyễn Anh Văn - đối tượng chủ mưu trong vụ sản xuất, buôn bán thuốc Lumbrotine vừa bị công an Hà Nội bắt khẩn cấp ngày 9/11, Văn đã đặt công ty CP khoa học - công nghệ Tech Land (146, ngõ 12B, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sản xuất thuốc, hộp nhựa không tem. Sau đó, đặt in tem, nhãn thuốc Limbrotine tại cửa hàng photo 22 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội. Và mang về nhà trọ tại khu vực Mễ Trì để đóng gói thành phẩm, tiêu thụ ra thị trường.

Giá thành 1 hộp thuốc là 10.000 đồng/hộp, sau khi dán tem chống hàng giả và nhãn mác các đối tượng bán ra thị trường với giá 200.000 đồng/hộp. Mọi hoạt động đặt sản xuất thuốc đều không có hóa đơn, hợp đồng, giấy tờ pháp lý liên quan.

Tại trại tạm giam số 3 công an Hà Nội, Nguyễn Anh Văn khai nhận do hám lợi nhuận cao nên các đối tượng đã tổ chức mua bán một số mặt hàng thuốc tân dược giả. “Khi đặt hàng tại công ty Tech Land, công ty không xuất trình cho tôi bất cứ giấy tờ gì liên quan đến pháp lý. Tôi muốn đặt số lượng bao nhiêu là họ sản xuất theo. Họ không hỏi tôi mua để làm gì? Khi nào đến nhận hàng thì công ty Tech Land chỉ viết cho mỗi một phiếu thu tiền” - Văn khai.

Theo xác minh nhanh của PV từ Sở Y tế Hà Nội, công ty Tech Land không đăng ký với Sở Y tế, đây là cơ sở sản xuất thuốc tân dược chui.

Lần theo địa chỉ mà đối tượng Văn khai nhận, phóng viên đã tìm được địa chỉ công ty Tech Land nằm phía ngoài làng Trung Văn. Bên ngoài công ty không có biển hiệu, không có số nhà cụ thể. Nhà xưởng sản xuất chỉ là căn nhà cấp 4 tồi tàn, nhếch nhác. Toàn bộ kho chứa nguyên liệu và đóng gói sản phẩm đều không đảm bảo vệ sinh, dây chuyền sản xuất thô sơ.

(Theo Anh Đào (VnMedia / BVPL)

Nhiệm vụ:

Hãy đọc trường hợp trên và thảo luận:

1)      Trường hợp trên nói về hiện tượng gì đang diễn ra trong xã hội?

-           Đó là một hiện tượng kinh doanh bình thường mà muốn có lợi nhuận cao người sản xuất vẫn tiến hành dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.

-           Đó là một hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người. Các đối tượng vi phạm phải bị xử lí nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

-           Đó còn là những điều gì khác?

2)      Hiện tượng trên đã đặt ra yêu cầu gì đối với xã hội? Chúng ta nên làm gì để hạn chế  những tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng?

Kết quả mong muốn:

Nghiên cứu trường hợp này cần đề cập đến:

-      Phân tích tình trạng sản xuất thuốc tai biến dởm dưới các khía cạnh khác nhau: hành vi trái pháp luật vi phạm đạo đức kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, gây rối loạn thị trường….

-      Những ảnh hưởng xấu của tình trạng trên đã gây nên những hậu quả gì cho xã hội?

-      Đề xuất những phương hướng giải quyết để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng?

3. Phương pháp dạy học tình huống và đóng vai

Dạy học tình huống là tư tưởng dạy học quan niệm rằng khi dạy học người thầy đứng trước những hoàn cảnh, điều kiện dạy học rất cụ thể. GV phải luôn hiểu được nhu cầu, nguyện vọng, hứng thú, năng lực…của người học, đồng thời phải nắm được hoàn cảnh, điều kiện, môi trường…khi quá trình dạy học đang diễn ra.

Trên cơ sở đó quyết định dạy cái gì, dạy như thế nào, sử dụng phương tiện và hình thức gì? Để tạo ra những hoạt động phong phú, hấp dẫn, nhằm khơi dậy hứng thú, lòng ham học tập, tìm tòi, kích thích tư duy sáng tạo của học sinh.

Đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành, “làm thử” một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định. Đây là phương pháp nhằm giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự việc cụ thể mà các em vừa thực hiện hoặc quan sát được. Việc “diễn” không phải là phần chính của phương pháp này mà điều quan trọng là sự thảo luận sau phần diễn ấy.

Phương pháp dạy học tình huống và đóng vai là hai phương pháp dạy học khác nhau. Tuy nhiên, trong dạy học thì việc vận dụng và kết hợp giữa các PPDH là việc thường xuyên được diễn ra và có tác động tích cực đến nhau.     

PPDH tình huống và đóng vai là một trong những PPDH mang tính chất tương tác giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với môi trường học tập. Nó khuyến khích học sinh thâm nhập vào đời sống thực tế và thử đặt mình vào các vị trí khác nhau để giải quyết các tình huống cụ thể của cuộc sống.

PPDH đóng vai trong dạy học môn GDCD khác với phương pháp diễn kịch. Nếu trong diễn kịch, kịch bản thường có sẵn, quy mô lớn, hoành tráng đòi hỏi nhiều người tham gia…thì phương pháp đóng vai trong dạy học không cho trước kịch bản, học sinh phải tự soạn kịch bản theo chủ đề mà giáo viên đưa ra. Quy mô của phương pháp đóng vai được thực hiện trong những tình huống cụ thể, ngắn, có tính chất minh họa là chủ yếu.

Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này cần phải lưu ý những yêu cầu sư phạm sau:

Tình huống đóng vai phải là những chủ đề phù hợp với nội dung tri thức của môn GDCD, phù hợp với tâm lí lứa tuổi, trình độ học sinh và điều kiện, hoàn cảnh lớp học.

Tình huống nên để mở, không cho trước kịch bản, lời thoại.

Phải dành thời gian phù hợp cho các nhóm chuẩn bị đóng vai.

Người đóng vai phải hiểu rõ vai của mình trong bài tập đóng vai để không lạc đề.

Nên khích lệ tất cả học sinh cùng tham gia, kể cả những học sinh nhút nhát.

Nên có hóa trang và đạo cụ đơn giản để tăng tính hấp dẫn của trò chơi đóng vai.

Trao quyền cho học sinh để các em được bộc lộ hết khả năng của mình.

Ví dụ trong bài 2 – GDCD lớp 11: Hàng hóa -Tiền tệ - Thị trường, khi lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức kinh doanh vào bài học, giáo viên có thể đưa ra các tình huống có thật trong thực tế cho các em học sinh đóng vai để các vai diễn xâm nhập vào vào cuộc sống thông qua những vở kịch mà các em đóng.

Giáo viên có thể đưa ra các tình huống mở khác nhau và yêu cầu các nhóm chuẩn bị kịch bản và đóng vai:

Tình huống 1:

 Tại những cây xăng có hiện tượng vừa đong thiếu, vừa bán xăng không đúng chất lượng nhưng người dân vẫn phải đổ xăng dù vẫn biết chất lượng không đảm bảo.

Tình huống 2:

Anh H mở cửa hàng buôn bán điện thoại đã lâu, lợi dụng những khách hàng ít sử dụng và kém hiểu biết anh mua phụ kiện dởm và lắp vào điện thoại chính hãng rồi bán hàng ra với giá cao.

Tình huống 3:

 Nhà chị D trồng rau bán, nắm bắt được thị trường rau đắt đỏ và khan hiếm chị quyết định dùng thuốc kích thích, tăng trưởng mạnh cho rau nhanh lớn và xanh ngon để nhanh được bán và thu được nhiều tiền hơn.

Tình huống 4:

Cửa hàng kinh doanh tạp hóa của chị M đang rất đông khách. Bỗng công an đến kiểm tra và thu được 1 khối lượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gồm: xà phòng, sữa tắm, dầu rửa bát.

Sau đó giao cho mỗi nhóm một tình huống cụ thể, yêu cầu các nhóm thực hiện đóng vai theo yêu cầu và trao quyền cho các em bộc lộ hết khả năng của mình.

Như vậy, khi thực hiện PPDH này, nhất là với nội dung giáo dục đạo đức kinh doanh ở THPT sẽ giúp HS được rèn luyện, thực hành kĩ năng ứng xử và bày tỏ thái độ trước khi thực hành trong thực tiễn. Hơn nữa, đây còn là PPDH khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của HS theo hướng tích cực, rèn luyện cho các em kĩ năng giải quyết vấn đề, chủ động xử lí tình huống trong thực tế, góp phần phát triển óc sáng tạo, thúc đẩy động cơ và hiệu quả học tập.

4. Kết luận

Giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS là một nội dung quan trọng trong dạy học GDCD ở THPT nhằm góp phần giáo dục toàn diện nhân cách HS, hình thành những phẩm chất tốt đẹp của người công dân tương lai.Trong quá trình dạy học, GV không chỉ sử dụng PPDH truyền thống như phương pháp thuyết trình mà còn sử dụng một số phương pháp dạy học tích cực khác như:  phương pháp nghiên cứu trường hợp, phương pháp dạy học tình huống và đóng vai, phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của HS. Ngoài ra, GV còn sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin như: máy chiếu, máy tính, video… đem lại hứng thú cho người học.

 

Tóm tắt:Một trong những chuẩn mực quan trọng cần hình thành cho HS trong dạy học GDCD là giáo dục đạo đức kinh doanh.  Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS ở THPT, GV cần vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực phù hợp với nội dung bài học. Từ đó, góp phần phát triển sự sáng tạo, thúc đẩy động cơ và hứng thú học tập cho HS.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 10,11,12, NXB Giáo dục.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Sách giáo viên Giáo dục công dân lớp 10,11,12, NXB Giáo dục.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015),Tài liệu tập huấn dạy học tích hợp ở trường THCS, THPT, NXB Đại học Sư phạm.

4. Vũ Đình Bảy (Chủ biên) (2016), Thiết kế bài dạy học môn GDCD ở trường phổ thông, NXB Đại học Huế.

5. Nguyễn Văn Cư - Nguyễn Duy Nhiên (đồng chủ biên), (2009), Dạy và học môn GDCD ở trường THPT - Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.