LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5 VÀ SỰ TÁC ĐỘNG ĐẾN GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM

 

                                                              Ths. Nguyễn Thị Thu Châu

                                                                Khoa Lý luận chính trị - ĐHTB

Đặt vấn đề

Như đã biết, trong những năm của thập kỷ 80, thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển rất lớn của công nghiệp và quá trình tập trung đã dẫn đến các tổ chức độc quyền. Tình trạng bóc lột giá trị thặng dư của người lao động ngày càng lộ liễu, trắng trợn, trong khi đó, đời sống, phúc lợi của người lao động thì bị dửng dưng, không quan tâm. Bởi vậy, trong cuộc đấu tranh giữa giới tư bản và giai cấp công nhân lao động, thời gian lao động là một trong những vấn đề cần đấu tranh và có ý nghĩa quan trọng.

1.  ngày quốc tế lao động 1/5 lịch sử và ý nghĩa

Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội I Quốc tế I họp tại Giơ-ne-vơ tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. Phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ từ năm 1827 đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn.

Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ.

Tháng 4/1884 tại thành phố công nghiệp lớn Chi-ca-go, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: từ ngày 1/5/1886, thời gian lao động trong một ngày làm việc của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký, giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không kiếm cớ chối từ.

Ngày 1/5/1886, công nhân toàn thành phố Chi-ca-go tiến hành bãi công, 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Ở nhiều nơi cảnh sát đã đàn áp các cuộc biểu tình, đặc biệt ở thành phố Si-ca-gô cảnh sát đã tàn sát đẫm máu cuộc đấu tranh, làm hơn một trăm người chết, nhiều thủ lĩnh Công đoàn bị bắt và bị kết án tử hình. Lịch sử ngày 1/5 là lịch sử đẫm máu và vô cùng oanh liệt của giai cấp công nhân thế giới, đã nêu cao tấm gương sáng chói, bất khuất kiên cường, đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới; công nhân nhiều nước đã đồng tình và hưởng ứng yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Đó còn là ngày biểu dương lực lượng của  giai cấp công nhân, ngày đoàn kết quốc tế của những người lao động và trở thành ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Vì thế tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14/7/1889, Đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.

Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.

Ngày 1/5 ở các nước xã hội chủ nghĩa, đã coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngày 1-5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội. Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của V.I.Lê Nin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.

 

2. Qúa trình tác động đến giai cấp công nhân Việt Nam

Tại Việt Nam Từ thập niên 30 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam qua những tác phẩm của mình, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ hơn về phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và ngày Quốc tế Lao động (1/5), biểu hiện sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế. Ngày 1/5 gắn liền với cả một quá trình đấu tranh cách mạng ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

 Cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930 – 1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mittinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 đấu tranh đòi quyền lợi, tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới. Lịch sử còn ghi lại diễn biến ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động đầu tiên ở nước ta như sau:  các thành phố và các tỉnh như Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Vinh, Nghệ An, Long Xuyên … đã tung bay lá cờ đỏ búa liềm, truyền đơn cách mạng trong làn sóng biểu tình, mittinh. Đặc biệt tại các nhà máy xe lửa Tràng Thi, Nhà máy cưa, nhà máy diêm Bến Thuỷ, hàng nghìn thợ thuyền cùng sát cánh với nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm sưu thuế. Máu thợ thuyền đã đổ. Bảo tàng cách mạng Việt Nam còn lưu giữ là cờ đỏ búa liềm có hàng chữ “Đảng  Cộng Sản Việt Nam muôn năm” được treo trên nhà máy Bến Thủy. Báo Người Lao Khổ” của Khu bộ Vinh – Bến Thuỷ mấy hôm sau, viết rằng: “Lần đầu tiên, anh em lao – nông nắm tay nhau giữa trận tiền”.

Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám việc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ngày 1/5/1938, tại khu vực đấu xảo ở Hà Nội (Cung Văn hoá Lao động ngày nay), Đảng ta đã tổ chức cuộc mít tinh lớn bậc nhất trước cách mạng tháng Tám ở một thành phố có tới 25.000 ngươì tham gia. Đại diện mọi tầng lớp thợ thuyền và lao động Hà Nội, đứng theo hàng ngũ chỉnh tề và hát quốc tế ca, hô vang các  khẩu hiệu cách mạng, chống chiến tranh đế quốc. …

          Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước nhà độc lập, ngày 2/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quy định công nhân, lao động được hưởng lương trong ngày ngày nghỉ Quốc tế Lao động 1/5 hàng năm. Cũng từ đó, ngày 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta.

          Trên đất nước Việt Nam, ngày Quốc tế lao động được công nhân lao động coi như ngày hội của mình. Tinh thần bất diệt của ngày Quốc tế lao động 1/5 hàng năm đã trở thành hành động đấu tranh đòi tự do dân chủ, chống áp bức bóc lột, đòi hòa bình độc lập dân tộc của công nhân lao động, tạo nên những dấu ấn của lịch sử.

Từ sau ngày giải phóng đến nay, ngày 1/5 vừa là điểm hẹn vừa là điểm xuất phát của nhiều phong trào thi đua lao động xây dựng quê hương đất nước của giai cấp công nhân.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong 30 năm đổi mới, cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước. Công nhân, lao động nước ta đã tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Quan tâm, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, …để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân”.

Vì vậy, tổ chức Công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng sát cánh cùng đoàn viên và người lao động- đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giải quyết tranh chấp lao động; tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, động viên công nhân viên chức lao động phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển đảo; phát triển kinh tế - xã hội đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.