TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN GIÁO

 

                                                                        Th.s Nguyễn Thị Thùy Linh

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, đó là sự vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Những lời di huấn, các bài viết, những cử chỉ, hành động cũng như phong cách ứng xử của Người đối với các tôn giáo nói chung và đối với tín đồ, giáo sỹ, nhà tu hành của đạo Công giáo nói riêng là những bài học quý báu cho chúng ta hôm nay. Tư tưởng đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc và tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng là nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương giáo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương giáo, đoàn kết các tôn giáo với nhau nằm trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Người. Đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, giai cấp, tôn giáo,…Đoàn kết là một chiến lược lâu dài chứ không phải là một thủ đoạn chính trị nhất thời. Đoàn kết là một tư tưởng lớn, bao trùm của Hồ Chí Minh, chính nhờ vậy mà Người đã quy tụ, tập hợp được toàn dân tham gia kháng chiến và kiến quốc thắng lợi. Trong đó, đoàn kết giữa những người cộng sản với những người có tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau và giữa những người có tín ngưỡng với những người không có tín ngưỡng là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người.

Tư tưởng đoàn kết lương giáo ở Hồ Chí Minh được hình thành trên những cơ sở sau:

- Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc.

- Vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng cho chiến lược đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc của Hồ Chí Minh.

- Nhiệm vụ nặng nề của sự nghiệp cách mạng Việt Nam là cơ sở thực tiễn hình thành tư tưởng đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc ở Hồ Chí Minh: “Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của tổ quốc”[1]. Người kêu gọi các tôn giáo hãy dẹp bỏ hiềm khích, đoàn kết toàn đan lo cho nền độc lập của nước nhà.

- Chống âm mưu chi rẽ lương giáo của kẻ thù: “Đồng bào các tôn giáo, các dân tộc háy đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, cùng nhau ra sức chống Mỹ cứu nước”[2].

Bất cứ ở đâu, vào thời điểm nào, nếu có cơ hội là Người đều nêu và giáo dục ý thức đoàn kết cho nhân dân. Một lần tiếp Việt kiều, trong đó có nhiều tín đồ công giáo, Người nêu lên khẩu hiệu: “Đoàn kết trên hết, Tổ quốc trên hết”. Nhờ nêu cao tinh thần đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc nên Hồ Chí Minh đã tập hợp xung quanh mình nhiều giáo sỹ, giáo dân hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước, kiến quốc, từ đó xóa dần những định kiến, mặc cảm do lịch sử để lại và âm mưu chia rẽ của kẻ thù.

Đoàn kết lương giáo, Người còn luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sỹ cả nước phải quan tâm chăm sóc cho cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo: “Làm thế nào để sản xuất ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui”[3]

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương giáo ta thấy: Muốn đoàn kết những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích toàn dân lên trên hết.

Muốn đoàn kết lương giáo phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân; khắc phục những mặc cảm, định kiến và chống âm mưu chia rẽ của bọn phản động; Tranh thủ, gần gũi, cảm hóa vận động các nhà tu hành, hàng ngũ chức sắc tôn giáo.

Hồ Chí Minh luôn tôn trọng và đánh giá cao vai trò, uy tín của hàng ngũ giáo sỹ, nhà tu hành, đặc biệt là những người đứng đầu các tôn giáo, Người xem họ là những người lãnh đạo có khả năng và uy tín để tập hợp, đoàn kết đồng bào các tôn giáo. Do đó, theo Người biết tranh thủ được hàng ngũ các chức sắc tôn giáo là biện pháp quan trọng để thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Muốn vận động quần chúng có tín ngưỡng tham gia vào sự nghiệp cách mạng điều quan trọng là phải biết tranh thủ, hợp tác chức sắc các tôn giáo.

Muốn đoàn kết lương giáo phải phân biệt được nhu cầu tín ngưỡng chân chính của đồng bào có đạo để đáp ứng kịp thời; với việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các phần tử phản động đẻ phê phán, đấu tranh.

Muốn đoàn kết phải chú ý kế thừa giá trị nhân bản của tôn giáo, trân trọng những người thành lập các tôn giáo lớn, quan tâm đến giáo dân: Độ lượng, vị tha với những người lầm lỗi; đấu tranh kiên quyết với bộn phản động, lợi dụng tôn giáo.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời chống âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo.

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quan điểm quan trọng trong tư tưởng tôn giáo Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó được thể hiện nhất quán cả trong lý luận và hoạt động thực tiễn của Người và đã trở thành nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong chính sách đối với Đảng và Nhà nước ta.

Cơ sở xuất phát của tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là: Tôn trọng đức tin của mỗi người. Người đã chỉ ra rằng mặc dù thế giới quan của người cách mạng khác với thế giới quan tôn giáo, song không vì vậy mà đối đầu, nghi kỵ nhau; ngược lại, phải tôn trọng đức tin của mỗi người. Trong buổi lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam năm 1951; Hồ Chí Minh phát biểu: Vấn đề tôn giáo thì Đảng Lao Động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người.

Tuy là người theo quan điểm duy vật nhưng Hồ Chí Minh không bao giờ bài xích, chế giễu với bất kỳ một tôn giáo nào. Ngược lại, Bác đã tiếp cận tôn giáo, coi nó như một di sản văn hoá của loài người, và tìm thấy ở đấy những mặt tích cực nhất định, những nhân tố hợp lý để kế thừa, tiếp thu những giá trị nhân bản, nhân văn của tôn giáo.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện:

- Quyền được tin hay không tin một tôn giáo nào.

- Mọi công dân có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo đều được bình đẳng trên mọi lĩnh vực, kể cả trong bầu cử người vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.

- Các di sản văn hoá tôn giáo phải được bảo vệ.

- Các nhà tu hành được tự do giảng đạo ở những cơ sở thờ tự. Khi truyền bá tôn giáo các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng chính quyền và pháp luật của nhà nước.

- Các tôn giáo được xuất bản và phát hành kinh sá, nhưng phải tuân theo luật xuất bản, được mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo.

- Tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo, phá hoại sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, Người nhấn mạnh: “Bảo vệ tự do tín ngưỡng nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước”.

- Để việc thực hiện tự do tín ngưỡng góp phần tích cực vào việc phát triển xã hội, nội dung tự do tín ngưỡng phải được luật hóa. Bởi vì, những quy định pháp luật có liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo vừa là điều kiện, vừa là công cụ thực hiện tự do tín ngưỡng.

- Bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan phải đi đôi với việc xây dựng nếp sống văn hoá mới, xây dựng thuần phong mỹ tục. Việc đấu tranh nhằm khắc phục tệ mê tín dị đoan phải tế nhị, tránh thô bạo.

3. Ý nghĩa và một số điểm cần lưu ý khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo có ý nghĩa vô cùng to lớn, trước hết về mặt lý luận như sau:

Một là, Người đã phát triển nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng mức vai trò, vị trí của tôn giáo trong đời sống xã hội với các tính tích cực và tiêu cực của nó. Tiếp cận tôn giáo ở nhiều phương diện để thấy được tính đa dạng và phức tạp của hiện tượng xã hội này.

Ba là, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là một bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh - bộ phận độc đáo có quan hệ trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, đời sống tinh thần rất nhạy cảm của con người.

Bốn là, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho đường lối chính sách của Đảng ta đối với vấn đề tôn giáo, đặt cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước đối với những hoạt động tôn giáo.

Về ý nghĩa thực tiễn:

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo có tính định hướng cho việc giái quyết tôn giáo trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

- Quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo gắn liền với thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là nhờ sức mạnh của đoàn kết trong đó có sự đóng góp của tư tưởng đoàn kết lương giáo Hồ Chí Minh.

Với những ý nghĩa hết sức sâu sắc trên cho thấy sự cần thiết phải vận dụng tư tưởng của Người vào giải quyết vấn đề tôn giáo ở Việt Nam cho hôm qua, hôm nay và cho cả mai sau.



[1] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3, NXB CTQG, Hanoi 1993, trang 15.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, t. 11, NXB CTQG, Hanoi 1996, tr. 471.

[3] Sdd, t. 8, tr. 285.