Ý THỨC ĐẠO ĐỨC VÀ QUAN NIỆM NHÂN SINH CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG THỜI KỲ BẮC THUỘC

 

                                                                          TS .Lê Thị Hương

                                                          Bộ môn NNL của CN Mác - Lênin

Trong thời kỳ Bắc thuộc, do cơ cấu kinh tế xã hội thay đổi, do sự đấu tranh và tác động qua lại của tư duy truyền thống và tư tưởng ngoại lai, một trình độ tư duy lý luận về ý thức đạo đức và quan niệm nhân sinh của người Việt đã hình thành. Sự hình thành đó là một quá trình liên tục có sự phủ định và có sự thay thế. Nội dung ý thức đạo đức và quan niệm nhân sinh của người Việt thời kỳ Bắc thuộc được thể hiện ở một số nội dung sau:

Về tôn kính và biết ơn cha mẹ tổ tiên. Trước hết là đối với cha mẹ. Người đương thời thấy có trách nhiệm phải chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu, cúng bái, thờ phụng cha mẹ khi qua đời. Sau nữa là đối với ông bà, tổ tiên, họ thấy phải noi gương cha mẹ, thờ phụng những người đã khuất và giữ gìn tập tục của họ. Các di chỉ khảo cổ học cho thấy, trong các ngôi mộ cổ thường có các công cụ sản xuất như đục, nạo, dũa, dao, rìu, dao găm, giáo mác, khay, ấm, đèn… Sở dĩ có hiện tượng này là do con người quan niệm linh hồn con người không chết, vẫn sinh hoạt như lúc sống, nếu đối đãi tử tế thì được phù hộ nhưng một phần là do lòng thương tiếc và biết ơn những người quá cố đã sinh ra mình. Sự thương tiếc và biết ơn đó được thể hiện bằng cách tạo ra cho linh hồn họ những điều kiện sống như ở trần gian.

Về tôn kính và nghe theo các thủ lĩnh. Thủ lĩnh bảo thì phải nghe, khi thủ lĩnh nổi lên thì phải theo, không nề hà khó khăn, gian khổ, nguy hiểm. Với họ, tộc trưởng, thủ lĩnh tiêu biểu cho lẽ phải, quyền lợi, niềm tin của cả cộng đồng, trong đó có cá nhân mỗi người. Ý thức đó không những không mất đi theo thời gian mà còn được củng cố và tăng cường bởi các việc làm chính nghĩa của các tộc trưởng và các thủ lĩnh. Hiện tượng Bà Trưng, Bà Triệu là một hiện tượng tiêu biểu.

Về coi trọng vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Những sự kiện lịch sử để lại nói lên vai trò quan trọng của người phụ nữ và lòng tôn kính của người dân đối với họ. Điều này cho thấy tàn dư của mẫu hệ xưa không vì sự thống trị của phong kiến Hán mà mất đi ngay và tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo không vì sự có mặt của người Hán mà nhanh chóng phát huy tác dụng.

Qua trên cho thấy, ý thức và quan niệm về đạo đức nhân sinh rất chất phác, đơn giản như cuộc sống của con người lúc bấy giờ nhưng ở đó chứa đựng bao ý nghĩa. Nó cho thấy sự gắn bó tự nguyện giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các thế hệ với nhau…, đó là mối quan hệ tình nghĩa chân thật, đậm chất nhân bản mộc mạc, đáng kính, một trình độ văn minh và nếp sống có văn hóa, một kiểu làm người lành mạnh.

Ý thức đạo đức và quan niệm nhân sinh truyền thống của người Việt là hai hệ thống tư tưởng mới dần dần hình thành và ngày càng rõ nét. Đó là hai hệ thống nhân sinh quan của Nho giáo và Phật giáo.

Hệ thống nhân sinh quan Nho giáo nêu lên một loạt các nguyên tắc sống của con người, lấy đó làm chuẩn mực để đánh giá và yêu cầu của con người để bình phẩm xã hội và yêu cầu đối với xã hội như chú trọng việc của người đang sống, không quan tâm đến người chết, tôn trọng trật tự xã hội đã hình thành, có lòng thương xót đối với những người hoạn nạn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ các nguyên tắc trên chủ yếu mới lưu hành trong một số người Việt có Hán học.

Hệ thống nhân sinh quan Phật giáo nêu các điều chủ yếu là xa lìa dục vọng, không làm hại người và vật, cần phải bố thí, thực hiện nhẫn nhục. Những điều trên được truyền bá rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, dù là Nho giáo hay Phật giáo, lúc bấy giờ cũng chưa thể lấn át được đạo lý truyền thống, nhưng chúng vẫn ngày một phát triển. Ưu thế pháp lý thuộc về Nho giáo bởi nó là công cụ thống trị của kẻ thống trị. Ưu thế gần gũi thuộc về Phật giáo vì nêu ra những điều thuộc về tâm lý, nguyện vọng của nhân dân. Hai quan niệm nhân sinh Nho giáo và Phật giáo ngày càng chi phối tâm hồn và lối sống của người Việt, nhưng có điều không thể chi phối lẽ sống của người Việt. Chúng chỉ là hai dòng tư tưởng tồn tại song song với dòng tư tưởng truyền thống.

Qua trên cho thấy, dưới sự đô hộ của phương Bắc, tư tưởng Việt nam có sự ảnh hưởng sâu sắc của các luồng tư tưởng ngoại lai. Tuy nhiên, người Việt Nam không kế thừa một cách nguyên xi các luồng tư tưởng đó mà kế thừa có chọn lọc để hình thành nét riêng của tư tưởng Việt Nam. Nó tạo nên dấu ấn riêng về một giai đoạn lịch sử  – giai đoạn dựng nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ giữ nước.