HỒ CHÍ MINH - NHỮNG NHẬN ĐỊNH VÀ DỰ BÁO THIÊN TÀI VỀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 

                                                                                  Th.s Giang Quỳnh Hương

                                                                         

Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân Việt Nam, trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn có những dự báo thiên tài mang tính thời đại, đó là những dự báo khoa học có hàm lượng trí tuệ cao, là đòi hỏi tất yếu của những suy tư, trăn trở trước vận mệnh của dân tộc của một nhân cách lớn; đó là sản phẩm của tư duy khoa học, logic và biện chứng và là sự đúc kết những trải nghiệm trong đấu tranh cách mạng của bản thân, những nhận định, dự báo của Người đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân Việt Nam. Người vĩ đại bởi chính sự giản dị, khiêm nhường, bởi tình yêu vô bờ bến đối với nhân dân lao động nước mình cũng như nhân dân lao động nghèo khổ trên thế giới. Người chỉ có một ham muốn tột bậc là đất nước được giải phóng, nhân dân được tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Vì vậy, suốt cuộc đời Hồ Chí Minh giành cống hiến cho cách mạng, bôn ba các nước trên thế giới và tìm được “mặt trời cách mạng” cho dân tộc. Người đã sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta chèo lái đưa cách mạng Việt Nam vượt muôn ngàn gian khó để đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Để có được những thắng lợi ấy, Bác phải có sự anh minh, mẫn tiệp, óc phán đoán tài tình và những dự cảm mang tính tiên tri của người trên từng chặng đường cách mạng, ở mỗi thời điểm lịch sử của dân tộc.

          Hồ Chí Minh luôn có những dự báo thiên tài mang tính thời đại. Trong ý nghĩ của nhiều người, Bác được coi như một vị thánh, Bác có đôi mắt thánh, thậm chí đồng bào Tây Nguyên còn gọi Bác là Giàng (trời), người Dao gọi người là “con trời”… Nhưng thực tế Hồ Chí Minh là con người thực, cũng gần gũi như người thân trong gia đình. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: Mắt Hồ Chí Minh cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lần đã đành, nhưng sáng hơn vì người biết nhìn, nên nhìn thấy:hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to. Như vậy, những dự báo của Bác không mang tính thần linh, huyền bí, duy tâm mà trái lại, là những dự báo khoa học có hàm lượng trí tuệ cao, là đòi hỏi tất yếu của những suy tư, trăn trở trước vận mệnh của dân tộc của một nhân cách lớn; đó là sản phẩm của tư duy khoa học, logic và biện chứng và là sự đúc kết những trải nghiệm phong phú của thực nghiệm đấu tranh cách mạng từng trải của một Hồ Chí Minh bằng da, bằng thịt.

1.Sự định hướng thiên tài cho sự nghiệp giải phóng dân tộc

Khả năng dự báo thiên tài của Bác được hình thành khá sớm, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và được biểu lộ thông qua những nhận xét, đánh giá đúng bản chất khách quan, chiều hướng phát triển về mọi mặt của tình hình thế giới, của hiện tại, tương lai. Những tiên tri của người đã góp phần  tạo nên những bước phát triển trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

          Ngay từ đầu thế kỉ XX, giữa nhừng ngả đường trong đêm tối, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có một dự báo sáng suốt: phải tìm một con đường khác mới có thể giành lại độc lập cho dân tộc, để rồi 5-6-1911, vừa qua tuổi 20, người thanh niếm ưu tú ấy bắt đầu một hành trình vĩ đại tìm đường cứu nước. Sau 9 năm, vào một ngày tháng 7, Nguyễn Tất Thành - lúc này mang tên Nguyễn Ái Quốc - đã tìm thấy con đường độc lập cho dân tộc từ nội dung cuốn sách:“Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin đăng trên báo “Nhân đạo” (L’Humanité), số ra ngày 16 và 17-7-1920, Người cũng hiểu rõ hơn nhưng sai lầm trong luận điểm của những người đứng đầu Quốc tế II về vấn đề dân tộc và thuộc địa và đề xuất luận điểm: cách mạng giải phóng dân tộc cần chủ động, sáng tạo và có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, Người còn phân tích sâu sắc lịch sử phương Đông và đưa ra nhận định: “xét những lí do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn cả châu Âu” [2]

          Như vậy, rõ ràng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày còn tuổi thanh niên đã như ẩn trong người khả năng dự báo dựa trên đầu óc phê phán tinh tường và tư duy độc lập, tự chủ cao - đó là sự định hướng thiên tài cho sự nghiệp tìm đường giải phóng dân tộc.

          2. Dự đoán “Việt Nam độc lập năm 1945”

          Hơn mười năm sau đó, trên cơ sở chuẩn bị tất cả các điều kiện về tư tưởng chính trị, tổ chức cán bộ, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị thành lập Đảng (2/1930) thành lập ra Đảng cộng sản Việt Nam - Đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Dù ở nước ngoài, song người quan tâm sát sao diễn biến tình hình cách mạng trong nước. cuối năm 1940 tình hình cách mạng trong nước có những diễn biến quan trọng, người đã nhận định:

“Đồng minh sẽ thắng

Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau

Việt Nam sẽ giành được độc lập.”

Có thể nói, đây là những dự đoán đúng với lịch sử thế giới và cách mạng trong nước, nhờ dự đoán này của người mà Đảng ra đã đề ra các đường lối đúng đắn cho cách mạng thắng lợi.

Đến 1941, trước những điều kiện khách quan thuận lợi, Bác Hồ và trung ương Đảng đã đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ cách mạng cần kíp và coi việc chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn dân tộc trong giai đoạn hiện tại. Tại thời điểm này, Bác đã dự đoán về thắng lợi của cách mạng Tháng tám. Theo lời kể của  đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Có lần, Bác viết một cuốn lịch sử Việt Nam bằng thơ lục bát, ghi lại tất cả những phong trào chống ngoại xâm từ trước đến nay. Bác đã viết vào cuối trang mục lục: “Việt Nam độc lập năm 1945”. Anh em người nói sớm, kẻ nói muộn. Bác nghe trao đổi chỉ nói: “để rồi xem” [6], tập diễn ca mà đại tướng nói ở trên, được Bác viết vào năm 1941 và được Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản tháng 2-1942, dài 208 câu mở đầu bằng câu:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Phía cuối diễn ca là một mục lục, Bác ghi những tháng năm quan trọng, gần như biên niên của 30 thời điểm, dấu mốc những bước ngoặt của đất nước. Ở dòng đầu, Bác viết: Trước Tây lịch; năm 2879: Hồng bàng và dòng cuối: 1945: Việt Nam độc lập.

          Thật đáng ngạc nhiên là tập diễn ca được viết vào thời điểm ấy, trong một hang sâu, rừng thẳm, không tài liệu tra cứu, không có chuyên gia trao đổi, Bác vẫn ghi rất chính xác những điểm mốc lịch sử chính yếu của dân tộc và đặc biệt hơn người đã tiên đoán được sự kiện “ Việt Nam độc lập” (1945) trước hơn bốn năm. Ngay cả khi mệt mỏi, sốt cao, nằm mê sảng trên lán giữa rừng, Người vẫn nghĩ đến thời cơ tổng khởi nghĩa, giành độc lập dân tộc. Bấy giờ, Nhật đảo chính Pháp được một thời gian, Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy trường sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” và ngày 19-8-1945, đất nước đã được độc lập thực, ngày lịch sử thiêng liêng ấy là do Bác và các đồng chí quyết định, không thể sớm hơn hoặc muộn hơn một ngày.

          3. Dự đoán về đất nước sau khi giải phóng bốn năm

          Dự đoán này của Bác nằm trong thiên truyện: “Giấc ngủ mười năm” năm 1949, tức là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn gian khổ, cam go. Hiện thực đất nước ra được Người miêu tả qua sự trải nghiệm của một chiến sỹ quân đội tên Nông Văn Minh - một cố nông người Nùng ở Cao Bằng. Lên 10 tuổi Minh phải đi ở chăn trâu nhà cụ Bá ở làng bên cạnh, 10 năm sau anh lấy vợ tên Xuân và đẻ con gái đặt tên là Đào. Rồi Minh đi theo cách mạng, những năm ở bộ đội, chiến đấu nhiều nơi, anh cảm phục trước tinh thần chiến đấu, hy sinh dũng cảm của đồng bào ta, đồng thời cũng được chứng kiến bao nhiêu tội ác tày trời của bọn thực dân Pháp. Trong trận đèo Bông Lau, anh bị thương ở đầu và mê đi lúc nào không biết. Khi tỉnh lại anh mới biết mình bị bệnh ngủ và giấc ngủ kéo dài 10 năm, đó là ngày 15-8-1858.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Bác đã tưởng tượng ra khung cảnh 10 năm sau về cơ bản là đúng, dù không nói rõ năm nào, nhưng cho biết là năm 1958, hòa bình miền Bắc đã được 4 năm:                              

Việt Nam dân chủ cộng hòa

Độc lập, tự do, hạnh phúc.

      15 tháng 8 năm 1858” [3]

Đặc biệt hơn nữa, Bác còn dự báo về một cuộc sống tốt đẹp sau khi đất nước giải phóng thể hiện: ở bệnh viên nơi anh Minh nằm khang trang, sạch sẽ, Gian phong tĩnh lặng, chăn vải trắng tinh, lại hơi thơm thơm. Sờ lên đầu không thấy sẹo, không thấy đau gì cả. cái buồng thật xinh xinh, sáng sủa, sạch sẽ. Trần và vách đều trắng toát. Trên bàn có một cốc sữa đặt trên cãi đĩa bằng thủy tinh. Lại có một cái bình hoa cắm đầy những bông hoa tươi ngát..; thể hiện ở việc: con gái anh - một cố nông - được học đại học Y khoa; vợ anh - một người đi ở đợ - được làm chủ tịch xã: “A di đà Phật! tôi không tin lỗ tai rôi. Thế nào? Thị Xuân vợ thằng đi chăn trâu làm chủ tịch xã? Thị Đào, con đứa ăn vụng cơm bà Bá vào đại học Y khoa?” [5]. Đất nước từ thành thị nông thôn không còn người mũ chữ, đói rách, thất nghiệp, phố xá, làng mạc, nơi nào cũng sach sẽ, xinh tươi…

          Với “Giấc ngủ mười năm”, Hồ chủ tịch đã dựng lên trước mắt người đọc một viễn cảnh tương lai song rất gần với hiện thực, điều đó không chỉ khẳng định niềm tin kiên định sâu sắc của người đối với công cuộc cách mạng, mà còn cho thấy sự sáng suốt, trí tưởng tượng mang tính tiên tri tuyệt vời. Mười năm sau, những tiên đoán ấy về cơ bản thành hiện thực, dù chưa phải cả nước, nhưng miền Bắc, sau chiến tranh, đã từng ngày thay da, đổi thịt, đã no ấm, giàu mạnh, dân chủ, hòa bình, đúng như cảnh tượng người tiên đoán thông qua lời của nhân vật.

          4. Dự đoán về việc thống nhất đất nước năm 1975:

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hồ chủ tịch cũng có nhiều dự đoán đúng với lịch sử dân tộc. Ngay từ cuối năm 1967, đầu năm 1968, Người đã dự đoán: mỹ sẽ đưa  máy bay B52 ra đánh Hà Nội nên phải có phương án chuẩn bị kịp thời trước đó. Hồ Chí Minh nói: “Ở Việt Nam. Mỹ nhất định sẽ thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Ngay từ Hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II, người đã dự đoán về trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân Miền Bắc năm 1972.  Người nói rằng: “Mỹ dần dần trở nên kẻ địch chính của quân đội và nhân dân ta…” và “nhiều trận Điện Biên Phủ khác đang chờ chúng” [4]

          Năm 1960, trong bài phát biểu mừng ngày quốc khánh lần thứ 15, Bác dự báo: “Chậm nhất là 15 năm nữa, tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sum họp một nhà”[1]. Không những thế, trước lúc đi xa, người cũng tiên đoán được nước nhà thống nhất, dân được tự do độc lập bằng chính những vần thơ chúc tết đầu xuân 1969:

“ Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do,

Đành cho mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên chiến sỹ, đồng bào

Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn”

Và với đỉnh cao thắng lợi huy hoàng 30 - 4 - 1975, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng đã chứng minh lời tiên đoán ấy của người thành hiện thực trọn vẹn.

Trên đây chỉ là một số dự báo của chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, ngoài ra, người còn dự báo đúng rất nhiều sự kiện khác mà trong một phạm vi một bài báo nghiên cứu, trao đổi, tác giả chưa thể hiện hết… vậy một câu hỏi đặt ra là nhờ đâu mà người có được những dự báo ấy? không thể bởi Bác có khả năng siêu nhiên, hay là thần thánh, mà theo cá nhân tác giả, có lẽ những dự đoán thiên tài ấy xuất phát từ chính tình yêu tha thiết quê hương, đất nước cộng với sự khổ luyện thành tài, sự trải nghiệm thực tiễn phong phú như nguyên tổng bí thư Trường Chinh đã nói về Bác: “Thế giới quan Mác - Lênin và những trải nghiệm đấu tranh lâu năm đã làm cho người có khả năng đoán trước thời cuộc, mau lẹ nhận ra những bước ngoặt của lịch sử, đề ra nhưng chủ trương thích hợp nhằm xoay chuyển tình thế”. Và đương nhiên khả năng này không phải ai cũng có được, mà nói theo đồng chí Võ Nguyên Giáp thì “những điều tiên tri đó thuộc về những thiên tài”. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam ngày hôm nay cũng không thể thiếu những dự kiến khoa học ấy của Người,

Sau hơn 25 năm đối mới, đất nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt lên trên cả khung cảnh hòa bình trong tác phẩm “Giấc ngủ mười năm” của Người. Nhưng những dự cảm “tiên tri” của Hồ Chí Minh vẫn là những định hướng, những bài học kinh nghiệm quý giá soi đường cho dân tộc Việt Nam phát triển vươn xa hơn nữa trên những chặng đường lịch sử xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

 

 

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo Nhân dân đăng  phát biểu của Bác còn giữ lại bản thảo, nay trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.1, tr.35

3. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.609

4. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.610

5. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t.7, tr. 315

6. Những chặng đường lịch sử, NXB Văn học, 1977, tr 46-47