ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN LÝ LUẬN CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC Ở VIỆT NAM TỪ ĐẠI HỘI VII ĐẾN ĐẠI HỘI XI

 

 

Th.S Đào Thị Thúy Loan

 

Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử xã hội loài người nói chung và nhất là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản châu Âu nói riêng, C.Mác đã rút ra kết luận: sự phát triển của xã hội loài người là sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội. V.I.Lênin đã nhận xét: “Sau khi nghiên cứu quy luật phát triển của xã hội loài người, Mác đã hiểu rằng chủ nghĩa tư bản phát triển tất nhiên sẽ đưa đến chủ nghĩa cộng sản - đây là điều căn bản - khi chứng minh chân lý đó, Mác chỉ dựa trên việc nghiên cứu xã hội tư bản đó một cách chính xác nhất, tỉ mỉ nhất, sâu sắc nhất, nhờ việc nắm vững đầy đủ tất cả những cái mà khoa học trước đây đã cung cấp”. Chính vì thế, xã hội tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ được thay thế bằng xã hội khác, C.Mác xác định là xã hội cộng sản chủ nghĩa, giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Sự thay thế này là một quá trình lịch sử - tự nhiên.

Trong quá trình hoạt động cách mạng và nghiên cứu lý luận C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra những quan niệm của mình về mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường để xác lập và xây dựng mô hình xã hội ấy.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, thiết lập quan hệ sản xuất mới trên cơ sở xác lập, củng cố chế độ sở hữu xã hội đối với các tư liệu sản xuất chủ yếu. Chế độ tưu hữu về tưu liệu sản xuất bị thủ tiêu, C.Mác nóinhững người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu. Tuy nhiên, “đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”. Trên cơ sở đó phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Thực hiện nguyên tắc làm theo năng lực hưởng theo lao động, mọi người có quyền bình đẳng trong việc hưởng các phúc lợi xã hội: y tế, giáo dục, sử dụng nhà ở… Mọi người lao động có quyền và có khả năng tham gia quản lý sản xuất, quản lý xã hội. Mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới.

Trong xã hội mới, giai cấp bóc lột đã được cải tạo triệt để, giải phóng con người, tiến tới xóa bỏ giai cấp và đối kháng giai cấp “vấn đề đặt ra là chủ nghĩa cộng sản phải xóa bỏ buôn bán, xóa bỏ những quan hệ sản xuất tư sản và xóa bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa” Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được xây dựng và thực hiện rộng rãi trong thực tế. Khối liên minh giai cấp công nhân với quảng đại quần chúng nhân dân lao động được củng cố vững chắc. Quyền con người, bình đẳng nam nữ được thực hiện. Sự thống nhất giữa quyền lợi và nghĩa vụ được đảm bảo. Xã hội tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn để phát triển con người toàn diện: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Lối sống xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở bình đẳng xã hội, chủ nghĩa tập thể và tinh thần tương trợ anh em được hình thành. Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được xây dựng. Trên cơ sở xóa bỏ tình trạng áp bức bóc lột giữa người với người, xóa bỏ tình trạng áp bức dân tộc, thực hiện bình đẳng dân tộc, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng “hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”.

Kế thừa những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng nước Nga, lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô ra đời. Đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận thành hiện thực.

Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương: “Tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”. Vào những năm cuối những năm 80 thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào khủng hoảng trầm trọng, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô xụp đổ, phong trào xã hội chủ nghĩa đang trong giai đoạn thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Trong bối cảnh đó, việc xác định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một vấn đề hết sức quan trọng của Đảng và nhân dân ta. Tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa VI) - Hội nghị thảo luận dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu: “Lúc này chúng ta chưa có đủ cơ sở để vẽ toàn bộ bức tranh của xã hội tương lai một cách hoàn chỉnh. Nhưng căn cứ vào những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội VI và thực tiễn đổi mới xã hội ta trong hơn 3 năm qua, chúng ta có thể vạch ra những nguyên tắc và phương hướng lớn cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là điều có thể làm được. Sau này, khi thực tiễn bộc lộ những vấn đề mới, qua tổng kết, Cương lĩnh sẽ không ngừng được bổ sung và hoàn chỉnh từng bước”.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991). Cương lĩnh năm 1991 đã phác họa mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng:

“- Do nhân dân lao động làm chủ.

- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.

- Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.

- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”.

Từ khi Cương lĩnh năm 1991 ra đời đến nay, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi to lớn. Nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra được nhận thức và giải quyết qua các nhiệm kỳ đại hội. Đại hội X của Đảng (năm 2006) trên cơ sở tổng kết lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới đất nước, trong đó có 15 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 đã xác định rõ hơn mô hình xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.

Đại hội X xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến; đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”.

Trên cơ sở tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 Đại hội XI (2011) khẳng định: “Qua tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa lịch sử và giá trị định hướng chỉ đạo to lớn của Cương lĩnh đối với công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đồng thời cũng thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần tiếp tục được giải đáp”. Đại hội XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), gọi tắt là Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

Về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Sau 20 năm tổng kết thực tiễn, bổ sung và phát triển lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI đã bổ sung 2 đặc trưng mới so với Cương lĩnh năm 1991: Đặc trưng bao trùm, tổng quát: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đặc trưng “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.

Hai đặc trưng này đã được bổ sung từ Đại hội X. Tuy nhiên điểm mới so với Đại hội X là chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng" trong đặc trưng bao trùm, tổng quát. Thể hiện sự đổi mới trong nhận thức của Đảng bởi cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định, dân chủ là điều kiện, tiền đề của công bằng, văn minh. Không thực hiện dân chủ thì không thể nói đến công bằng, văn minh. Dân chủ được thực hiện rộng rãi, càng có điều kiện để thực hiện công bằng, văn minh. Ở đây, việc chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng” không chỉ đơn giản về mặt kỹ thuật mà thực chất là cần xây dựng xã hội dân chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) bổ sung đặc trưng “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo” là cần thiết và đúng đắn. Sự hình thành của tư tưởng về Nhà nước pháp quyền luôn gắn liền với tư tưởng phát triển dân chủ, loại trừ chuyên quyền, độc đoán, vô chính phủ, vô pháp luật... Khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” lần đầu tiên được Đảng ta sử dụng tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII. Từ đó được sử dụng chính thức trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Những nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng được định hình và thực hiện trong thực tế.

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã mở rộng biên độ “do nhân dân làm chủ” chứ không chỉ là “do nhân dân lao động làm chủ” như trong Cương lĩnh 1991. Việc xác định như thế là chính xác bởi đặc trưng này thể hiện bản chất nhân văn của chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người, do con người. Các văn kiện của Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh đến dân chủ và trở thành một trong năm bài học kinh nghiệm lớn trong hơn 80 năm qua. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời thể hiện tư tưởng đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta.

Về đặc trưng kinh tế: Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”. Trên cơ sở tổng kết lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới đất nước, Đại hội X xác định: “Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.

Trong Cương lĩnh năm 1991 nhấn mạnh được “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu” và thể hiện được đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội, nhưng chưa hoàn toàn phù hợp với thời kỳ quá độ ở nước ta hiện nay với nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chỉ là một bộ phận của quan hệ sản xuất. Khi đề cập đến lực lượng sản xuất thì phải đề cập đến quan hệ sản xuất mới là mối quan hệ tương đồng, đồng đẳng.

Thể hiện như Đại hội X là phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Đảng trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tránh được cách hiểu coi nhẹ đối với khu vực kinh tế dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân và thể hiện được sự tương đồng, đồng đẳng, khi đề cập lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

Kế thừa cách diễn đạt của Đại hội X, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Xác định như Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) hợp lý hơn bởi đặc trưng này nói đến sự phù hợp lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất và không cứng nhắc về chế độ sở hữu và thành phần sở hữu.

Về đặc trưng về con người, Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Con người được giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công, làm theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”, xác định như vậy là hợp lý hơn bởi không phải đến khi xây dựng xong chủ nghĩa xã hội, con người mới được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, mà đã được giải phóng trước đó. Và xã hội xã hội chủ nghĩa không tạo điều kiện phát triển toàn diện “cái cá nhân” mà  tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.

Về đặc trưng về dân tộc, Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”

 - Xác định rõ hơn đặc trưng về hợp tác quốc tế. Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Ở đây, quan hệ hợp tác quốc tế đã được mở rộng không chỉ là hợp tác “với nhân dân” các nước trên thế giới mà là hợp tác với “các nước trên thế giới”. Đó cũng chính là những gì mà nước ta đang tiến hành, không chỉ có công tác đối ngoại nhân dân, mà còn có công tác đối ngoại Đảng và đối ngoại Nhà nước với tất cả các nước trên thế giới.

          Hơn 20 năm từ khi Cương lĩnh năm 1991 ra đời đến nay, có thể khẳng định rằng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được xác định ngày càng rõ hơn và ngày càng được hiện thực hóa trong cuộc sống.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, toàn tập, t.50, Nxb CTQG, 2007.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, toàn tập, t.51, Nxb CTQG, 2007.

3.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, HN, 2006.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011.

5. C.Mác và Ph.Ăngghen [1848]: Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản, Bản dịch tiếng  Việt, Nxb CTQG, Toàn tập,t.4, H,1995.