CUỘC TRANH CỬ CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ ĐẢNG CỘNG HÒA

 

Th.S Khổng Minh Ngọc Mai

Trong các cuộc bầu cử, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa gần như giữ độc quyền giới thiệu ứng cử viên ra tranh cử. Kể từ năm 1860 đến nay, thông qua các cuộc bầu cử, những người Dân chủ và Cộng hòa đã chia nhau kiểm soát nền chính trị Mỹ, nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền như chức Tổng thống, nghị sỹ Quốc hội, chức Thống đốc bang và cơ quan lập pháp cấp bang. Theo các nhà phân tích chính trị, có gần 2/3 dân Mỹ tự coi mình là người của Đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ. Thậm chí ngay cả những người được coi là cử tri độc lập cũng có xu hướng ủng hộ hai đảng này. Trong các cuộc bầu cử được tiến hành từ năm 1980 đến 1996, trung bình có khoảng 75% số cử tri độc lập đã bỏ phiếu ứng cử cho ứng viên Tổng thống của một trong hai đảng trên.

Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên được tổ chức vào năm 1789. Kỳ bầu cử kế tiếp vào năm 1792 (cách 3 năm) và sau đó cứ 4 năm một lần, trùng hợp vào những năm chẵn - năm chia hết cho 4 như 1796, 1824, 1980, 2008...  Năm 2000, George W. Bush - ứng viên hàng đầu cho vị trí đại diện Đảng Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống với ứng viên Đảng Dân chủ Al Gore. Cuộc bầu cử năm 2000 là một trong những cuộc đua tranh sít sao nhất trong lịch sử tranh cử Tổng thống. Sau nhiều lần tranh tụng và soát lại phiếu, G. Bush đã dành chiến thắng, trở thành Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ và là người thứ hai theo bước chân cha mình (Tổng thống thứ 41 George Herbert Walker Bush, 1989 – 1993) bước vào phòng Bầu Dục.

Trong cuộc bầu cử năm 2000, Tổng thống đắc cử G. Bush (Đảng Cộng hòa) có 271 cử tri đại biểu với 50.460.110 phiếu (47.9%); ứng cử viên Albert A. Gore (đảng Dân Chủ)  được 266 cử tri đại biểu nhưng có số phiếu dân bầu cao hơn 51.003.926 (48.4%).

Mặc dù, nhiệm kỳ đầu tiên Tổng thống Bush đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq, nhưng với sự nỗ lực cùng việc đưa ra những chính sách mới trong chiến lược tranh cử, với số phiếu 51% (so với 49% của Thượng nghị sĩ Kerry), Tổng thống G.W.Bush đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2 trong một cuộc bầu cử “nghẹt thở” từ phút đầu cho đến phút cuối và gay cấn không thua gì cuộc bầu cử năm 2000. Theo kết quả kiểm phiếu tối ngày 3/11/2004, Tổng thống G. Bush giành chiến thắng ở 28 bang, với 254 phiếu đại cử tri, 58.350.976  phiếu phổ thông, tương đương 51%. Thượng nghị sĩ J. Kerry thắng ở 20 bang, với 252 phiếu đại cử tri, 54.836.234 phiếu phổ thông, tương đương 48%. Kết quả kiểm 90% điểm bỏ phiếu tại bang Ohio, đương kim Tổng thống G.W. Bush vượt ông Kerry 100.000 phiếu (tương đương 51%) [72]. Ông Bush đã tuyên bố chiến thắng tại bang này và giành trọn 20 phiếu đại cử tri. Như vậy, ông Bush đã đạt được 274 phiếu. Thượng nghị sĩ Kerry chỉ thua sít sao 48%. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ diễn ra cùng ngày, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy Đảng Cộng hòa tiếp tục chiếm đa số tại cả Thượng và Hạ viện, giành 52/100 ghế tại Thượng viện, nhiều hơn một ghế mà họ đang nắm giữ và 226 trong tổng số 435 ghế tại Hạ viện.

 Ngay từ khi còn vận động cử tri, Tổng thống Bush từng cam kết sẽ đưa ra một chính sách đối nội "táo bạo" và tiếp tục chính sách đối ngoại theo hướng giải quyết những xung đột còn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ hai, G.W. Bush đã phải đứng trước những thách thức về đối nội và đối ngoại: Khó khăn trong cuộc chiến ở Iraq, cuộc chiến chống khủng bố, chính sách ngoại giao đơn phương, an ninh năng lượng, vấn đề môi trường, tăng việc làm khôi phục nền kinh tế… Tổng thống Bush cũng không thể giải quyết hết những thách thức đó trong thời gian cầm quyền. Sự phản ứng chậm trễ của chính quyền Bush trong thảm họa Bão Katrina – trận thiên tai đã phá hủy New Orleans tháng 8/2005, khiến Bush bị chỉ trích và sự ủng hộ dành cho ông cũng bắt đầu tụt dốc. Cuộc chiến tranh ở Iraq đã làm cho uy tín, sức mạnh và vị trí của nước Mỹ đối với cộng đồng thế giới ngày càng giảm sút. Tổng thống Bush đã khiến cho nước Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến không có thắng lợi, cạn kiệt nguồn lực trong nước. Chính vì vậy, trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006 - nhiệm kỳ hai của Bush đã đưa lại quyền kiểm soát cho Đảng Dân chủ tại Thượng và Hạ viện Mỹ sau 12 năm.

Với thắng lợi của ứng cử viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Thống đốc bang Virginia, số ghế của Đảng Dân chủ tại Thượng viện tăng lên con số 51, trở thành đảng đa số ở Thượng viện. Ngoài ra, Đảng Dân chủ cũng giành được quyền kiểm soát tại Hạ viện với 229 ghế. Như vậy, với thất bại của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Quốc hội, Tổng thống Bush không còn khả năng thao túng như trước. Điều này cũng tạo thuận lợi cho Đảng Dân chủ trong việc thương lượng với Nhà trắng các vấn đề, như về vấn đề rút quân đội Mỹ ở Iraq, chính sách phát triển nền kinh tế... Đồng thời, khi nắm trọn Quốc hội Đảng Dân chủ cũng phải chịu trách nhiệm trong các vấn đề của Quốc hội và tìm cách chứng tỏ họ có đủ khả năng giải quyết mọi vấn đề do Bush gây ra.

Sự thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, cùng với sự bất mãn dành cho chính quyền Bush ngày càng tăng mạnh cả trong nước và ngoài nước, chủ yếu là do cuộc chiến tại Iraq vẫn tiếp diễn. Những bê bối liên quan đến việc lạm dụng tù nhân tại Abu Ghraib ở Baghdad và hành vi đối xử với nghi phạm khủng bố tại các nhà giam như trại X-Ray ở Guantanamo, Cuba, cũng khiến vị thế quốc tế của Hoa Kỳ bị giảm sút đáng kể. Những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của G. Bush thậm chí còn tồi tệ hơn với nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn và khủng hoảng ngân hàng liền tiếp đó. Nhiều nhà phê bình cho rằng, sự kết thúc nhiệm kỳ của Bush chính là một cơ hội để khôi phục lại hình ảnh của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.

Năm 2008, nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử được coi là quan trọng đối với các chính đảng và cử tri. Cuộc bầu cử Tổng thống có cơ hội công bằng cho các đảng phái, còn được gọi là cuộc bầu cử  "mở", vì ứng cử viên đều không phải là đương kim Tổng thống. Cuộc bầu cử 2008 còn bầu lại toàn bộ 435 ghế Hạ viện, 34/100 ghế Thượng viện và 11 ghế Thống đốc bang.

Cuộc bầu cử năm 2008, ứng viên Đảng Dân chủ là Barack Obama (Thượng nghị sĩ bang Illinois). Ông đã đánh bại đối thủ John Mc Cain (Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona) một cách tuyệt đối cả về phổ thông đầu phiếu (52,9% so với 45,7%) lẫn phiếu Đại cử tri (365 phiếu so với 173 phiếu) [56]. Obama đã trở thành chính khách da màu đầu tiên tiếp quản ghế Nhà trắng ở tuổi 47, được coi là một trong những Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong lễ nhậm chức của Tổng thống Obama tại Washington có tới 1,8 triệu người từ khắp nước Mỹ đổ về và là lễ nhậm chức có đông người tham dự nhất trong lịch sử nước Mỹ. Có thể thấy, cuộc tranh cử Tổng thống năm 2008 diễn ra khá dễ dàng với Đảng Dân chủ. Sau tám năm thất bại thảm hại của Đảng Cộng hòa với hai cuộc chiến tai họa, với tra tấn dã man, với trại tù Guantanamo, với chương trình ám sát tự động, với thám thính và nghe lén…, người Mỹ đã chán ngấy chính quyền Bush. Cử tri Hoa Kỳ muốn có thay đổi và đó là cũng chính là lý do khiến ứng viên Obama Đảng Dân chủ cùng những lời hứa của mình đã nhanh chóng bước vào Nhà trắng.

Tổng thống B. Obama lên cầm quyền ở nhiệm kỳ đầu với những thách thức, khó khăn về các vấn đề kinh tế, chính trị và cuộc chiến chống khủng bố do chính quyền tiền nhiệm G. Bush để lại. Những yếu tố khách quan đã tạo bất lợi cho Obama. Chính vì vậy, ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Obama đã có những thay đổi, điều chỉnh các hoạt động của Nhà nước và chính sách đối ngoại. Việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Iraq, tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden (năm 2011), nền kinh tế khởi sắc, hơn nữa, Obama cũng quan tâm hơn đến các vấn đề di cư, an sinh xã hội của người dân. Đồng thời, là Tổng thống đương nhiệm, với kinh nghiệm trong việc đưa ra các chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước; lại không phải trải qua quá trình vận động tranh cử tại nội bộ đảng, nên trong cuộc bầu cử năm 2012 cùng với ứng cử viên Mit Romney của Đảng Cộng hòa, Tổng thống Obama tiếp tục thắng cử và nắm quyền Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, khẳng định vị thế cầm quyền của Đảng Dân chủ trước nước Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, chiến thắng này có phần kém “oanh liệt” hơn cả về phổ thông đầu phiếu (51,1% so với 47,2%) lẫn phiếu Đại cử tri (332 phiếu so với 206 phiếu) [72]. Cũng trong năm 2012, Đảng Dân chủ đã để mất quyền kiểm soát tại Hạ viện vào tay Đảng Cộng hòa. Đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014, Đảng Dân chủ đã thất thế, Đảng Cộng hòa trở lại giành quyền kiểm soát Quốc hội. Khi người dân được hỏi: liệu họ sẽ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, 50% cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa và 44% nghiêng về phía Đảng Dân chủ. 243/435 là số ghế áp đảo nhất mà phe Cộng hòa đạt được tại một cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ kể từ thế chiến thứ 2 đến nay. Dù không đủ mức 2/3 (60 ghế) tại Thượng viện để thao túng mọi quyết sách, nhưng với chiến thắng 52 ghế Thượng viện, Đảng Cộng hòa đã nắm trọn quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Chiến thắng mang tính quyết định của Đảng Cộng hòa thể hiện tại 7 bang gồm Bắc Carolina, Arkansas, Colorado, Georgia, Iowa, Kansas và Tây Virginia [58]. Việc Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội đã gây bất lợi trong hai năm cuối nhiệm kỳ của Obama. Với điều này, cũng có thể dự đoán cuộc bầu cử năm 2016, Đảng Cộng hòa có thể sẽ giành phần thắng chắc chắn hơn Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng.

Cũng không quá ngạc nhiên khi Đảng Dân chủ lại bị thất thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ, uy tín của Obama dần dần bị giảm sút, đó là do: Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng gồm những ca lây nhiễm Ebola trong nước, mối đe dọa từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Ngoài ra, còn có các vấn đề như chương trình Obamacare, số lượng trẻ em di cư vào Texas gia tăng, vụ bê bối tại Bộ Cựu chiến binh Mỹ và bạo loạn sắc tộc ở Ferguson, Missouri. Hơn nữa, đa số người dân nhận định khả năng đối phó với các vấn đề lớn của chính phủ đã giảm trong vài năm qua. Nhiều người đổ lỗi cho Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ hơn Đảng Cộng hòa. Cho dù, trong nhiệm kỳ của mình, chính quyền Tổng thống Obama đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và vực dậy hình ảnh nước Mỹ trên thế giới. Đặc biệt trong thời gian bầu cử giữa kỳ năm 2014, nền kinh tế Mỹ có sự tăng trưởng nhẹ, tỷ lệ thất nghiệp giảm và chỉ số niềm tin tiêu dùng đạt mức cao nhất trong 7 năm. Tuy nhiên, những điều này khó có thể giành ưu thế về cho Đảng Dân chủ, vì người dân vẫn không cảm thấy an tâm trước hành động mưu sát dân thường của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Có thể thấy, cuộc bầu cử ở Mỹ là cuộc bầu cử duy nhất trên thế giới có thời gian tranh cử kéo dài nhưng vẫn luôn thu hút sự quan tâm từ đầu đến cuối cuộc bầu cử. Điều này giải thích rằng chính trị nước Mỹ không chỉ giới hạn ở phạm vi nước Mỹ mà còn ảnh hưởng tới chính trị toàn cầu. Và có lẽ cũng không ai phủ định rằng hình ảnh vị Tổng thống Mỹ luôn luôn có những tác động quan trọng đến chính trị quốc tế.

 

Thông qua cuộc tranh cử của ứng viên hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, phần nào thể hiện được sự giống và khác nhau trong hoạt động bầu cử. Với đặc trưng là đảng theo khuynh hướng cánh hữu, Đảng Cộng hòa thường thể hiện tính bảo thủ, cứng rắn hơn Đảng Dân chủ nên trong các chính sách mà Tổng thống Bush và Obama đưa ra trong thời gian vận động tranh cử đều thể hiện điều đó.