KHÍ CHẤT VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC HỌC SINH TEMPER AND STUDENT EDUCATION ISSUES

 

Th.S Giáp Thị Dịu

 

Summary: In this article I am referring to the role of temperament understanding of students in learning activities and work . On the basis of specific insights about the temperament of students, educators need to choose the appropriate educational measures to promote the positive and minimize the negative aspects of each type of typical aura and ultimately to improve the efficiency of education .

key word:  Temper; Educational orientation; methods and forms of education

1.     Tầm quan trọng của việc hiểu biết về khí chất của học sinh trong công tác giáo dục.

Ngay từ thời cổ đại, Hypocrat (460-356 TCN) danh y Hylạp đã cho rằng cơ thể con người có bốn thứ nước với bốn đặc tính khác nhau:

-         “Máu” ở tim có đặc tính nóng.

-         “Nước nhờn” ở bộ não có đặc tính lạnh lẽo.

-         “Nước mật vàng” ở trong gan thì khô ráo.

-         “Nước mật đen trong dạ dày thì ẩm ướt.

Tùy theo thứ nước nào chiếm ưu thế mà cá nhân có loại khí chất tương ứng.

Chất ưu thế

Loại khí chất tương ứng

Máu

“Hăng hái” (Sanguin)

Nước nhờn

“Bình thản” (fbgmatique)

Mật vàng

“Nóng nảy” (cholerique)

Mật đen

“Ưu tư” (Messlancolique)

I.P.Pavlov (nhà sinh lý học người Nga) đã khám phá ra trong hoạt động thần kinh của con người có hai quá trình cơ bản, đó là quá trình hưng phấn và quá trình ức chế. Hai quá trình đó lại có ba thuộc tính cơ bản, đó là: cường độ hoạt động, tính cân bằng và tính linh hoạt. Sự kết hợp giữa ba thuộc tính đó sẽ tạo ra bốn kiểu hoạt động thần kinh, là cơ sở của bốn loại khí chất.

Kiểu thần kinh

Kiểu khí chất tương ứng

Mạnh mẽ, cân bằng, linh hoạt

Hăng hái (Sanguin)

Mạnh mẽ, cân bằng, không linh hoạt

“Bình thản” (fbgmatique)

Mạnh mẽ, không cân bằng

“Nóng nảy” (cholerique)

Yếu

“Ưu tư” (Messlancolique)

Mỗi kiểu khí chất trên có mặt mạnh, mặt yếu tùy thuộc vào những tình huống cụ thể trong đời sống của mỗi cá nhân. Trong thực tế thì loại hình thần kinh - khí chất của con người lại biến đổi theo lứa tuổi, biến đổi theo sự biến đổi của đời sống xã hội và chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục nhất định. Ngày nay người ta thấy ở con người có những kiểu khí chất trung gian, bao gồm nhiều đặc tính của bốn kiểu khí chất trên. Chính vì thế, trong công tác giáo dục, việc hiểu biết về các đặc điểm khí chất của học sinh có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chỉ có trên cơ sở có những hiểu biết đầy đủ về khí chất của các em, nhà giáo dục mới có thể đưa ra những ứng xử phù hợp, nhằm tạo hiệu ứng giáo dục cao.

          Những nhà giáo dục nói chung, thầy giáo nói riêng cần có sự quan sát lâu dài và toàn diện, có sự phân tích khoa học thì mới có thể xác định được chính xác loại hình thần kinh và khí chất cơ bản của học sinh. Tất nhiên là không thể đòi hỏi phải xác định học sinh này, học sinh kia thuộc hẳn vào một loại khí chất nào đó một cách cứng nhắc, mà điều cần thiết là phải phán đoán được những thuộc tính chủ yếu trong loại hình thần kinh của các em, như: cường độ hưng phấn - ức chế mạnh hay yếu; hai quá trinh đó cân bằng hay không cân bằng và linh hoạt hay không linh hoạt. Đồng thời xem xét những thuộc tính đó chi phối hoạt động tâm lý của học sinh như thế nào trong hoạt động học tập, lao động và sinh hoạt.

Cường độ của quá trình hưng phấn thường biểu hiện ở tính tích cực về trí lực và thể lực tương đối ổn định, bền vững ở khả năng cố gắng làm việc khẩn trương và lâu dài, ở khả năng tập trung sức chú ý.

Cường độ của quá trình ức chế thường biểu hiện ở tính kiên trì, bền bỉ, không nôn nóng; biểu hiện ở khả năng tự kiềm chế, trấn tĩnh, chống lại sự phân tán chú ý, chống lại những hứng thú không có lợi cho việc học tập, lao động.

Biểu hiện rõ rệt nhất của của cường độ ở cả hai quá trình thần kinh là khả năng hoàn thành khối lượng công tác, là năng suất làm việc trong một thời gian nhất định. Những ưu điểm trên là biểu hiện chủ yếu của loại hình thần kinh mạnh - cân bằng.

Loại hình thần kinh yếu thường biểu hiện ở chỗ hay chán nản, yếu đuối, ủy mị, thái độ “bất lực” trước những việc quan trọng. Biểu hiện tương đối phổ biến của loại hình thần kinh không cân bằng là hiện tượng thất thường trong học tập, hay “bốc” mà cũng hay “xẹp”, dễ nổi nóng, dễ mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, bền bỉ.

Tính linh hoạt của những quá trình thần kinh biểu hiện ở sự thích ứng nhanh

chóng, dễ dàng với những biến đổi của quá trình sinh hoạt, học tập, như khi chuyển từ môn học này sang môn học khác; công việc này sang công việc khác; nếp sinh hoạt này sang nếp sinh hoạt khác…Một biểu hiện khá thông thường, đáng chú ý của tính linh hoạt là sự chuyển nhanh từ trạng thái ngủ sang trạng thái tỉnh táo và ngược lại trong những điều kiện bình thường.

Một điều cần chú ý là các thuộc tính của một loại hình thần kinh nào đó phải được xác định trong toàn bộ hoạt động tâm lý lâu dài, các thuộc tính đó phải là các thuộc tính chủ yếu nhất, bao quát nhất. Ngoài ra, trong quá trình tìm hiểu các thuộc tính đó, ta thường dùng cách so sánh (đó là một biện pháp cần thiết). Tuy nhiên khi so sánh chúng ta phải chú ý tới những điều kiện thực tế nhất định, để tráng tình trạng ngộ nhận về khí chất của con người. Ví dụ: tình trạng “ưu tư”, “không linh hoạt” có thể xảy ra trong một thời gian khá dài ở một học sinh vốn có năng suất học tập, công tác cao (loại hình thần kinh mạnh, cân bằng), do vì vừa qua cơn bạo bệnh, hoặc do gia đình có một biến cố đau thương…trường hợp đó không thể đem ra so sánh với một học sinh khác đang mạnh khỏe bình thường được.

2. Xác định phương hướng giáo dục

Việc tìm hiểu khí chất của học sinh xét đến cùng là nhằm để xác định phương hướng giáo dục tối ưu đối với các em. Vấn đề này cũng cần phải hết sức thận trọng, và cần phải xét tới một số điểm sau:

2.1. Tính  hai mặt của khí chất

Khí chất chủ yếu chi phối về mặt hình thức biểu hiện của hoạt động tâm lý (mức độ xúc động, động lực của các quá trình thần kinh) chứ hoàn toàn không quyết định mức độ của hoạt động tâm lý, nói một cách khác thì không phải do loại hình thần kinh mà sự phát triển trí tuệ, tình cảm bị giới hạn. Thực tiễn giáo dục đã chứng minh điều đó. Khi nghiên cứu khí chất của nhiều học sinh học tập giỏi, công tác tốt, ta có thể thấy rằng những học sinh ưu tú này cũng đại biểu cho các loại khí chất cơ bản. Có em đạt kết qủa học tập cao nhờ tính linh hoạt, khẩn trương trong học tập và công tác; có em học tập giỏi, công tác tốt nhờ tính kiên trì, chu đáo; có em lại thành công vì nhờ có cường độ làm việc phi thường; lại có em thu được nhiều thành tích trong học tập nhờ vào sự suy nghĩ sâu sắc, thâm trầm hoặc nhờ vào óc tưởng tượng kỳ diệu…

Nhà giáo dục lại càng cần phải nắm bắt rõ nhất tính hai mặt của khí chất của học sinh mà xác định phương hướng giáo dục sao cho có thể phát huy tối đa mặt tích cực và hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của nó.

Đối với bốn loại hình thần kinh và khí chất cơ bản nói trên hai mặt tích cực và tiêu cực của nó biểu hiện như sau:

Loại cần bằng - nhanh, có ưu điểm là nhanh nhẹn, hoạt bát…nhưng hoàn cảnh nhất định nào đó nó lại thể hiện sự “phân tán”, “tiền hậu bất nhất”, có hại cho học tập và công tác.

Loại không cân bằng có mặt tích cực là có tinh lực rất dồi dào, có thái độ quyết liệt trong khi đấu tranh để vượt trở ngại, khó khăn. Nhưng nhiều khi dễ biến thành nóng nảy, bộp chộp, thất thường, thậm chí có thể “liều mạng”.

Loại hình thần kinh yếu có mặt tích cực là suy nghĩ sâu sắc, nhìn thấy mọi mặt của khó khăn, trở ngại, lường trước được hậu quả xa, tưởng tượng phong phú…nhưng mặt khác lại dễ trở thành ngại khó, ngại khổ, mơ mộng viển vông…

Như vậy, với bất kỳ loại khí chất nào đó trong từng trường hợp cụ thể cũng biểu hiện thông qua những mối liên hệ thần kinh nhất định, là kết quả đấu tranh giưa hai mặt đó.

Căn cứ vào những điều kiện nói trên ta thấy rằng vấn đề không phải ở chỗ thay đổi loại khí chất này bằng loại khí chất khác, mà là ở chỗ làm sao phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của từng loại khí chất vốn có của học sinh bằng cách thành lập những mối liên hệ tạm thời mới, nghĩa là hình thành những phản xạ có điều kiện mới, hay nói khác đi là tiến hành giáo dục cho tốt.

2.2.          Lựa chọn biện pháp, hình thức giáo dục

Sau khi đã nắm được những tuộc tính chủ yếu của các loại hình thần kinh và nắm được “tính hai mặt” của khí chất học sinh, chúng ta cần tìm những biện pháp, hình thức giáo dục phù hợp với từng loại khí chất của từng học sinh để làm sao cho cùng một nội dung giảng dạy - giáo dục có thể đạt được kết quả tốt nhất đối với từng loại khí chất điển hình, ta cần có biện pháp giáo dục riêng, Người thầy giáo cần đem hết tài quan sát và óc sáng tạo ra để lựa chọn đúng những biện pháp giáo dục thích hợp.

Ví dụ: phê bình nghiêm khắc, vạch rõ những khuyết điểm là việc cần thiết, bổ ích đối với loại hình thần kinh mạnh - cân bằng, khiến cho những học sinh thuộc loại này quyết tâm khắc phục thiếu sót để tiến bộ. Song cách này lại có thể có tác dụng xấu đối với loại hình thần kinh yếu, như là gây tâm lý tự ty, chán nản cho các em. Với những học sinh thuộc loại hình khí chất này, nếu ta nhấn mạnh những kết quả đã đạt được, khuyến khích các em bằng cách vạch ra những triển vọng tốt đẹp có thể vươn tới được, chỉ rõ những thuận lợi và khả năng vốn có nơi các em thì nhất định sẽ gây được lòng tự tin, gây được quyết tâm hàng động và từ đó làm cho các em nhìn thấy những tồn tại và tự mình sửa chữa những tồn tại đó. Tương tự như vậy, trong quá trình giảng dạy tri thức mới, nếu ta đặt ngay yêu cầu cao như, hiểu sâu sắc, nắm vững bài… ngay trong giờ học đối với những học sinh có kiểu loại hình thần kinh cân bằng - chậm thì có thể sẽ là không thực tế. Song đối với những học sinh có kiểu loại hình thần kinh cân bằng - nhanh thì lại là việc làm thích hợp.

Đối với những học sinh thuộc loại hình thần kinh yếu, thì giáo viên cần phải khích lệ, nâng đỡ các em tham gia các hoạt động với yêu cầu khắc phục khó khăn được nâng cao dần dần từng bước. Cần phải nắm vững nguyên tắc lấy sự phấn khởi do khắc phục được khó khăn trong công tác trước, làm đà thực hiện công tác sau với yêu cầu cao hơn.

Đối với những em có kiểu loại hình thần kinh không cân bằng, cần phải dần dần và khéo léo đưa họ vào những công tác đòi hỏi tính kiên nhẫn, bền bỉ với yêu cầu ngày càng cao, nhằm mục tiêu nâng cao dần khả năng ức chế trong hoạt động thần kinh của các em. Đồng thời cũng cần thay đổi cách phê bình, từ chung chung sang trực diện khi các em mắc khuyết điểm. Lẽ đương nhiên là phải kiên nhẫn, tránh để xảy ra những cuộc va chạm “nảy lửa” đối với những em này.

Trong sắp xếp thời gian biểu, đặt kế hoạch giảng dạy từng bài…chúng ta cũng cần xét đến những đặc điểm khí chất của học sinh. Ví dụ những biến đổi quá đột ngột giữa các bài hay giữa các phần của bài…có thể gây khó khăn cho một số học sinh. Một số thầy giáo ít quan tâm tới hình thức chuyển tiếp, cho nên vô tình gây ra những thay đổi đột ngột trong khi giảng bài, khi nói chuyện, hay khi chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Tình trạng đó khiến cho nhiều học sinh thuộc loại hình thần kinh yếu, chậm và không linh hoạt không thể theo kịp nhịp độ bài giảng. Đó là một trong những nguyên nhân cần phải kể đến của tình trạng không nắm được bài ngay trên lớp, học tập mật nhọc “chữ thầy lại trả lại thầy”. Chúng ta cũng biết rằng, duy trì một động hình bao giờ cũng dễ dàng và tốn ít năng lượng hơn là tạo dựng một động hình mới. Luôn luôn phải thay đổi động hình là một khó khăn đối với những học sinh có loại hình thần kinh yếu - không cân bằng và chậm. Việc xây dựng được nhiều động hình trên vỏ não, rèn luyện cho hệ thần kinh quen với sự thay đổi động hình là mục tiêu của công tác giáo dục. Song nó phải dựa trên cơ sở thích hợp với các loại hình thần kinh, tránh tình trạng gây nhiễu loạn trong hoạt động thần kinh của các em.

Tránh những thay đổi quá đột ngột, chú trọng đúng mức tới các hình thức chuyển tiếp phù hợp với khí chất của học sinh sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học tập, lao động và sinh hoạt của các em, khiến cho các em tiếp thu tốt sự giáo dục và giáo dưỡng của nhà trường. Thầy giáo cần phải nghiên cứu kỹ mọi vấn đề, không nên quy kết hấp tấp là học sinh này lười học, học sinh kia dốt … cái mà ta gọi là “lười”, là “dốt” đó nhiều khi lại là hậu quả của tình trạng thầy giáo không quan tâm đúng mức tới khí chất của học sinh. Chính vì vậy mà khoa học giáo dục đã nêu cao nguyên tắc: “Chú ý đến đặc điểm của đối tượng giáo dục”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tóm tắt

Trong bài này tôi đề cập tới vai trò của việc hiểu biết về khí chất của học sinh trong hoạt động học tập và công tác. Trên cơ sở có những hiểu biết cụ thể về khí chất của học sinh, nhà giáo dục cần lựa chọn các biện pháp giáo dục thích hợp nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế tối đa mặt tiêu cực của từng loại khí chất tiêu biểu và cuối cùng là nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục.

Từ khóa: khí chất; định hướng giáo dục; phương pháp và hình thức giáo dục.

Tài liệu tham khảo

1.                           Phạm Minh Hạc (chủ biên), Nguyễn Kế Hào, Nguyễn Quang Uẩn. Tâm Lý Học. NXBGD - 1993.

2.                           Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng. Tâm Lý học Lứa tuổi và tâm lý học Sư phạm.

3.                           Trần Thị Tuyết Oanh (chủ biên), Phạm Khắc Chương, phạm Viết Vượng, Nguyễn Văn Diện, Lê Tràng Định. Giáo Dục Học Tập 2. NXBDHSP - 2005.

4.                           Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên), Trần Hữu Luyến, Trần Quốc Thành. Tâm lý học đại cương. Hà Nội - 1996.

Tên tác giả

Tên tác giả: Nguyễn Công Tâm

Thạc sỹ, chuyên nghành lý luận và lịch sử giáo dục học.

Giảng viên bộ môn Tâm lý – giáo dục trường Đại học Tây Bắc.

Tên bài báo: “Khí chất với vấn đề giáo dục học sinh”