CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC

 

 

TS. Phạm Thu Hà

Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Tây Bắc

Dẫn nhập

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1]. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một trong những yếu tố dẫn đến sự thắng lợi toàn vẹn là chúng ta đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thông qua công tác dân vận. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đất nước đang ở trong hoàn cảnh còn yếu về mọi mặt, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Một nguồn lực quan trọng nhất là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, nhiệm vụ cách mạng có ý nghĩa quan trọng nhất trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến là vận động toàn dân tham gia kháng chiến. Bài viết sẽ đề cập đến một số vấn đề về công tác dân vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt là trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận

1.1. Khái niệm về dân vận

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”[2].

Như vậy, theo quan điểm chủ Chủ tịch Hồ Chí Minh dân vận là tìm cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ về nhiệm vụ thực hiện công việc và lợi ích mà công việc đó mang lại. Bên cạnh đó, người cán bộ khi thực hiện bất kỳ công việc gì thì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân xây dựng kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh thực tiễn, từ đó động viên và tổ chức toàn dân thi hành. Trong lúc thực hiện công việc thì phải có sự theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc và khuyến khích nhân dân. Khi kết thúc công việc thì phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nhiệm, phê bình, khen thưởng…

1.2. Khái niệm về công tác dân vận

Cũng theo Hồ Chí Minh, “công tác dân vận” là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành tập hợp vận động, đoàn kết nhân dân, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng của Đảng.

Như vậy, với mục tiêu xây dựng xã hội của dân, do dân và vì dân thì lực lượng phải là toàn dân. Công tác dân vận cần được hướng vào công cuộc kiến thiết nước nhà và bảo vệ Tổ quốc. Người nêu rõ mục tiêu đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập Tổ quốc từ đó tiến đến xây dựng và kiến thiết nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ.

1.3. Vai trò của công tác dân vận

   Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Điều đó cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng coi trọng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân “Chở thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Người làm lãnh đạo muốn thành công mọi việc cần biết dựa vào sức dân, mà muốn dựa vào sức dân thì phải làm tốt công tác dân vận.

Nhân dân lao động là nguồn gốc, động lực, sức mạnh quyết định sự thành bại của công cuộc cách mạng và cũng chính là đối tượng hưởng thành quả của sự nghiệp đó. Người khẳng định: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi nói đến nguyên nhân tạo nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, Người đã khẳng định đó chính là sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đã nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.

Nói về vai trò của công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”[3]. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại nhất, không sức mạnh nào có thể chiến thắng được lực lượng đó. Xuất phát từ quan điểm đó, Bác đã tha thiết kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp, tín ngưỡng, tôn giáo hãy đồng lòng dốc sức vì dân vì nước. Phải xoá bỏ hết thành kiến, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Có thể thấy công tác dân vận đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động sức mạnh dân tộc, viết lên những trang sử hào hùng.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận có ý nghĩa lý luận sâu sắc và thực tiễn thiết thực trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng phát triển đất nước. Đặc biệt trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quan điểm về công tác dân vận của Người đã phát huy toàn diện và mang lại những chiến công vẻ vang cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

2. Công tác dân vận trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp

Cách đây 70 năm (19/12/1946-19/12/2016), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc trước âm mưu hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Ở thời điểm đó,  đất nước ta đang còn non yếu về mọi mặt, lại chưa được quốc tế công nhận. Lực lượng cách mạng còn mỏng, chính vì thế, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Nguồn lực chủ yếu lúc này là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định lúc này là vận động toàn dân tham gia kháng chiến, huy động sức dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng. Trong bối cảnh đó, công tác dân vận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và dựa vào sức mình là chính, Đảng đã tập trung cho công tác tuyên truyền, chăm lo đảm bảo đời sống nhân dân. Đồng thời ra sức phát huy vai trò của nhân dân vào củng cố Nhà nước và bộ máy kháng chiến. Do nguồn lực hạn chế nên phương châm chiến lược được xác định là đánh lâu dài, vừa đánh vừa giữ gìn lực lượng. Do vậy, cần tăng cường giác ngộ, tổ chức nhân dân, động viên lực lượng toàn dân vào cuộc kháng chiến.

Trong lĩnh vực kinh tế, Đảng lãnh đạo toàn dân tham gia xây dựng kinh tế kháng chiến theo hướng vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tự cung tự cấp về mọi mặt, bên cạnh đó còn ra sức phá hoại kinh tế của địch.

Trong lĩnh vực văn hoá, Đảng chủ trương xoá bỏ những tàn tích của chính sách văn hoá thực dân, nô dịch của thực dân Pháp, xây dựng nền văn hoá mới dựa trên ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng. Nhiệm vụ của mặt trận văn hoá là động viên toàn dân tham gia chiến đấu, làm cho dân hiểu rõ lý do, mục đích của cuộc kháng chiến và mục tiêu mà cuộc kháng chiến hướng đến.

Triển khai đường lối kháng chiến của Đảng, công tác dân vận đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và tình hình mới. Ở Hà Nội, tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, kháng chiến toàn dân, toàn diện được chuyển tải, lan toả đến đông đảo các tầng lớp dân chúng nhất tề đứng dậy, anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu giữ chân địch trong vòng 60 ngày đêm. Công nhân điện phá máy, tắt đèn, cầm súng đánh địch. Tự vệ chặt cây, nổ mìn, ngả cột điện, đánh đổ xe lửa, xe điện. Nhân dân khuân giường, tủ, bàn ghế ra đường dựng chướng ngại vật chặn bước tiến của địch. Phụ nữ xung phong tải thương, cứu thương. Nông dân các huyện ngoại thành cùng bộ đội và tự vệ xây dựng chiến hào. Tinh thần chiến đấu gan dạ, quả cảm của quân và dân thủ đô đã giam chân một lực lượng quan trọng của địch, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, tạo điều kiện cho hàng vạn đồng bào nội thành rút ra khỏi thành phố an toàn.

Cùng phối hợp với cuộc kháng chiến của nhân dân thủ đô, quân và dân ở các thành phố, thị xã và các địa phương khắp cả nước đã mạnh mẽ vùng lên, chặn các mũi tiến của quân Pháp như: cuộc chiến đấu 90 ngày đêm của nhân dân Nam Định; nhân dân các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng cũng đã ngày đêm chiến đấu bền bỉ làm tiêu hao nghiêm trọng lực lượng địch; trong 50 ngày đêm vây đánh, quân dân ta ở Thành phố Huế đã tiêu diệt 200 quân địch. Quân dân Đà Nẵng đã hoàn thành nhiệm vụ bao vây, chặn đánh và bẻ gãy nhiều cuộc tấn công của quân địch. Ở những vùng tạm chiếm, quân dân ta thực hiện chiến lược chiến tranh du kích phối hợp với những cuộc đình công, bãi thị của công nhân, học sinh và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn, thường xuyên quấy rối, chia cắt giao thông, làm rối loạn hậu phương địch ở các thành phố. Trong các vùng có chiến sự, nhân dân triệt để thực hiện tiêu thổ kháng chiến, “vườn không nhà trống”, phá hoại cầu đường, xây dựng làng chiến đấu và tản cư. Hàng chục vạn đồng bào nghe theo lời kêu gọi “tản cư là kháng chiến” đã tự tiêu huỷ tài sản nhà cửa, không hợp tác với địch, ra vùng tự do.

Ở vùng chiến khu Việt Bắc, cũng với sự giúp đỡ của đông đảo nhân dân các địa phương, căn cứ địa kháng chiến không ngừng được xây dựng, củng cố về mọi mặt, trụ vững trong cuộc kháng chiến lâu dài của quân và dân ta. Việc vận động các tầng lớp nhân dân các dân tộc trên địa bàn Việt Bắc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là thành công lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khối đoàn kết toàn dân được tăng cường thêm bền chặt, quần chúng nhân dân các dân tộc trên địa bàn Việt Bắc được quy tụ trong mặt trận Việt Minh với các đoàn thể Nông hội, Hội phụ nữ, Hội thanh niên và các Hội Liên Việt. Các tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở Việt Bắc đã vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn đóng góp sức người, sức của xây dựng và bảo vệ căn cứ địa kháng chiến.

Trong những ngày đầu khói lửa, công tác dân vận đã được thực hiện ở khắp mọi miền tổ quốc. Trong vùng bị địch chiếm đóng, công tác vận động các giới được tăng cường bằng việc tổ chức công đoàn bí mật, phát huy vai trò của công đoàn trong việc tổ chức sản xuất, chiến đấu và vận chuyển, đào tạo công nhân chuyên nghiệp. Còn ở vùng tự do thì động viên nông dân hăng hái tham gia dân quân, xây dựng làng kháng chiến, phục vụ chiến đấu, sản xuất, phát triển các hình thức đổi công. Động viên giới trí thức, văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến, tham gia các ngành quân y, giáo dục tuyên truyền kháng chiến. Động viên thanh niên gia nhập quân đội, dân quân để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tham gia bình dân học vụ. Động viên phụ nữ tham gia cứu thương, tiếp tế, tăng gia sản xuất, giúp đỡ gia đình chiến sĩ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đã hết sức chú trọng việc vận động đồng bào Công giáo và đồng bào các dân tộc thiểu số. Khắc phục những thành kiến, nhận thức lệch lạc với giáo dân và giáo sĩ. Vạch trần âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của địch hòng chia rẽ đồng bào với Chính phủ và Mặt trận Việt Minh. Tổ chức Đảng, Mặt trận đã không ngừng vận động đồng bào dân tộc thiểu số chống lại âm mưu lập các vùng tự trị của địch, chăm lo đời sống vật chất của đồng bào, tôn trọng phong tục, tập quán, thuyết phục và cảm hoá các Lang, Phìa. Lập Uỷ ban dân tộc thiểu số ở từng vùng. Đối với đồng bào Hoa Kiều, ta đã tôn trọng và bảo vệ tài sản, giúp họ di cư, tản cư. Đối với công tác địch vận, Đảng ta cũng đã sử dụng nhiều hình thức, tranh thủ mọi cơ hội để tuyên truyền, vận động làm ta rã tình thần binh lích địch. Cổ vũ lính Pháp phản chiến, đối xử nhân đạo với tù binh.

Trên mặt trận đấu tranh quân sự, Trung ương Đảng đã động viên đồng bào cả nước ra sức kháng chiến, ra lệnh cho đoàn thể bộ đội, dân quân tự vệ kiên quyết chiến đấu, xung phong tiêu diệt địch. Mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng phải là một chiến hào. Ở Việt Bắc, bộ đội ta vừa phân tán làm công tác vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến, vừa rải lực lượng thành phân đội ngăn chặn địch trên các tuyền đường vào căn cứ. Nhân dân ở các địa phương đã đóng góp sức người, sức của để xây dựng căn cứ địa, nhiều gia đình đã nhường nhà để cán bộ ở, hằng trăm đội du kích thoát ly ra đời ngày đêm canh gác, bảo vệ căn cứ kháng chiến.

Kết luận

Như vậy, công tác dân vận đã đạt thành công to lớn, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi đường lối kháng chiến của Đảng ngay từ đầu. Nhân dân từ miền xuối đến miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi, không phân biệt già trẻ, trai gái, thành phần giai cấp, tôn giáo, dân tộc đã tích cực tham gia xây dựng chính quyền, tăng gia sản xuất, cứu đói, xoá nạn mù chữ, chuẩn bị thực lực mọi mặt để tập trung cho cuộc kháng chiến toàn diện, lâu dài để bảo vệ nền độc lập, tự do. Công tác dân vận đã góp phần củng cố niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ với tấm lòng son sắt, thuỷ chung, không gì lay chuyển được. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là sự thành công từ việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân..."; phát huy tới mức cao nhất về lực lượng, trí tuệ và của cải tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Quán triệt và vận dụng triệt để quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận cũng như quá trình rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích từ sự thành công của công tác dân vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, trong giai đoạn hiện nay, quan điểm về công tác dân vận được thể hiện cụ thể như: (1) Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ. (2) Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, nhưng gì có hại cho dân thì hết sức tránh. (3) Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo. (4) Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt. (5) Nhà nước tiếp tục thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thành quy chế, quy định để các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện công tác dân vận; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr. 698-700.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 212

[3] http://www.xaydungdang.org.vn/Home/tutuonghochiminh/2014/7804/Van-dung-quan-diem-Dan-van-kheo-cua-Chu-tich-Ho-Chi.aspx

 

[4] http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/1707-cong-tac-van-dong-nhan-dan-nhung-ngay-dau-toan-quoc-khang-chien.html

[5] http://vienkiemsatbrvt.gov.vn/portal/p/1172

 

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr. 698-700.

[2]http://www.xaydungdang.org.vn/Home/tutuonghochiminh/2014/7804/Van-dung-quan-diem-Dan-van-kheo-cua-Chu-tich-Ho-Chi.aspx

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 212