SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP THẢO LUẬN NHÓM TRONG DẠY HỌC MÔN PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮCUSING GROUP DISCUSSION METHOD IN TEACHING AND LEARNING GENERAL LAW BASED ON CREDIT EDUCATIONAL SYSTEM AT TAY BAC UNIVERSITY

 

 

                                                          ThS. NGUYỄN THỊ LINH HUYỀN

            ThS.GIÁP THỊ DỊU

                                                                        Trường Đại học Tây Bắc

          Tóm tắt

            Pháp luật đại cương là một môn học quan trọng trong chương trình đào tạo đại học ở nước ta hiện nay. Môn học cung cấp những kiến thức cơ bản về pháp luật, xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho SV. Để nâng cao hiệu quả dạy học môn Pháp luật đại cương cho SV Trường Đại học Tây Bắc cần sử dụng một trong các phương pháp dạy học tích cực là phương pháp thảo luận nhóm.

            Từ khóa:Thảoluận nhóm, phương pháp thảo luận nhóm, pháp luật đại cương, sinh viên.

            Abstract

             Presently, general law is one of important subjects in training program among universities in Vietnam. This subject provides fundamental knowledge of law which helps students create their consciousness of working and living under Constitution and Law. It is necessary to employ group discussion method which is very positive in improving the effect of teaching and learning general law subject at Tay Bac University.

            Keywords: Method, group discussion, General law, student.

          Nhận bài ngày 12/7/2016. Sửa chữa xong 16/8/2016. Duyệt đăng

         

          1. Đặt vấn đề

         Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương tăng cường giáo dục pháp luật trong nhà trường thông qua các chương trình môn học, giáo trình, tài liệu giảng dạy Pháp luật đảm bảo đúng tinh thần và nội dung của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Vì vậy,Pháp luật đại cương là môn học quan trọng trong chương trình đào tạo đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trong đề cương chương trình chung và đã được đưa vào giảng dạy chính thức tại các trường trên cả nước.Do đó, sử dụng phương pháp thảo luận nhóm (PPTLN) trong dạy học môn học này ở nhà trường theo tín chỉ là yêu cầu cần thiết ở các trường đại học nói chung, Trường Đại học Tây Bắc nói riêng.

          2.Sự cần thiết khi sử dụng PPTLN trong dạy học Pháp luật đại cương

        Đây là môn học cung cấp cho sinh viên (SV) những kiến thức cơ bản nhất về Nhà nước và pháp luật, các ngành Luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh trang bị những kiến thức cơ bản cho SV về pháp luật, môn học còn xây dựng ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luậtcho mỗi cá nhân. Trên cơ sở đó giúp họ hình thành ý thức và thói quen xử sự phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, môn Pháp luật đại cương còn giúp SV có điều kiện dễ tiếp thu kiến thức với các môn học khác có liên quan đến pháp luật, vì đây là những kiến thức có tính chất đại cương, nền tảng về Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Vì vậy, nâng cao hiệu quả dạy học môn Pháp lut đại cương cho SV nhà trường là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi đây chính là mục tiêu mà người dạy cần hướng tới. Để truyền đạt được tri thức của môn học, giảng viên (GV) thường không thể trao ngay cho SV điều mình muốn dạy, mà cách làm tốt nhất là đưa những tri thức đó vào các tình huống tích cực giúp SV tự chiếm lĩnh tri thức thông qua hoạt động tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo.

Trong đó, thảo luận nhóm là một trong nhiều phương pháp dạy học (PPDH) có thể phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của SV trong quá trình học tập. Phương pháp này không những giúp người học tự giác, tích cực, chủ động tiếp thu kiến thức mà còn tạo nên môi trường thuận lợi giúp người học tham gia vào quá trình giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Đối với Trường Đại học Tây Bắc, việc đổi mới PPDH nhằm nâng cao chất lượng giáo dục được nhà trường hết sức quan tâm. Thực tế cho thấy, muốn đạt kết quả cao trong dạy và học môn Pháp luật đại cương GV cần chú trọng đổi mới nội dung và PPDH. Tuy nhiên, việc vận dụng PPTLN vào dạy học môn Pháp luật đại cương như thế nào cho có hiệu quả đang là vấn đề gây nhiều tranh luận cho GV

          2. Sử dụng PPTLN trong dạy học Pháp luật đại cương góp phần nâng cao hiệu quả dạy học ở Trường Đại học Tây Bắc

        Pháp luật đại cươnglà môn học thường được bố trí vào học kì 1 trong chương trình học ở bậc đại học và cao đẳng giúp SV: Trang bị những kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật cho SV; hiểu được các khái niệm, phạm trù cơ bản khi tiếp cận với các ngành Luật; hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học để SV tiếp cận có cơ sở khoa học các chính sách và pháp luật của Nhà nước; có ý thức gương mẫu, tuân thủ, chấp hành pháp luật. Nội dung cơ bản của môn học bao gồm 2 phần: Phần thứ nhất: Những vấn đề chung về Nhà nước và pháp luật; Phần thứ hai: Các ngành Luật cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam (Luật Hiến pháp; Luật Hành chính; Luật Hình sự và Tố tụng hình sự; Luật Dân sự và Tố tụng dân sự; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Lao động; Luật Kinh tế; Luật Đất đai; Công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế).

       Vì vậy, việc chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ là bước chuyển tất yếu khách quan của nhà trường và cả hệ thống giáo dục đào tạo đại học ở Việt Nam theo xu thế hội nhập quốc tế. Với chương trình đào tạo theo tín chỉ, mỗi SV cần ý thức rõ yếu tố tự học, tự nghiên cứu là quan trọng nhất, thời lượng chương trình sẽ bị rút ngắn (mặc dù chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ, song dung lượng tri thức ở từng môn học hầu như không đổi), thời gian còn lại để SV có thời gian tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Song do hạn chế thời lượng lên lớp, GV không có quỹ thời gian trên lớp để tiếp xúc, hướng dẫn, trao đổi, giải đáp những vướng mắc khi SV gặp phải nên GV có thể sử dụng công nghệ thông tin để giải đáp những thắc mắc cho các em nhưng không phải GV và SV nào cũng thực hiện được điều đó, đặc biệt là những SV miền núi, vùng sâu, ít có điều kiện tiếp cận và thành thục kỹ năng sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại.

      Về phía SV, chuyển đổi sang học theo tín chỉ là tạo sự chủ động cho SV. Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ SV nhà trường chưa thật sự chủ động trong học tập do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng căn bản là công tác kiểm tra, đánh giá giữa kỳ của GV chưa chặt chẽ, liên tục, việc giảng dạy còn nặng tính truyền thụ mà chưa áp dụng rộng rãi, thường xuyên nhiều phương pháp tích cực khác như thảo luận, seminar, bài tập lớn, định hướng nghiên cứu, khuyến khích khả năng tìm tòi, sáng tạo của SV.

Thảo luận nhóm trong dạy học Pháp luật đại cương là PPDH mà ở đó lớp học được chia thành các nhóm nhỏ giúp SV trong nhóm tích cực, chủ động thảo luận những nội dung bài học dưới sự hướng dẫn, điều khiển của GV nhằm đạt được mục tiêu học tập đã đề ra. Dưới sự hướng dẫn của GV về một nội dung cụ thể nào đó trong bài giảng Pháp luật đại cương, có thể là những khái niệm, nội dung cơ bản của bài học, hoặc là khả năng nắm bắt và vận dụng những nội dung kiến thức vào thực tiễn cuộc sống,... Thông qua vấn đề cụ thể đó SV sẽ trao đổi, bàn bạc và đi đến kết luận để nắm vững và hiểu sâu sắc những kiến thức cơ bản của bài học, hoặc khắc sâu và mở rộng hơn kiến thức đã học. Mục đích của PPTLN trong dạy học môn học này là rèn luyện cho SV những kỹ năng như lập luận, diễn đạt; sự bình tĩnh, mạnh dạn, linh hoạt trong giao tiếp; kỹ năng đánh giá, nhận định và khả năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Muốn đạt được mục tiêu đề ra, các thành viên trong nhóm phải mạnh dạn trao đổi ý kiến của mình, có ý kiến phản hồi về những điều nghe được. Phải biết lắng nghe lập luận của người khác, trung thực nói ra điều mình cho là đúng - sai, sẵn sàng chấp nhận ý kiến đúng - sai để điều chỉnh quan điểm của mình. Vì vậy, PPTLN có vai trò, ý nghĩa to lớn trong quá trình dạy và học tập môn học.

  Ví dụ: Để SV hiểu rõ vai trò xã hội của nhà nướcvà có khả năng liên hệ thực tế về vai trò xã hội của nhà nước Việt Nam, GV tiến hành chia lớp thành các nhóm, giao nhiệm vụ cho các nhóm thảo luận với những câu hỏi sau:

        - Vì sao bên cạnh tính giai cấp, nhà nước phải thể hiện vai trò xã hội?

        - Vai trò xã hội của nhà nước được thể hiện như thế nào?

        - Lấy ví dụ để chứng minh về vai trò xã hội của nhà nước ta?

       GV yêu cầu các nhóm thảo luận trong một thời gian nhất định và cử đại diện trình bày kết quả thảo luận; Cả lớp tranh luận, nhận xét, đánh giá kết quả và nêu ý kiến bổ sung (nếu có). Sau đó GV nhận xét câu trả lời, củng cố kiến thức cho SV và nêu rõ: Thực tiễn lịch sử đã chỉ ra, một nhà nước không thể tồn tại nếu chỉ phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị mà không tính đến lợi ích các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Do đó, ngoài tư cách là công cụ bảo vệ, duy trì sự thống trị giai cấp, nhà nước còn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, bảo đảm lợi ích chung của xã hội. Trên thực tế, nhà nước nào cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề nảy sinh ở xã hội, bảo đảm cho xã hội được trật tự ổn định và phát triển, thực hiện một số chức năng phù hợp với yêu cầu chung của toàn xã hội và lợi ích nhất định của các giai cấp và giai tầng khác trong chừng mực những lợi ích đó không mâu thuẫn gay gắt với lợi ích của giai cấp thống trị.

       Hoặc GV muốn SV hiểu được về các hình thức nhà nước, GV yêu cầu SV thảo luận cặp đôi để trả lời theo câu hỏi: Hình thức nhà nước bao gồm mấy yếu tố cấu thành? Phân biệt sự khác nhau giữa các hình thức nhà nước?

       - SV trao đổi theo cặp.

       - Đại diện các cặp báo cáo kết quả thảo luận.

       - Các cặp còn lại tranh luận, góp ý kiến.

       - GV nhận xét câu trả lời và củng cố kiến thức cho SV như sau:

Hình thức nhà nước gồm 2 yếu tố cấu thành là hình thức chính thể và hình thức cấu trúc nhà nước.

Hình thức chính thể có hai dạng cơ bản là chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa.

         + Chính thể quân chủ: quyền lực tối cao của nhà nước tập trung toàn bộ (hay một phần) vào tay người đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc thừa kế (Vua, hoàng đế...)

           Chính thể quân chủ có hai biến dạng: quân chủ tuyệt đối và quân chủ hạn chế.

        + Chính thể cộng hòa: quyền lực tối cao của nhà nước thuộc về những cơ quan đại diện được bầu ra trong một thời hạn nhất định (như Quốc hội, Nghị viện).

         Chính thể cộng hòa cũng có hai biến dạng là cộng hòa dân chủ và cộng hòa quý tộc.

         - Có hai hình thức cấu trúc nhà nước cơ bản là cấu trúc nhà nước đơn nhấtcấu trúc nhà nước liên bang.

         Nhà nước đơn nhất là hình thức trong đó lãnh thổ của nhà nước là toàn vẹn, thống nhất, được chia thành các đơn vị hành chính - lãnh thổ không có chủ quyền quốc gia, có hệ thống các cơ quan nhà nước thống nhất từ trung ương xuống đến địa phương. Ví dụ: Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Pháp,... là những nhà nước đơn nhất.

Nhà nước liên bang là những nhà nước có từ hai hay nhiều nước thành viên hợp lại. Ở nhà nước liên bang có hai hệ thống cơ quan quyền lực và hai hệ thống cơ quan quản lý gồm: một hệ thống chung cho toàn liên bang và một cho từng nhà nước (bang) thành viên, có hai hệ thống pháp luật của liên bang và các bang riêng, ví dụ: Ấn Độ, Mỹ và Liên Xô trước đây,...

 

Như vậy,Pháp luật đại cương là môn học cung cấp những kiến thức cơ bản cho SV về pháp luật, xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của mỗi cá nhân. Trên cơ sở đó giúp họ hình thành ý thức và thói quen xử sự phù hợp với quy định của pháp luật. Cho nên, trong dạy học Pháp luật đại cương nếu không sử dụng các PPDH tích cực sẽ không đạt được hiệu quả cao và tạo ra tâm lý coi môn học là khô khan, khó tiếp thu, tạo sự nhàm chán cho người học. Một trong những PPDH tích cực nhằm nâng cao hiệu quả dạy học môn Pháp luật đại cương là PPTLN.

3. Kết luận

Sử dụng phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học môn Pháp luật đại cương sẽ tăng cường tính tích cực, chủ động của SV, giúp SV tập trung vào bài học, phát triển được các kỹ năng tư duy phê phán và các kỹ năng giao tiếp xã hội quan trọng khác.Trong thảo luận nhóm, GV có thể đánh giá khá chính xác khả năng tiếp thu và năng lực tư duy của SV, giúp GV có điều kiện trực tiếp uốn nắn những tri thức sai lệch, định hướng những kiến thức chuẩn cần thiết cho SV. Qua đó, GV biết được năng lực nhận xét, đánh giá và khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn xã hội của SV. Tuy nhiên, muốn vận dụng có hiệu quả PPTLN trong dạy học môn Pháp luật đại cương thì GV phải có sự chuẩn bị giáo án và lập kế hoạch cho các buổi thảo luận chi tiết, các vấn đề đưa ra thảo luận phải rõ ràng, có ý nghĩa thiết thực đối với nội dung bài học để thu hút được sự nhiệt tình tham gia của SV

    _____________ 

Tài liệu tham khảo

1.Nguyễn Đức Chiến (chủ biên), (2008), Pháp luật đại cương, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2.Lê Minh Toàn (chủ biên), (2002), Pháp luật đại cương, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

3.Nguyễn Văn Cư, Nguyễn Duy Nhiên (đồng chủ biên), (2008), Dạy và học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông - Những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4.Hà Thế Ngữ (2001), Giáo dục học - Một số vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

5.Lê Văn Giạng (2001), Những vấn đề cơ bản của khoa học giáo dục, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.