THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CỦA VIỆC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ HỌC CHO SINH VIÊN TRONG DẠY HỌC “NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN” Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG KHU VỰC TÂY BẮC HIỆN NAY

                                                                                          ThS.Hoàng Phúc

Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Tây Bắc

 

1. Đặt vấn đề

Bất kỳ thời đại nào nguồn lực con người luôn là vị trí trung tâm, là động lực của sự phát triển xã hội, trước sự phát triển và tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, với lượng tri thức tăng lũy tiến với tốc độ lớn như hiện nay thì việc người dạy lên lớp theo một chương trình đào tạo khép kín của các môn học nói chung và môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin bậc đại học, cao đẳng nói riêng đã bộc lộ những hạn chế so với xu hướng giáo dục - đào tạo hiện nay.

Thực tế trong giảng dạy môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Bắc, một vấn đề luôn được giảng viên và sinh viên quan tâm là làm thế nào để tự nắm bắt được nội dung Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin? Vấn đề không đơn giản là sự nhồi nhét của người dạy và người học cố gắng thuộc lòng những nguyên lý, quy luật phổ biến của khoa học này đã được trình bày trong giáo trình. Đặc biệt là, đa số sinh viên ở các trường đại học và cao đẳng khu vực Tây Bắc là người dân tộc thiểu số (là vùng miền núi có trên 20 dân tộc cùng sinh sống như: Thái, Mông, Khơmú, Tày,…) với khả năng trừu tượng hóa thấp, năng lực tự nhận thức chưa hoàn thiện, nhất là tính độc lập trong tư duy và cách thức chuyển hóa tri thức của người dạy thành tri thức của người học.

      Từ những vấn đề thực tiễn đặt ra, đòi hỏi cần phải có những nhận định đồng bộ, toàn cảnh về thực trạng dạy và học của giảng viên và sinh viên môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Bắc, từ đó có thể rút ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.

             2. Nội dung

              2.1. Thực trạng phát triển năng lực tự học cho sinh viên trong dạy học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường Đại học, Cao đẳng khu vực Tây Bắc

2.1.1. Những đặc trưng cơ bản của địa bàn nghiên cứu

Vùng Tây Bắc bao gồm 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hoà Bình, tổng diện tích tự nhiên toàn vùng 3.733.000 ha (chiếm khoảng 11,3% diện tích tự nhiên cả nước). Phía Bắc giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc có đường biên giới dài 310 km; phía Tây giáp tỉnh Luông Pha Băng và Phông Sa Lỳ - Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, có đường biên giới dài 623 km; phía Đông giáp tỉnh Yên Bái, Phú Thọ; phía Nam tiếp giáp với các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội.

Đặc điểm nổi bật của dân cư vùng Tây Bắc: đa số là đồng bào các dân tộc ít người (chiếm 79,2%), thuộc khoảng hơn 20 dân tộc khác nhau. Trong đó, dân tộc Thái chiếm 32,3% dân số trong vùng (và chiếm 54% trong tổng số người Thái của cả nước), dân tộc Mường chiếm 24,8% (chiếm 48,5% trong tổng số người Mường của cả nước), dân tộc H'mông chiếm 13% (chiếm 36,7% trong tổng số người H'mông của của nước), các dân tộc sinh sống rải rác ở các vùng cao, vùng sâu nên điều kiện giao lưu và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Chính các điều kiện trên là nhân tố tác động không nhỏ đến việc phát triển năng lực tự học cho sinh viên trong dạy học môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin ở các trường ĐH, CĐ khu vực Tây Bắc.

       2.1.2. Đặc điểm sinh viên các trường đại học, cao đẳng vùng Tây Bắc                  

       Nghiên cứu đặc điểm SV nói chung, SV các trường ĐH, CĐ vùng Tây Bắc nói riêng, có thể thấy một số điểm nổi bật sau:

Đây là lực lượng xã hội vừa mang đặc điểm của đội ngũ trí thức vừa mang đặc điểm của thanh niên. Họ là học sinh vừa tốt nghiệp trường phổ thông trung học, độ tuổi từ 18 đến 22, đang ở giai đoạn trưởng thành về thể chất và tâm lý. Môi trường giáo dục phổ thông nên ở họ còn thiếu vốn kiến thức thực tiễn và năng lực tự học như: Khả năng tự tiếp cận thông tin còn hạn chế, thu nhận thông tin ít chọn lọc, kỹ năng tự nghiên cứu, đọc sách chưa khoa học, dao động khi gặp khó khăn trong học tập với lượng kiến thức lớn.... đây là đặc điểm mà khi dạy học nhằm phát triển năng lực tự học cần phải chú ý để có nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp.

Ngoài những đặc điểm chung như đã nêu trên, do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, SV các trường ĐH, CĐ vùng Tây Bắc còn có những đặc thù riêng, đó là những phẩm chất tốt đẹp của người dân tộc miền núi như: hiền lành, thật thà, chăm chỉ, đa số sinh viên chấp hành tốt những quy định của nhà trường.

2.1.3. Thực trạngnhận thức về dạy học phát triển năng lực tự học của sinh viên và giảng viên ở các trường Đại học, Cao đẳng khu vực Tây Bắc hiện nay

Khách thể khảo sát là sinh viên các chuyên ngành khác nhau thuộc các trường Đại học Tây Bắc, Cao đẳng Điện Biên, Cao đẳng cộng đồng Lai Châu đến từ nhiều địa phương khác nhau thuộc khu vực Tây Bắc, có đặc điểm kinh tế, trình độ nhận thức khác nhau nhưng cùng chung một nhiệm vụ là học tập, nghiên cứu môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Để có bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển năng lực tự học của sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Bắc. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát 500 sinh viên đang học tại 3 trường: Đại học Tây Bắc, Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Cao đẳng cộng đồng Lai Châu.

Với bảng hỏi anh /chị hãy cho biết quan niệm của mình về tự học của sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng. Kết quả khảo sát nội dung quan niệm về tự học của sinh viên cho thấy 94% mẫu cho rằng tự học là tự củng cố, tích lũy các kiến thức đã học trong quá trình học tập; 95% mẫu tự học là việc học ở nhà khi có thời gian; 98% mẫu tự học là việc học của bản thân khi không có thầy trực tiếp; 98% mẫu tự học là tự mình đọc sách, tài liệu. Như vậy, đa số sinh viên đã có nhận thức đúng về tự học, đặc biệt là xác định được đó là nhiệm vụ của cá nhân mình trong việc tự giác chiếm lĩnh tri thức môn học. Có 76% mẫu cho rằng tự học là học thuộc bài đã học trên lớp và hoàn thành các yêu cầu học tập do giảng viên đề ra, điều này cho thấy trong ý thức của mình, các sinh viên còn có tư tưởng bị động trong học tập và sử dụng phương pháp đọc ghi nhớ (học vẹt) là chủ yếu.

Điều đáng lưu tâm là chỉ có 42% mẫu đồng ý với nội dung tự học là tự tìm kiếm, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến môn học để khám phá, mở rộng tri thức, số liệu này cho thấy có một bộ phận không nhỏ sinh viên chưa thực sự xác định động cơ học tập là mở rộng kiến thức thông qua con đường tự học, tự nghiên cứu của mình. Chỉ với 22% mẫu đồng ý với nội dung tự học là tự lập kế hoạch cho việc học tập và thực hiện kế hoạch đó, cho thấy còn rất nhiều sinh viên chưa biết hoặc chưa được hướng dẫn xây dựng kế hoạch tự học cho riêng mình, điều này cũng lý giải việc sinh viên lựa chọn nhiều đến phương án học thuộc các nội dung đã học và bị động thực hiện các yêu cầu do giảng viên đề ra.

Khi được hỏi anh/chị hãy cho biết ý kiến của mình về vai trò, ý nghĩa của tự học đối với bản thân và sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng. Kết quả khảo sát về vai trò, ý nghĩa của tự học đối với bản thân và sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, kết quả cho thấy 91,2% mẫu đã nhận đúng về vai trò tích cực của tự học khi lựa chọn đồng ý với các nội dung tự học giúp bạn nắm vững kiến thức đã học trên lớp; tự học giúp bạn mở rộng, hiểu sâu kiến thức; tự học giúp bạn đạt kết quả cao trong học tập; tự học giúp bạn hoàn thành tốt những nhiệm vụ học tập do giảng viên đề ra. Đây là điểm tích cực đối với nhận thức của sinh viên khi họ mới rời môi trường học tập ở trường phổ thông quen với phương pháp học tập bị động, vào học năm thứ nhất ở các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, với phương án tự học giúp bạn phát huy tính độc lập, sáng tạo trong học tập 33,6% mẫu; tự học giúp bạn có khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề trong học tập 33% mẫu; tự học giúp bạn phát triển kỹ năng học tập và học suốt đời chỉ có 31,2% mẫu đồng ý cho thấy nhận thức về ý nghĩa, vai trò của việc hình thành năng lực tự học của sinh viên chưa cao. Với sinh viên, việc nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa của tự học sẽ là cơ sở quan trọng định hướng sự phấn đấu, rèn luyện của mỗi người trong suốt quá trình học tập, tỷ lệ 91,6% mẫu đồng ý với nội dung tự học là khâu không thể thiếu trong quá trình học tập của sinh viên; chỉ có thể tự học mới hoàn thành mục tiêu chương trình đào tạo; tự học giúp bạn có năng lực tự lĩnh hội tri thức, cho thấy ngay từ năm thứ nhất các em đã xác định được vai trò của tự học trong chương trình giáo dục và đào tạo ở các trường Đại học và Cao đẳng.

Ở nội dung tự học giúp bạn có thêm kiến thức để trao đổi với người khác trong thảo luận 77% mẫu đồng ý; tự học giúp bạn thỏa mãn sự ham hiểu biết và tính tò mò trong học tập và cuộc sống 72% mẫu đồng ý; để đạt được kết quả cao trong học tập có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau chứ không chỉ bằng tự học có tỷ lệ đồng ý khá cao là 82,4% mẫu, điều này chứng tỏ còn có một bộ phận không nhỏ trong sinh viên  chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của tự học trong học tập và cuộc sống, lý giải vì sao đa số sinh viên chỉ chú trọng đầu tư đến việc học khi bước vào đợt thi kết thúc học phần, thậm trí có khá nhiều sinh viên sẵn sàng vi phạm quy chế thi, chạy điểm, xin điểm để đạt kết quả cao trong học tập. Họ chưa xác định được rằng, chỉ có con đường tự học, tự chiếm lĩnh tri thức mới có thể hoàn thành nhiệm vụ học tập và giải quyết được mâu thuẫn giữa lượng tri thức cần tiếp thu và hạn chế nhận thức của bản thân.

Các biểu hiện ngoài giờ học trên lớp phải thực hiện rất nhiều các công việc khác; học trên lớp căng thẳng vì vậy thời gian còn lại tranh thủ nghỉ ngơi, giải trí và làm các công việc khác với tỷ lệ 56,4% mẫu đồng ý cho thấy số lượng sinh viên chưa thực sự đặt nhiệm vụ học tập lên trên hết còn khá cao, nội dung này có liên quan mật thiết đến nhận thức của sinh viên về nhiệm vụ học tập, từ đó tác động đến việc hình thành động cơ tự học chưa cao

Kết quả các biểu hiện tiêu cực học qua loa, đại khái nếu giáo viên không nghiêm khắc 37,2% mẫu đồng ý; thờ ơ khi thấy bạn miệt mài tự học nản 37,4% mẫu đồng ý; khi tự học là cảm thấy mệt mỏi, chán 37,2% mẫu đồng ý; không chú ý nêu những thắc mắc trong khi học với tỷ lệ 37,6% mẫu đồng ý, lựa chọn với số lượng không nhỏ này đã phản ánh được có một bộ phận sinh viên thực sự không có động cơ tự học, tự nghiên cứu để nâng cao kết quả học tập của mình, quá trình nhận thức của họ hoàn toàn phụ thuộc vào sự tác động của giảng viên và lượng kiến thức trên lớp được trang bị.

Thực trạng phát triển năng lực tự học của sinh viên bị chi phối bởi nhiều yếu tố trong đó có nhân tố là các giảng viên trực tiếp giảng dạy bộ môn này, qua điểu tra phỏng vấn 30 người là giảng viên các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Bắc, chúng tôi nhận đã tiếp nhận được một số thông tin sau: 83,3% mẫu đồng ý với mức độ rất quan trọng và 16,7% mẫu quan trọng, cho thấy hầu hết các thầy, cô đều nhận thức được việc phát triển năng lực tự học cho sinh trong giảng dạy môn này có vai trò rất lớn, ngoài việc trang bị tri thức cho sinh viên, thì dạy cách thức tiếp cận nội dung thông qua con đường tự học được giảng viên rất đề cao, bởi khi đó mới hội tụ đủ phẩm chất cần có của người học.

2.1.4. Thực trạng tổ chức dạy học phát triển năng lực tự học của sinh viên và giảng viên ở các trường Đại học, Cao đẳng khu vực Tây Bắc hiện nay

Như chúng ta đã biết, hoạt động tự học đòi hỏi sinh viên phải thực hiện khối lượng nhiệm vụ tương đối lớn với sự căng thẳng về mức độ và cường độ làm việc, vì vậy trong quá trình tự học ngoài sự nỗ lực và ý chí quyết tâm, sự phát triển năng lực tự học và kết quả học tập còn phụ thuộc vào các kỹ năng được thực hiện trong suốt thời gian tự học của sinh viên. Để hiểu về vấn đề này, luận án đã sử dụng các bảng hỏi nhằm xác nhận thông tin về kỹ năng và mức độ sinh viên đã thực hiện qua việc học tập môn học Những NLCB của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Với câu hỏi xin anh/chị vui lòng cho biết những công việc tự học môn Những NLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin dưới đây được anh/chị thực hiện mức độ nào?Căn cứ vào các mẫu lựa chọn của sinh viên, ta thấy sự phát triển năng lực tự học của sinh viên thông qua việc thực hiện các kỹ năng còn ở mức trung bình, còn tỏ ra lúng túng và chưa thường xuyên. Ở nhóm kỹ năng định hướng, bao gồm các nội dung phát hiện vấn đề tự học; lựa chọn vấn đề tự học; lập kế hoạch tự học được sinh viên thực hiện ở mức độ thấp với 31% mẫu thường xuyên còn lại là thỉnh thoảng và không làm, tỷ lệ này phản ánh sự lúng túng, bị động của sinh viên trong việc tự tìm và xây dựng kế hoạch tự học. Đây là hạn chế cơ bản nói lên thực trạng chung của sinh viên các trường đại học và cao đẳng khu vực Tây Bắc chưa thực sự tích cực, chủ động trong học tập và rèn luyện, trong suốt quá trình học tập sinh viên phụ thuộc phần lớn vào sự giao việc của giảng viên bộ môn.

            Nhóm kỹ năng thực hiện hoạt động tự học, bao gồm kỹ năng chọn sách và tài liệu tham khảo để học 15% mẫu thường xuyên; tóm tắt thông tin theo từng vấn đề 14% mẫu thường xuyên; bổ sung thông tin sau khi đọc tài liệu 16,2% mẫu thường xuyên, cho thấy khả năng độc lập trong học tập của sinh viên còn rất thấp. Trong các kỹ năng của nhóm này chỉ có kỹ năng được sinh viên thực hiện tốt hơn cả là kỹ năng ghi chép những thông tin trong giờ học trên lớp với số lượng mẫu thường xuyên là 96,6%, đây là kỹ năng cơ bản ở bậc học phổ thông. Biết rằng việc ghi chép thông tin trên lớp và khi đọc tài liệu là điều kiện cần thiết, bắt buộc của quá trình học tập, nhưng điều đó chưa đủ, vì khâu tiếp theo là nghiên cứu sử lý thông tin mới là quan trọng, quyết định quá trình chuyển hóa tri thức của người dạy thành tri thức của người học.

Để hoạt động tự học có hiệu quả, sinh viên cần thiết phải hình thành, phát triển các kỹ năng đọc và ghi chép thông tin khi đọc tài liệu; hệ thống hóa kiến thức đã học; lập dàn ý một vấn đề tự học; phân tích, so sánh đối chiếu kiến thức đã học với thực tiễn. Đây là những công việc không thể thiếu của người học khi thực hiện chương trình đào tạo bậc đại học, cao đẳng, vì những kiến thức trang bị cho sinh viên mà giảng viên thực hiện trên lớp chỉ dừng lại ở mức độ cơ bản, còn chủ yếu vẫn là tự sinh viên khai thác trong tài liệu, trong khi đó năng lực tự học của sinh viên chỉ thõa mãn ở yêu cầu học lại những kiến thức thầy dạy, từ đó ta có thể nhận thấy mâu thuẫn xuất hiện trong quá trình giáo dục – đào tạo giữa lượng kiến thức cần trang bị cho sinh viên và thực trạng năng lực tự học, tự nghiên cứu của họ, trong điều kiện giờ lý thuyết trên lớp có xu hướng ngày càng giảm đi.

Riêng hai kỹ năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn 19% mẫu thường xuyên; tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả tự học của sinh viên có tỷ lệ thấp với 30% mẫu thường xuyên, còn lại là thỉnh thoảng và không thực hiện đã nói lên thực trạng phát triển năng lực tự học của sinh viên các trường đại học và cao đẳng khu vực Tây Bắc ở mức rất thấp, vì đây là một trong những kết quả rõ nét nhất phản ánh toàn bộ quá trình triển khai công việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Kỹ năng này trong bất kỳ hoạt động nào cũng có vai trò quan trọng, nó giúp chủ thể kịp thời phát hiện và điều chỉnh hành động của bản thân, đảm bảo cho kết quả phù hợp với mục đích, yêu cầu đã đề ra. Trong quá trình tự học, do không có sự tổ chức giám sát, điều khiển trực tiếp của người dạy, sinh viên phải chủ động tự tổ chức, điều khiển các hoạt động học tập của bản thân nên việc tự kiểm tra, đánh giá càng trở nên cần thiết.

Để đảm bảo được chất lượng tự học, đòi hỏi sinh viên phải hội tụ những phẩm chất, năng lực nhất định như ý thức học tập, tính khoa học trong học tập, nghiên cứu, môi trường học tập của tập thể sinh viên, sự tác động của giảng viên, nhà trường...Với tư cách là nhân tố chủ quan, bên trong có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực tự học của sinh viên, với 91% mẫu thể hiện mức độ ít và không các nội dung xác định được vấn đề cần giải quyết trong tự học; có kỹ năng đọc sách và tài liệu tham khảo; kiểm tra và phân tích kết quả tự học; thực hiện nghiêm túc kế hoạch tự học, cho thấy tỷ lệ sinh viên có năng lực tiếp cận các vấn đề để tự giác học tập còn thấp. Kỹ năng đọc sách có vai trò quan trọng trong quá trình tự học, vì người học chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ học tập khi chịu khó và biết cách đọc sách, có khả năng tìm và tự nghiêncứu kiến thức trong các nguồn tài liệu để hiểu sâu sắc hơn những tri thức đã học và mở rộng, bổ sung vốn hiểu biết của mình ở các lĩnh vực khác, sinh viên chưa nhận thức được rằng, trong chương trình đào tạo, lượng kiến thức các thầy cô trang bị chỉ là điều kiện “cần”, vì đó chỉ là những vấn đề cơ bản, cốt lõi của nội dung môn học.

Nhóm các nhân tố khách quan thuộc về môn học, các phương tiện học tập và sự tác động của Nhà trường, thầy cô, gia đình và xã hội. Với 75% mẫu cho rằng nội dung bài học, môn học hấp dẫn hay nội dung bài học, môn học thiếu hấp dẫn, quá khó có ảnh hưởng nhiều đến việc tự học của các sinh viên, có thấy trách nhiệm của giảng viên rất quan trọng, để sinh viên nhận thức được vị ví, vai trò và sự hấp dẫn của môn học, phụ thuộc nhiều vào cách đặt vấn đề và phương pháp truyền thụ tri thức bài học cho sinh viên. Các nội dung thư viện nhà trường phong phú đầu sách phục vụ cho tự học; rất hiếm sách và tài liệu tham khảo; điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ cho tự học, được đa số sinh viên chọn có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tự học của họ, với 98,2% mẫu, đây là điều kiện “cần” có vai trò chi phối đến việc phát triển năng lực tự học của sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Bắc, vốn rất thiếu nguồn cung cấp học liệu cho người học trong các cơ sở đào tạo, cũng như điều kiện kinh tế của sinh viên còn hạn chế. Việc học tập theo chương trình đào tạo trú trọng đến tự học chỉ đạt kết quả cao khi chúng ta có đủ các điều kiện cần thiết hỗ trợ cho sinh viên như sách báo, tài liệu chuyên ngành, phòng đọc, thư viện điện tử.

Các nhân tố khách quan thuộc về giảng viên và tập thể lớp cũng được sinh viên đánh giá cao, qua việc lựa chọn 86,6% mẫu cho rằng tập thể sinh viên có bầu không khí tự học sôi nổi ảnh hưởng nhiều đến tự học, đó là chính là môi trường học tập, với một tập thể có phong trào thi đua trong học tập sẽ có tác dụng cuốn hút, tác động đến việc phát triển ý thức học tập của mọi thành viên trong lớp.

Trong quá trình dạy học, các biện pháp và kỹ năng của giảng viên cũng tác động không nhỏ đến phát triển năng lực tự học của sinh viên, với 87% mẫu cho rằng giảng viên dạy học biết kích thích tính tích cực tự học của sinh viên; giảng viên dạy học theo kiểu thông báo tái hiện kiến thức không kích thích tính tích cực tự học tố kết quả đánh giá của giảng viên phải chuẩn mực, khách quan.Việc kiểm tra, đánh giá của giảng viên cũng được sinh viên lưu ý, vì nó là kết quả phản ánh trực tiếp nỗ lực của họ trong quá trình tự học. Có 83,6% mẫu lựa chọn nhiều cho rằng giảng viên luôn yêu cầu cao và nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá kết quả của sinh viên; nội dung kiểm tra luôn đòi hỏi sinh viên phải suy luận mở rộng và vận dụng kiến thức; giảng viên ít chú ý kiểm tra nhắc nhở sinh viên tự học; giảng viên cho điểm rộng rãi khi kiểm tra, đánh giá; giảng viên chưa khách quan, công bằng trong đánh giá học tập của sinh viên, tác động lớn đến ý thức tự học của họ. Năng lực tự học chỉ có thể duy trì thường xuyên và phát triển nếu sinh viên tự luôn phấn đấuvà chịu sự tác động quyết liệt, liên tục của giảng viên và môi trường học tập.

            Một trong những yêu cầu quan trọng của phát triển năng lực tự học là tự kiểm tra, đánh giá sự hiểu biết của bản thân để từ đó tự điều chỉnh hành vi học tập, nhưng yêu cầu này được sinh viên các trường đại học, cao đẳng thực hiện chưa đảm bảo, chỉ có 25% mẫu trả lời thường xuyên, 51,4% mẫu thỉnh thoảng. Đây là điểm hạn chế quan trong góp phần không nhỏ tác động đến kết quả học tập của sinh viên đối với môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Việc sử dụng các phương tiện để tự học như internet, sách, báo… cũng được sinh viên thực hiện ở mức độ không cao với 43,2% mẫu thường xuyên, một mặt phản ánh nhận thức và thái độ của họ trong tự học, mặt khác cũng nói lên sự năng động và tính độc lập của sinh viên của khu vực miền núi Tây Bắc còn hạn chế rất nhiều so với sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực khác. Ngoài ra, các yếu tố như thư viện điện tử, lượng sách báo ở thư viện các trường, điều kiện kinh tế cá nhân còn hạn hẹp cũng tác động không nhỏ đến việc hình thành và phát triển các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.

Qua phân tích thực trạng phát triển năng lực tự học cho sinh viên trong dạy học môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Bắc, cho ta thấy bức tranh về phát triển năng lực tự học trong dạy học môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Qua đó, thể hiện sự cần thiết và khuynh hướng phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực tự học cho sinh viên.

2.2.Đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra với việc phát triển năng lực tự học cho sinh viên trong giảng dạy môn Những NLCB của chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Bắc

2.2.1.  Nhận thức về phát triển năng lực tự học cho sinh viên trong giảng dạy môn Những NLCB của chủ nghĩa Mác – Lênin

Trong quá trình dạy học, hoạt động dạy của giảng viên và hoạt động học của sinh viên là hai hoạt động thống nhất biện chứng với nhau, tác động qua lại, quy định lẫn nhau. Cả hai hoạt động ấy đều nhằm mục đích cuối cùng là người học tích cực, tự giác trong nhận thức để chiếm lĩnh tri thức, hình thành kỹ năng, kỹ xảo, có khả năng sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Như vậy, hoạt động học, tự học của sinh viên luôn có mối quan hệ biện chứng và thống nhất với hoạt động dạy học của giảng viên, không tách rời vai trò chủ đạo của người dạy và nội dung bài giảng, vì xét đến cùng cả hai hoạt động đó đều đi đến một mục tiêu duy nhất là nhận thức của người học về kiến thức môn học.

Tuy nhiên, quá trình đó cũng bộc lộc những hạn chế cơ bản, đó là chưa tạo ra tính chủ động thực sự cho sinh viên, họ vẫn hoàn toàn bị động trong việc lĩnh hội tri thức. Việc truyền đạt kiến thức một chiều trong giảng viên vẫn là phổ biến, hay nói cách khác vẫn chưa phát triển được năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên trong dạy học Những NLCB của chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Bắc. Qua khảo sát với các bảng hỏi để nhận biết được quá trình dạy - học của giảng viên và sinh viên chúng tôi nhận thấy ở nhóm kỹ năng định hướng, bao gồm các nội dung phát hiện vấn đề tự học; lựa chọn vấn đề tự học; lập kế hoạch tự học được sinh viên thực hiện ở mức độ thấp tỷ lệ này phản ánh sự lúng túng, bị động của sinh viên trong việc tự tìm và xây dựng kế hoạch tự học. Đây là hạn chế cơ bản của sinh viên các trường đại học và cao đẳng khu vực Tây Bắc chưa thực sự tích cực, chủ động trong học tập và rèn luyện, trong suốt quá trình học tập sinh viên phụ thuộc phần lớn vào sự giao việc của giảng viên bộ môn.

2.2.2.Tổ chức hoạt động dạy học phát triển năng lực tự học của sinh viên và giảng viên ở các trường Đại học, Cao đẳng khu vực Tây Bắc hiện nay

            Nhóm kỹ năng thực hiện hoạt động tự học, bao gồm kỹ năng chọn sách và tài liệu tham khảo để học; tóm tắt thông tin theo từng vấn đề…Bổ sung thông tin sau khi đọc tài liệu, cho thấy khả năng độc lập trong học tập của sinh viên còn rất thấp. Trong các kỹ năng của nhóm này chỉ có kỹ năng được sinh viên thực hiện tốt hơn cả là kỹ năng ghi chép những thông tin trong giờ học trên lớp, như ta đã biết đây là kỹ năng cơ bản ở bậc học phổ thông.

Để hoạt động tự học có hiệu quả, sinh viên cần thiết phải hình thành, phát triển các kỹ năng đọc và ghi chép thông tin khi đọc tài liệu; hệ thống hóa kiến thức đã học; lập dàn ý một vấn đề tự học; phân tích, so sánh đối chiếu kiến thức đã học với thực tiễn. Vì đây là một trong những kết quả rõ nét nhất phản ánh toàn bộ quá trình triển khai công việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Kỹ năng này trong bất kỳ hoạt động nào cũng có vai trò quan trọng, do không có sự tổ chức giám sát, điều khiển trực tiếp của người dạy, nên sinh viên phải chủ động tự tổ chức, điều khiển các hoạt động học tập của bản thân nên việc tự kiểm tra, đánh giá càng trở nên cần thiết.

Kết quả khảo sát nhóm các phương pháp, kỹ năng được các thầy, cô ở các trường khảo sát thực hiện như: thuyết trình; thuyết trình kết hợp với các phương pháp khác; thảo luận (seminar); nêu vấn đề; đàm thoại được tất cả các thầy, cô thực hiện ở mức thường xuyên khá cao, tuy nhiên với nhóm kỹ năng hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu nội dung bài học; hướng dẫn các kỹ năng đọc sách, tra cứu tài liệu; giao bài tập (vấn đề) cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu trước và sau giờ lên lớp; kiểm tra, đánh giá các bài tập đã giao cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu được các giảng viên thực hiện ở mức độ khá thấp.

Qua đây chúng ta có thể thấy, ngoài yếu tố tự thân sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tự học, còn phụ thuộc vào nhận thức và các phương pháp, kỹ năng mà các thầy, cô thực hiện trên lớp môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Mặt khác, khi tiến hành điều tra về phương thức kiểm tra, đánh giá thì hầu hết các giảng viên ở các trường đều sự dụng phương pháp đánh giá dưới dạng ghi nhớ, thuộc lòng các nội dung trong bài học, (với 100% mẫu trả lời là thường xuyên). Đây là phương pháp truyền thống, dù có nhiều ưu điểm nhưng đã phần nào không còn phù hợp trong xu thế dạy học hiện đại ngày nay.

3. Kết luận

Từ việc nghiên cứu thực tiễn về phát triển năng lực tự học cho  sinh viên trong dạy học môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học, cao đẳng nói chung và sinh viên các trường khu vực Tây Bắc nói riêng, chúng ta nhận thức được rằng, dạy học theo hướng phát triển năng lực tự học chính là một cách thức dạy học, một quy trình quan trọng trong giáo dục và đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng, trong đó người học đóng vai trò chủ động, tích cực, tự giác và độc lập chiếm lĩnh, khám phá tri thức bằng hoạt động của chính bản thân mình, còn giảng viên đóng vai trò chủ đạo giúp đỡ, hướng dẫn nhằm định hình năng lực tự học cho người học, trên cơ sở đó có một phương pháp tự học, tự nghiên cứu đúng đắn, khoa học và hiệu quả.

Qua điều tra thực trạng về năng lực tự học trong sinh viên và giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Bắc cho thấy: Đa số sinh viên chưa nhận thức sâu sắc được vai trò, ý nghĩa của việc phát triển năng lực tự học, chưa có cách thức, phương pháp tự học đúng đắn; giảng viên nhận thức được vai trò tự học và cho rằng chỉ bằng cách hướng dẫn cho sinh viên phương pháp tự học một cách hợp lý, khoa học thì sẽ đem lại hiệu quả cao trong dạy học, tuy nhiên mức độ quan tâm, đầu tư vào công việc này còn ít, các hình thức dạy học của giảng viên chưa thực sự phong phú và kích thích được năng lực tự học của sinh viên. Trong các nguyên nhân cơ bản được xác định, thì nguyên nhân có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến kết quả chất lượng tự học là các sinh viên chưa có phương pháp tự học khoa học, đúng quy trình, chưa được hướng dẫn và kiểm tra một cách cụ thể, kỹ lưỡng về tự học; giảng viên chưa có sự hướng dẫn cụ thể cách thức tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề trong quá trình tự học. Việc xác định được các nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng học tập bộ môn xuất phát từ chính bản thân người dạy và người học – đó chính là những cơ sở thực tiễn để chúng ta có những định hướng khoa học từ đó đề ra các giải pháp, quy trình phát triển năng lực tự học cho sinh viên trong dạy học môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin nhằm nâng cao chất lượng học tập môn học này cho sinh viên trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Bắc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Bộ Giáo dục và Đào tạo, Các vấn đề đánh giá giáo dục, Dự án Việt – Bỉ "Hỗ trợ từ xa" 2000.

 

2.        Lê Khánh Bằng, Tổ chức phương pháp tự học cho sinh viên ĐHSPHN, Nxb Giáo dục, 1998.