NHỮNG NÉT KHÁI LƯỢC VỀ CƠ CHẾ VẬN HÀNH CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM THỜI KỲ TRƯỚC ĐỔI MỚI

 

                                                                  ThS. CAO THỊ HẠNH

Tóm tắt: Khi hệ thống chính trị cách mạng ở nước ta được hình thành (1945); phương thức lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và Mặt trận Dân tộc thống nhất đã phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng - giành độc lập dân tộc, dân chủ cho nhân dân. Tuy nhiên, sau khi đất nước ta được giải phóng (1975), cơ chế lãnh đạo và quản lý cũ vẫn được duy trì; những hạn chế và yếu kém ngày càng bộc lộ rõ ràng.Đó là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội vào đầu thập kỷ 80. Bài viết này nêu những nét khái lược nhất về cơ chế vận hành của hệ thống chính trị thời kỳ từ 1945 - 1985.

Hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và năm đoàn thể chính trị - xã hội (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam), và mối quan hệ giữa các thành tố trong hệ thống.

Nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa các thành tố của hệ thống chính trị, trong đó có mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là yêu cầu khách quan ở nước ta hiện nay. Đổi mới và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

1.     Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị từ năm 1945 đến năm 1985

Giai đoạn 1945 - 1954:Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đánh dấu sự hình thành ở nước ta một hệ thống chính trị cách mạng. Đảng và Nhà nước ta khẳng định nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới là củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị thực hiện theo phương châm lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện. Với một Nhà nước vừa mới ra đời, trong khi phần lớn đội ngũ cán bộ trong bộ máy Nhà nước còn chưa quen với nghiệp vụ hành chính. Các cấp, các ngành đều bỡ ngỡ trong việc quản lý đất nước, quản lý xã hội, lại phải đối đầu với nguy cơ chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời cùng dân tộc tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Hoàn cảnh đó buộc Đảng vừa phải gánh vác chức năng lãnh đạo, vừa gánh vác phần lớn công việc quản lý.

Khi cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Đảng gánh vác cả công việc lãnh đạo, quản lý và chỉ huy; vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước hòa quện vào nhau; trong lãnh đạo có quản lý và ngược lại, trong quản lý có lãnh đạo. Quan hệ đó được thực hiện thông qua đội ngũ đảng viên của Đảng hoạt động trong bộ máy Nhà nước. Với đặc điểm đó, có thể nói quan hệ giữa Nhà nước với Đảng như “hai trong một”, “một mà hai”. Nhờ quan hệ này mà sức mạnh của toàn dân tộc được phát huy làm nên chiến thắng Điên Biên Phủ lẫy lừng, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Giai đoạn 1954 - 1975:Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, trong hoàn cảnh đó Đảng và nhân dân ta cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là đưa miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa tiến hành sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Bước sang giai đoạn cách mạng mới, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nặng nề hơn. Do vậy, phương châm lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng đối với Nhà nước vẫn được thực hiện trong giai đoạn này. Quan hệ giữa Nhà nước với Đảng như “hai trong một”, “một mà hai”vẫn phát huy tính hiệu quả trong hoạt động lãnh đạo và quản lý xã hội. Những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở miền Nam chứng minh tính hiệu quả đó.

Giai đoạn 1975 - 1985:Khicả nước bước vào thời kỳ hòa bình, cơ chế vận hành của hệ thống chuyên chính vô sản được chỉ đạo bởi đường lối của Đại hội IV(1976) và Đại hội V(1982). Trong bối cảnh mới, cơ chế lãnh đạo và quản lý cũ vẫn được duy trì; những hạn chế và yếu kém trong lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước ngày càng bộc lộ rõ ràng.

          Sự lẫn lộn về chức năng và nhiệm vụ, sự chồng chéo về tổ chức và hoạt động của Đảng và Nhà nước ngày càng lớn. Nhà nước có bộ nào thì Đảng có ban ấy. Bộ máy của Nhà nước và Đảng cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả. Trách nhiệm của tổ chức Đảng, cấp ủy Đảng trong quan hệ với Nhà nước thiếu rõ ràng và cụ thể. Tình trạng này làm suy yếu cả sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Khi các cấp ủy Đảng đã quyết tất cả thì các cấp chính quyền chỉ còn việc thực hiện. Đảng trực tiếp làm công việc của Nhà nước. Nhà nước trực tiếp làm công việc sản xuất, kinh doanh và phân phối. Các tổ chức chính trị - xã hội chỉ mang tính hình thức. Người dân mất quyền dân chủ, quyền làm chủ. Đời sống chính trị ngày càng trì trệ, tệ quan liêu, tham nhũng hoành hoành, không phân biệt rõ đâu là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, đâu là trách nhiệm của các tổ chức Đảng.

Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ở từng cấp, từng đơn vị chưa được xác định thật rõ, mỗi bộ phận, mỗi tổ chức trong hệ thống chuyên chính vô sản chưa làm tốt chức năng của mình. Những hạn chế, sai lầm trên đây cùng những yêu cầu của công cuộc đổi mới kinh tế, đã thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy về hệ thống chính trị.

Tài liệu tham khảo:

1 - Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.109.

2 - Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991 - 2011), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.127.

3 - Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 70.