CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CHUẨN BỊ CHO TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN

 

Th.s: Nguyễn Hải Minh

1. Đặt vấn đề

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, trong đó lịch sử Việt Nam trong 30 năm từ ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến tháng 4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn trọng vẹn đất nước là những năm tháng đẹp đẽ và hào hùng của lịch sử dân tộc. Trong những năm ấy, bằng những chiến công hiển hách chống chủ nghĩa đế quốc, nhân dân Việt Nam từ những người mất nước, không ai biết đến, đã “đứng vào hàng ngũ những dân tộc tiên phong trên thế giới”, trở thành “người chiến sĩ kiên cường chống đế quốc được cả loài người quý trọng”; bằng những thành quả to lớn của cách mạng đất nước Việt Nam đang từ nghèo nàn lạc hậu vươn lên xây dựng chế độ xã hội mới, chế độ xã hội chủ nghĩa ấm no, hạnh phúc.

Ba mươi năm ấy trên đất nước Việt Nam đã diễn ra những cuộc đụng đầu quyết liệt chưa từng thấy với các đế quốc hiếu chiến hung hãn nhất, đại biểu cho chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và chủ nghĩa thực dân kiểu mới; đây chính là chặng đường đấu tranh chống ngoại xâm gay go nhất, quyết liệt nhất nhưng cũng thắng lợi vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam.

Trong suốt 30 năm kháng chiếng giang khổ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân không thể không kể tới những chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trung ương Đảng đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn thử thách trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi chính quyền non trẻ phải đối mặt với nhiều kẻ thù hung hãn, muốn xóa bỏ nên độc lập non trẻ nước nhà trong giai đoạn 1945-1946; để từ đó chuẩn bị những điều kiện cần thiết và phát động toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.

2. Nội dung

Sau Cách mạng Tháng Tám, nước ta có những thuận lợi và khó khăn mới. Tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, Đảng và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và bằng tài trí, kiên cường đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc vượt qua chặng đường lịch sử khó khăn nhất. Với khẩu hiệu hành động: “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”, phải tập trung đối phó với kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược, hàng loạt các tổ chức cứu quốc được củng cố, mở rộng hoặc lập thêm… Người cùng Trung ương Đảng chỉ đạo những công việc cấp bách như: chống giặc đói, giặc dốt, tổ chức tổng tuyển cử, giáo dục lại nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, bác bỏ các thứ thuế vô lý và thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết.

Nhận rõ tầm quan trọng của chính quyền như vậy, ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương ra chỉ thị “kháng chiến kiến quốc” nêu rõ: “Việc giành chính quyền càng dễ bao nhiêu thì việc giữ chính quyền càng khó bấy nhiêu”. “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành vì nước ta chưa được độc lập hoàn toàn”. Chỉ thị còn nêu rõ: “kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lăng. Phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng tuy quân đội Tưởng Giới Thạch cũng là mối nguy cơ lớn cho ta, song chúng chưa công khai hành động xâm lược như thực dân Pháp”. [2,tr 67]

Với việc xác định kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lăng cho thấy sự sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi xác định đúng đắn kẻ thù chính của dân tộc để chúng ta tập trung mũi nhọn đấu tranh vào chúng. Việc xác định kẻ thù nguy hiểm của dân tộc là thực dân Pháp là dự trên hoàn cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ cũng như phù hợp với tư duy biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì lợi ích chủ yếu của Tưởng Giới Thạch lúc bấy giờ vẫn là ở chính quốc và khi phong trào cách mạng trong nước phát triển mạnh thì không sớm thì muộn Tưởng Giới Thạch cũng phải rút quân về nước để bảo vệ lợi ích của mình.

Cùng với đó, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, bước đầu xây dựng một nền kinh tế mới và văn hóa mới. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành công tác đấu tranh ngoại giao khôn khéo đó là thực hiện chính sách nhân nhượng, hòa hoãn, tránh những xung đột bất lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Chính sách của Việt Nam đối với Trung Hoa, lúc này tóm tắt lại là phải thân thiện” [4,tr 73]. Việc nhân nhượng đó đã hạn chế và làm vô hiệu hóa đến mức thấp nhất mọi hoạt động chống phá của quân Tưởng và tay sai, làm thất bại âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của chúng, tạo cho ta kiến quốc và kháng chiến chống thực dân Pháp. Đối với Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng chính sách ngoại giao “hòa để tiến” nhằm mục đích để quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân Tưởng và tranh thủ thời gian hòa hoãn, bảo toàn và chuẩn bị lực lượng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sang kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta” [5,tr 42].

Hiệp định Sơ bộ được ký ngày 6-3-1946 và tiếp đó là Tạm ước 14-9-1946 là những nội dung đàm phán được ký theo tinh thần đó. Từ Hiệp định Sơ bộ đến Tạm ước là thời gian quý giá để cho ta chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài sau này. Đánh giá những sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta đã ép lòng mà nhân nhượng để giữ hòa bình. Dù thực dân Pháp đã bội ước, đã gây chiến tranh, nhưng gần một năm tạm hòa bình đã cho chúng ta thời gian để xây dựng lực lượng căn bản. Khi Pháp cố ý gây chiến tranh, chúng ta không thể nhịn nữa thì cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu” [6,tr 162]. Việc ký hiệp định sơ bộ 6-3-1946 còn thể hiện tài năng lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Trong giờ phút vận mệnh nước nhà “nghìn cân treo sợi tóc” phải có quyết định kịp thời, dứt khoát, sáng suốt, đúng đắng. Đánh giá việc làm này, năm 1970 đồng chí Lê Duẩn có viết:

“Lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp, lúc thì hòa hoãn với Pháp để đuổi cổ quân Tưởng và quét sạch bọn phản động tay sai của Tưởng, giành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, điều mà Đảng ta biết chắc là không thể nào tránh khỏi. Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đã ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lêninnít về lợi dụng những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và về sự nhân nhượng có nguyên tắc” [1,tr 31].

Cần làm cho nhân dân thông suốt với chủ trương của Đảng và Chính phủ nhất là trong điều kiện bọn phản động Việt quốc, Việt cách xuyên tạc, vu cáo việc ký Hiệp định sơ b ộ. Ngày 7-3-1946, Hồ Chủ tịch nói chuyện trước hàng chục vạn đồng bào thủ đô. Sau khi phân tích lợi ích của việc ký kết và dặn dò đồng bào bình tĩnh, giữ gìn kỉ luật, sẵn sàng chiến đấu, Hồ Chủ tịch xúc động nói: “Tôi, Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”. [3,tr 388]

 

Đầu tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những “công việc khẩn cấp bây giờ”, vạch rõ những công việc về quân sự, chính trị, kinh tế… chuẩn bị kháng chiến lâu dài trên cả nước.

Như vậy trong khoảng thời gian từ ngày 2-9-1945 đến tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn thể nhân dân vượt qua muôn vàn thử thách để bảo vệ được chính quyền cách mạng, xây dựng thực lực của dân tộc về mọi mặt. Chính vì vậy, nước Việt Nam đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân, hòa giải, hòa hợp dân tộc, loại bỏ chia rẽ, đối lập, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Đặc biệt, do đánh giá đúng thực lực của ta và địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng chính sách ngoại giao “mềm dẻo”, kết hợp khéo léo các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, biết nhân nhượng hòa hoãn có nguyên tắc nên đã đưa nước nhà vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” thực hiện thắng lợi nhiệm vụ củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Ngay từ đầu tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác thảo những nét cơ bản của tư tưởng chỉ đạo kháng chiến toàn quốc trong thời kỳ mới và coi đó là “công việc khẩn cấp bấy giờ”. Hai nhiệm vụ “kháng chiến” và “kiến quốc” được Người xác định là phải đi đôi với nhau và phải “trường kỳ kháng chiến”.

Cuối năm 1946, tình hình diễn ra vô cùng căng thẳng, quân đội Pháp đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn, vào ngày đầu hạ tuần tháng 11-1946 và mở rộng chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn và quyết liệt trên toàn miền Bắc. Đầu tháng 12 tình hình nghiêm trọng hơn, Pháp liên tiếp gây ra nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội. Quân và dân ta đã khẩn trương chuẩn bị nhưng vẫn kiên quyết bình tĩnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố rõ lập trường của Việt Nam: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình… Chúng tôi không muốn chiến tranh… Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm…” [7,tr 473]. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời kêu gọi các nước Anh, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước thành viên của Liên hợp quốc chấp nhận những yêu cầu chân chính của Việt Nam để vãn hồi hòa bình và để “khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ”. Người cũng liên tiếp gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên gặp gỡ với những người cầm đầu Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hòa bình, tránh đổ máu. Song mọi cố gắng của Việt Nam đều vô hiệu. Quân đội Pháp liên tiếp nổ súng, đỉnh điểm của sự mâu thuẫn là Pháp gửi tối hậu thư đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội, nếu không được chấp nhận chúng sẽ chuyển sang “hành động”. Tình thế vô cùng khẩn cấp, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có một sự lựa chọn lịch sử đó là phát động toàn quốc kháng chiến. Để phát động toàn quốc kháng chiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vang dậy núi sông, như một mệnh lệnh chiến đấu, là hịch cứu nước của Tổ quốc, là một áng hùng văn thể hiện những nét đặc sắc của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Lời hịch phát động đúng thời điểm làm thấu động cả một dân tộc quyết đứng lên chiến đấu:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.

 Lời kêu gọi đã khơi dậy chủ nghĩa anh hùng dân tộc thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam. Đó là bản cương lĩnh kháng chiến mang tính khái quát cao, chứa đựng tư tưởng, quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, kháng chiến lâu dài, tự lực cánh sinh, kháng chiến nhất định thắng lợi.

Tiếp đến, ngày 21-12-1946, Người đã gửi thư đến nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân các nước Đồng minh nói rõ mục tiêu và ý chí đấu tranh vì độc lập tự do của Việt Nam và khẳng định: “Cuộc kháng chiến rất lâu dài và đau khổ. Dù phải hi sinh bao nhiêu và thời gian kháng chiến đến bao giờ, chúng ta cũng nhất định chiến đấu đến cùng, đến bao giờ nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập và thống nhất. Chúng ta có 20 triệu chống lại 10 vạn thực dân. Cuộc thắng lợi của chúng ta rất được bảo đảm” [8,tr 484].

Nét đặc sắc trong khi phát động cuộc kháng chiến toàn quốc của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng là ở chỗ khẳng định cuộc chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh tực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Người cũng khẳng định phải đánh địch trên tất cả các mặt trận: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao vì chiến tranh là một cuộc đọ sức toàn diện giữa hai bên tham chiến. Ta phải đánh lâu dài vì tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch, lực lượng ta còn mỏng, ta phải vừa chiến đấu, vừa xây dựng phát triển mọi mặt lực lượng, từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta. Kháng chiến lâu dài là “lấy nước trị lửa”, “qua nhiều giai đoạn khổ sở và gian lao”. Ta cũng phải dựa vào sức mình là chính không nên ỷ lại, trông vào sự giúp đỡ của bên ngoài.

Phát động và chỉ đạo cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý đến điều kiện “nhân hòa”: “Điều kiện diệt trừ quân địch phải là nhân hòa. Trong hai phe giao chiến, phe nào có đủ điều kiện nhân hòa là phe ấy thắng. Chỉ phe nào chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có điều kiện nhân hòa” [9,tr 486]. Đó là thế trận lòng dân, hậu phương lòng dân, được nhân dân ủng hộ, thế giới tán thành, huy động, tập hợp được toàn dân tham gia kháng chiến để “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài”. Đó là nét đặc sắc trong chỉ đạo phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Kết Luận

Khi đất nước ta mới giành được chính quyền chưa được bao lâu thì lại rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng nhờ những chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định đúng tình hình, đưa ra đường lối đúng đắn, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành được thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta đang ra sức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh đất nước sau 30 năm đổi mới đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, nhưng bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Lê Duẩn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng…” Nxb Sự thật, 1970.

2.      Nguyễn Kiên Giang. Việt Nam năm đầu sau Cách mạng tháng Tám. Nxb Sự thật, 1961.

3.      Võ Nguyên Giáp. Những chặng đường lịch sử. Nxb Sự thật 1977.

4.     Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1995.

5.     Văn kiện Đảng 1945-1954, tập 1, Ban Nghiên Cứu Lịch sử Đảng trung ương. 1978.

6.     Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia. 1995.

7.     Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia. 1995.

8.     Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia.1995.

9.     Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia. 1995.