LÀNG DỆT VẠN PHÚC - ĐỊA CHỈ ĐỎ CÁCH MẠNG

 

 

                                                                             Nguyễn Thị Thu Châu

 

1. MỞ ĐẦU

70 năm đã trôi qua nhưng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được phát động đúng thời điểm như một cương lĩnh vang dậy non sông, đất nước làm thức tỉnh lương tri và nhân loại tiến bộ. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và ở một địa điểm cũng hết sức đặc điệt. Đó là một căn gác hẹp trong một ngôi nhà của một làng nhỏ ven sông Nhuệ-làng lụa Vạn Phúc-Hà Đông.

2. NỘI DUNG

Làng dệt cổ truyền Vạn Phúc nằm trên trục đường 430 Hà Đông đi Sơn Tây, cách trung tâm Hà Đông khoảng 600m. Vạn Phúc xưa có tên là Vạn Bảo, vốn là trang Vạn Bảo, thuộc xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam; nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Do kị húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 1.200 năm, bà Ả Lã Thị Nương là vợ của Cao Biền, thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo. Trong thời gian ở đây, bà đã dạy dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa. Sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng. Cũng từ đó, Vạn Phúc nổi tiếng với nghề dệt lụa:

“The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”.

Không chỉ nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống, Vạn Phúc còn sớm trở thành cơ sở cách mạngNăm 1938, Vạn Phúc đã có chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên. Trong quá khứ, dân làng Vạn Phúc cũng hết lòng ủng hộ Tây Sơn phục quốc. Thời kỳ 1936-1945, Vạn Phúc là an toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ.

Mùa đông năm Bính Tuất 1946, những nỗ lực cao nhất của Hồ Chủ tịch nhằm cứu vãn hòa bình, tránh một cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai dân tộc Việt – Pháp, đã bị thực dân Pháp hoàn toàn làm ngơ. Vào trung tuần tháng 12-1946, tất cả những bức điện tín mang thông điệp kêu gọi đàm phán và vãn hồi hòa bình của Hồ Chủ tịch gửi Quốc hội, Chính phủ Pháp đều bị chặn lại ở Sài Gòn. Những vụ khiêu khích, nổ súng của quân đội Pháp - với tư duy “Chân lí thuộc về kẻ mạnh” nhằm vào phía Việt Nam, kể cả dân thường, như vụ thảm sát ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh vào cuối tháng 11-1946, đã khiến cho một cuộc chiến toàn diện của dân tộc Việt Nam chống lại quân xâm lược nhất định sẽ diễn ra. 

Trước những căng thẳng và đầy biến động, để bảo đảm an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ Trung ương Đảng chỉ đạo lực lượng cảnh vệ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển ra ngoại thành. Địa điểm được chọn để Người ở là nhà của ông Nguyễn Văn Dương ở xóm Đoàn Kết, làng Vạn Phúc, Hà Đông (nay là tổ dân phố Đoàn Kết, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). Đây là một gia đình sớm tham gia ủng hộ cách mạng, là cơ sở hoạt động cho nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trước đó như: Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh. Nhà ông Dương là nơi họp chi bộ của làng Vạn Phúc và thường xuyên được tiếp nhận các sách báo tiến bộ. Mặt khác địa điểm này có vị trí địa lý khá thuận lợi để ra vào thành phố nắm bắt tình hình (cách trung tâm thành phố Hà nội 13 km). Trong thời gian ở Vạn Phúc, Bác Hồ làm việc liên tục, có đêm hầu như không chợp mắt. Nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ có ghi lại những khoảnh khắc căng thẳng nhất của Bác tại làng Vạn Phúc khi viết ra lời hịch kêu gọi quốc dân đồng bào cả nước.Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đó đã theo Bác lan truyền rộng khắp, làm rung động cả triệu con tim Việt Nam, như một lời hịch cứu nước vang dội non sông: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.…Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”

Ngay sáng ngày 20-12-1946, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đặt ở chùa Trầm đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được in trên báo Cứu quốc số ra cùng ngày.

Sau này, Bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, ngôi nhà của ông Dương được tỉnh Hà Tây (cũ) lấy làm nhà lưu niệm Bác Hồ, được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo Quyết định số 09 QĐ/BT ngày 21-2-1975.

3. KẾT LUẬN

Ngày nay, Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ thường xuyên là điểm tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho hàng nghìn học sinh, thanh niên, các ban ngành, đoàn thể du khách trong và ngoài nước. Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ đang được tu sửa, mở rộng khuôn viên và sớm hoàn thiện trước tháng 12 để kịp phục vụ cho sự kiện lịch sử trọng đại này. Về lại nơi đây, mỗi người chúng ta như được sống lại những ngày tháng hào hùng của cả dân tộc sục sôi đứng lên kháng chiến. Chúng ta như thấy được hình ảnh Bác Hồ đang miệt mài viết Lời kêu gọi trong căn phòng nhỏ. Từ đó để mỗi người con Việt Nam khi đến thăm thêm kính trọng và tự hào về Người Cha già thân yêu của dân tộc./.