MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT TRONG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

                                                                     

 

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp lực lượng trong một Mặt trận Dân tộc Thống nhất.

 

        Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ, Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã không ngừng được củng cố, mở rộng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn lịch sử và đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Mặt trận đầu tiên được thành lập với tên gọi: Hội Phản đế đồng minh (18/11/1930) và  bước sang giai đoạn (1936 - 1939), dưới sự lãnh đạo của Đảng toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Dân chủ Đông Dương đã làm nên “một thời kỳ vận động quần chúng sôi nổi chưa từng thấy dưới thời kỳ Pháp thống trị”. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tập trung mũi nhọn vào nhiệm vụ chống đế quốc, để thức tỉnh tinh thần dân tộc, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh (19/5/1941)  được thành lập.  Dưới lá cờ đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta nổi dậy làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”; Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc. Tháng 5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Hội Liên Việt được thành lập. Tháng 3/1951,  do yêu cầu cách mạng Việt Nam trong tình hình mới hai tổ chức mặt trận (Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt) được thống nhất thành Mặt trận Liên Việt.  Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Tháng 9/1955, ở miền Bắc  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời. Sau thắng lợi phong trào Đồng Khởi ở miền Nam, tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam đã ra đời. Nhờ đoàn kết một lòng, triệu người như một nhân dân ta đã làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mặt trận dân tộc thống nhất cả nước đã hợp nhất với tên gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Từ sau năm 1975, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên nhân dân tăng cường đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhân kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930  - 18/11/2014)  và  “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” ở các khu dân cư, thế hệ trẻ ngày nay càng thêm tự hào về truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam và quan điểm, đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; nguyện ra sức học tập và rèn luyện để xứng đáng với niềm mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành người chủ nước nhà - “những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

 

      Th.S Cao Thị Hạnh