THỰC HIỆN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Dân chủ là một phạm trù chính trị - xã hội xuất hiện khá sớm trong nền văn minh nhân loại, gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử qua các thời đại, các chế độ xã hội khác nhau với nội dung cơ bản: dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân.

Ở Việt Nam, mầm mống tư tưởng dân chủ đã có từ lâu, như một nhu cầu tự nhiên mang bản tính người của con người trong đấu tranh tồn tại và cố kết cộng đồng. Song, người Việt Nam chỉ biết đến và được hưởng quyền dân chủ thực sự từ khi Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và tiến hành hiện thực hóa tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội.

Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, kế thừa và phát triển sáng tạo tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đó là hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về một nền dân chủ mang bản chất giai cấp công nhân ở Việt Nam. Có thể khái quát nội dung tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh ở những điểm chính sau:

Hồ Chí Minh quan niệm dân chủ nghĩa là “dân là chủ và dân làm chủ”. Chữ “dân” được Hồ Chí Minh khẳng định là đông đảo những người lao động, bị áp bức, không có chức quyền, là toàn dân Việt Nam, trừ bọn phản động, tay sai đế quốc thực dân. “Làm chủ” là tự chủ, biết phát huy năng lực sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hồ Chí Minh quan niệm chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa được xây dựng và bảo đảm trên cơ sở một nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể giữ vai trò chủ đạo và một nền kinh tế mở: công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi, công nông giúp nhau, lưu thông trong ngoài.

Muốn có dân chủ phải tiến hành đấu tranh cách mạng để cải tạo xã hội cũ, kiến thiết xã hội mới. Dân chủ trước hết là quyền dân tộc độc lập, dân tộc tự quyết, quyền tự do chính trị của nhân dân, quyền nhân dân tự quyết định vận mệnh và cuộc sống của mình. Phải đem sức ta mà giải phóng cho ta, xóa bỏ ách nô lệ, làm cách mạng dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường phát triển duy nhất của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, là cái đảm bảo chắc chắn cho “dân là chủ và dân làm chủ”, đảm bảo cho mọi người, mọi dân tộc thực hiện chân lý "không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Xuất phát từ quan điểm, hướng đổi mới, kiện toàn cơ chế thực hiện dân chủ trong toàn xã hội của Đảng cầm quyền và ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tôi cho rằng, việc vận dụng tư tưởng và phương pháp dân chủ của Hồ Chí Minh thực hiện dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay cần chú ý những yêu cầu sau:

Thứ nhất: Yêu cầu toàn Đảng, toàn dân nhận thức toàn diện, đầy đủ, sâu sắc hơn bản chất dân chủ XHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện và hoàn thiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây là yêu cầu vừa tất yếu vừa cấp thiết trong thực hiện dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh chứa đựng những giá trị sâu sắc trong những câu chữ, ngôn từ giản dị. Đồng thời, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam có tính nguyên lý, phương pháp luận cần phải nghiên cứu, vận dụng phù hợp với từng hoàn cảnh, từng thời kỳ. Nó có giá trị nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động của chúng ta trong thực hiện dân chủ để khỏi chệch hướng XHCN.

Dân chủ XHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh là sự biểu hiện tính nhân đạo sâu sắc của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong lịch sử và đương đại. Tư tưởng đó của Người đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và dân chủ nhân quyền phải đảm bảo trong chủ quyền quốc gia, không chấp nhận sự áp đặt nhận thức, nội dung dân chủ của quốc gia này đối với quốc gia khác.

Diễn biến tình hình chính trị thế giới ngày càng phức tạp, hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa và công nghệ thông tin quốc tế phát triển mạnh mẽ và đang tác động đến nhận thức, quan niệm về dân chủ XHCN ở một bộ phận dân cư. Vì thế, chúng ta phải cảnh giác, đấu tranh để giữ vững bản chất dân chủ XHCN, chống lại mọi khuynh hướng dân chủ tư sản tràn vào hòng phá hoại chủ quyền đất nước.

Thứ hai: Yêu cầu Đảng phải tự mình nêu gương về dân chủ và lãnh đạo chặt chẽ quá trình thực hiện, phát huy dân chủ XHCN.

Dân chủ mang tính giai cấp, nền dân chủ nào cũng phụ thuộc vào đường lối chính trị của giai cấp lãnh đạo, của Đảng cầm quyền. Đảng ta là đảng cầm quyền. Do đó, Đảng phải tự chỉnh đốn, đổi mới và kiện toàn phương thức lãnh đạo quá trình thực hiện và phát huy dân chủ XHCN trên cả hai phương diện có quan hệ nội tại: thực hành, phát huy dân chủ của hệ thống chính trị XHCN và thực hiện, phát huy dân chủ XHCN của nhân dân.

Thứ ba: Yêu cầu đổi mới và kiện toàn năng lực thực hành dân chủ XHCN trong các thiết chế của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở.

Thực hành dân chủ XHCN ở cấp cơ sở, quan hệ trực tiếp đến quyền là chủ và làm chủ của nhân dân, nhưng lại là khâu yếu kém ở nước ta hiện nay. Điều đó có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng là cơ chế hoạt động và quan hệ của các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị các cấp chưa thật rõ ràng, cụ thể, đặc biệt, con người trong hệ thống chính trị các cấp còn yếu về năng lực thực hành dân chủ.

Do đó, yêu cầu đặt ra với cấp cơ sở là phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị. Lựa chọn và bố trí đúng cán bộ chủ chốt để họ phải là những người có tư tưởng, đạo đức XHCN, lối sống dân chủ nhưng nhất thiết phải là người am hiểu luật pháp và có năng lực thực thi công vụ trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Thứ tư: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật của chế độ dân chủ XHCN.

Chế độ dân chủ XHCN chỉ tồn tại vững chắc trên một nền tảng kinh tế - kỹ thuật của CNXH. Những năm tới đây nước ta vẫn trong thời kỳ quá độ lên CNXH, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là tất yếu khách quan, hợp quy luật phát triển.

Thứ năm: Yêu cầu giải quyết tốt quan hệ nâng cao năng lực làm chủ và đề cao địa vị là chủ của người dân, nhưng phải gắn với luật pháp, với kỷ cương xã hội nhằm xây dựng nền pháp chế XHCN.

“Dân là chủ” và “làm chủ” là mục tiêu và nguyên tắc tổ chức, vận hành của chế độ ta - chế độ dân chủ XHCN. Nhưng quyền và nghĩa vụ dân chủ của công dân được quy định trong hiến pháp, các luật và văn bản dưới luật và được pháp luật bảo vệ. Dân thực thi đúng pháp luật là biểu hiện năng lực thực hành dân chủ của họ, là thực hiện quyền dân chủ của công dân. Trình độ dân chủ XHCN không chỉ được đánh giá qua cơ chế, thiết chế dân chủ mà còn bằng năng lực thực hành dân chủ của nhân dân. Yêu cầu kiện toàn hệ thống pháp luật và nâng cao ý thức dân chủ của dân là hai vấn đề phải tiến hành song song hình thành nền pháp chế XHCN. Đồng thời phải tăng cường giáo dục pháp luật để dân hiểu và thực thi đúng pháp luật.

Dân chủ là khát vọng của toàn nhân loại, nó mang giá trị chung của nhân loại. Nhưng trên con đường vươn tới khát vọng đó nó bị chi phối bởi các đảng chính trị và mang dấu ấn của điều kiện kinh tế - xã hội. Đó là quy luật. Đất nước ta dù với muôn vàn khó khăn, điểm xuất phát kinh tế tương đối thấp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng với sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong tình hình mới, chúng ta có quyền tự hào rằng, đã có một nền dân chủ hiện thực không ngừng tiến bộ phù hợp với điều kiện của mình và xu thế thời đại. Đó là điều bất cứ ai cũng đều thấy.

 

 Th.S. Đào Thị Thúy Loan