GIỮ VỮNG ĐỘC LẬP DÂN TỘC- QUAN ĐIỂM QUỐC TẾ CƠ BẢN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

 

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta, là tất yếu khách quan của lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Câu nói “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ C Minh đã trở thành chân lý, là lẽ sống của dân tộc Việt Nam.

Hơn mười năm sau khi hoà bình thống nhất đất nước, tạiĐại hội lần thứ VI (12/1986) Đảng ta đã mạnh dạn nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật và công bố đường lối đổi mới đất nước, thể hiện sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tế nước ta. Thế giới sang thế kỷ XXI có những chuyển biến phức tạp, nhiều xu hướng đan xen lẫn nhau. Trong đó chủ nghĩa tư bản phát triển, đạt được thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, nhu cầu phát triển buộc các quốc gia phải hợp tác nhưng đồng thời cạnh tranh quyết liệt. Do đó đổi mới trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội được xác định là gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có những thuận lợi cơ bản. Trong hoàn cảnh mới, Đảng đã phân tích tình hình, nắm vững quan điểm, đường lối,sự mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo trong hoạt động đối ngoại tiếp tục được phát huy. Nếu như trước đây ông cha ta lấy “dĩ hoà vi quý” thì nay Đảng ta kế thừa và nêu cao quan điểm: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới”. Có thể nói quan điểm quốc tế của Đảng trong thời kì đổi mới là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử. Trong đó “bảo vệ độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội” không chỉ là một trong những quan điểm cơ bản của đường lối đối ngoại mà còn là mục tiêu và lí tưởng phấn đấu thành hiện thực của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Độc lập, thống nhất là nguyện vọng và quyền lợi thiêng liêng của mọi quốc gia, dân tộc. Nếu tôn trọng quyền lợi này, mọi mâu thuẫn và tranh chấp sẽ được giải quyết. Trong hiến chương của Liên hợp quốc có hiệu lực từ ngày 4/10/1945 quy định Liên hợp quốc sẽ hoạt động theo nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các nước,do đó một trong những mục đích cao nhất của Liên hợp quốc là thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các nước trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết. Điều này chứng tỏ lịch sử loài người đã tiến thêm một bước mới quan trọng trong quan hệ ngoại giao. Trong và sau cuộc chiến tranh lạnh, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực ra đời nhằm liên kết các nước lại với nhau vì một mục đích nhất định. Song khi xu thế đối đầu dịu lại và dần chuyển sang xu thế đối thoại và hợp tác thì vấn đề độc lập, thống nhất chịu những tác động không nhỏ.

Đối với Việt Nam, độc lập và thống nhất đất nước gắn liền với con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, không thể tách rời, là nhiệm vụ và mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Quan điểm quốc tế của Đảng là sự kế thừa, tiếp nối quan điểm quốc tế đã có từ trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, trong đó độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Vấn đề đoàn kết quốc tế là nguyên tắc chiến lược đưa Việt Nam hội nhập với thế giới. Mặt trận ngoại giao và mặt trận chính trị ngày càng phát huy vai trò to lớn của mình trên trường quốc tế, trở thành mối quan tâm lớn của xã hội. Trong thời kì đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn phát huy tinh thần sáng tạo, tôn trọng các nguyên tắc, luật pháp quốc tế dựa trên tinh thần độc lập, tự chủ nhằm giữ vững thế chủ động.

Công cuộc đổi mới được tiến hành trên mọi lĩnh vực, trong đó đổi mới kinh tế được xác định là trọng tâm. Để giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghiã xã hội chúng ta phải phát triển kinh tế, xây dựng được một nền kinh tế vững mạnh và ngược lại độc lập, thống nhất là yếu tố bảo đảm, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế mà không bị phụ thuộc, chịu sự chi phối của các nước lớn. Hiện nay nhiều nước châu Phi theo con đường tư bản chủ nghĩa, được sự giúp đỡ của nhiều nước tư bản nhưng vẫn chưa thực sự phát triển, đang phải đối mặt với đói nghèo, bệnh tật, sức ép của việc tăng dân số và ô nhiễm môi trường. Vấn đề đặt ra cho các nước đang phát triển là phải có đường lối đối ngoại đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất nước.

Thế giới đang biến đổi theo những hướng hết sức phức tạp. Xu thế hợp tác và phát triển buộc các quốc gia phải xem xét lại chiến lược ngoại giao của mình, có những điều chỉnh cho phù hợp. Việt Nam đã và đang phát huy thế mạnh để tham gia vào những sân chơi bình đẳng. Nhưng trước hết phải hiểu rõ đối tác, nắm vững luật pháp quốc tế để nắm bắt được những thuận lợi cho công cuộc đổi mới.

Xu thế phát triển như vũ bão của nền kinh tế thế giới đặt Việt Nam trước rất nhiều khó khăn và thách thức. Do đó phát triển nhanh và bền vững là mục tiêu quan trọng mà nếu như không dựa vào nội lực Việt Nam khó có thể đạt được điều đó. Nội lực và ngoại lực là hai yếu tố thúc đẩy sự phát triển. Nhưng không biết phát huy sức mạnh của độc lập, thống nhất, của tinh thần yêu nước, của truyền thống văn hoá Việt Nam thì đổi mới sẽ càng khó khăn hơn. Vì vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ và giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Bước sang thế kỉ XXI, nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo và hoà bình khu vực bị đe doạ. Bên cạnh đó con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của các nước đang bị các thế lực thù địch ráo riết phá hoại. Trước tình hình đó Việt Nam kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đứng trên lập trường của chính nghĩa, của luật pháp quốc tế và của một dân tộc luôn tôn trọng hoà bình, tiến bộ của nhân loại.

Ngày nay độc lập, thống nhất vẫn là vấn đề nóng bỏng của nhiều dân tộc trên thế giới. Nó đã, đang và sẽ tác động to lớn đến sự phát triển của nhân loại. Văn minh nhân loại càng đạt đến trình độ cao thì vấn đề này càng quan trọng. Đường lối đối ngoại của Đảng ta trong thời kì đổi mới vừa là sự kế thừa quan điểm quốc tế trong thời kì cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của Đảng, đồng thời là sự vận dụng sáng tạo quan điểm, học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, kiên định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

 Th.S Lại Trang Huyền