Nga sẽ xây dựng trung tâm công nghệ hạt nhân tại Việt Nam

Trong chuyến thăm Việt Nam của ông S. Yevgenyevich Naryshkin – Chủ tịch Đuma Quốc gia Nga, chiều 2/12 ông đã có buổi làm việc với ĐHQGHN và nói chuyện với SV.

Ông Sergey Yevgenyevich Naryshkin – Chủ tịch Đu-ma Quốc gia Nga đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ở lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ, qua đây ông cho biết, hoạt động khoa học công nghệ của Liên bang Nga đã có bề dày truyền thống. Tuy nhiên, nhìn lại vào những năm 1990 của thế kỷ trước, hoạt động khoa học của nước Nga trải qua một giai đoạn khó khăn, lúc đó nhà nước không có kinh phí để phát triển khoa học công nghệ, bên cạnh đó kinh phí từ các tư nhân cũng chưa có.

 

Ông Sergey Yevgenyevich Naryshkin – Chủ tịch Đu-ma Quốc gia Nga đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ở lĩnh vực giáo dục đào tạo. Ảnh Bùi Tuấn

Trải qua khó khăn, nước Nga hiện nay đã nhanh chóng phát triển khoa học công nghệ, theo ông Sergey Yevgenyevich Naryshkin thì vị trí về khoa học công nghệ của Nga luôn đứng ở top đầu ở một số lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, nghiên cứu khoảng không vũ trụ. Ngoài ra, ở Nga lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng rất mạnh. Thừa nhận tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng, ông Sergey Yevgenyevich Naryshkin cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ Nano, công nghệ tin học và viễn thông, sinh học.

Khẳng định lại quan điểm, ông Sergey Yevgenyevich Naryshkin cho biết, nước Nga sẵn sàng hợp tác và hiện đang hợp tác với Việt Nam, cụ thể là các trung tâm khoa học hàng đầu của Việt Nam để triển khai.

Trao đổi thêm về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, ông Sergey Yevgenyevich Naryshkin cho biết, đang tính tới việc sẽ xây dựng một trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.

Trước đây là Liên Xô và hiện nay là Liên bang Nga đã, đang đào tạo cho Việt Nam nhiều chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực, nhiều người đang giữ những vị trí quản lý nhà nước, các tổ chức kinh tế. Hiện tại, Liên bang Nga đang đào tạo nhiều sinh viên Việt Nam bằng nguồn học bổng nhà nước và Bộ Giáo dục và Khoa học Nga cấp.

Trước đó, tháng 5/2013, ông Phùng Xuân Nhạ – Giám đốc ĐHQGHN đã có chuyến làm việc cùng đoàn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Liên bang Nga. Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, ĐHQGHN và ĐHQG Mát-cơ-va đã ký thỏa thuận về hợp tác khoa học và giáo dục.

 

Sưu tầm - Thạc sỹ: Nguyễn Hải Minh 

MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT TRONG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

                                                                     

 

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp lực lượng trong một Mặt trận Dân tộc Thống nhất.

 

        Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ, Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã không ngừng được củng cố, mở rộng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn lịch sử và đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Mặt trận đầu tiên được thành lập với tên gọi: Hội Phản đế đồng minh (18/11/1930) và  bước sang giai đoạn (1936 - 1939), dưới sự lãnh đạo của Đảng toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Dân chủ Đông Dương đã làm nên “một thời kỳ vận động quần chúng sôi nổi chưa từng thấy dưới thời kỳ Pháp thống trị”. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tập trung mũi nhọn vào nhiệm vụ chống đế quốc, để thức tỉnh tinh thần dân tộc, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh (19/5/1941)  được thành lập.  Dưới lá cờ đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta nổi dậy làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”; Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc. Tháng 5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Hội Liên Việt được thành lập. Tháng 3/1951,  do yêu cầu cách mạng Việt Nam trong tình hình mới hai tổ chức mặt trận (Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt) được thống nhất thành Mặt trận Liên Việt.  Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Tháng 9/1955, ở miền Bắc  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời. Sau thắng lợi phong trào Đồng Khởi ở miền Nam, tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam đã ra đời. Nhờ đoàn kết một lòng, triệu người như một nhân dân ta đã làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mặt trận dân tộc thống nhất cả nước đã hợp nhất với tên gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Từ sau năm 1975, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên nhân dân tăng cường đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhân kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930  - 18/11/2014)  và  “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” ở các khu dân cư, thế hệ trẻ ngày nay càng thêm tự hào về truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam và quan điểm, đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; nguyện ra sức học tập và rèn luyện để xứng đáng với niềm mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành người chủ nước nhà - “những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

 

      Th.S Cao Thị Hạnh

VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

          Giáo dục và đào tạo có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo như Nhật Bản với quan điểm coi “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu; cần kết hợp hài hoà giữa bản sắc văn hóa lâu đời phương Đông với những tri thức Phương Tây hiện đại”; hay Singapore với phương châm “Thắng trong cuộc đua về giáo dục sẽ thắng trong cuộc đua về phát triển kinh tế”; cường quốc Mỹ cũng luôn chú trọng đến việc “Tập trung cho đầu tư giáo dục - đào tạo và thu hút nhân tài”; một người bạn lớn của Việt Nam là Liên xô trước đây cũng đã khẳng định “Chính sách về con người là điểm bắt đầu và là điểm kết thúc của mọi chính sách kinh tế - xã hội”.

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn thế hệ trẻ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (HCM toàn tập, 1995, tập 4, tr33).

Lời dạy của Người chứa đựng toàn bộ giá trị chân lý của thời đại mang tên Người. Để không bị tụt hậu, để xây dựng và phát triển thành công một đất nước độc lập tự do theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì rất cần phải nhận thức rõ hơn nữa vị trí và vai trò của giáo dục và đào tạo.

1. Vị trí của giáo dục và đào tạo

Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là những chính sách trọng tâm, có vai trò chính yếu của Nhà nước, được ưu tiên trước nhất, thậm chí đi trước một bước so với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã có nhiều quan điểm chỉ đạo về phát triển GD và ĐT. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày với các Bộ trưởng 6 nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ, trong đó có nhiệm vụ về giáo dục: Diệt giặc dốt.

Nghị Quyết TW 3, khoá 7 năm 1993 khẳng định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.

Nghị quyết TW 2, khoá VIII: “Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.   

NQTW 8, khoá XI: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.  

Quan điểm coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu đã được cụ thể hoá thành các chính sách như: Chính sách đầu tư cho giáo dục. Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đầu tư ngân sách cho giáo dục lớn.

Hiện nay các cơ sở giáo dục và đào tạo được mở rộng, số lượng trường, lớp, giáo viên học sinh tăng lên, hệ thống các cơ sở dạy nghề, hệ thống các trường CĐ, ĐH được tăng về số lượng, phát triển về chất lượng.

Trường Đại học Tây Bắc được thành lập năm 2001 cũng nằm trong tiến trình đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, là một sự đổi mới trong tư duy phát triển, trước đây chúng ta cho rằng, trường ĐH chỉ được thành lập ở các vùng trung tâm kinh tế - văn hoá, nhưng ĐH Tây Bắc đã được thành lập ở một vùng kinh tế nghèo, khó khăn, vùng cao của đất nước. Cũng nằm trong tiến trình phát triển, vừa qua hai trường ĐH nữa cũng đã được thành lập ở vùng miền núi của Tổ quốc đó là trường ĐH Tân Trào - Tuyên Quang; ĐH Phanxipăng ở Lào Cai. Tỉnh Sơn La hiện nay có 1 trường ĐH và 4 trường cao đẳng. Hệ thống trường lớp ở bậc phổ thông ngày càng mở rộng. Việc xã hội hoá giáo dục đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được đẩy mạnh.

Như vậy, quan điểm coi GD và ĐT là quốc sách hàng đầu của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, ở vị trí hàng đầu, GD và ĐT có vai trò rất quan trọng.

          1.2. Vai trò của GD-ĐT

           Với vị trí quốc sách hàng đầu, GD&ĐT có vai trò là nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò của GD&ĐT được thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng ở các kì đại hội. Nghị quyết TW 2 khoá VIII đã khẳng định: “Phát triển GD&ĐT là nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay”. Thêm vào đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X cũng nhấn mạnh: “GD&ĐT là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định lại quan điểm xuyên suốt của Đảng ta: “GD&ĐT có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được thông qua tại Đại hội XI, vai trò của GD&ĐT lại được làm rõ: “GD&ĐT cần tập trung vào việc phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

          Theo quan điểm của Mác, con người không chỉ là lực lượng làm chủ tự nhiên một cách thực sự và có ý nghĩa, không chỉ là chủ thể của hoạt động sản xuất vật chất mà còn là yếu tố hàng đầu, yếu tố đóng vai trò quyết định trong lực lượng sản xuất của xã hội. Khi nguồn lực con người được coi là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia thì phát triển giáo dục và đào tạo là phương tiện chủ yếu để quyết định chất lượng con người, là nền tảng của chiến lược con người. Con người vừa là trung tâm của mọi sự phát triển, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Với tư cách là động lực cho sự phát triển, GD và ĐT chuẩn bị cho con người sự phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực, cho lợi ích hiện tại và tương lai của đất nước.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn hiện nay, trên cơ sở kinh tế thị trường, các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới đang trong quá trình thực hiện bước chuyển tiếp trình độ phát triển từ kinh tế công nghiệp sang hậu công nghiệp và kinh tế tri thức. Những thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã biến tri thức thành yếu tố quan trọng bên trong quá trình sản xuất và quyết định sự phát triển của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, giáo dục đã trở thành nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hàm lượng tri thức trong nền kinh tế là nhân tố quy định sự phát triển. hàng hoá nào có hàm lượng tri thức càng cao thì càng có giá trị. Tri thức là nguồn tài nguyên rất đặc biệt, khác với những nguồn tài nguyên khác, tri thức là vô hạn, càng khai thác càng giàu lên, càng cho đi ta càng thu về nhiều hơn. Do vậy, phát triển dựa trên tri thức là phát triển bền vững. Mà tri thức thì chính là những dữ liệu, thông tin hay những kỹ năng mà con người có được qua sự trải nghiệm hoặc thông qua giáo dục. Như vậy, giáo dục chính là yếu tố để gia tăng hàm lượng tri thức trong lĩnh vực kinh tế nói riêng và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung. Cho nên,  GD&ĐT có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giáo dục đại học - lĩnh vực có trọng trách đào tạo đội ngũ lao động trình độ cao. Trường ĐH Tây Bắc, hiểu rõ tầm quan trọng cũng như trọng trách phải đảm nhiệm nên từ khi được thành lập đến nay luôn đề rõ mục tiêu: đào tạo đội ngũ nhân lực vừa hồng vừa chuyên để xây dựng và phát triển vùng Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung.

Với vị trí và vai trò quan trọng, trong những năm gần đây, GD và ĐT ngày càng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: sự nghiệp GD và ĐT nước ta tiếp tục được phát triển và được đầu tư nhiều hơn, đặc biệt nhấn mạnh những thành tựu mà GD Việt Nam đạt được sau gần 30 năm đổi mới, những thành tựu đó đã tác động trực tiếp, to lớn và tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng đưa nước ta nhanh chóng hoàn thành quá trình CNH, HĐH, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng phát triển hiện đại đến năm 2020.  

Bản thân mỗi cá nhân cần nhận thức sâu sắc vị trí và vai trò của GD&ĐT đối với sự phát triển của chính bản thân và toàn xã hội. Sự nghiệp GD&ĐT là sự nghiệp của toàn Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển toàn diện. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”.

 ThS. Phạm Thu Hà

 

 

Tư cách của người giáo viên quan trọng hơn những gì họ dạy rất nhiều

 

                                                                

Trong mọi giai đoạn lịch sử, người thầy bao giờ cũng được xã hội tôn vinh và kính trọng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Nhà giáo dục học Comenxki cũng từng phát biểu “dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Có lẽ vì vậy nên lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Tuy sự cống hiến của thầy giáo là rất thầm lặng nhưng rất mực vẻ vang. “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Và quả thực, người thầy giáo tốtchỉ đứng vững khi có một nhân cách tốt, như Kabl Menninger khẳng định: “Tư cách của người giáo viên quan trọng hơn những gì họ dạy rất nhiều”.

Tư cách của người thầy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến sự phát triển của học trò, bởi vì, cùng với việc dạy chữ, nghề dạy học còn góp phần đào tạo nên những con người – vốn quý của dân tộc. Điều đó làm cho nghề dạy học khác với những nghề khác. Vì phải dạy từng con người cụ thể nên trong giáo dục không thể “rập khuôn” và không được phép có “phế phẩm”. Một nhà tư tưởng đã nói: Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ. Nhưng một hạt kim cương lớn nhất cũng không thể quý hơn một con người sẽ ra đời. Làm hư một con người là một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được.

Do đó, tư  cách  của  người giáo viên vô cùng quan trọng, hơn những gì họ dạy rất nhiều.

Vậy tư cách của người thầy là gì? Gồm những yếu tố nào?

Nói đến tư cách của người thầy là nói đến một hệ thống bao gồm phẩm chất và năng lực, hay là cả đức và tài.

Yếu tố đầu tiên trong phẩm chất người thầy là đạo đức nghề nghiệp, thể hiện ở sự tâm huyết, lối sống chuẩn mực, lòng nhân ái, nghiêm túc và sáng tạo, thành công không kiêu ngạo, thất bại không nản chí, thương yêu gần gũi với học sinh, đoàn kết với đồng nghiệp, như Bác Hồ mong mỏi: phải làm sao để mỗi người thầy không những là nhà sư phạm mà còn là nhà mô phạm.

Yếu tố thứ hai đóng vai trò hạt nhân trong cấu trúc phẩm chất người thầy là lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ, biểu hiện bằng lòng say mê, lương tâm nghề nghiệp, sự tận tụy với học sinh, trách nhiệm trong công việc. Chính lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ của giáo viên tác động đến học sinh làm cho các em ý thức rằng: ở đời này không có con đường cùng của sự đau khổ, bế tắc, tuyệt vọng, mà chỉ có những ranh giới. Điều quan trọng là con người bằng niềm tin, ý chí, nghị lực và sức mạnh của mình sẽ vượt qua những ranh giới đau khổ để đến với bến bờ hạnh phúc. Giáo viên có thể thắp lên tình yêu cuộc sống trong học trò bằng những gì gần gũi thiêng liêng nhất, từ người mẹ chân lấm tay bùn một nắng hai sương đến anh bộ đội đang ngày đêm vật lộn với sóng nước nơi đảo xa để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc...

Yếu tố thứ ba của phẩm chất giáo viên là lòng yêu học sinh. Yếu tố này không có trong sách vở hay kỷ cương nào mà duy nhất chỉ có ở người thầy. Có lẽ những mầm mống của hứng thú sư phạm là ở những hoạt động sáng tạo đầy tình người để tạo ra hạnh phúc cho con người. Lòng yêu học trò luôn gắn bó chặt chẽ với lòng yêu nghề. Yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu.

Nhân cách của người thầy còn được thể hiện ở năng lực chuyên môn hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện, nghiên cứu và sáng tạo trong lao động khoa học. Một học sinh không thể nào tôn trọng, khâm phục khi người thầy có những biểu hiện không đứng đắn về mặt nhân cách hay yếu kém về mặt chuyên môn. Người thầy như một tấm gương để học sinh soi vào đó, khám phá những điều  chưa biết và phấn đấu hoàn thiện bản thân mình. Để có trình độ học vấn đòi hỏi người thầy phải học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt, học mọi lúc, mọi nơi, gắn học với hành.

Năng lực sư phạm cũng là yếu tố quan trọng trong nhân cách người thầy, thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau mà trước hết là năng lực hiểu học sinh, khả năng hòa nhập và đứng vào vị trí của học sinh biết được hoàn cảnh, điều kiện tư chất, trình độ của học sinh để có những phương pháp dạy học phù hợp.

Trong năng lực sư phạm của người giáo viên, không thể không kể đến năng lực chế biến tài liệu học tập. Bằng óc sáng tạo và khả năng phân tích, tổng hợp kiến thứctừ kho tàng tri thức nhân loại, giáo viên phải làm công tác “gia công” cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

Một yếu tố quan trọng nữa là năng lực ngôn ngữ. Người giáo viên nào biết cách khai thác thế mạnh của ngôn từ trong công tác giảng dạy sẽ giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn, lôi cuốn và hứng thú với môn học hơn.

Ngoài ra, nắm vững kỹ thuật dạy học cũng là một trong những năng lực cơ bản góp phần khẳng định phẩm chất, tư cách người giáo viên.

Khi nói về thành công của con trai mình, người mẹ của GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, đó là sự hội tụ của nhiều may mắn: ý chí cá nhân, những điều kiện thuận lợi từ gia đình, xã hội nhưng yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất là môi trường giáo dục với những người thầy tâm huyết, trọng nhân cách đã thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học trong Ngô Bảo Châu ngay từ khi còn là một cậu bé. Điều đó chứng tỏ, trong thời đại nào cũng vậy, nhân cách của người thầy luôn giữ vị trí đặc biệt.

 

Là giảng viên một ngôi trường đại học trên vùng cao tổ quốc, hàng ngày hàng giờ đang miệt mài đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực Tây Bắc, chúng tôi - những kĩ sư tâm hồn - hiểu hơn ai hết sứ mạng cao quý của bản thân mình, chúng tôi hứa luôn nỗ lực và rèn luyện hết mình để vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, yêu ngành nghề, đẹp nhân cách. 

  TS. Lê Thị Vân Anh – Khoa Lý luận Chính trị

TẬP HUẤN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MA TÚY NĂM 2014

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là nhờ vào lực lượng thanh niên”. Thấm nhuần lời Bác dạy, Trường đại học Tây Bắc không chỉ chú trọng giáo dục kiến thức chuyên ngành cho thanh niên sinh viên mà còn quan tâm đến việc tuyên truyền phòng chống ma túy giúp các em có ý thức tránh xa ma túy và sau này khi trở thành giáo viên sẽ là những tuyên truyền viên giỏi trong công tác phòng chống ma túy trong môi trường học đường.

Được sự chỉ đạo của Đảng ủy ngày 2/11/2014, Ban chỉ đạo phòng chống ma túy Trường Đại học Tây Bắc đã tiến hành tập huấn về công tác phòng chống ma túy cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các lớp, liên chi đoàn các khoa và đại diện BCH các công đoàn bộ phận. Nội dung chương trình tập huấn cung cấp những thông tin thời sự về tình hình tội phạm ma túy, công tác phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La và trong nhà trường, những vấn đề trọng tâm có liên quan đến sinh viên; chủ trương chỉ đạo, biện pháp tiến hành phòng, chống ma túy trong trường học; triển khai tố giác, phát giác tội phạm ma túy, người nghi nghiện hoặc liên quan đến ma túy; hướng dẫn kỹ năng sống nhằm góp phần vào công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Đồng chí Nguyễn Triệu Sơn – Phó hiệu trưởng nhà trường, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống ma túy Trường Đại học Tây Bắc đã thay mặt Ban Tổ chức tuyên bố khai mạc buổi tập huấn. Nội dung chương trình tập huấn mở đầu với bài thuyết trình của đồng chí Lừ Thị Minh - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý người học - không chỉ mang đến cho đối tượng được tập huấn các văn bản chỉ đạo của các cấp ủy, Bộ, Ngành về phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội mà còn khiến các bạn trẻ thấy được trách nhiệm cao cả của mình trong công cuộc chống lại chiến lược “dùng cộng sản con đánh cộng sản cha” của các thế lực thù địch.

Báo cáo chuyên đề thứ 2 đồng chí Vũ Thị Đức – giảng viên Khoa Nông Lâm với phương pháp dạy học trực quan đã mang đến cho buổi tập huấn những hình ảnh sinh động, những con số đáng báo động về tình hình tệ nạn ma túy, HIV và tội phạm ma túy, HIV trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Sơn la nói riêng. Qua những trò chơi vui vẻ đã dẫn dắt người nghe đến kiến thức sinh học về cơ chế nghiện ma túy và giải thích cách cai nghiện hiệu quả bằng liệu pháp sử dụng methadone đang được áp dụng trong cả nước và tại địa phương (cụ thể là tại huyện Mai Sơn và thành phố Sơn La).

Sau khi sinh viên đã hiểu được tác hại của tệ nạn ma túy, tự ý thức được vai trò của cá nhân cũng như tập thể lớp, khoa mình trong công tác phòng, chống ma túy thì việc ký kết giao ước thi đua phòng, chống ma túy là việc rất cần thiết. Công việc quan trọng đó đã được đồng chí Trần Thị Thanh Hồng – Phó Ban chỉ đạo phòng chống ma túy Trường Đại học Tây Bắc triển khai.

Kết thúc buổi tập huấn các em sinh viên được yêu cầu viết bài thu hoạch trình bày nhận thức của bản thân về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống ma túy trong học đường.

Buổi tập huấn tuy chỉ kéo dài một buổi sáng nhưng thực sự thu hút được học viên để lại trong lòng mỗi người tham dự sự tự ý thức, vai trò, trách nhiệm của bản thân trong công tác phòng, chống ma túy, HIV. Thiết nghĩ đây là việc làm ý nghĩa cần được nhân rộng hơn nữa không chỉ trong phạm vi chung là Nhà trường mà còn cần được các Liên chi đoàn triển khai đến từng đoàn viên trong từng khoa góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy trong môi trường học đường tiến tới làm trong sạch xã hội, đập tan âm “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.

 

                                                                                                           Tác giả: Nguyễn Thị Hương