THỰC HIỆN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Dân chủ là một phạm trù chính trị - xã hội xuất hiện khá sớm trong nền văn minh nhân loại, gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử qua các thời đại, các chế độ xã hội khác nhau với nội dung cơ bản: dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân.

Ở Việt Nam, mầm mống tư tưởng dân chủ đã có từ lâu, như một nhu cầu tự nhiên mang bản tính người của con người trong đấu tranh tồn tại và cố kết cộng đồng. Song, người Việt Nam chỉ biết đến và được hưởng quyền dân chủ thực sự từ khi Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và tiến hành hiện thực hóa tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội.

Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, kế thừa và phát triển sáng tạo tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đó là hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về một nền dân chủ mang bản chất giai cấp công nhân ở Việt Nam. Có thể khái quát nội dung tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh ở những điểm chính sau:

Hồ Chí Minh quan niệm dân chủ nghĩa là “dân là chủ và dân làm chủ”. Chữ “dân” được Hồ Chí Minh khẳng định là đông đảo những người lao động, bị áp bức, không có chức quyền, là toàn dân Việt Nam, trừ bọn phản động, tay sai đế quốc thực dân. “Làm chủ” là tự chủ, biết phát huy năng lực sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hồ Chí Minh quan niệm chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa được xây dựng và bảo đảm trên cơ sở một nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể giữ vai trò chủ đạo và một nền kinh tế mở: công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi, công nông giúp nhau, lưu thông trong ngoài.

Muốn có dân chủ phải tiến hành đấu tranh cách mạng để cải tạo xã hội cũ, kiến thiết xã hội mới. Dân chủ trước hết là quyền dân tộc độc lập, dân tộc tự quyết, quyền tự do chính trị của nhân dân, quyền nhân dân tự quyết định vận mệnh và cuộc sống của mình. Phải đem sức ta mà giải phóng cho ta, xóa bỏ ách nô lệ, làm cách mạng dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường phát triển duy nhất của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, là cái đảm bảo chắc chắn cho “dân là chủ và dân làm chủ”, đảm bảo cho mọi người, mọi dân tộc thực hiện chân lý "không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Xuất phát từ quan điểm, hướng đổi mới, kiện toàn cơ chế thực hiện dân chủ trong toàn xã hội của Đảng cầm quyền và ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tôi cho rằng, việc vận dụng tư tưởng và phương pháp dân chủ của Hồ Chí Minh thực hiện dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay cần chú ý những yêu cầu sau:

Thứ nhất: Yêu cầu toàn Đảng, toàn dân nhận thức toàn diện, đầy đủ, sâu sắc hơn bản chất dân chủ XHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện và hoàn thiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây là yêu cầu vừa tất yếu vừa cấp thiết trong thực hiện dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh chứa đựng những giá trị sâu sắc trong những câu chữ, ngôn từ giản dị. Đồng thời, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam có tính nguyên lý, phương pháp luận cần phải nghiên cứu, vận dụng phù hợp với từng hoàn cảnh, từng thời kỳ. Nó có giá trị nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động của chúng ta trong thực hiện dân chủ để khỏi chệch hướng XHCN.

Dân chủ XHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh là sự biểu hiện tính nhân đạo sâu sắc của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong lịch sử và đương đại. Tư tưởng đó của Người đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và dân chủ nhân quyền phải đảm bảo trong chủ quyền quốc gia, không chấp nhận sự áp đặt nhận thức, nội dung dân chủ của quốc gia này đối với quốc gia khác.

Diễn biến tình hình chính trị thế giới ngày càng phức tạp, hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa và công nghệ thông tin quốc tế phát triển mạnh mẽ và đang tác động đến nhận thức, quan niệm về dân chủ XHCN ở một bộ phận dân cư. Vì thế, chúng ta phải cảnh giác, đấu tranh để giữ vững bản chất dân chủ XHCN, chống lại mọi khuynh hướng dân chủ tư sản tràn vào hòng phá hoại chủ quyền đất nước.

Thứ hai: Yêu cầu Đảng phải tự mình nêu gương về dân chủ và lãnh đạo chặt chẽ quá trình thực hiện, phát huy dân chủ XHCN.

Dân chủ mang tính giai cấp, nền dân chủ nào cũng phụ thuộc vào đường lối chính trị của giai cấp lãnh đạo, của Đảng cầm quyền. Đảng ta là đảng cầm quyền. Do đó, Đảng phải tự chỉnh đốn, đổi mới và kiện toàn phương thức lãnh đạo quá trình thực hiện và phát huy dân chủ XHCN trên cả hai phương diện có quan hệ nội tại: thực hành, phát huy dân chủ của hệ thống chính trị XHCN và thực hiện, phát huy dân chủ XHCN của nhân dân.

Thứ ba: Yêu cầu đổi mới và kiện toàn năng lực thực hành dân chủ XHCN trong các thiết chế của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở.

Thực hành dân chủ XHCN ở cấp cơ sở, quan hệ trực tiếp đến quyền là chủ và làm chủ của nhân dân, nhưng lại là khâu yếu kém ở nước ta hiện nay. Điều đó có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng là cơ chế hoạt động và quan hệ của các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị các cấp chưa thật rõ ràng, cụ thể, đặc biệt, con người trong hệ thống chính trị các cấp còn yếu về năng lực thực hành dân chủ.

Do đó, yêu cầu đặt ra với cấp cơ sở là phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị. Lựa chọn và bố trí đúng cán bộ chủ chốt để họ phải là những người có tư tưởng, đạo đức XHCN, lối sống dân chủ nhưng nhất thiết phải là người am hiểu luật pháp và có năng lực thực thi công vụ trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Thứ tư: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật của chế độ dân chủ XHCN.

Chế độ dân chủ XHCN chỉ tồn tại vững chắc trên một nền tảng kinh tế - kỹ thuật của CNXH. Những năm tới đây nước ta vẫn trong thời kỳ quá độ lên CNXH, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là tất yếu khách quan, hợp quy luật phát triển.

Thứ năm: Yêu cầu giải quyết tốt quan hệ nâng cao năng lực làm chủ và đề cao địa vị là chủ của người dân, nhưng phải gắn với luật pháp, với kỷ cương xã hội nhằm xây dựng nền pháp chế XHCN.

“Dân là chủ” và “làm chủ” là mục tiêu và nguyên tắc tổ chức, vận hành của chế độ ta - chế độ dân chủ XHCN. Nhưng quyền và nghĩa vụ dân chủ của công dân được quy định trong hiến pháp, các luật và văn bản dưới luật và được pháp luật bảo vệ. Dân thực thi đúng pháp luật là biểu hiện năng lực thực hành dân chủ của họ, là thực hiện quyền dân chủ của công dân. Trình độ dân chủ XHCN không chỉ được đánh giá qua cơ chế, thiết chế dân chủ mà còn bằng năng lực thực hành dân chủ của nhân dân. Yêu cầu kiện toàn hệ thống pháp luật và nâng cao ý thức dân chủ của dân là hai vấn đề phải tiến hành song song hình thành nền pháp chế XHCN. Đồng thời phải tăng cường giáo dục pháp luật để dân hiểu và thực thi đúng pháp luật.

Dân chủ là khát vọng của toàn nhân loại, nó mang giá trị chung của nhân loại. Nhưng trên con đường vươn tới khát vọng đó nó bị chi phối bởi các đảng chính trị và mang dấu ấn của điều kiện kinh tế - xã hội. Đó là quy luật. Đất nước ta dù với muôn vàn khó khăn, điểm xuất phát kinh tế tương đối thấp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng với sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong tình hình mới, chúng ta có quyền tự hào rằng, đã có một nền dân chủ hiện thực không ngừng tiến bộ phù hợp với điều kiện của mình và xu thế thời đại. Đó là điều bất cứ ai cũng đều thấy.

 

 Th.S. Đào Thị Thúy Loan

Bí mật tháp Ponagar

Ponagar là một huyền thoại về kiến trúc Chămpa, có lẽ chỉ xếp sau Di sản Mỹ Sơn nhưng hệ thống 22 trụ tháp mà Ponagar có được thì không đâu sánh bằng. Khám phá Ponagar cũng là khám phá những huyền bí xung quanh ngọn bảo tháp tuyệt đẹp này.

       

                                                 Quần thể tháp Ponagar.

Nha Trang (Khánh Hoà) thơ mộng càng thêm mộng mơ bởi bảo tháp màu mật Ponagar lấp ló bên những tán cây cổ thụ trên đồi Cù Lao ven con sông Cái hiền hoà. Nhưng từ cây cầu Xóm Bóng ngước lên, Ponagar như một lâu đài cổ vĩ đại – nơi người Mẹ xứ sở dân tộc Chăm trú ngụ trên 1.200 năm qua.

Theo truyền thuyết, nữ thần Ponagar được tạo ra bởi áng mây trời và bọt biển. Mẹ Ponagar tạo dựng sự sống và dạy dỗ con dân lao động, mưu sinh. Vì thế, Ponagar không bao giờ vắng bóng người Chăm. Họ đến để cúng tế, hát nhạc và dâng lên vị thần của mình những gì tinh tuý nhất.

Cũng giống với hệ thống kiến trúc tháp Chàm khác, Ponagar vĩ đại còn giữ nguyên được các tháp chính và tháp Đông – Tây – Nam – Bắc. Và kỳ diệu hơn là 22 trụ tháp được gọi là cột tiền đình hay nhà tịnh tâm gây ấn tượng mạnh với bất kỳ ai bước vào.

Những cột tháp xây bằng gạch hình bát giác xếp ngay ngắn hai bên bậc thềm dẫn lên tháp chính. Cho đến nay, chưa có một lý giải thích thỏa đáng nào về ý nghĩa thật và cung cách xây dựng 22 trụ tháp ấy. Nhưng người Chăm tin rằng, đó là những cột tháp chống trời vì với họ, Ponagar là mái nhà chung của con dân Chămpa.

Ponagar còn ẩn chứa những bí mật bất ngờ về những tấm bia ký cổ khắc bằng chữ Sanskrit của Ấn Độ, chữ Chămpa trên đá, gạch và cả thân tượng. 20 bộ bia ký một thời bị lưu lạc nhưng đến nay được quy tụ tại Ponagar là những “nhân chứng” sống động về lịch sử, văn hoá, lai lịch vua chúa Chămpa xưa. 

Tổng thể kiến trúc của   Ponagar gồm 3 tầng. Ở tầng thấp, ngang mặt đất là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. 

Ở tầng giữa gọi là Mandap dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ). Các cột trụ này còn có tên gọi khác là cột tiền đình. Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ.

Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23 mét, là tháp Ponagar. Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong là tượng nữ thần tạc bằng đá hoa cương màu đen ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. 

Đến với Ponagar là đến với một kiệt tác về điêu khắc Chămpa. Cũng từ ngôi tháp này, bạn sẽ thấy Nha Trang đẹp hơn, lung linh và huyền diệu trước màu xanh nước biển.

Sưu tầm - Th.sĩ : Giáp Thị Dịu

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG - NỀN TẢNG CỦA ĐẠO ĐỨC MỚI CHO THẾ HỆ THANH NIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

Truyền thống là thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo Từ điển Bách khoa Triết học của Liên Xô, thì từ "truyền thống" (bắt nguồn từ tiếng Latinh là Traditio - có nghĩa là sự chuyển giao, lưu truyền lại), được hiểu là các yếu tố của di sản văn hóa và xã hội được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác và được bảo tồn, gìn giữ lâu dài trong các xã hội, giai cấp hay nhóm xã hội nhất định. Truyền thống bao gồm các đối tượng của di sản xã hội (các giá trị vật chất và tinh thần), quá trình kế thừa xã hội, các phương thức của nó. Trong truyền thống có các quy định, các tiêu chuẩn hành vi, các giá trị tư tưởng, thói quen, tập tục... của các xã hội nhất định.

Với tư cách là một yếu tố thuộc di sản văn hóa và xã hội, giá trị truyền thống được hiểu một cách cụ thể hơn: là tập hợp những tư tưởng và tình cảm, những thói quen trong tư duy, lối sống và ứng xử của một cộng đồng người nhất định được hình thành trong lịch sử và đã trở nên ổn định, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ta thường nói: truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, truyền thống lao động cần cù hay truyền thống nhân ái, thương người... của dân tộc ta. Truyền thống là tinh hoa đã được chắt lọc qua thử thách của thời gian và được nâng cao dần theo trình độ phát triển mọi mặt của con người và xã hội mà không xa rời nguồn cội. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những truyền thống đó đã tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam, tâm hồn và bản lĩnh của con người Việt Nam.

Thanh niên là lực lượng quan trọng, đóng vai trò to lớn đối với thành công của công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là một thế hệ, một lớp người năng động và dễ tiếp thu cái mới nhất trong xã hội, họ cũng là tầng lớp chịu ảnh hưởng lớn nhất của những điều kiện kinh tế - xã hội mới, của cơ chế thị trường và việc mở rộng giao lưu quốc tế.

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có những chính sách nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống và những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, nhưng trong thời gian qua, vẫn còn không ít cách nghĩ, cách làm lệch lạc trong việc định hướng và giáo dục giới trẻ thái độ đối với truyền thống dân tộc. Trong giáo dục đạo đức, công tác lý luận chưa làm rõ nhiều vấn đề nổi lên trong quá trình đổi mới, trong đó có các vấn đề như xác định những giá trị truyền thống cũng như hệ giá trị mới cần xây dựng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trong giới trẻ.

Truyền thống Việt Nam mang các đặc trưng cơ bản như: tính cộng đồng, tính ổn định và tính lưu truyền: Trong đó, tính cộng đồng của truyền thống thể hiện ở chỗ, truyền thống bao giờ cũng là truyền thống của một cộng đồng nhất định nào đó. ở Việt Nam, tính cộng đồng biểu thị tập trung ở ba kết cấu xã hội chủ yếu là: nhà - làng - nước.

Nhà (gia đình - dòng họ): vừa là tế bào xã hội, vừa là đơn vị sản xuất trong nền kinh tế tiểu nông. "Nhà" Việt Nam là kiểu gia đình phụ hệ, hay là cả một dòng họ, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nuôi dạy và giáo dục con cái, hình thành nhân cách và các phẩm chất đạo đức ban đầu cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Làng là tập hợp nhiều gia đình tụ cư trong một khu vực địa lý nhất định. Làng Việt Nam là một cấu trúc cộng đồng gồm nhiều cấp độ, quan hệ... liên kết chặt chẽ với nhau. Trong lịch sử dân tộc, làng Việt Nam là đơn vị cộng đồng tạo ra sức mạnh liên kết trong lao động sản xuất, trong đời sống tinh thần, trong việc giáo dục, dạy dỗ con em.

Nước là cộng đồng lớn bao trùm, tập hợp nhiều làng, nhiều vùng, nhiều tộc. Nước Việt Nam ta đã hình thành và phát triển rực rỡ từ hàng ngàn năm nay và mang những cái tên thể hiện lòng tự hào dân tộc như: Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam... Các cộng đồng nhà - làng - nước là nơi tiếp nhận, gìn giữ và lưu truyền qua ngàn đời các truyền thống của dân tộc và truyền lại cho con cháu.

Truyền thống dân tộc được hình thành dần dần qua các hoạt động lịch sử của con người. Sau khi hình thành, nó mang tính ổn định tương đối. Ổn định vì khi nói đến truyền thống, là ta nói đến một cái gì đó lâu dài, ít thay đổi. Nếu không có các yếu tố ổn định thì truyền thống không còn là truyền thống nữa. Như truyền thống yêu nước, truyền thống lao động cần cù, tiết kiệm, truyền thống hiếu học... đã trở thành bản tính của con người Việt Nam từ xưa tới nay. Tuy nhiên, tính ổn định đó chỉ là tương đối vì bản thân truyền thống cũng có quá trình hình thành, phát triển theo thời gian, trong những điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể. Mỗi khi những điều kiện đó thay đổi thì truyền thống cũng có những thay đổi cho phù hợp, có mặt được kế thừa và phát triển, có mặt không còn mang tính tích cực nữa sẽ bị đào thải và loại bỏ, và những truyền thống mới sẽ lại được hình thành...

Truyền thống khi đã hình thành, trở nên ổn định thì sẽ được gìn giữ và truyền từ đời nay sang đời khác. Truyền thống bắt nguồn từ lịch sử, nhưng không phải mọi thứ thuộc về lịch sử đều là truyền thống, mà chỉ có những gì được sao phỏng, được kế thừa, được lưu truyền thì mới được gọi là truyền thống. Truyền thống được lưu giữ, được kế thừa sẽ tạo nên bản sắc của cả dân tộc. Bản sắc dân tộc ta là những nét riêng, độc đáo, đã tạo nên một dân tộc Việt Nam không thể hòa lẫn vào các dân tộc khác. Trở lại với quá khứ xa xôi hàng ngàn năm trước, trong suốt gần 1000 năm bị phong kiến Trung Quốc đô hộ, hơn 100 năm bị thực dân xâm lược, kẻ địch đã không thể đồng hóa được dân tộc ta, chính vì ta đã gìn giữ được bản sắc của dân tộc, bảo vệ được những giá trị văn hóa, tinh thần mà cha ông ta để lại. Một dân tộc Việt Nam, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, vẫn đứng vững được như ngày hôm nay, là vì đã luôn gìn giữ, phát huy được bản lĩnh, bản sắc dân tộc mình và trao truyền nó từ đời này cho đời khác.

Truyền thống là cái chung của cả một cộng đồng nào đó nhưng nó lại tồn tại cụ thể trong mỗi cá nhân, được biểu hiện qua tâm lý, đạo đức, lối sống, phong cách, phương pháp, kỹ năng hoạt động... của từng con người cụ thể. Việc chuyển tải truyền thống từ thế hệ này qua thế hệ khác cũng do con người thực hiện, bằng cách "đầu tiên bằng ngôn ngữ nói, bằng ký ức cá nhân và ký ức tập thể rồi sau đó bằng ngôn ngữ viết. Giáo dục là phương thức bảo tồn và phát huy hệ thống giá trị chung của cả loài người, là phương tiện quan trọng nhất để chuyển tải và trao truyền các giá trị truyền thống, đào tạo những con người mang các giá trị truyền thống và sáng tạo các giá trị mới. Đó là con đường đặc trưng nhất để con người tồn tại và phát triển.

Theo C.Mác: Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội. Truyền thống là một trong những yếu tố cấu thành các quan hệ xã hội, vì vậy nó góp phần vào việc hình thành bản chất con người, thể hiện ở các khía cạnh sau:

- Là cơ sở vững chắc để hình thành nên các giá trị mới ở con người.

- Là nền tảng tinh thần có tác dụng ngăn chặn, hạn chế những hiện tượng xấu, tiêu cực trong đời sống xã hội và xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.

- Là "bộ lọc" nhằm giữ sự phát triển đúng hướng, điều tiết các mối quan hệ và chọn lọc các giá trị trong quá trình giao lưu văn hóa với nước ngoài, tránh được sự đồng hóa của văn hóa ngoại bang và gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Là cội nguồn tạo ra sức mạnh nội sinh của cả dân tộc, của mỗi cộng đồng dân cư, của mỗi dòng họ, mỗi gia đình và mỗi một con người.

- Là nền tảng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của đất nước, là ngọn nguồn, là động lực làm nên tinh thần và sức sống của dân tộc. Bởi vì trong truyền thống văn hóa của dân tộc cũng có nội dung phản ánh thời đại, có nội dung phản ánh tính dân tộc và tính nhân loại... Các giá trị truyền thống là những "hạt nhân hợp lý", có vai trò như những đòn bẩy của xã hội trong tiến trình hiện đại hóa.

Trong hệ thống giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam ta thì nổi bật nhất là đạo đức truyền thống. Đạo đức truyền thống đã được gìn giữ và nâng cao từ đời này qua đời khác trở thành một tình cảm sâu sắc, một lẽ sống của toàn thể nhân dân, một niềm tự hào cao quý ở mỗi người, là những quan điểm, quan niệm, nguyên tắc, chuẩn mực, hành vi ứng xử, thói quen, tập quán... đạo đức đã có từ lâu đời và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đạo đức truyền thống Việt Nam là bản sắc của dân tộc Việt Nam, là cốt lõi của đời sống văn hóa, tinh thần của chúng ta. Đó không phải là một cái gì thiên định, mà được hình thành và được bồi đắp qua hàng thế kỷ cho đến ngày nay, trong những điều kiện địa lý lịch sử đặc biệt của dân tộc ta.

Dựa vào tiêu chí xác định giá trị đạo đức, từ quan điểm của Đảng ta cũng như của các nhà khoa học, có thể khái quát nội dung của các giá trị đạo đức truyền thống chủ yếu cần có của thanh niên Việt Nam hiện nay, bao gồm: Chủ nghĩa yêu nước; Lòng nhân ái thương người; Tinh thần đoàn kết cộng đồng; Đức tính yêu lao động, cần cù, tiết kiệm; Tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo; Đức tính khiêm tốn, giản dị, trung thực, lạc quan...

v Yêu nước là tình yêu quê hương đất nước, là lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân, là phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc và nhân dân bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Dân tộc nào cũng có lòng yêu nước. Tuy nhiên, lòng yêu nước đó được hình thành như thế nào, hình thức, nội dung và mức độ biểu hiện của nó ra sao lại phụ thuộc vào điều kiện đặc thù của mỗi dân tộc. Giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ, là yêu cầu cấp thiết giai đoạn hiện nay và chỉ có yêu nước họ mới có lý tưởng cách mạng triệt để, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, đứng vững trước làn sóng hội nhập kinh tế - văn hóa thế giới và đặc biệt hoàn thành sứ mệnh là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

v Lòng nhân ái, thương người của cha ông ta bắt nguồn từ lối sinh hoạt gần gũi, thân thiết của họ trong cộng đồng làng - xã ở nông thôn, từ các mối quan hệ dòng tộc ở nơi cư trú từ thời xưa và được củng cố sâu sắc thêm qua quá trình chung lưng đấu cật khai phá giang sơn và giữ gìn đất nước. Lòng thương yêu và quý trọng con người của người Việt Nam thể hiện sâu sắc trong tình cảm của những thành viên trong một gia đình, mở rộng trong quan hệ giữa gia đình và làng xóm, từ đó thấm đượm ra cả cộng đồng dân tộc. Người Việt Nam lấy tình thương yêu làm nền tảng cho cách đối nhân xử thế của mình, thường trọng tình hơn trọng lý. Trong quan hệ giữa người với người, tình cảm luôn có vị trí đặc biệt: Tình ruột thịt, tình vợ chồng, tình anh em, tình đồng bào, đồng chí... Thương yêu và quý trọng con người, đề cao con người với lòng tự hào chân chính về sức mạnh và vẻ đẹp cao quý của nó là phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc ta.

v Tinh thần đoàn kết cộng đồng cũng là một trong những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của nhân dân ta, là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc ta từ xưa đến nay. Tinh thần đoàn kết của cha ông ta được bắt nguồn từ lòng yêu nước và là biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước. Với những điều kiện lịch sử, tự nhiên và xã hội đặc trưng của đất nước thì tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng là điều kiện tất yếu để bảo vệ dân tộc, bảo vệ nòi giống, giúp dân ta vượt qua được những thử thách khắc nghiệt. Từ kinh nghiệm thực tế và lịch sử ông cha ta đã khái quát lên rằng: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

vĐức tính yêu lao động, cần cù, tiết kiệm là giá trị đạo đức lâu đời của nhân dân ta. Chính điều kiện khó khăn trong lao động sản xuất và kiếm sống đã hình thành nên đức tính này ở người Việt Nam. Lao động không chỉ là điều kiện tất yếu của quá trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người nói chung, của dân tộc ta nói riêng mà còn là môi trường rèn luyện và phát triển những năng lực và phẩm chất tinh thần của con người.

vTinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam thể hiện rất rõ nét và lâu dài trong lịch sử dân tộc. Trong lịch sử của nền giáo dục nước ta, luôn tồn tại song song hai dòng giáo dục: dòng giáo dục chính thống thông qua hệ thống tổ chức nhà trường, chế độ học tập, chế độ thi cử, các nề nếp và thể thức chung...; dòng giáo dục dân gian hình thành và phát triển từ trong hoạt động sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ngoài những giá trị chủ yếu trên, còn có những đức tính phổ biến hợp thành trong hệ thống giá trị đạo đức truyền thống dân tộc như tính khiêm tốn, giản dị, trung thực, thủy chung... Đó cũng là những đức tính tốt đẹp mà các thế hệ, đặc biệt là thanh niên cần quý trọng và gìn giữ.

Có thể nói, dân tộc Việt Nam sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, vẫn đứng vững và phát triển được như ngày hôm nay là vì chúng ta đã luôn gìn giữ và phát huy được bản sắc dân tộc mình, đó là giá trị truyền thống. Đây chính là nền tảng của nền đạo đức mới mà chúng ta cần xây dựng cho thế hệ thanh niên hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011

 

2. Hồ Chí Minh. Toàn tập, (tập 1), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1999.

                                                                                         Th.S Hoàng Phúc 

THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ CƠ SỞ Ở XÃ, PHƯỜNG - THÀNH TỐ QUAN TRỌNG CỦA NỀN DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta rất coi trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân. Ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 30 CT/TW về xây dựng quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Tiếp đó, ngày 15/05/1998, để cụ thể hoá Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 29 NĐ/CP về ban hành “Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường” vàChỉ thị số 24/1998 CT/TTg ngày 19/6/1998 “Về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng bản, thôn ấp, cụm dân cư”. Đây là những văn bản quan trọng do Đảng, Nhà nước ban hành. Tinh thần cơ bản của các Chỉ thị và Nghị định này là làm sao dân chủ XHCN được mở rộng, với hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở sẽ góp phần quan trọng củng cố quyền làm chủ của nhân dân,nhằm phát huy sức sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, tăng cường đoàn kết toàn dân, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Qua quá trình triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, thực tế đã cho thấy kết quả bước đầu là rất quan trọng. Tuy vậy, vẫn còn bộc lộ những thiếu sót, yếu kém như: quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực. Tệ quan liêu, cửa quyền, hách dịch, mệnh lệnh, tham nhũng, gây phiền hà cho dân vẫn còn khá phổ biến và nghiêm trọng mà chưa đẩy lùi được, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chậm đi vào cuộc sống. Ở Việt Nam, xã, phường, là đơn vị hành chính cơ sở trực tiếp nhất, gần dân nhất trong hệ thống chính trị. Là nơi người dân thực hiện quyền dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc trong cộng đồng dân cư, bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; là nơi dân sản xuất, kinh doanh, lao động, và học tập. Xã, phường cũng là nơi nảy sinh và giải quyết những công việc hàng ngày trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội; cũng là nơi hiện thực hóa mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Dân chủ ở xã, phường là thực hiện những nội dung dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi, đến với từng người dân nhằm phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự công cộng.

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây là quy trình phản ánh quá trình từ nhận thức đến hành động; qua kiểm tra, đánh giá kết quả hành động, rồi tiếp tục nhận thức và hành động với kết quả cao hơn..

“Dân biết” ở đây được hiểu là quyền được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và trung thực. Qua sự nhận biết từ thông tin, dân biết được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó mới hiểu, mới có cơ sở để “bàn”, để “làm” và để “kiểm tra”. Do vậy, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và hệ thống chính trị cơ sở là phải thông báo thường xuyên, đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những vấn đề kinh tế, xã hội của địa phương một cách sâu rộng trong nhân dân. Đó là bước cụ thể hoá quyền được thông tin của công dân quy định tại Điều 59, Hiến pháp 1992.

“Dân bàn” - là một khái niệm để chỉ quyền tham gia ý kiến của nhân dân, bàn để đi đến những quyết định trực tiếp; bàn để thực hiện; bàn để tham gia ý kiến, để từ đó cơ quan đại diện quyết định.

“Dân làm” – dân là chủ thể trực tiếp của quá trình thực hiện, khi được biết, được bàn, được tham gia ý kiến, thì việc thực hiện sẽ thuận lợi. Tư tưởng là cái gốc của hành động; tư tưởng thông, hành động cách mạng của nhân dân sẽ được đẩy lên mức cao; dân hồ hởi, phấn khởi thì đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ trở thành phong trào thi đua sâu rộng và có hiệu quả trong nhân dân.

“Dân kiểm tra” – đây là vấn đề thuộc bản chất của nền dân chủ XHCN, nhân dân có quyền kiểm tra, thanh tra hoạt động của các tổ chức, cơ quan Nhà nước trong khuôn khổ pháp luật; từ công tác kiểm tra để có kiến nghị chấn chỉnh, bổ sung… với mục đích là làm cho hoạt động của các cơ quan này lành mạnh hơn, dân chủ và hiệu quả hơn.

Cả bốn khâu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là một quy trình “kín”, có mối liên hệ chặt chẽ, thúc đẩy, tác động lẫn nhau nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện dưới hai hình thức: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Để phát huy chế độ dân chủ đại diện, phải nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, đồng thời thực hiện từng bước vững chắc chế độ dân chủ trực tiếp.

Tuy nhiên, việc thực thi được dân chủ ở cơ sở ở nước ta còn có những khó khăn, trở ngại nhất định, đó là:

Thứ nhất: khu vực nông thôn, miền núi kinh tế phát triển chậm, cơ sở vật chất - kỹ thuật còn nhiều mặt hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Điều kiện được tiếp cận các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo.

Thứ hai: ý thức học tập, nghiên cứu và triển khai nghị quyết của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn yếu. Tình trạng mất dân chủ, đoàn kết ở một số đơn vị chậm khắc phục và xử lý chưa dứt điểm, chất lượng đội ngũ cán bộ chủ trì còn nhiều bất cập. Một bộ phận cán bộ thoái hoá, biến chất, tham nhũng chưa được xử lý nghiêm minh, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thứ ba: ý thức chính trị còn thấp, sức ỳ, tâm lý an phận còn khá phổ biến trong dân cư. Bản thân người dân chưa nhận thức được việc thực hiện QCDC ở cơ sở vừa là quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm trên địa bàn mình sinh sống, do đó, dẫn đến QCDC còn bị vi phạm ở nhiều nơi…

Để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, trong thời gian tới cả hệ thống chính trị cần chú trọng, đẩy mạnh thực hiện những giải pháp cụ thể sau đây nhằm phát huy hiệu quả, bền vững QCDC ở cơ sở xã, phường:

Một là, không ngừng nâng cao nhận thức, năng lực thực hành dân chủ cho cán bộ và nhân dân.

QCDC ở cơ sở ra đời là quá trình khảo sát tình hình thực tiễn, sự tìm tòi, tổng kết của Đảng và Nhà nước ta nhằm đáp ứng đòi hỏi bức xúc của cuộc sống. Dân chủ là khát vọng sâu xa của quần chúng nhân dân lao động, là yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng, tổ chức, triển khai, thực hiện QCDC ở cơ sở. Một số bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức về vấn đề dân chủ. Do vậy, việc triển khai thực hiện quy chế còn gặp khó khăn, thực hiện không hiệu quả. Trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xem đây là khâu đột phá quan trọng để phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cơ sở. Công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng, nhà nước cho dân, cho công nhân viên chức biết để kiểm tra, giám sát…Muốn vậy phải cụ thể hoá QCDC thành những quy định, nguyên tắc và quy trình thực hiện dân chủ, nhất là những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, như các dự án quy hoạch phát triển hạ tầng, đất đai, lợi ích công…

Hai là, củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân.

- Đối với Đảng bộ, chi bộ Đảng trên địa bàn xã, phường.

Đảng bộ, chi bộ xã có trách nhiệm rất lớn trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Trong thời gian qua, các chi bộ thuộc Đảng bộ xã đã thực hiện tốt vai trò của mình. Song, một số nơi, vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng chưa được phát huy, năng lực công tác yếu kém, thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên vẫn còn là tình trạng khá phổ biến, chưa được khắc phục. Nhận thức về Chỉ thị 30 CT/TW chưa sâu sắc; một vài nơi, chi bộ chưa phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo bàn bạc, tham gia ý kiến của quần chúng nhân dân; việc triển khai quy chế còn hình thức, chưa sâu sắc, chưa gắn việc thực hiện QCDC với việc vận động, chỉnh đốn Đảng. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng ở cơ sở là điều kiện, giải pháp quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi QCDC ở cơ sở. Trước tiên, cần phải nâng cao năng lực trí tuệ của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên ở cơ sở. Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị cơ sở. Năng lực trí tuệ của tổ chức cơ sở Đảng phản ánh tập trung ở chất lượng các quyết sách chính trị, các quyết sách đó phải mang tính sát thực, phản ánh đúng những vấn đề bức xúc của cơ sở; đồng thời định hướng vào việc tạo nên bước chuyển biến đồng bộ và căn bản tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Đối với các cấp chính quyền xã, phường.

Chính quyền cấp xã, phường là yếu tố trụ cột của hệ thống chính trị cơ sở. Chính quyền địa phương mà trực tiếp ở đây là Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, phường đó là những cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương. Phải củng cố, kiện toàn các cơ quan quyền lực này vì trong quá trình hoạt động của mình, tuy đã có những tiến bộ nhất định, song bên cạnh đó tình trạng chính quyền vẫn còn những hiện tượng như: cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, QCDC tuy đã được triển khai, nhưng chưa sâu rộng…Vì vậy, việc thực hiện QCDC ở cơ sở muốn được phát huy thì phải kiện toàn, củng cố bộ máy chính quyền, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong các hoạt động của chính quyền cơ sở, mà nội dung chính đó là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, năng lực hoàn thành các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo chức danh và chế độ công vụ, tập trung đổi mới nhằm giảm bớt sự phiền hà đối với nhân dân; xử lý đúng đắn, nhanh gọn các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước. Có như vậy, dân mới tin tưởng vào chính quyền, mới cùng chính quyền thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới nói chung, thực hiện QCDC ở cơ sở nói riêng.

- Đối với các đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội.

Các tổ chức đoàn thể nhân dân như MTTQ, công đoàn, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh…có vai trò quan trọng trong thực hiện QCDC ở cơ sở: tạo sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong các tầng lớp nhân dân, xây dựng môi trường chính trị - xã hội lành mạnh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tích cực phát huy quyền làm chủ của mình. Các tổ chức có nhiệm vụ cùng với các cấp uỷ Đảng, chính quyền kiểm tra việc tổng kết, thực hiện quy chế.

Tuy nhiên trong các hoạt động của mình, nhiều hạn chế, thiếu sót vẫn còn tồn tại: tính tích cực, chủ động chưa cao, chưa phát huy được công tác đại diện dân kiểm tra, giám sát các cơ quan dân cử, giám sát pháp luật, thực thi dân chủ… Do vậy, việc củng cố, kiện toàn các đoàn thể nhân dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhằm củng cố, tăng cường cơ sở chính trị của quyền lực Nhà nước, nâng cao chất lượng phối hợp và thống nhất hành động của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện mục tiêu “dân làm chủ”.

Ba là, thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí trên địa bàn xã, phường.

Trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí cao là điều kiện vật chất, tinh thần cơ bản bảo đảm để thực hiện dân chủ. Trình độ kinh tế - xã hội, trình độ dân trí thấp kém thì không những không có điều kiện đảm bảo để thực hiện dân chủ, đôi khi còn dẫn đến thực hiện sai, không hiệu quả.

Phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, phường việc trước tiên cần phải thực hiện là phát triển lực lượng sản xuất, phải có chính sách cụ thể nhằm phát huy tinh thần tự chủ trong sản xuất và phát triển kinh tế gia đình; có chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý, phù hợp với điều kiện của xã nhà; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đối với nông nghiệp. Thực hiện QCDC ở cơ sở phải gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, đây là một yếu tố quan trọng. Nếu xã hội mất ổn định, tệ nạn xã hội gia tăng, tình trạng bất bình đẳng còn phổ biến, người dân còn chịu cảnh đói nghèo… thì tất yếu dân chủ không được đảm bảo.

Bốn là, thực hiện QCDC gắn với kỷ cương, pháp luật.

Nhà nước là một thể chế dân chủ của xã hội. Bản chất và trình độ của mỗi Nhà nước cụ thể trước hết biểu hiện ở chủ trương, đường lối và pháp luật. Nền dân chủ (bất cứ nhà nước nào) đều phải gắn với một thể chế pháp luật nhất định.

Bên cạnh sự phát triển về các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn bị vi phạm, hoặc lợi dụng tình trạng dân chủ mà vi phạm kỷ cương, pháp luật. Trên địa bàn xã, phường tình trạng vi phạm pháp luật, an ninh trật tự vẫn còn là vấn đề vướng mắc, cản trở QCDC phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thực tế, trong đó có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn vi phạm kỷ pháp luật. Dân chủ phải bao gồm cả hai mặt: quyền lợi và nghĩa vụ. Phải gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với kỷ cương, pháp luật, gắn với những quy ước, hương ước, phù hợp với từng địa phương.

Năm là, định kỳ tổng kết thực tiễn việc thực hiện QCDC ở cơ sở

Sơ kết, tổng kết thực tiễn để kịp thời đúc rút những bài học kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện QCDC ở cơ sở; đồng thời cũng để biểu dương những việc làm tốt, phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm hay, điển hình, tiên tiến; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Hồ Chí Minh đã nói: Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại những công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Đó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi phòng trào cách mạng phát triển.

 

Xây dựng và thực hiện QCDC ở xã, phường là một thành tố quan trọng nhằm không ngừng phát huy nền dân chủ XHCN, góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu và động lực cơ bản, trực tiếp của quá trình đổi mới ở nước ta hiện nay. Đây là sự tìm tòi, sáng tạo, bổ sung vào kho tàng lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị 30 CT/TW “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” (1998).

 

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI (2011)

Th.S. Nguyễn Thị Linh Huyền

Quá trình hình thành và phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam

 

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

 

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944.

Khi mới thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 

Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trong chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954.

Thời gian từ năm 1945 đến năm 1954 là thời kỳ phát triển vượt bậc cả về số lượng và khả năng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng khởi nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 07 tháng 05 năm 1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Nhân dân Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của quân đội thời kỳ này là vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 15 tháng 02 năm 1961, Quân Giải phóng miền Nam, lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc. Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, lập nên những kỳ tích mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972; kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước.

 

Xe tăng Quân Giải phóng miền Nam tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam lại cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam vừa mới kết thúc thì chế độ diệt chủng do Pônpốt cầm đầu ở Cămpuchia đã kích động hận thù dân tộc, tiến hành chiến tranh xâm lấn ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Chúng gây ra nhiều cuộc thảm sát man rợ với nhân dân Việt Nam sống dọc biên giới, đồng thời thực hiện chính sách diệt chủng đối với nhân dân Cămpuchia. Đứng trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, ngày 23 tháng 12 năm 1978 Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược, đập tan cuộc tiến công của quân đội Pônpốt. Sau đó, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân và Mặt trận dân tộc cứu nước Cămpuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng vũ trang Cămpuchia, đánh tan 21 sư đoàn quân Pônpốt, xoá bỏ chế độ diệt chủng tàn bạo.

 

Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia xây dựng cuộc sống mới (ảnh: Tư liệu)

Bước vào thời kỳ hoà bình xây dựng đất nước, các thế hệ sĩ quan, chiến sĩ quân đội vẫn kế tiếp nhau phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, luôn làm đúng chức năng của một đội quân chiến đấu, một đội quân công tác, một đội quân sản xuất, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Thực hiện chức năng là một đội quân công tác, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn giữ vững mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Là một trong các lực lượng nòng cốt tham gia công tác vận động quần chúng, các đơn vị quân đội đã tích cực thực hiện công tác dân vận. Quân đội cũng tích cực tham gia xoá đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tình thần cho các tầng lớp nhân dân.

 

Quân đội tham gia mở đường Hồ Chí Minh góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệ hoá, hiện đại hoá đất nước.

Là một đội quân sản xuất, các đơn vị trong toàn quân đã tận dụng mọi tiềm năng lao động, đất đai, kỹ thuật... để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn sản phẩm bổ sung tại chỗ, góp phần giữ ổn định và cải thiện đáng kể đời sống bộ đội. Các nhà máy, xí nghiệp của quân đội đã sản xuất được các loại vũ khí, khí tài phù hợp với yêu cầu tác chiến hiện đại, đáp ứng các yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội. Nhiều đơn vị làm kinh tế của quân đội đã sản xuất và kinh doanh có hiệu quả, trở thành các tổ chức kinh tế lớn của đất nước, đi đầu trong kết hợp kinh tế với quốc phòng, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước. Các doanh nghiệp quân đội đã tham gia nhiều dự án công trình trọng điểm của quốc gia như đường Hồ Chí Minh, đường dây 500 KV Bắc - Nam, dịch vụ dầu khí và nhiều công trình thuỷ điện lớn như Sông Đà, Drây H’ling. Hiện có 98 doanh nghiệp quân đội đang tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế như dịch vụ bay, dịch vụ cảng biển, viễn thông, công nghiệp đóng tàu... Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của các doanh nghiệp này ngày một tăng.

Thực hiện chức năng cơ bản là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia của đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức theo hướng tinh gọn, được trang bị các loại vũ khí, khí tài hiện đại cần thiết, thực hiện huấn luyện thường xuyên, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam có lực lượng thường trực gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với tổng quân số khoảng 450.000 người và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người. Bộ đội chủ lực là thành phần nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm lực lượng cơ động của các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, bộ đội chủ lực của quân khu và bộ đội chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh các đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu còn có hệ thống hoàn chỉnh các đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; các học viện, viện nghiên cứu, các trường đào tạo sĩ quan và trường nghiệp vụ các cấp.

 

Sưu tầm - Th.s: Giang Quỳnh Hương